Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (3)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1Việt Nam từ ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (3) 

A.  Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (3)

Gia đình thứ hai là ông Bác tôi, ông Hoàng tăng Bí, thường gọi là ông Bảng Bí, vì ông đỗ Phó Bảng. Tuy ông đỗ cao, nhưng không chịu ra làm quan và ở nhà làm báo. Ông đã tham gia Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cùng các ông Cử Can, Dương bá Trạc (chết vì bệnh lao ở Singapore năm 1944) v.v.. Hai ông này tôi đã được hân hạnh hầu chia bài Tổ Tôm khi các ông chơi bài, sau khi được Pháp trả tự do. Riêng Cha tôi, có lẽ vì giữ chức vụ không mấy quan trọng, nên đã lọt lưới trở về làng ở luôn, không như trước đó ông thường ở Hà Nội nhiều hơn. Ông Bác tôi có người con thứ hai là ông Hoàng Minh Giám. Trong thời kỳ Pháp thuộc, ông Giám làm Hiệu trưởng trường Tư thục danh tiếng Thăng Long ở phố Trạm và đường Thành Hà Nội (Henrid, Orlean). Trong thời gian đó, tôi được biết là ông có tham gia vào Đảng Xã Hội. Khi tôi đang học lớp Nhất ban Thành chung, thì có tham dự lễ đám tang của ông Phan Thanh, vừa là giáo sư của Trường vừa là Nghị viên của Thành phố Hà Nội. Tôi còn nhớ là quan tài ông đã được để tại nhà Trường và phủ lên một tấm vải đỏ. Đám tang thật lớn, có đủ thành phần xã hội tham dự. 

Sau ngày 19/8/1945, ông Giám cùng với ông anh Cả tôi được Việt Minh Cộng Sản (VMCS) mời ra ứng cử vào Quốc Hội, và nằm trong Liên danh ứng cử của ông Xuân Thủy thuộc địa phận tỉnh Hà Đông. Dĩ nhiên là trúng cử vì người đứng đầu liên danh là một cán bộ lãnh đạo của VMCS. Ngoài chức vị Dân Biểu Quốc Hội, ông Giám còn làm Phụ tá về Nội Vụ và Ngoại Giao cho Võ nguyên Giáp (giáo sư trường Thăng Long) và Phạm văn Đồng. Ông là một con người hiền từ, trung thực, có uy tín trong ngành giáo dục, thực tâm yêu nước. Theo tôi hiểu, thì ông không thể là một người Cộng Sản được vì ông không phải loại người xảo trá, thủ đoạn… Ông đã đi theo VMCS vì lúc đó CS có chính quyền trong tay và Hồ chí Minh quá khôn lanh, xảo trá và thủ đoạn… Năm 1989, khi về thăm quê ở Hà Nội, tôi có tới thăm ông Hoàng Minh Giám tại nhà riêng của ông trước Bệnh viện Saint Paul. Khi gặp mặt, ông không còn nhận ra tôi, có lẽ vì thời gian quá lâu (trên 40 năm) và ông đã già, trí nhớ sút kém (khi đó ông đã 83 tuổi). Tôi nói tên thì ông nhớ ra ngay, vì trước đó mười năm, khi vợ tôi ra thăm nuôi lúc tôi còn ở tong tù, có lại thăm ông ta đi cùng với người anh ruột tôi, thì đã được ông hứa bảo lãnh, nhưng với điều kiện là phải về quản thúc tại làng như ông Hoàng cơ Bình. Đến khi vợ tôi cho biết, tôi đã từ chối ngay và chấp nhận ở tù cùng với các đồng đội, chiến hữu cho đến ngày ra tù là ngày 13/2/1988, tức trước Tết Âm lịch Đinh Mão bốn ngày thì tôi được CS trả tự do. Tính ra là gần 13 năm sống trong các trại giam CS từ Nam chí Bắc. Ở miền Nam hai trại, trại đầu tiên ở Long Giao (Tỉnh Long Khánh) sáu tháng từ 16/6/1975 cho đến 12/1975. Trại kế tiếp là trại Tam Hiệp (Tỉnh Biên Hòa) 12/1975 đến tháng 6/1976 rồi bị chuyển bằng máy bay C-130 của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để lại, lúc đó chúng chỉ dành chở cấp Tướng và Đại Tá. Ở miền Bắc, trại thứ nhất là ở Nghĩa Lộ, Yên Bái,  Sơn La. Được hơn một năm, vì tình hình VNCS và Trung Cộng căng thẳng về vấn đề Campuchia, nên trại tù dời về Phủ Lý, Nam Hà ở phía nam Hà Nội. Tổng cộng ở trại miền Bắc là gần 7 năm, sau đó chuyển về trại Long Khánh miền Nam cho tới tháng 2/1988 thì tôi được thả về nhà. 

Ông Giám đã về hưu được mấy năm và đang sống với vợ. Các con đã lớn, thành tài và ở riêng. Gia đình ông ở trong một căn nhà hai tầng lầu, gồm có mấy gia đình. Sức khỏe ông đã xuống nhiều, tai mắt không còn lanh lẹ nữa. Bà vợ có cho tôi biết rằng già như vậy mà ít tháng trước, ông Lê quang Đạo, Chủ tịch Quốc Hội CS có đến mời ra tham chính lại, nhưng bà vợ đã nói thẳng cho ông ta hay là ông ấy già rồi, để ông ấy nghỉ, phục vụ quá nhiều rồi, không lẽ bây giờ ra để bon chen với bọn trẻ ư, mọi người chỉ có một thời thôi. Trong buổi gặp gỡ, tôi chỉ đề cập đến những chuyện gia đình, tuyệt nhiên không đả động đến vấn đề chính trị, vì chẳng muốn ông buồn. Đảng Xã Hội của ông đã bị CS giải tán cùng với Đảng Dân Chủ từ lâu rồi. Ai cũng thừa hiểu là hai Đảng đó sau 1945 đã bị CS hóa rồi làm con rối bù nhìn, chỉ còn danh vị suông, là ngoại vi của đảng CSVN.

Chân Dung Đảng Trưởng vNQDĐ Nguyễn Thái Học

Gia đình chót là gia đình tôi. Cha tôi, sau khi Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị tan vỡ, các người lãnh đạo bị bắt tù tội, thì ông không ở Hà Nội nữa (mặc dù có nhà ở đó) mà về sống hẳn ở làng, sớm ngày vui thú điền viên. Cũng vì buồn thế sự, Cha tôi uống rượu liên miên để giải khuây, nhất là sau khi ông Bác tôi (Hoàng tăng Bí) mất đi. Vì uống rượu quá nhiều nên bị đau gan nặng và Cha tôi mất khi tôi mới 14 tuổi. Khi còn nhỏ sống ở làng, Cha tôi thương yêu tôi nhất, bố con thường ngủ chung, có khi ngồi uống rượu, ông bắt tôi ngồi bên cạnh nghe chuyện và mài thạch cao để ông lấy nước xoa lên mặt cho mát vì chất rượu bốc nóng lên mặt. Chính vì những giờ phút ngồi hầu chuyện mà Cha tôi đã kể cho tôi hay về nhiều chuyện đời, trong đó có chuyện thời sự (khi đó khởi sự chiến tranh Trung Nhật). Ông đã tỏ ra ngưỡng mộ nước Nhật và Quân đội của họ và các cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống Thực dân Pháp. Trong đó ông đề cao và trân quý 13 vị lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) như: Nguyễn thái Học, Nguyễn khắc Nhu (Xứ Nhu) Phó đức Chính, Ký con Đoàn trần Nghiệp v.v.. đã mặc nhiên ghi sâu trong tâm trí tôi hình ảnh những anh hùng VNQDĐ từ đó. 

Gia đình tôi rất đông, gồm bẩy anh em trai, tôi là con út. Hai người anh lớn đậu bằng Bác sĩ Y Khoa khi tôi mới sinh ra được một, hai tuổi. Người anh Cả tên là Hoàng tích Trí và người thứ hai là Hoàng tích Minh. Anh Cả tôi học về ngành vi trùng học nên đã phục vụ tại Bệnh viện Pasteur. Đến năm 1943, thì ông trở thành Giám Đốc Bệnh viện Pasteur. Sau ngày 19/8/1945, Hồ chí Minh mời tham gia Chính Phủ và giữ chức Bộ Trưởng Bộ Y Tế. Ông là một công chức thuần thành, không làm chính trị và đứng trong một tổ chức nào cả, nhưng ở một vị trí cao trong xã hội lúc bấy giờ, nên quen biết nhiều, trong đó có cả những trí thức thuộc Đảng Xã Hội, đảng CS như các ông Nguyễn mạnh Hà, Phạm ngọc Thạch v..v..Tôi đã ăn nhưng bữa cơm gia đình có mặt hai ông này một vài lần trước ngày Việt Minh Cộng Sản cướp chính quyền tháng 8/1945. Ông anh tôi hoàn toàn là một trí thức yêu nước như phần lớn các người khác trong thời bấy giờ, chỉ muốn nước nhà được Độc Lập thoát khỏi ách cai trị của Thực dân Pháp mà thôi. Nhưng vì Chính quyền ở trong tay VMCS (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) và Hồ chí Minh là một lãnh tụ CS quá mưu mô, xảo quyệt và lừa lọc nên đã chiếm được lòng tin của quảng đại quần chúng, đặc biệt là những nhân sĩ có tên tuổi như Cụ Huỳnh thúc Kháng, Phan kế Toại v.v.. để làm lợi cho chúng. Dĩ nhiên là khi đó chẳng có ai nghĩ rằng VM sẽ tiến hành từng bước thể chế CS theo đường lối chủ chương của CS Nga, Tàu. Về sau hiểu ra thì đã quá muộn, vì đã nằm trong vòng kiểm xoát của guồng máy công an CS, như cá nằm trên thớt.

Tôi còn nhớ, ông anh tôi có kể lại trong một bữa ăn của gia đình về tính gian xảo của tên Hồ chí Minh là: trong một buổi họp, khi gặp các yếu nhân trong Chính phủ, như thường lệ ông rút thuốc mời, thường là thuốc lá đen rẻ tiền, và ông nói vẫn hút quen thứ thuốc lá đen đó, thuốc thơm là thuốc Đế quốc Tư bản bóc lột. Nhưng một hôm, vì lơ đãng, thay vì mời hút thuốc lá đen, thì ông lại lấy nhầm bao thuốc lá thơm hiệu Philip Morris của Mỹ. Hóa ra là Hồ luôn để ở trong túi hai bao thuốc khác nhau. Khi trước mặt mọi người thì hút thuốc lá đen, nếu không có ai thì móc thuốc thơm ra thưởng thức. Câu chuyện vui, tuy nhỏ đối với mọi người, nhưng qua thực tế đã nói lên cái bản chất cáo già của Hồ và tập đoàn CS dưới trướng của ông ta. Sống trong vùng CS, thiếu thốn mọi thứ, lại hoạt động trong những vùng ma thiêng nước độc Bắc Việt trong những năm đầu kháng chiến, ông anh cả tôi đã bị đau tim, lại thêm bệnh sốt rét, đã mất năm 1957, sau khi CS tiếp thu miền Bắc, theo kết quả của Hội Nghị Genève 1954 . 

Ông anh thứ hai của tôi cũng vậy, ông chỉ là một Bác sĩ chuyên môn, ít nói, không thích chính trị. Trước 1945, ông mở Bệnh viện tại đường Lạch Tray Hải Phòng. Khi xẩy ra chiến tranh Việt Pháp vào tháng 12/1946, thì Bệnh viện của ông bị phá tan tành. Ông theo kháng chiến chống Pháp và hoạt động về Y Tế tại Liên Khu Tư (Thanh Hóa, Nghệ An), hiện ông còn sống và đã về hưu, năm nay khoảng 85 tuổi. Tôi gặp lại ông khi ra thăm lại quê nhà năm 1989. Ông vẫn mạnh khỏe và xem sách cho trôi qua những ngày cuối của cuộc đời sau bao năm phục vụ vô bổ dưới chế độ CS. Ông được CS ban cho danh hiệu “thầy thuốc nhân dân”, ngày ngày nhìn vào danh hiệu mà thở ra não ruột. Còn ông anh thứ năm của tôi, cũng là một Bác sĩ, tốt nghiệp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cũng đã về hưu. Ông sinh sống tại tỉnh Bắc Ninh, nơi quê vợ trước 1945. Tiền hưu chẳng được là bao, nên ông phải trồng hoa, lấy hoa kết thành vòng hoa điếu đi đám tang, bán lấy tiền thêm sinh sống. Ông nói vui với tôi là thiên hạ bảo rằng trước kia ông là bác sĩ mong cứu người ta sống lâu, thì bây giờ ông lại mong người ta chết sớm để bán được hoa! Ông có một người con trai đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự cộng sản Bắc Việt, trong trận tấn công vào Long Khánh đã bị tử trận. Như vậy là bẩy anh em trai chúng tôi đến nay chỉ còn lại ba người. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt