Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (33)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 4: Từ tháng 02-1950 đến tháng 6-1950  TRÊN ĐƯỜNG RỜI KHỎI MIỀN NAM TRUNG HOA (33)

A) Trên đường rời khỏi miền Hoa Nam Trung Hoa (33) 

Mọi thứ chuẩn bị xong, chúng tôi tìm tới hãng xe đò để hỏi tin tức về ngày đi, và được họ cho biết là chưa tính vì tình hình an ninh lộ trình chưa bảo đảm, và chỉ khi nào Huyện thông báo cho đoàn xe hộ tống mới được di chuyển.Thế là chúng tôi phải ở nán lại ít hôm để chờ đợi. Được hai ngày thì vào buổi sáng, một đoàn quân Trung Cộng từ hướng Huyện Bình Dỉ đổ tới. Hỏi ra thì được biết, đoàn quân đó sau khi tới vùng ngoại vi thành phố Côn Minh, thì được lệnh trở lại miền Bắc. Đơn vị này thuộc lực lượng của Tướng Lưu bá Thừa, Chỉ huy Đệ tứ Dã chiến quân. Thay vì di chuyển bằng xe thì họ đã đi bộ, có lẽ vì thiếu phương tiện. Do đó, họ lại tiếp tục đi tới Quế Dương. Thấy vậy, chúng tôi hội ý, và cùng quyết định đi bộ theo họ, vì ở lại rất tốn kém. Lúc đó, trừ hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường gần bốn mươi tuổi, còn ba chúng tôi mới ngoài hai mươi, nên đi bộ không thành vấn đề, nếu có lo thì chỉ lo cho hai anh có tuổi không đi bộ nhiều như chúng tôi. Anh Hoàng Tường, đại diện chúng tôi đề nghị viên sĩ quan chỉ huy đoàn quân cho phép chúng tôi tháp tùng.

Kết quả như ý, và cứ mỗi buổi sáng lúc lờ mờ sáng là chúng tôi sẵn sàng ngồi đợi ở đầu đường. Đi được độ một, hai ngày, thì chúng tôi quen dần với đoàn quân và cả cấp chỉ huy. Viên sĩ quan chỉ huy, được biết mang chức vụ “Dình Trang” (Doanh Trưởng hay Trung Đoàn Trưởng) Theo sát ông ta là một lính hầu cận có dắt theo con ngựa để ông ta xử dụng khi cần. Dĩ nhiên là khi xin phép ông ta đi cùng, chúng tôi đã xuất trình tờ giấy phép, và vì thế, ông ta đối xử với chúng tôi như một người yêu nước chân chính là đã trở về VN với Hồ chí Minh. Kế hoạch đi đường của đoàn quân là tùy theo từng chặng có Bản, Xóm, Thị trấn mà ngừng nghỉ. Do đó, có ngày đi từ mờ sáng đến chiều tối mới dừng quân, và có hôm ba, bốn giờ chiều đã nghỉ. Hàng ngày ở các địa điểm ấn định nghỉ đêm, chúng tôi tìm vào một cái quán dùng cơm và ngủ trọ. Thường thì sau khi cơm nước xong, chúng tôi nhờ chủ quán nắm cho năm phần cơm để ăn vào trưa ngày hôm sau. Lộ trình đi, lúc thì trên đường cái lớn, lúc thì theo con đường nhỏ gọi là “xéo lủ”.

Theo “xéo lủ” thí phải leo đồi núi nhiều, nhưng được cái lợi là rút ngắn khoảng đường dài . Có ngày tôi thấy sau khi leo dốc, xuống dốc không ngừng nghỉ, rồi bắt qua đường cái, nhìn cây số chỉ đường thấy rút ngắn được đến mươi mười lăm cây số. Đi như vậy, dĩ nhiên là mệt và mỏi cẳng. Có lần tôi thấy cảnh đẹp quá, kêu hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường quay lại coi, thì hai anh đã bực mình kêu lên là: mệt bỏ mẹ, coi với ngó gì.

Quay đầu lại là cả một vấn đề khi tư thế khom mình leo dốc. Đi cùng với đoàn quân, tôi mới rút ra kinh nghiệm là trước kia thấy lính Lư Hán quấn xà cạp trên dưới như ống tre, bèn cho là Tàu phù. Nhưng hiểu ra thì họ có lý vì quấn xà cạp nhiều như vậy và trên dưới như nhau, thì mới đi bộ được nhiều vì máu không có dồn nhiều xuống chân, hơn nữa mỗi khi tới quán trọ, trước khi ăn cơm, nhà hàng cho mỗi người một thùng nước nóng để ngâm chân, thành ra sau một đêm ngơi nghỉ, sáng hôm sau ra, tôi cảm thấy như bình thường. Kết quả sau chín ngày liên tiếp, chúng tôi đã vượt qua quãng dường dài gần 500 cây số từ Bàn Huyện đền Quế Dương, mà không ai bị đau ốm gì cả.

Khi tới Thành phố, chúng tôi xin phép viên sĩ quan chỉ huy ở lại và cảm tạ sự giúp đỡ của ông ta. Ông Doanh Trưởng có ngỏ ý với ba tên trẻ tuổi chúng tôi là vào đơn vị của ông ta hớt tóc và đi lên miền Bắc. Dĩ nhiên là chúng tôi từ chối khéo. Có lẽ ông ta nghĩ chúng tôi còn trẻ chắc khoái đi đây, đi đó, chứ có biết đây chúng tôi chạy chốn CS dù là CSVN hay Cộng Sản Trung Hoa cũng là một loại cả. Việc đầu tiên là chúng tôi đi tìm chỗ trú ngụ, dù là ngắn hạn, hay dài  hạn. Địa điểm thích hợp với chung tôi lúc đó là vùng ngoại ô Thành phố, vừa dễ tìm nhà, vừa rẻ tiền.

Thành phố Quế Dương tương đối khá lớn, nhưng so với Côn Minh thì không bằng, nhất là về mặt thời tiết và khí hậu. Do Thành phố vừa mới “giải phóng” nên mọi hoạt động vẫn còn tiếp diễn như dưới thời kỳ Tưởng Giới Thạch. Cũng vì vậy mà sự lui tới và mọi sinh hoạt của chúng tôi không bị trở ngại, dòm ngó. Sau ít giờ vừa đi tìm nhà trọ, và quan sát bốn hướng của Thành phố, cuối cùng chúng tôi đóng đô tại cửa Tây, không xa Thành phố bao xa. Chúng tôi thuê được một căn phòng, trên một gác xép không mấy rộng, nhưng cũng đủ cho năm người ăn ngủ mà không cần giường, bàn ghế gì hết, chỉ trải chiếu lên sàn nhà là đủ. Căn gác có hai phòng, bên cạnh do một bà giáo độc thân trú ngụ. Lúc đầu còn xa lạ nhưng sau quen dần và trở nên thân mật.

Có được chỗ nghỉ ngơi rồi, chúng tôi liền đi tìm ngôi nhà Thờ mà ông Cha Cố người Bỉ ở Bàn Huyện chỉ dẫn đến lấy tiền bán đồng hồ Omega và bút máy Paker. Do đó, chúng tôi có hai việc, trước là đưa giấy biên nhận lấy tiền, hai là hỏi han về tình hình đi đứng giữa Quế Dương và Liễu Châu (thuộc Tỉnh Quảng Tây) và tìm sự giúp đỡ để có thể tiếp tục lên đường. Theo tin tức sơ khởi khi đi tìm chỗ ở, thì giữa thành phố Quế Dương và Liễu Châu, tình hình an ninh vẫn còn phức tạp, do các lực lượng võ trang của Chính quyền Tưởng Giới Thạch không chịu đầu hàng, mà rút ra rừng núi tiếp tục chiến dấu và tiến hành thổ phỉ làm cứu cánh tồn tại lâu dài  trong chế độ mới.

Đường thiết lộ giữa Quế Dương và Liễu Châu chưa được thiết lập nên chỉ có phương tiện duy nhất là dùng xe hơi. khoảng cách giữa hai Tỉnh cũng khá xa, phải mất hai ngày, một đêm mới tới nơi. Tìm được ngôi nhà Thờ cũng không khó, vì trong thành phố chỉ duy nhất có một mà thôi. Việc gặp lúc đầu có khó khăn do nhân viên giúp việc nhà Thờ từ chối vì không có lệnh tiếp xúc với người xa lạ. Nhưng sau một hồi giải thích, thuyết phục, người đó mới chịu vào trình cho Cha sở hay. Chờ đợi khoảng năm, mười phút thì chúng tôi được phép vào gặp. Dĩ nhiên là có sự nghi ngại lúc đầu câu chuyện, nhưng dần dà theo sự trình bày của hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường, ông Cha Cố thông cảm và cởi mở hơn. Ông Cha là người Pháp đứng tuổi, khỏe mạnh và tên là Brigier.

Nói chuyện một hồi lâu, ông dẫn chúng tôi vào một căn phòng làm việc, có gắn trên tường một bức bản đồ miền Hoa Nam rất lớn và đầy đủ chi tiết. Ông nói qua về Thành phố, rồi sau tới đoạn đường khởi sự nơi đang ở tới Liễu Châu, cùng với những địa danh ở dọc đường và cuối cùng là tình hình an ninh lộ trình. Ông khuyến cáo chúng tôi nên đợi chờ đến khi nào thật sự hoàn toàn an ninh mới đi, hoặc có hộ tống của Quân đội. Trước khi ra về, ông đã chỉ trả số tiền liệt kê trên biên nhận bằng tiền giấy của chế độ cũ (tiền quan kim) vì chưa có đổi ra tiền mới. Về khoản yêu cầu giúp đỡ của chúng tôi, thì ông ta từ chối khéo vì nhà Thờ đang trong tình trạng khó khăn, tuy nhiên cũng giúp đỡ chúng tôi một tạ gạo ăn tạm qua ngày. Dĩ nhiên là có còn hơn không trong khi đang thiếu thốn. Khi cáo từ ra về, ông Cha Cố không quên hỏi thăm về địa điểm chúng tôi ở.

Sau khi hiểu rõ về tình hình chung, chúng tôi chuẩn bị cuộc sống trong những ngày tạm trú tại Quế Dương, mà không biết thời gian chờ đợi là bao lâu. Việc đầu tiên là mua thêm một bộ đồ cắt tóc thay cho hai bộ đã bị thổ phỉ lấy mất, hai cái ghế mây, một cái gương, một chậu rửa mặt, một ấm đun nước, một tấm cót thay cho vải bạt làm lều. Kế tiếp là tìm một địa điểm thích hợp để căng bạt, lập tiệm. Khi mọi thứ hoàn thành đầy đủ, chúng tôi bắt tay vào việc ngay. Anh Tạo, Phiên và tôi giữ nhiệm vụ hớt tóc, anh Xuân Tùng phụ tá, anh Hoàng Tường lo nội vụ cơm nước ở nhà và đi chợ.

Cuộc sống tạm bợ như vậy coi như tạm ổn. Hàng ngày, chúng tôi kiếm được đủ tiền ăn, tiền nhà và để dư được một chút để chuẩn bị cho những ngày ra đi về sau. Chúng tôi làm việc từ tám giờ sáng cho đến năm, sáu giờ chiều mới nghỉ. Buổi cơm chưa, anh Hoàng Tường nấu mang ra tận chỗ. Buổi tối, anh em xum họp,bàn mọi chuyện, cũng quên đi thời gian chờ đợi. Rồi tới một hôm, sau nửa tháng hành nghề, hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường nhân đi phố thực hiện một vài thứ cần dùng, thì bất ngờ hai anh bị toán ba anh Việt, Chân, Văn (Văn sến) bắt gặp.

Cuộc gặp gỡ bất thần làm cả hai bên vô cùng mừng rỡ, nhất là trên bước đường chạy chốn trong lòng địch (CS). Anh Việt cho biết là ba anh đã từ Côn Minh tới bằng xe đò. Cùng đi còn có ba mẹ con, vợ của một ông Tướng trong quân đội của Tưởng Giới Thạch ở Côn Minh đã ra Đài Loan từ trước. Bà ta tên Lìn (Liên) khoảng ba, bốn mươi tuổi, có hai con, một gái mười tuổi và một trai sáu tuổi. Các anh mới tới được hai hôm và cũng đã thuê nhà trọ ở tạm. Các anh đã đi tìm chúng tôi ngay sau khi được ông Cha Cố cho biết tin tức là trước đó hơn nửa tháng có năm người tới nhà Thờ, gồm hai người đứng tuổi nói tiếng Pháp trôi chảy và biết qua Hán văn và ba người trẻ tuổi. Không hiểu anh Việt có nói dóc không, anh nói là đã nhận ra ngay là hai người đứng tuổi là hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường, còn ba tên trẻ là chúng tôi. Khi ba anh cho ông Cố đạo biết chúng tôi cùng là một nhóm, thì ông ngỏ lời mời chúng tôi lại gặp.

Theo tôi hiểu thì để tránh không muốn hỏi thẳng anh Việt là ba anh khi rời Côn Minh đã có sự liên hệ giấy tờ với tòa Lãnh sự Pháp nên mới có sự tiếp xúc thẳng với nhà Thờ ở Quế Dương để có sự giúp đỡ lúc đi dọc đường. Chúng tôi tới nhà Thờ cùng ba anh, và lần này thì ông Cố đạo Brigier đã tiếp đón chúng tôi niềm nở hơn. Cũng như lần trước, mọi chuyện về tình hình được mang ra bàn luận và cuối cùng ông ta đã giúp toán năm anh em chúng tôi năm mươi vạn quan kim để mua vé xe và lộ phí chi tiêu dọc đường. Số tiền khá lớn vào lúc đó, chúng tôi phải bỏ vào bao bố mới đem đi hết một lúc. Được hưởng một số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng, làm chúng tôi hết sức mừng rỡ. hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường dành riêng cho ba anh em chúng tôi một vạn để tiêu sài. Chúng tôi vào ngay một tiệm ăn sang trọng dùng một bữa cơm thịnh soạn cho bõ những ngày gian nan, cực khổ.

Sau khi có món tiền lớn, chúng tôi tới bến xe đặt mua vé trước đi Liễu Châu và họ cho biết chỉ trong vài ngày nữa sẽ lên đường. Yên trí trở về nhà chờ đợi ngày ra đi. Chúng tôi đóng cửa tiệm và các bàn ghế biếu cho chủ nhà. Ngày ngày, chúng tôi rủ nhau đi dạo phố mà không còn sợ bị Công an hỏi giấy tờ.

Thành phố hoàn toàn gần như không có một người VN nào làm ăn, sinh sống. Cứ cách vài ngày, chúng tôi lại ra bến xe hỏi chủ hãng, thì họ cứ khất lần. Sinh nghi, chúng tôi đi trình công an, cảnh sát, thì sau khi điều tra, thì họ cho chúng tôi biết là chủ hãng xe đã lừa gạt và chỉ trả lại có một phần năm số tiền mua vé.

Thất vọng và chán nản, chúng tôi chẳng muốn làm gì cả. Chúng tôi nhờ anh Việt tới ông Cha Cố trình bày sự việc xẩy ra và đề nghị giúp đỡ. Kết quả không thành vì nhà Thờ cho biết không còn tiền và chỉ giúp thêm một tạ gạo ăn đỡ. Không còn trông mong gì nữa, chúng tôi lại xin ông chủ nhà lấy lại các thứ đã cho hôm trước để tái hành nghề. Sau ít ngày, chúng tôi đã vô tình gặp một người VN cũng từ Côn Minh tới.

Qua sự tiếp xúc, chúng tôi trở nên thân quen, và ông ta thường tới nhà chơi nói chuyện. Ông ta tên Hồ và tự giới thiệu là người liên lạc của Hồ chí Minh. Trong mọi câu chuyện, ông ta đề nghị với anh Xuân Tùng là sẽ làm chiếc cầu để nối lại sự đoàn kết giữa người Quốc Gia và Cộng Sản để tiếp tục chống Thực dân Pháp. Nghe vậy, chúng tôi cũng trả lời khéo để cho qua câu chuyện, vì đang ở trong hoàn cảnh thập phần nguy hiểm. Nhưng qua những mẩu chuyện trao đổi, thì chúng tôi đã có ý nghi hoặc hắn ta là một nhân viên của Phòng Nhì Pháp, hoặc có thể là nhân viên nhị trùng của Pháp và VMCS. Để cụ thể hóa vấn đề đó, một hôm nhân hắn sang tán chuyện với bà giáo ở bên cạnh, chúng tôi liền lần tìm trong chiếc áo vét của hắn mắc trên thành ghế, nhưng không thấy gì ngoài cái thiệp mời của VMCS đi dự lễ chúc Tết kiều bào.

Theo riêng tôi hiểu thì hắn là một con người rất nguy hiểm, quỷ quyệt, khôn lanh rất phù hợp với công tác của một nhân viên tình báo. Thật tình mà nói, thì sự gặp gỡ giữa chúng tôi và anh chàng họ Hồ đã mang lại một may mắn không ngờ. Một hôm, anh ta đến cho chúng tôi hay là anh giới thiệu chúng tôi với một ông chủ xe sắp sửa di chuyển đi Liễu Châu. Khi gặp, ông chủ xe cho biết ông từ Côn Minh mới tới và trên xe có trở theo một gia đình giàu có tìm dường ra Hồng Kông.

Qua trình bày, ông chủ xe chấp thuận với sự đồng ý của gia đình thuê mướn xe. Ông cũng cho biết là ông sẽ dự trù khi tới Liễu Châu, ông sẽ bán chiếc xe, rồi đi Quảng Châu và Hồng Kông. Phải nói rằng ông chủ gia đình nhà giàu thật có lòng tốt và thông cảm hoàn cảnh giống nhau nên không từ chối. Sau này khi ra tới Hồng Kông, chúng tôi đã gặp ông ta trên một đường phố lớn.

Theo chúng tôi hiểu, thì chiếc xe đó đã ẩn dấu nhiều của cải của ông nhà giàu chạy chốn CS. Mọi việc trôi chảy êm thắm, tất cả đều mừng rất lớn và mong mỏi sẽ không có gì trở ngại vào lúc cuối. Chúng tôi cũng không quên cảm ơn sự giúp đỡ của ông bạn Hồ. Chuyến đi sẽ trù liệu và sáng ngày hôm sau, nếu đoàn xe hộ tống của quân đội không mắc công tác khác. Các chủ xe đã được thông báo chuẩn bị sẵn sàng từ chiều hôm trước. Trở về nhà, cũng như hôm trước, chúng tôi dọn hết đồ đạc về nhà ông chủ và cho hay là sáng hôm sau chúng tôi sẽ lên đường. Trường hợp không thấy trở về trong ngày thì mọi thứ coi như của ông chủ. Ông chủ nhà cũng là một người tốt, luôn luôn chúng tôi sớm ra khỏi Quế Dương. Sáng hôm sau chúng tôi dạy rất sớm và đi tới địa điểm ấn định.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt