Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (30)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 3: Từ tháng 02-1948 đến 02-1950. TRÊN ĐƯỜNG SỐNG LƯU VONG TẠI TRUNG HOA (30)
Trên đương sống lưu vong tại Trung Hoa (30)
Dù sao cái Tết năm đó cũng thi vị hơn hai cái Tết trước với đầy bệnh tật và thiếu thốn. Ngày đó tuy không đầy đủ như ở quê nhà, chúng tôi vẫn có bánh chưng xanh (mua tại hiệu VN trên phố) có trà tàu, mứt gừng và bánh đậu xanh. Còn cơm nước thì thịt, rau sào hai ba món chứ không đến nỗi phải ăn cơm nếp, nhìn hoa mai nở ngoài trời như Tết ở Hoang Thiền, một cái Tết buồn đau nhất trong cuộc đời…Ra Tết, anh Xuân Tùng tổ chức một lớp bổ túc về chính trị tại Khai Viễn. Công việc làm bánh đậu vẫn tiến hành như thường lệ. Anh Hoàng Tường và anh San ở lại. Lớp học dự trù một tháng và đề tài thảo luận là chủ thuyết Mác-Xít và Dân Chủ Tự Do. Anh Xuân Tùng và anh Ngọc sẽ là thuyết trình viên trong những ngày hội họp ở Khai Viễn.
Chúng tôi ăn ở nhà một đồng chí thuộc VNQDĐ Hải Ngoại Bộ, còn hội thảo thì diễn ra ở trụ sở của Đảng Bộ Khai Viễn. Ngoài giờ dành cho lớp học của Đảng, chúng tôi tới học Anh văn tại nhà vợ chồng ông Mục sư Tin Lành người Mỹ. Hai ông bà đã có tuổi, hiền hậu, vui vẻ, chẳng mấy chốc đã tạo được bầu không khí thân mật, thoải mái. Các bài học giảng dạy thường nằm trong các kinh sách nên không mấy hấp dẫn, có lẽ ông bà muốn nửa dạy, nửa truyền đạo. Dù sao, với những ngày giờ ít ỏi ấy, chúng tôi cũng ôn được ít nhiều, nhất là về cách luyện giọng, mà trước kia học ở nhà trường đều do các giáo sư người Việt dạy.
Riêng trong chúng tôi có anh Ngọc là có khả năng về Anh văn, các tài liệu thảo luận đều do anh dịch thuật hết. Với các đề tài thật là rộng lớn, bao quát mà chỉ có một tháng để học tập và thảo luận thì quá ít ỏi.Riêng với tôi thì thật là mới lạ, mở mang tầm hiểu biết rất nhiều, mà trước kia chỉ hiểu một cách lơ mơ, khái quát không căn bản. Nó giúp cho tôi củng cố niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của Chủ Nghĩa Dân Tộc, Tự Do Dân Chủ.
Phải thú nhận rằng, nếu chỉ tìm hiểu chủ thuyết cộng sản trên lý thuyết mà không ứng dụng vào cuộc sống thực tế và đời sống của con người trong thời kỳ biến đổi của lịch sử, thì người ta có thể dễ dàng bị lý thuyết Cộng Sản ảnh hưởng, chi phối. Tổ chức được một lớp học như vậy, chỉ trong vòng một tháng, quả đã là một cố gắng hết mức, trong hoàn cảnh lưu vong, tài chính và kinh tế khó khăn. Theo tôi, lớp học nói lên một phần nào chấn chỉnh nội bộ VNQDĐ trong thời kỳ thất bại, dù rằng không được toàn bộ. Cũng qua lớp học đó, mà tôi nhận thấy sự hiểu biết về lý thuyết chính trị của phần lớn cán bộ, đảng viên VNQDĐ không được sắc bén cho lắm. Họ đi theo VNQDĐ vì lòng yêu nước chống thực dân Pháp giành độc lập, vì tinh thần cách mạng kiên cường của các lãnh tụ sáng lập VNQDĐ, và vì bất mãn với VMCS. Có một số thành phần thì lập trường tranh đấu của họ dễ chao đảo và phản bội.
Chứng minh rõ rệt nhất là sau khi Mặt trận Quốc Dân Đảng thất bại lưu vong sang Trung Hoa, hoặc trong khi đang còn chiến đấu trong chiến khu, đã có một số bỏ chạy không lý do. Sau này những thành phần đó chạy theo Thực dân Pháp, làm tay sai phản tuyên truyền, phá hoại làm cho danh tiếng của VNQDĐ bị tổn thương, khiến cho những đảng viên có tâm huyết cũng đâm ra khó chịu, đôi khi sa sút tinh thần. Đó là kết quả của sự tổ chức thiếu khoa học, kết nạp đảng viên hoặc cảm tình viên không chọn lọc kỹ lưỡng trong những ngày cách mạng tháng 8/1945 chống Việt Minh Cộng Sản. Sau này, đã có nhiều người vỗ ngực tự sưng là đảng viên VNQDĐ để hoạt động mà chẳng ai biết nguyên lai, xuất xứ từ đâu. Anh Xuân Tùng là Ủy viên Tổ chức của Đảng, có phần trách nhiệm về việc đó. Anh hiểu điều đó, và vì nguyên do đó nên đã có lớp học vừa nói trên. Đồng thời giáo dục, huấn luyện, rút ra từ những kinh nghiệm bản thân mà ông Nguyễn tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) đã viết ra trong cuốn sách cách mạng bản thân, sau khi lưu vong sang Quảng Châu (Trung Hoa).
Lớp học bế mạc, hai anh Xuân Tùng và Ngọc trở lại Côn Minh, tôi lên Ma Cái (Séo Lồng Thán) học cắt tóc. Lúc đó tại cửa hiệu vẫn có các anh Tuấn Khanh, Nguyễn sĩ Hồng và chú Thành (còn nhỏ tuổi). Một thời gian sau, có anh Nguyễn Thái Nỉ (em út cố đảng trưởng Nguyễn thái Học). Anh Nỉ cũng trạc tuổi chúng tôi, hiền lành, ít nói, có vẻ chậm chạp không lanh mấy. Sau một thời gian không lâu, trở lại khu vực ngày nào sống lầm than, cực khổ tại mỏ than và trại nông nghiệp, tôi cũng cảm thấy xốn sang trong lòng khi gặp lại các bạn thân thuộc. Cửa hàng cắt tóc từ ngày tôi rời khỏi chợ Ma Cai đã tiến triển, phát đạt hơn trước nhiều. Khách hàng trong vùng quen dần, kể cả ông chủ và đốc công của chúng tôi trong mỏ than cũng tới cắt tóc. Đã có một vài anh sau khi ra nghề, được cấp một bộ đồ đi nơi khác làm ăn. Cửa hiệu ở đây chỉ cáng đáng nổi bốn người. Tôi còn nhớ hồi đó, làm được bao nhiêu tiền là ưu tiên dành cho việc mua gạo, vì vậy cái chum đựng gạo trong nhà phải luôn luôn đổ đầy. Ngoài số người ăn chính thức, thỉnh thoảng còn có các anh em ở nơi khác đến thăm ở lại ít ngày. Tiệm hớt tóc của chúng tôi vô hình chung trở nên trụ sở của các anh em lưu vong sống từ Côn Minh tới Khai Viễn, Mông Tự. Chúng tôi cùng một hoàn cảnh, một hoài bão nên thương yêu, giúp đỡ nhau tận tình. Tinh thần đó vẫn còn tồn tại và phát triển cho tới mãi đến sau này. Chợ Ma Cái cứ năm ngày có một phiên chợ chính, họp chợ từ sáng sớm cho đến xế chiều mới tan.
Quang cảnh chợ búa thật đông đảo, ồn ào. Tiếng động, tiếng nói, tiếng la không bao giờ ngớt. Người Trung Hoa có thói quen thích nói nhiều và ồn ào. Những hôm có chợ phiên, chúng tôi dạy sớm hơn thường lệ, quét trong ngoài, bày biện đồ nghề, chuẩn bị sẵn sàng. Cửa tiệm lúc mới mở chỉ có hai ghế thì nay có ba ghế. Hai thợ chính là anh Tuấn Khanh và Hồng, tôi và chú Thành phụ tá lo đun nước, gội đầu và quét dọn, vì là thợ mới học nghề. Chợ về trưa, càng đông, thì khách vào hớt tóc càng đông đảo. Chúng tôi phải để riêng một ghế dài cho khách ngồi đợi và hút thuốc, nên họ rất ưng ý về cách tiếp tân của cửa tiệm. Trong khi các cửa tiệm của người địa phương rất luộm thuộm và dơ bẩn, các khăn quàng, đồ nghề, gương soi cửa tiệm chúng tôi đều trắng tinh, sáng bóng, vì thế có thể nói không một phiên chợ nào là ế ẩm cả. Suốt từ sáng đến chiều tối, không ngớt khách vào hớt tóc, luôn tay không ngừng nghỉ, tôi và chú Thành đun nước gội đầu không kịp. Quả là một ngày làm việc hết mình, nhưng vui và không biết mệt…
Càng làm nhiều thì càng kiếm được nhiều. Tuy vậy, tiền của kiếm được không phải phục vụ riêng ai mà là của chung. Chỉ có một điều là ăn uống được đầy đủ hơn. Tôi còn nhớ là mỗi phiên chợ hớt tóc xong, chúng tôi ra chợ mua một cái đầu heo để tự khoản đãi sau một ngày làm việc thắng lợi. Trong vùng chúng tôi ở, đầu heo giá rất rẻ vì dân chúng không thích, hay kiêng cữ gì đó. Theo thời giá lúc đó, thì mỗi lần hớt tóc lấy năm hào (tiền hoa xòe có pha chất bạc), khi đó tiền quan kim bị mất giá nên không ai dùng tới. Cứ hai tiền năm hào là một đồng, mà theo tôi nhớ thì cứ khoảng năm, sáu người khách là có đủ gạo ăn.
Ngày chợ phiên như ở Ma Cái, chỗ chúng tôi mở cửa thường trực, ngày đông khách nhất có thể lên tới ba chục người, ngoài phiên chợ chính ở Ma Cái, còn có hai chợ phiên khác ở trong vùng cách chỗ chúng tôi ở khoảng năm, sáu cây số. Các ngày chợ phiên đó thì anh Hồng và tôi phụ trách, anh Tuấn Khanh và chú Thành trực ở nhà. Khi đi làm, anh Hồng mang đồ nghề, tôi mang gương (trong nghề học cắt tóc gọi là đãi gương). Tới chợ, tại địa điểm đã lựa chọn sẵn, thường thì ở bên bức tường cao hoặc dưới một cây lớn có bóng mát. Các vật dụng như: tấm bạt che, ghế, chậu rửa mặt thì gửi nhà dân, chúng tôi chỉ việc bầy ra không đầy mười phút là có thể hớt tóc được ngay.
Những phiên chợ phụ đó, tuy không đông đảo bằng chợ Ma Cái, nhưng khách tới hớt tóc cũng khá đông. Bết lắm, chúng tôi cũng có năm, sáu người khách. Về cắt tóc cái nào khó thì anh Hồng hay anh Tuấn Khanh phụ trách, còn trái lại dễ và con nít thì tôi hớt.
Trong nghề hớt tóc lúc đó, chúng tôi ngán nhất là phải hớt trọc (họ gọi là Thỉ). Người tại địa phương, nhất là dân Xạ Phang thường thích cạo trọc nhẵn thín. Cạo trọc trước hết phải gội đầu nước nóng cho mềm tóc, sau dùng dao để gọt. Dao sắc thì chỉ cần đưa vài lần là sạch. Với dao của Pháp hay của Đức thì phải mài lại tới hai, ba lần, còn dao của Trung Hoa làm ở Tứ Xuyên thì chỉ cần một lần. Tuy nhiên gặp phải cái đầu gồ ghề thì khó hơn, không chừng có thể đứt da, chảy máu như chơi. Những lúc đó chỉ còn có xin lỗi, đôi khi chỉ lấy nửa tiền. Có người khó tính, họ to tiếng, sửng cồ thiếu điều dẹp tiệm. Nhưng may trong cuộc đời hớt tóc ăn tiền của tôi chỉ bị có một lần, là khi đi hớt tóc chung với anh Hồng ở bên chợ Séo Lồng Thán.
Khi tôi mới tập hớt tóc được hai, ba tháng, hôm đó tôi hớt tóc xong cho một ông khách, không hiểu sao ông ấy lại ngắm nghía trong gương thật lâu, rồi bất ngờ ông ta la lớn chỉ vào hai bên tóc mai. Nhìn ra tôi chợt thấy là hai bên tóc mai cắt xén không đều, bên cao, bên thấp. Anh Hồng phải nhiều lần xin lỗi, rồi sửa lại, ông ta mới thôi. Từ đó mỗi lần hớt tóc là tôi chăm chú vào hai bên tóc mai. Thành thử vinh do nghề, mà nhục cũng do nghiệp là vậy.
Về học nghề phải nói rằng, bọn chúng tôi học rất nhanh, một phần cũng do khéo tay, sáng trí, lại có thêm óc thẩm mỹ, nên không những hớt nhanh mà lại còn đẹp nữa. Cũng vì sự khéo léo trong nghề nghiệp và tiếp đãi vui vẻ với mọi người, nên các ông chủ cắt tóc tại địa phương tỏ ra không ưa chúng tôi lắm, vì lấy hết khách của họ. Nhưng những gia đình ở gần chúng tôi thì lại đối xử rất thân thiện. Những thời giờ rảnh rỗi thường lại trò chuyện không dứt. Họ đã kháo với nhau là cái bọn “Á nàn dần” (Việt Nam) cái gì chúng cũng biết.
Học hớt tóc có hai, ba tháng đã lành nghề, mà quả đúng như vậy, đối với người địa phương mới học thì ít nhất cũng phải mất một năm. Người chủ ít khi truyền dạy ngay mà họ bắt người học nghề làm những chuyện không đâu, gần như giúp việc trong nhà. Họ dạy theo cách lâu lâu làm một việc thành thử thời gian học nghề lâu là như vậy, chứ thực ra có gì khó khăn đâu. Sự thực họ muốn giữ nghề, không muốn có nhiều người hớt tóc, thiệt hại cho sự làm ăn của họ, thế thôi. Còn đối với chúng tôi thì lại khác, càng nhanh càng tốt, để hầu giúp anh em thoát ra khỏi cảnh lầm than, khổ cực.
Ở Ma Cái vài tháng, sau khi hớt tóc thành thạo, anh Hồng và tôi rời cửa hiệu lên Côn Minh, để dành chỗ cho các anh em khác tới học nghề. Anh Tuấn Khanh, anh Thái Nỉ và chú Thành tiếp tục trông coi cửa tiệm. Lần ra đi sau này, tôi không còn có dịp trở lại nữa. Một nơi đã để lại khá nhiều kỷ niệm, có thể nói là đến giờ phút này tôi vẫn có thể phác họa ra từng con đường, căn nhà, cây đa cổ thụ, phố chợ Ma Cái, trại nông nghiệp, mỏ than v..v.. Lên tới Côn Minh, tôi không còn sống ở lò bánh đậu nữa mà chỉ thỉnh thoảng đến hỏi tin tức bên nhà và tình hình thế giới. Các anh em quen biết trong trường Lục Quân Yên Bái sinh sống ở Côn Minh hầu như trở về VN gần hết, trong đó có anh Chiên và anh Long ở lò bánh đậu. Sống ở Côn Minh ít ngày, thì anh Tạo ở Chí Cái, Nghi Lương lên. Thế là anh em chúng tôi như ước muốn có nghề cắt tóc trong tay, không còn sợ chết đói nữa.
Rồi một hôm, tình cờ đi dạo phố, chúng tôi đã làm quen với một anh người Việt Nam đi lính trong quân đội Lư Hán. Anh này thấy chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Việt, nên ngừng lại hỏi tin tức về người quen ở Côn Minh. Rồi sau đó chúng tôi rủ nhau vào một cửa tiệm uống nước tán gẫu. Anh bạn mới gặp tên Nhung. Anh gia nhập quân đội Trung Hoa từ trước ngày chúng tôi tới Trung Hoa. Anh mang cấp bậc Trung sĩ phục vụ trong đơn vị quân nhạc, sau đổi sang ngành hỏa đầu vụ (lo về ăn uống cho binh lính). Chúng tôi cho anh biết là chúng tôi có nghề cắt tóc, đang tìm chỗ làm, thì anh đề nghị chúng tôi tới phục vụ trong đơn vị của anh ta. Anh ta cho biết là sẽ tìm cách giới thiệu không mấy khó khăn. Chúng tôi đang cần có việc làm nên bằng lòng ngay. Sau khi quay về chỗ nhà quen lấy hành lý và đồ nghề, chúng tôi cùng anh Nhung đi ngay về đơn vị anh.
Đơn vị nằm trong Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 125 đóng tại Tchapả cách Thủ phủ Côn Minh chừng nửa tiếng đi xe hơi. BTL đóng trên một vùng đồi ít cỏ cây, làng mạc chung quanh thưa thớt, nhà cửa xây bằng gạch, rộng rãi, thoáng mát, nói chung không đến nỗi tồi lắm. Tới nơi, anh Nhung bảo chúng tôi đợi ở một căn nhà tiếp khách ở ngoài cổng trại, để anh đi tìm sĩ quan quen biết giới thiệu. Khoảng nửa giờ sau, thì anh Nhung cùng đi ra với một sĩ quan Trung Hoa. Ông này vừa thấy chúng tôi là tiếp chuyện niềm nở ngay. Ông không nói tiếng tàu mà nói tiếng Việt khá trôi chảy. Sau đó, ông mời chúng tôi vào văn phòng làm việc của ông ta ở trong trại. Theo anh Nhung cho biết thì ông ta mang cấp bậc Đại Úy, phục vụ trong ngành tài vụ. Sư Đoàn 125 có sang VN giải giới quân đội Nhật, do đó có nhiều sĩ quan biết nói tiếng Việt. Bởi vậy khi biết chúng tôi mới ở VN qua, họ tỏ ra thân mật hơn. Ông Đại Úy cũng mang họ Hoàng như tôi. Sau khi nói chuyện về VN một hồi, ông thảo luận với thượng cấp rồi chấp thuận cho chúng tôi phục vụ trong đơn vị của BTL Sư Đoàn với cấp bậc Trung sĩ đồng hóa đặc trách về cắt tóc.
Về lương lậu tính theo tổng số binh lính trong đơn vị. Theo ông cho biết thì khoảng 300 người kể cả binh sĩ lẫn sĩ quan. Theo quy định, thì mỗi người có quyền hớt tóc hai lần một tháng. Hớt hay không thì cứ ba hào nhân với 300 người mà lãnh tiền vào cuối tháng. Với thời giá lúc ấy thì cũng khá lắm, nghĩa là ba anh em chúng tôi bắt đầu có của ăn, của để, đề phòng cho ngày mai bất trắc.
Về ăn uống thì cũng ăn một chế độ với binh sĩ, cũng không đến nỗi tệ lắm. Cơm nước thì theo cách đồ luộc sôi nên ăn lạt lẽo, vì trước khi cho vào chảo phải luộc gạo cho gần chín. Cứ mỗi tuần lại được một bữa ăn thịnh soạn hơn gồm có thịt cá. Sở dĩ BTL làm vậy là để trấn an, lấy lòng binh sĩ, vì có khi hai, ba tháng mới phát lương. Khi đó, tiền tệ của Chính quyền Trung Hoa đang mất giá vì lạm phát, nạn tham nhũng đang lan tràn trong quân đội từ Trung ương đến địa phương. Ở trung tâm thành phố, một phố rất lớn, gần như hai phần ba nhà cao tầng do ngân hàng ngự trị. Người ta mệnh danh là Đại lộ ngân hàng.
Trước khi tới Tchapa của Sư Đoàn 125, thì phần lớn các ngân hàng đã đóng cửa và biến thành các tiệm uống trà. Tôi được kể lại là khi ngân hàng không đủ tiền trả lại cho khách hàng thì toàn thể đã biểu tình xông vào cướp phá, làm náo loạn cả thành phố. Để duy trì an ninh trật tự, Tướng Lư Hán đã ra lệnh cho quân dội can thiệp. Kết quả là một số đã bị bắt giữ, trong đó có một người VN. Thừa lệnh tên sĩ quan chỉ huy, đã mang một vài tên chủ mưu ăn cướp ra xử bắn ngay tại hiện trường. Riêng người VN đã may mắn thoát nạn nhờ sự can thiệp của VNQDĐ Hải ngoại Bộ Côn Minh.
Những ngày còn lang thang ở Côn Minh, chúng tôi đã vào các cửa tiệm uống nước tiêu sầu. Vì căn phòng của ngân hàng rất rộng rãi, có thể chứa hàng trăm người. Căn phòng thật là nhộn nhịp, đủ mọi thành phần, khói thuốc bao tỏa, tiếng rít thuốc lào ầm ĩ, tiếng cười, tiếng ồn ào không phân biệt được là cái gì. Vào đó, người ta có thể uống nước trà cho đến khi nào không còn là nước trà nữa thì thôi. Cũng tại nơi đây, là chỗ dành riêng cho những kẻ thất nghiệp, ít tiền mà ngồi được lâu. Có người đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi để ngồi viết thư.
Sau khi được chấp thuận cho làm việc hớt tóc tại Sư Đoàn 125, chúng tôi được cấp một căn phòng ở ngay cạnh phòng cắt tóc của doanh trại. Mấy người phụ trách cắt tóc trước chúng tôi đã xin nghỉ mấy ngày trước. Đó là dịp may cho chúng tôi. Trong phòng có một cái giường lớn và một giường nhỏ vừa đủ cho ba anh em chúng tôi. Ngoài ra còn được cấp phát mỗi người một mền bông, hai bộ đồ quần áo bông, bốn bộ sà cạp, một mũ lưỡi trai và một đôi hải sảo bằng sợi. Còn tại phòng cắt tóc, thì bàn ghế, gương đủ cho ba người hớt cùng một lúc.
Suốt mấy tháng trời làm việc tại đó, có thể nói phần lớn là binh sĩ đều hớt trọc bằng dao, chỉ có một số ít là hớt bằng tông đơ. Riêng với sĩ quan, thì ít người húi trọc và chúng tôi dành một ưu đãi đặc biệt để lấy lòng họ khỏi tìm cách gây khó khăn. Do chúng tôi được mang cấp bậc Trung sĩ, nên binh sĩ trong đơn vị cũng phải tuân theo kỷ luật, hệ thống quân giai. Vì vậy, mỗi khi một binh sĩ vào phòng hớt tóc phải đứng nghiêm chào hỏi đàng hoàng, khi ra cũng phải chấp hành như vậy.
Tôi nhớ có lần vì cạo nhanh quá, nên làm đứt da chảy máu, anh chàng binh sĩ kêu đau và phàn nàn. Tôi bèn lên tiếng bảo anh chàng là “binh sĩ kêu đau cái gì, ra trận làm sao được.” Thế là anh ta cười xòa rồi đứng dậy chào và đi ra khỏi phòng tức khắc. Bây giờ ngẫm lại vẫn cười thầm trong bụng, và thấy rằng mấy anh lính Lư Hán quả là hiền và kỷ luật. Công việc nói chung cũng không đến nổi vất vả lắm, có ngày vắng, có ngày đông, nhất là vào ngày cuối tháng để binh sĩ điểm binh vào ngày đầu tháng. Có khi chúng tôi phải hớt tóc tới khuya mới nghỉ.Tuy nhiên làm có tiền nên cũng chẳng phiền hà gì.
Trong tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng. nạn tham nhũng trong quân đội ngày càng lan rộng, khiến binh sĩ chán nản, bất mãn, đào ngũ càng nhiều. Để tránh nguy cơ biến loạn nên Bộ Tham Mưu của Tướng Lư Hán bằng cách tổ chức các cuộc thanh tra quân số, ngõ hầu ngăn chặn một phần nào lính ma, lính kiễng, cắt xén tiền lương, tiền ăn của binh sĩ. Để tiến hành các cuộc thanh tra, Bộ Tham Mưu (BTM) chỉ thông báo trước một, hai ngày. Tuy với thời gian ngắn như vậy, các đơn vị bị thanh tra vẫn tìm được mọi cách để qua mặt Ban Thanh Tra, vì không thể huy động, tập trung cả một Sư Đoàn cùng một lúc, nên phải kiểm tra từng Trung đoàn một. Do đó, BTM của Sư Đoàn vẫn có thể điều động một số binh sĩ của Trung Đoàn này sang bù đắp quân số thiếu hụt của Trung Đoàn kia. Tôi nghĩ là Ban Thanh tra biết rõ, nhưng rồi cũng làm lơ, kiểm tra lấy lệ, vì đã được ông Tư lệnh Sư Đoàn bỏ nhỏ sau lưng rồi. Sư Đoàn 125 của chúng tôi cũng nằm trong những đơn vị bị thanh tra.
Sau khi các đơn vị của Sư Đoàn đã hoàn tất kiểm tra, thì cuối cùng tới đơn vị thuộc BTL Sư Đoàn. Chúng tôi mang cấp bậc Trung sĩ, nhưng thực tế không có tên trong danh sách lĩnh lương, cũng được sĩ quan tham mưu yêu cầu tập họp điểm danh thay thế những binh sĩ vắng mặt. Do đó, mỗi anh em chúng tôi được gán cho một cái tên để đến khi Ban Thanh Tra gọi điểm danh thì hô có mặt.
Theo tôi biết thì lúc đó binh sĩ đào ngũ rất nhiều, một phần vì bất mãn không có lương, phần khác do sự tuyên truyền cổ động của CS nằm vùng. Lẽ ra một binh sĩ khi đào ngũ, thì đợi khoảng một thời gian, rồi báo cáo gạch tên đương sự trong sổ quân lương, nhưng đơn vị không làm vậy mà cứ coi như có mặt để làm sổ lương như thường lệ. Có Trung Đoàn quân số ba ngàn người thì trên thực tế chỉ có trên dưới hai ngàn.
Tình trạng này không phải chỉ xẩy ra với đơn vị của Lư Hán mà cả vơi những đơn vị của Trung ương Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng giới Thạch. Như vậy thì hỏi làm sao chế độ Quốc Gia của họ Tưởng không sụp đổ cho được. Do đó, quân CS Mao Trạch Đông cứ mỗi ngày mỗi phát triển, tiến tới đâu thắng tới đó, có khi không cần giao chiến, quân Tưởng đã bỏ súng chạy hay đầu hàng. Số lượng vũ khí khổng lồ do viện trợ Mỹ, vô hình chung đã rơi vào tay CS.