Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (32)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 4: Từ tháng 02-1950 đến tháng 6-1950  TRÊN ĐƯỜNG RỜI KHỎI MIỀN NAM TRUNG HOA (32)

A) Trên đường rời khỏi miền Hoa Nam Trung Hoa (32) 

Từ Thủ phủ Côn Minh (Vân Nam) qua Quế Dương (Thủ phủ Quý Châu), Liễu Châu (Tỉnh Quảng Tây), Quảng Châu (Tỉnh Quảng Đông) tới Hồng Kông (Nhượng địa Anh Quốc). 

Mặc dù tình hình xáo trộn, quân Trung Cộng đang có mặt tại Tỉnh kế bên, dân chúng Côn Minh vẫn chuẩn bị tổ chức ăn Tết Canh Dần  (2/1950). Các phố xá vẫn không kém phần náo nhiệt, hàng Tết được trưng bày la liệt trong các cửa hàng cũng như chợ búa. Chúng tôi cũng mua về chỗ ở của anh Xuân Tùng nào bánh chưng, kẹo mứt để dùng vào những ngày Tết. Nhưng cuối cùng anh Xuân Tùng đã đề nghị chúng tôi ra đi làm hai toán để dễ bề lẫn tránh và mưu sinh ở dọc đường. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là Hồng Kông, và ước tính có thể mất từ nửa năm đến một năm nếu không có gì bất trắc ở dọc đường, vì chúng tôi phải vượt qua các Tỉnh Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, mà mỗi Tỉnh rộng hơn cả Bắc Việt của VN. Toán thứ nhất gồm các anh Xuân Tùng, Hoàng Tường và Vũ Văn Phiên. Toán thứ hai có anh San, Tạo và tôi.

Theo kế hoạch thì toán một lên đường vào ngày 29 Tết (15/02/1950), toán hai mồng 2 Tết Canh Dần (18/02/1950). Sở dĩ chúng tôi chọn vào ngày đó là mọi người còn bận rộn về Tết.

Chúng tôi ăn Tết vào ngày 28, để toán anh Xuân Tùng ra đi vào ngày 29. Các anh lên tàu ở một ga xép kế cận để đi tới ga chót là Chim Bích, sau đó xuống tàu, hoặc đi bộ, hoặc đi xe tùy tình hình cho phép.

Chúng tôi thay vì đưa tiễn, để tránh mọi sự dòm ngó của mọi người, nhất là người VN, giả dạng rủ nhau đi dạo phố phường coi thiên hạ sắm Tết, và mua một vài thứ cần dùng cho đi đường rồi chia tay.

Một năm cũ trôi qua, một mùa Xuân mới trở lại. Ngày mồng một Tết năm Canh Dần (17/02/1950), chúng tôi đi dự lễ Tết đồng bào do VMCS tổ chức, làm như không có việc gì xẩy ra cả. Buổi lễ rất đông, phần lớn là các kiều bào đã làm ăn sinh sống lâu năm ở Côn Minh. Tôi nhận thấy có một số anh em Việt Quốc tham dự. Trong căn phòng rộng, cờ đỏ sao vàng được treo đầy ở hai bên hành lang. Trên tường, phía sau bục diễn đàn là ba bức chân dung lớn của ba lãnh tụ CS Trung Hoa, Liên Sô và Việt Nam: Mao trạch Đông, Staline và Hồ chí Minh. Diễn tiến của buổi lễ cũng vẫn là những bài diễn văn chúc Tết và ca tụng các lãnh tụ Cộng Sản. Hôm đó trong phần phát biểu, có một đảng viên VNQDĐ lên diễn đàn. Trước khi ngỏ lời, anh đã cúi đầu chào các lãnh tụ, nhưng vì qua thái độ quá khiêm tốn nên trở thành châm biếm khiến một số người không nhịn được cười ồ. Hành động đó làm các tên cán bộ VMCS tức tối ra mặt.

Tôi không hiểu anh đảng viên VNQDĐ do thiệt tình hay cố ý làm ra như vậy để ngầm chế diễu, mọi người nghĩ rằng anh cố ý chế diễu. Theo tôi được biết thì sau buổi họp đó, anh đã bị VMCS bắt đi giam. Dĩ nhiên sẽ lãnh đủ đòn thù của CS. Ngày mồng một Tết trôi đi trong an lành. Tối hôm đó, ngồi sưởi bên lò than hồng, tính chuyện cho ngày hôm sau, anh Cung thành San, trong khi đang lo sấy chiếc áo khoác bị ướt, đã vô ý đánh rớt vào ngọn lửa, làm cháy sém mất một vai áo. Chúng tôi cho đó là một điềm không tốt trước khi lên đường, rồi bèn mang tuổi ra coi bói. Anh Tạo và tôi sinh năm Thìn, mang con Rồng, mà Rồng đối với năm Canh Dần (con cọp) thì chẳng ăn thua gì. Một con ở trên trời, một con ở dưới đất. Riêng anh San sinh năm Mùi, mạng con Dê, tôi đùa anh là tiêu rồi, vì dê mà gặp cọp thì hết đường đường chạy rồi. Thấy vậy, anh San chỉ cười, không nói gì. Nhưng không ngờ, chỉ đoán chơi cho vui ngày đầu Xuân lại trở thành sự thật, vì anh San đã bị thổ phỉ bắn chết trên lộ trình đi.

Sáng mồng hai Tết, sau khi ăn bận thật đàng hoàng, như đi thăm chúc Tết người thân, chúng tôi rời bỏ căn nhà đã để lại bao kỷ niệm của những ngày sống lưu vong ở Côn Minh. Không như toán trước của anh Xuân Tùng, lên đường phải tới nhà ga nhỏ để tránh tai mắt của CS, chúng tôi tới thẳng nhà ga Côn Minh. Vào những ngày Tết, nhà ga không kém phần nhộn nhịp, kẻ xuôi, người ngược rất tấp nập, chen chúc nhau mua vé. Cái may mắn là hai đoàn tàu xuôi ngược lại khởi hành gần như một lúc. Tại sân ga có nhiều người Việt, tôi đoán chừng trong đó có cán bộ VMCS. Để tránh nghi ngờ, ai hỏi, chúng tôi cũng nói là đi Khai Viễn ăn Tết. Để sẵn sàng đáp sang đoàn tàu chạy ngược đi Chim Bích, trên lộ trình đi sang Quí Châu, chúng tôi ngồi sẵn trên tàu đi Khai Viễn. Nhưng khi đoàn tàu chạy ngược chuyển bánh thì chúng tôi nhẩy sang, vì hai đoàn tàu đỗ cạnh nhau. Mọi sự đều diễn ra êm đẹp như mong muốn.

Đoàn tàu chạy qua những bản, làng, đồi núi trong ngày đầu Xuân lạnh giá, mưa lất phất bay. Hai bên đường, những hàng cây hoa đào đỏ thắm như đón chào một năm mới tốt đẹp cho mọi người. Trước cảnh đẹp, tôi cảm thấy hứng khởi, ca sẻ bản nhạc “Lên đường” của Nhạc sĩ Hoàng Giác, là “năm năm theo tiếng gọi lên đường…..”. Đường đi quả là dài, đòi hỏi nhiều phấn đấu, quyết tâm và cũng nhờ may mắn nữa. Tàu càng ngược lên phía Bắc, thì trời càng lạnh và gió thổi mạnh. Khoảng năm giờ chiều thì đoàn tàu từ từ tiến vào sân ga Chim Bích, là ga cuối cùng của con đường hỏa xa Hà Nội-Côn Minh do Thực dân Pháp xây dựng mấy chục năm về trước. Nhà ga vắng lặng, lèo tèo vài ba người, có lẽ chỉ có mấy chúng tôi là khách cuối cùng. Ra khỏi nhà ga là một dãy phố, nhà cửa đóng im lìm, vì là ngày Tết. Riêng chỉ có một vài cửa hàng ăn là mở cửa, có lẽ để tiếp khách phương xa lỡ đường. Trời lạnh buốt căm căm, mưa bụi bay trong gió lại càng tăng thêm vẻ lạnh lẽo của một buổi chiều mùa Đông.

Chúng tôi vào đại một cửa hàng ăn để tránh mọi dòm ngó của thiên hạ. Chúng tôi đặt cơm chiều và xin ông chủ hàng cho tạm trú trong đêm. Sau đó, chúng tôi tới gần đầu phố vì khi đi ra khỏi nhà ga, tôi đã nhìn thấy hai chiếc xe tải lớn đang đậu ở lề đường. May mắn là khi gặp người chủ xe thì họ bằng lòng cho chúng tôi đi quá giang với điều kiện mỗi người phải đóng hai đồng bạc hoa xòe để được chở tới Huyện Bình Dĩ, nằm trong ranh giới Tỉnh Quý Châu. Chúng tôi đồng ý ngay mà không cần mặc cả, vì lúc đó chúng tôi chỉ muốn thoát khỏi lãnh thổ Tỉnh Vân Nam càng sớm càng tốt. Chúng tôi nộp tiền trước và cho họ biết là chúng tôi ăn ngủ ở cửa hàng ăn,để sáng hôm sau có gì họ kêu.Yên trí trở về hàng ăn, chúng tôi đã dùng một bữa cơm thật ngon lành và đi ngủ sớm để sáng hôm sau tiếp tục lên đường.

Cả ngày ngồi trên tàu mệt mõi hay sao mà chúng tôi ai cũng đều ngủ say như chết. Sáng hôm sau, choàng tỉnh dậy thì trời đã sáng tỏ, mà cũng chẳng thấy người chủ xe kêu gọi gì cả. Chúng tôi vội vàng thu xếp hành lý rồi chạy lại chỗ đậu xe, thì ôi thôi, chiếc xe đã đi mất dạng. Vừa tức cho mình, vừa giận tên chủ xe xảo trá. Chúng tôi chỉ còn nước đi bộ, nhưng oái ăm thay là mấy bữa nay thời tiết quá xấu. Trời lạnh buốt và ẩm thấp, sương mù.

Quay về nhà trọ, chúng tôi hỏi thăm ông chủ nhà về phương tiện di chuyển, thì được ông giới thiệu tới một chủ nhà có xe ngựa cho thuê. Sau khi ngã giá, mỗi người trả một đồng hoa xoè, chúng tôi chuẩn bị lên đường.

Chiếc xe ngựa không có mui, phía trước có một chiếc ghế dài cho người xà ích (người cương ngựa) và người phụ giúp ngồi, còn đàng sau cũng có một chiếc ghế cho khách. Lúc đầu tôi thấy người con trai ông chủ tính đi cùng, nhưng sau đổi ý để ông già đánh xe. Trước khi đi, chúng tôi mua ít pháo đùng để ngụy trang thay súng nếu cần. Anh Tạo mặc bộ áo xường xám cho vẻ người Tàu, anh San lận con dao găm. Khi thấy người con trai của ông già định đi, chúng tôi đã e ngại ở dọc đường hắn có thể làm bậy. Anh San thấy vậy đã trấn an là anh đủ sức thanh toán tên đó nếu cần. Anh San khi còn hoạt động ở trong VNQDĐ chuyên trách tổ ám sát.

Theo dân chúng đồn đại thì Tỉnh Quý Châu, thổ phỉ hoạt động gần như công khai. Chúng có thể giết người lấy một vài cắc bạc còn hơn là lên núi kiếm củi, thành thử bọn tôi xử dụng xe ngựa đi đường quả là liều mạng, nhất là trong những ngày đầu năm, thời tiết xấu ít ai qua lại để can hiệp. Sau cùng chiếc xe ngựa cũng lăn bánh. Anh San ngồi cạnh ông già cầm cương ngựa. Anh Tạo và tôi ngồi phía sau. Để chống lạnh và sương gió, chúng tôi lấy mền chùm kín người, chỉ để hai con mắt trông chừng hai bên đường. Con đường từ ga Chim Bích đến Quế Dương, Thủ phủ của Quý Châu không đến nỗi tồi lắm. Tỉnh Quý Châu là một Tỉnh mà đồi núi chiếm đến ba phần tư đất đai, nên con lộ được xây băng qua các đồi núi chập chùng, người thưa, nhà ít nên rất vắng vẻ. Tỉnh Quý Châu được coi như là tỉnh nghèo nhất của miền Hoa Nam. Cũng vì nhờ địa thế hiểm trở nên thổ phỉ dễ bề hoạt động, quân lính Chính quyền chỉ còn nhắm mắt làm ngơ.

Chiếc xe ngựa chậm chạp lăn bánh dưới bầu trời u ám, lạnh giá. Huyện Bình Dĩ thì còn xa, đường thì dài, nên trước cảnh ông già chậm rãi cho ngựa đi từng bước, anh San đã nói ông già ngồi sang bên để anh cầm cương. Từ đó con ngựa lồng lên và cỗ xe chạy phăng phăng. Hai bên đường, sương phủ lên nền cỏ trắng xóa như tuyết rơi, các giây điện đứt ra từng đoạn làm gián đoạn mọi liên lạc giữa Côn Minh và Quế Dương, khiến chúng tôi càng yên tâm hơn trên bước đường chạy chốn.

Quân tiền phong của Trung Cộng đã có mặt tại Quý Châu và trong lãnh thổ Vân Nam. Phải nói rằng cảnh tượng lúc đó quả là đẹp. Một cỗ xe, một con ngựa, trên là ba chàng thanh niên và một ông già, trên con đường núi quanh co, vắng vẻ, sương rơi phủ đầy trời. Cũng chỉ vì thời tiết lạnh giá, và lại vào ngày đầu năm, nên vắng bóng thổ phỉ suốt đoạn đường đi. Trời về mùa Đông, nên bóng tối cũng xuống rất nhanh. Năm giờ chiều mà như tám, chín giờ tối. Ngựa đã thấm mệt, nên cỗ xe giảm dần tốc độ. Chúng tôi đã thấy một vài ánh đèn le lói sau các rặng cây bên đồi. Hỏi ông già thì cứ lặng câm không nói, nhiều lúc bực tức quá, chúng tôi muốn cho ông già xuống suối. Ánh đèn lúc ẩn, lúc hiện.

Con đường cứ vòng vèo theo chữ chi, có lúc tưởng đã tới đích, rồi ánh đèn lại mất hút trong đêm tối mịt mù. Cuối cùng thì chúng tôi tới đích. Đường vào Huyện, ánh đèn sáng tỏ từ một cửa hàng ăn, phía trước có một đoàn xe đậu bên đường chừng năm,sáu chiếc. Để tránh lộ hình tích, chúng tôi ngừng xe ở khoảng tối, trả tiền nốt cho ông già, rồi dạo bước dấu mình trong bóng tối hàng cây bên đường tới dãy hàng ăn ở đầu Huyện.

Trời tối lại lạnh, nên không ai phát hiện sự lui tới của chúng tôi. Tới cửa hàng ăn, tôi nhận ra chiếc xe mà tôi định tháp tùng vào buổi sáng sớm. Người chủ xe thấy chúng tôi bước vào hiệu, trố mắt nhìn sững, tưởng chúng tôi mới ở trên trời rơi xuống. Hắn hỏi chúng tôi tới bằng gì, thì được trả lời là đi bộ, vì tức hắn không gọi khi đã lấy tiền trước. Chúng tôi bèn đòi tiền lại và thuê buồng nghỉ tạm một đêm rồi tính sau để tránh sự kiểm xoát của chính quyền địa phương, nên ăn uống xong, chúng tôi vào phòng nghỉ ngay. Sáng ra liên lạc với chủ xe thì họ cho biết chưa thể đi được vì đợi đường tan tuyết.

Trong khi chờ đợi không làm gì, chúng tôi đi dạo phố phường để xem các anh thuộc toán trước có mặt ở đó không, vì theo chỗ chúng tôi đoán thì với thời tiết và phương tiện nghèo nàn, thì các anh ấy không thể nào đi quá Huyện Bình Dĩ, nơi mà chúng tôi đang dừng chân. Đi loanh quanh một hồi không thấy gì, chúng tôi trở lại nhà trọ, thì ngay lúc sắp sửa bước vào nhà, thì bỗng nhiên một tiếng ho đằng hắng khác thường ở trên lầu tòa nhà bên cạnh, khiến chúng tôi ngờ ngợ ngững mặt lên coi. Một bất ngờ không mong đợi, là trên lan can, anh Hoàng Tường đứng dơ tay và làm hiệu im lặng. Thật là vui mừng, vì những tưởng khó mà có thể gặp nhau lại, khi còn trên đất Trung Cộng.

Với sáu anh em, trên đường bôn tẩu quả là khó khăn lẫn tránh, khó tìm phương tiện và làm ăn, nhưng ngược lại với số đông thì mọi sự giúp đỡ, tương trợ dễ dàng hơn, nhất là về mặt tinh thần và tâm lý. Bởi vậy mọi tính toán là một chuyện, mà thực tế xẩy ra lại là một chuyện khác, nhất là sau khi rời Bình Dĩ, mọi chuyện đã xẩy ra ngoài sự ước đoán. Ngày gặp lại nhau đã là mồng bốn Tết Kỷ Sửu (21/02/1950). Theo chủ xe thì họ dự trù lên đường vào ngày mồng sáu. Thế là chúng tôi có ba ngày nghỉ ngơi ngoài sự mong muốn, vì lẽ chúng tôi chỉ muốn tranh thủ thời gian, càng sớm thoát ra khỏi vòng kiểm soát của Trung Cộng càng tốt bấy nhiêu, hơn nữa lộ trình còn quá dài. Tuy nhiên với Tỉnh Quý châu thì chúng tôi cũng đỡ lo, vì không có người VN sinh sống làm ăn, nếu có thì chỉ ở Thủ phủ Liễu Châu và Tỉnh Nam Ninh thuộc Tỉnh Quảng Tây cũng như Quảng Châu của Tỉnh Quảng Đông.

Vào buổi chiều cùng ngày, chúng tôi lên trên phòng gặp các anh trò truyện và mới biết mọi việc xẩy ra trên đoạn đường đi của toán thứ nhất. Cũng như chúng tôi, con tàu chuyên trở các anh đã ngừng lại ở ga cuối cùng. Các anh tính ngủ lại qua đêm trên tàu, vì trời đã về chiều, lại là ngày cuối năm, khó mà tìm ra chỗ ngủ đêm. Nhưng rồi cũng phải ra khỏi ga, vì có một số lính Trung Cộng đang ăn nằm ở đó.

Ra khỏi nhà ga, các anh dạo bộ đi khỏi dãy phố, vì sợ lộ không dám vào nhà trọ, và đi chừng mấy cây số thì các anh tới một xóm nhà gần bên đường. Trời lạnh, màn đêm sắp buông xuống, các anh đánh liều vào gõ cửa một ngôi nhà tương đối khá giả hơn để xin tá túc, và kết quả được ông chủ nhà chấp thận. Các anh được dành cho một gác xép trong vài ngày Tết. Nhờ sự cắt tóc cho gia chủ nên được đối đãi ân cần, ngoài ra còn húi ủng hộ cho một cán bộ CS trong một toán quân đang dừng chân trong khu vực. Do đó, ông này đã giúp đỡ lại bằng cách chặn chiếc xe đò mà chúng tôi đã đóng tiền ngày hôm trước, để nhờ chở đi Quế Dương. Như vậy là các anh đã tạm trú tại đó từ chiều ngày 29 đến sáng mồng 3 Tết.

Sáng ngày mồng Sáu tết (không hiểu có phải xuất hành vào giờ sát chủ hay không) trời tạnh ráo, có chút ánh sáng mặt trời ló dạng, tuyết rơi trên đường đã tan dần, chúng tôi, toán nào vẫn đáp chiếc xe đó. Xe tôi chạy trước, các xe đều chuyên chở muối, loại muối mỏ đánh thành cục tròn nặng chừng hai mươi ký. Trên xe chỉ có một tài xế chính và một phụ, phía sau là một ghế dài ngay sát mui xe, dành cho chúng tôi ngồi. Xe chở khá nặng, chạy không nhanh lắm, nhất là lúc lên dốc.

Quang cảnh trên lộ trình di chuyển thật vắng lặng, không một chiếc xe nào chạy ngược chiều, hai bên đường là rừng núi, không một bóng nhà, quả là thuận lợi cho hoạt động của thổ phỉ. Khoảng hai, ba giờ chiều gì đó, trong khi chiếc xe của chúng tôi từ từ bò lên dốc cao, thì bỗng nhiên một loạt súng nổ cho xe ngừng lại. Anh Tạo và tôi chưa kịp phản ứng gì, thì anh San ngồi cạnh tôi ở phía trái đã lao người xuống sàn xe. Cùng lúc đó tôi nhìn thấy một tên thổ phỉ, ăn mặc binh phục, đứng trên một mô đất cao ở bên lề đường nổ súng. Sau tiếng súng, tôi vội lao theo anh San, thì than ôi, viên đạn oan nghiệt đã bắn trúng tim anh San nằm bất động, miệng ứa đầy máu. Cũng may là hắn chỉ nổ một phát súng, nếu không thì hai chúng tôi còn lại sẽ không thoát khỏi, một là chết, hai là bị thương. Chết thì không nói làm gì, chứ bị thương thì không biết tính sao, dĩ nhiên là không thể tiếp tục lên đường được.

Khi chiếc xe ngừng lại, thì một toán thổ phỉ ào ra, nhẩy lên xe lục lọi và lấy muối mang đi. Hai chúng tôi được lệnh xuống xe và chúng lục xoát khắp người. Thấy không có gì, chúng lột chiếc mền mà cúng tôi đang quàng tránh rét. Hai túi đồ nghề cắt tóc, chúng tôi dấu ở dưới những cục muối, chúng cũng lấy đi mất. Chỉ có điều là may mắn chúng không lần kỹ quần áo mặc, nếu không thì mấy chiếc nhẫn vàng dấu ở dưới gấu quần lót sẽ mất tiêu.

Chúng tôi đã tính là chúng lột bỏ quần áo ngoài thì ít ra chúng cũng để lại bộ quần áo lót cho chúng tôi mặc. Việc đánh cướp chỉ diễn ra mươi mười lăm phút, và sau đó chúng rút chạy lên núi cao mất dạng.

Theo dân chúng cho biết thì chúng thuộc quân Lư Hán hoặc Tưởng Giới Thạch, nên súng ống trang bị rất đầy đủ. Đúng là được làm Vua, thua làm giặc ở đất Trung Hoa là vậy. Ít phút sau thì xe của anh Xuân Tùng lên tới và được chúng tôi nói rõ sự việc diễn tiến. Chúng tôi đề nghị với chủ xe để nguyên thi thể anh San ở trên xe để về Bàn Huyện cách khoảng hai, ba chục cây số gì đó, báo cáo cho Chính quyền địa phương hay. Khi đoàn xe tiếp tục chuyển bánh, thì một đoàn xe chở đầy binh lính Trung Cộng từ hướng Huyện Bình Dĩ chạy tới và dừng lại.

Sau khi báo cáo sự việc, thì toán quân được lệnh truy kích về hướng thổ phỉ vừa rút chạy. Tôi chắc là không kết quả vì chúng đã rút chạy khá xa, vả lại rừng núi hiểm trở khó bề bao vây…

Vào gần chiều tối, thì tới ngoại vi Thị trấn. Chủ xe bảo chúng tôi khiêng xác anh San xuống xe ở kế cận một bãi trống khá rộng chạy dài vào tới gần chân núi. Xem ra thì là một bãi tha ma, không phải nghĩa địa, ai muốn chôn cất chỗ nào tùy ý, không có ai trông nom gì cả. Tuy nhiên ở giữa bãi có một căn nhà nhỏ, quét vôi trắng dùng để quàn xác trong khi chờ đợi để chôn. Các anh chỉ định tôi ở lại trông nom xác anh San và xem có các giấy tờ gì quan trọng liên hệ đến Quốc Dân Đảng Trung Hoa thì đốt hết. Khi đó chúng tôi chỉ có một thẻ kiểm tra do Chính quyền Côn Minh cấp, trên có dấu ấn hình thanh thiên bạch nhật, Quốc kỳ của Trung Hoa Quốc Gia. Còn lại, các anh đi tiếp vào Huyện báo cáo cho quan chức địa phương  rõ sự việc.

Ở lại một mình, bên xác người bạn trên một bãi vắng tanh, gió lạnh thổi ào ào, xa xa tiếng hú của chó sói vang vọng mà thấy rợn cả người, mặc dù đã sống ở trong rừng núi âm u đã lâu ngày. Hơn một tiếng sau thì các anh trở lại và cho biết là đã trình báo, và sáng hôm sau tới văn phòng Huyện để làm việc. Chúng tôi khiêng xác anh San để vào căn nhà trắng, đốt hương, nến (mua ở trong Huyện) rồi đóng cửa thật kỹ để hầu tránh chó sói mò tới tha xác đi. sau khi mọi việc hoàn tất, chúng tôi trở về nhà trọ, và ai cũng đều lo nghĩ rồi đây sự việc sẽ ra sao. Bữa cơm tối chỉ còn năm người chẳng làm chúng tôi vui chút nào. Đường còn dài, biết còn bao nhiêu trở ngại xẩy ra nữa. Thôi thì cũng phó thác cho may rủi, đến đâu hay tới đó, làm sao tính trước được.

Sáng hôm sau, chúng tôi tới văn phòng Huyện vào lúc đầu giờ làm việc và được tiếp ngay. Ông Chủ tịch Huyện là một người to lớn, tương đối còn trẻ và mang tên họ Mao. Ông tiếp chúng tôi rất ân cần và mở đầu câu chuyện bằng xin lỗi chúng tôi về tai nạn xẩy ra mà Huyện đã không giữ tròn trách nhiệm bảo vệ an ninh cho dân.

Theo lời yêu cầu của chúng tôi, ông đã vui vẻ cấp một cỗ quan tài, một toán đào huyệt và một thày tu hành lễ chôn cất, cùng các thứ như hương, nến…Về giấy tờ đi đường, chúng tôi khai đã bị thổ phỉ lấy đi hết cùng với quần áo tiền bạc. Các thứ sau, ông từ chối vì Chính quyền mới thành lập còn thiếu thốn. Riêng về giấy tờ thì ông không ngần ngại cấp ngay. Có giấy tờ hợp pháp trong tay, chúng tôi quá sức vui mừng. Trên giấy cấp, tôi thấy có hàng chữ ghi “phản quốc” có nghĩa là “hồi hương”. May thay là ông CS Trung Hoa chứ không phải là VMCS, mà ghi hai chữ trên thì quả là hết đường. Khoảng gần trưa thì mọi việc tang lễ hoàn tất, chúng tôi cùng với toán đào huyệt khiêng quan tài anh San ra nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi đã để anh nằm quay mặt về hướng Nam. Anh Cung thành San mất vào lúc ba giờ chiều ngày mồng Sáu Tết Kỷ Sửu (23/02/1950), năm kỵ với tuổi của anh mà anh Tạo và tôi đã vui đùa trong khi tán dốc, không ngờ mà lại đúng như thật. Sau này trở về nước, cứ vào ngày trên, anh Hoàng Tường và chúng tôi lại tề tựu làm giỗ anh và nhắc lại chuyện xưa.

Cái chết bất ngờ của anh San trên đường chạy chốn CS làm chúng tôi mất đi một chiến hữu đầy nhiệt tình, năng nổ và tháo vát. Đến bây giờ và mãi mãi cái chết của anh vẫn hiện ra như in trong tâm tư tôi mỗi khi quay về dĩ vãng xa xưa của những ngày trên bước đường chiến đấu cho tổ quốc đầy gian truân. Cái chết của anh thật là xui mà cũng thật là may, vì nhờ đó mà chúng tôi có được giấy tờ hợp lệ, không còn lo âu những lúc đi đường nữa.

Trên giấy phép trở về nước, còn có sự kêu gọi mọi sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nên mọi nơi mà chúng tôi đi qua hầu được giúp đỡ. Tôi không hiểu có duy tâm hay không, chứ từ lúc anh San mất đi, chúng tôi luôn gặp may và thời gian trù liệu hàng năm mới tới được Hồng Kông , thì ngược lại thì chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, chúng tôi đã tới đích một cách êm xuôi.

Sau khi chôn cất anh San đâu vào đó, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị cho ngày lên đường. Từ Bàn Huyện tới Quế Dương, Thủ phủ của Tỉnh Quý Châu, đường xa khoảng 500 cây số. Do đó, chúng tôi phải tính tới phải bán một ít vật dụng để có thêm tiền mua vé xe nếu cần, hoặc sắm thêm bộ đồ cắt tóc. Anh Xuân Tùng hy sinh chiếc bút máy Parker, anh Hoàng Tường cái đồng hồ Omega. Nhưng vấn đề phát mại là ở đâu.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra kết luận là tìm tới ngôi nhà Thờ do người ngoại quốc trụ trì, vì chúng tôi nghĩ là ở đó sẽ có nhiều tin tức có lợi cho kế hoạch lên đường và may ra họ có thể mua mấy thứ có giá trị mà chỉ riêng họ mới biết. Qua dò hỏi dân chúng, chúng tôi đã tìm tới được ngôi nhà Thờ như mong muốn. Nhà Thờ này thuộc Thiên chúa giáo. Khi gặp mặt, ông Cha là một người Bỉ, cỡ trung niên, thái độ trầm ngâm ít nói. Phải chăng còn nghi kỵ chúng tôi không biết thuộc thành phần nào, cộng sản Việt Nam, dân thường hay người Việt Nam Quốc Gia. Trong khi tiếp súc, chúng tôi vẫn giữ kín xuất xứ. Do đó, ông Cha chỉ nói chuyện một cách chung chung không đả động gì đến chính trị cả. Chúng tôi dùng tiếng Pháp để trao đổi chuyện trò. Cuối cùng ông đồng ý mua hai thứ chúng tôi bán, nhưng viết giấy chứng nhận để chúng tôi tới Quế Dương thì lại nhà Thờ ở đó lấy tiền.

Còn về tình hình đường đi nước bước, ông chỉ cho chúng tôi trên bản đồ và lưu ý đường xá nguy hiểm, không an ninh. Như vậy là cuộc gặp gỡ, nói chung có phần thuận lợi. Sau này khi rời khỏi Quế Dương cũng như Quảng Châu, tôi mới hiểu ra là ông Cha người Bỉ ở Bàn Huyện, thay vì trả tiền mặt ngay, ông ta lại viết giấy nợ, là có ý chỉ dường khéo cho chúng tôi liên lạc với nhà Thờ ở Quế Dương. Đó là một đường giây có tính cách chính trị để giúp đỡ, yểm trợ cho những phần tử Quốc Gia còn bị kẹt trong vùng CS kiểm xoát trốn thoát ra vùng Tự Do.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt