Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (29)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” Tập I (1945-1950)/ Chương 3: Từ tháng 02-1948 đến 02-1950. TRÊN ĐƯỜNG SỐNG LƯU VONG TẠI TRUNG HOA (29)
Trên đương sống lưu vong tại Trung Hoa (29)
Ba anh em chúng tôi (Bảo, Hồng và tôi) ở với nhau lâu, nên khi phải tạm xa cách, phải nói là rất luyến nhớ. Tuy làm việc ở trại, công việc không cực lắm, lại được ông Chủ và Đốc công đối xử tử tế, nhưng còn tính chuyện lâu dài, nên chúng tôi phải xin thôi việc. Từ ngày xa cách đó, tôi không bao giờ gặp lại anh Bảo nữa. Anh là em của ông Mai ngọc Liệu, cấp Ủy viên Trung ương VNQDĐ. Riêng tôi và anh Hồng thì còn cấu kết với nhau cho đến ngày Trung Cộng vào chiếm đóng Côn Minh. Tôi lên đường đi Côn Minh và dĩ nhiên là không có mua vé, vì được các kiểm xoát viên là đảng viên VNQDĐ thông qua.
Chuyến tàu tới ga Nghi Lương (Y Leng) thì ngừng lại một thời gian để thay đầu máy rồi mới lại tiếp tục lên đường. Khi đó đã xế chiều, nên tôi ở lại đó nghỉ đêm, nhân thể biết qua thành phố như thế nào. Do không có ý định ngừng lại ở Nghi Lương nên không có nhờ ai giới thiệu, thành thử không biết tới địa chỉ nào. Sau cùng tôi đi đại vào phố, gặp ai là người VN thì nhờ tá túc. Kết quả là lang thang được vài phố thì tôi gặp được một người VN trạc tuổi trung niên (gặp ai nghỉ là người VN thì hỏi đại). Tôi trình bày tự sự và được ông ta đồng ý cho ngủ nhờ một đêm.
Lúc đó trời đã tối hẳn, ánh đèn điện đã tỏa ra từ các nhà bên hè phố. Nhà ông ta cũng không xa lắm và ở ngay trong thành phố, tại một con đường nhỏ. Ông ta cũng làm việc ở nhà ga, chuyên trách về bán vé, thành thử tôi được biết rõ giờ giấc khởi hành đi Côn Minh vào ngày hôm sau lúc 10 giờ sáng. Sáng ra, chúng tôi dạy rất sớm, vì ông ta phải ra ga bán vé cho chuyến tàu đi Khai Viễn. Còn tôi, trong khi chờ đợi, tôi làm một vòng dạo phố và tìm món gì ăn sáng. Trời mới sáng nên phố xá còn vắng teo, riêng có vài tiệm hủ tiếu, tiệm trà, café đã mở cửa sớm. Tôi tạt vào làm một ly café và một tô phở hủ tiếu, nghe nhìn thiên hạ nói chuyện bô bô, hút thuốc lào kêu ầm ĩ. Đúng là một tiệm ăn người Tàu. Thành phố Nghi Lương cũng không thua kém Khai Viễn mấy, ở đó cũng có một số cửa hàng tạp hóa và ăn uống của người Việt. Chỉ tiếc là không có thì giờ và không có ai quen biết để hướng dẫn, nên chưa biết hết được những nét đặc sắc của thành phố. Tôi nghe nói ở đó có suối nước nóng, nhưng tiếc là chưa được tới thăm. Chín giờ, tôi trở lại nhà ga để kịp đáp chuyến tàu đi Côn Minh. Từ thành phố Nghi Lương lên Côn Minh, Thủ phủ của Tỉnh Vân Nam, đường tàu bắt đầu lên dốc cao. Do đó, con tàu cần phải có hai đầu tàu mới kéo lên nổi. Ngoài đường tàu hỏa, còn có một đường trải nhựa chạy gần như song song. Hai con dường tuy phải làm quanh co theo triền đồi núi, nhưng ít phải chui qua đường hầm.
Có người cho tôi hay là trước đó một ngày, có một toa tàu không hiểu vì sao đã quên để thắng, mà một đêm đã từ một nhà ga cách Nghi Lương từ phía Bắc tự động trôi về tới ga Nghi Lương. Rất may là đã không có tai nạn nào xẩy ra. Con tàu càng lên cao, nên di chuyển khá chậm, thành thử tha hồ mà ngắm cảnh ở hai bên đường.
Khí hậu cũng trở nên mát mẻ hơn. Khi tới khoảng hai phần ba đường, xa xa về hướng trái của con tàu, giữa một khu đồi núi là một cái hồ rất lớn mà người địa phương mệnh danh là “Hồ không đáy”. Sở dĩ được đặt tên như vậy là trước đó đã lâu, có một hai con thuyền đánh cá tự dưng mất tích, không để lại một dấu tích nào cả, và từ đó không một ai trong vùng giám xử dụng tàu, thuyền bơi trên đó nữa, các xóm dân chài sống quanh hồ cũng bỏ đi dần.
Quả vậy, khi con tàu chạy ngang qua, tôi chăm chú quan sát, không thấy một con thuyền nào cả. Hồ nước rộng mênh mông, vắng lặng mang vẻ huyền bí. Qua khỏi khu vực đó, đường vẫn tiếp tục lên cao. Trời đã về chiều, gió thổi mát lạnh. Hai bên đường, có những cây đào xanh lá, vì không phải là mùa hoa nở. Nếu vào mùa Xuân, thì phong cảnh quả là đẹp như tranh vẽ. Vào khoảng 5 giờ chiều thì con tàu từ từ tiến vào sân ga. Nhà ga Côn Minh tương đối khá lớn, xây cất tựa như nhà ga Hàng Cỏ Hà Nội, vì lẽ chúng cùng chung trong một hệ thống thiết kế của thực dân Pháp mà Chính phủ Trung Hoa Quốc Gia đã ký thỏa ước cho Pháp khai thác đường hỏa xa Hà Nội-Côn Minh.
Không có liên lạc, nhắn tin gì hết, nên tôi một mình lững thững ra khỏi nhà ga. Nhà ga nằm ngay trong thành phố, nên chỉ ít phút sau là tôi đã có mặt trên các đường phố đông đúc. Tôi hỏi đường tới phố Chính Nghĩa Lộ, vì ở đó có nhà hàng ăn “Nam Phong” do người Việt làm chủ. Theo tin tức tôi nhận được thì anh Việt thường qua lại nhà hàng đó, tôi hy vọng tới đó sẽ gặp được anh. Quả nhiên, khi vừa tới trước cửa nhà hàng thì anh Việt bước ra. Anh thấy tôi là nhận ra ngay.
Không hiểu khi gặp tôi, anh có cảm nghĩ như thế nào, chứ tôi thấy anh vẫn còn phong độ, ăn mặc tươm tất. Tôi nghĩ thầm trong bụng, chắc cuộc sống của anh không đến nỗi tồi tệ và tôi có thể trông nhờ tạm được. Hai anh em gặp lại nhau thật mừng. Chúng tôi ai cũng tưởng rằng khó có ngày gặp lại nhau nữa. Đối với chúng tôi tất cả đều coi trọng anh, dù sao anh cũng là Cơ trưởng và cao niên nhất trong QGTNĐ. Tôi gặp anh, thì QGTNĐ đã tan tác chẳng còn mấy người, mà anh là người chịu phần nào trách nhiệm về tinh thần và sự tồn tại của Đoàn trong những ngày chiến đấu trong VNQDĐ cũng như khi lưu vong sang Trung Hoa.
Việc làm đầu tiên của anh là chạy vào trong nhà tìm cho tôi một đôi giày da để thay thế đôi Hải Sảo bằng sợi tôi đang mang. Đôi giầy da anh kiếm được cũng còn hơn đôi giầy phong sương của tôi, còn quần áo thì anh bảo để tính sau. Cuối cùng anh nói với tôi: Bây giờ thì mày cứ ngày hai bữa chửi bới chúng nó cho tao. Ngày hai bữa chưa biết sao, chứ chửi bới thì đã có đôi lúc làm việc cực nhọc quá, tức mình lôi nhau ra chửi cho hả giận. Nhưng rồi bình tĩnh lại thì thấy cũng kỳ. Chúng tôi ra đi là phục vụ cho một lý tưởng cao cả, tự nguyện, chấp nhận những gian truân gặp phải. Tranh đấu là phải hy sinh, phải nếm mùi cay đắng, thì mới có thắng lợi, có vinh quang. Thất bại cũng là trách nhiệm chung, dĩ nhiên người lãnh đạo thì chịu trách nhiệm lớn hơn…
Tại cửa hàng ăn Nam Phong, trông bề ngoài tương đối sạch sẽ, khang trang, tuy rằng không lớn lắm. Ở đó thường tụ tập các anh thuộc trường Lục quân Yên Bái (khóa A và B). Có các anh thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ở đây tôi thấy có anh Hợi (tục gọi Hợi nghẽo) anh Sơn Nam (Phạm Văn Liễu) anh Tân, anh Tư Hùy, anh Văn (Văn sến) và một vài anh nữa tôi quên mất tên. Hỏi ra thì đa số các anh được gia đình trong nước (Hà Nội) gửi tiền ra giúp đỡ. Vì vậy anh nào cũng ăn mặt đàng hoàng, chứ không bê bối như bọn chúng tôi lam ăn cực khổ ở mạn dưới. Khi đó tại thành phố Côn Minh có tòa lãnh sự Pháp nên mọi liên lạc với gia đình rất dễ dàng (nếu ở trong khu vực chiếm đóng).
Đó cũng là mục đích tôi lên Côn Minh để mong liên lạc, báo tin về nhà ở Hà Nội. Trò chuyện một lúc, anh Việt tạm đưa tôi về tá túc nơi anh ở.
Khi tới nơi, một phố nhỏ, nằm khuất trong các phố lớn bao quanh. Anh dẫn tôi vào một căn phòng không lớn lắm, rộng khoảng bốn thước vuông. Trong phòng, giường,mùng, mền, quần áo để bừa bộn, chứng tỏ cuộc sống không lấy gì làm sung túc lắm, trái với ý nghĩ lúc mới gặp anh. Ở trong buồng lúc đó có anh Đái đức Tuấn (nhà văn Tchya) anh Thọ Hinh phục vụ ở Tỉnh Đảng Bộ Phú Thọ. Anh Việt giới thiệu tôi như một em út, và các anh hỏi han, trò chuyện rất thân mật. Sau đó anh bảo tôi ra phố tìm cái gì ăn, rồi về lại, tùy tiện muốn ngủ đâu thì ngủ. Còn các anh rủ nhau ra đi. Về sau tôi mới được biết anh Tchya có chân dạy Pháp văn ở trường Đại học Côn Minh. Còn anh Việt thì dạy tư về Anh văn cho các gia đình Trung Hoa.
Những lúc có công ăn việc làm thì tiêu pha phông phí, còn không thì chạy ăn từng bữa. Có hôm lại thăm, chừng một hai giờ chiều vẫn còn thấy các “Bố” trùm chăn ngủ kỹ. Những lúc đó các anh gọi là nằm “ép dệp” vì lẽ không có tiền mua thức ăn nên anh nào, anh nấy ngủ miết. Tới chiều, mỗi anh mới chịu lò đầu ra phố tìm kế sinh sống.
Hiểu rõ tình hình sinh hoạt của các anh, sáng hôm sau tôi từ giã anh Việt đi tìm các bạn thân. Anh cũng chẳng giữ tôi làm gì, vì thân anh vẫn còn long đong, ngày no, ngày đói. Trong người có một ít tiền do kết quả của những ngày làm than và ở trại nông nghiệp Séo Lồng Thán, nên tôi cũng đỡ lo lắng về sinh kế, ít ra là cũng được hơn một tháng ăn dè sẻn. Tôi trở lại nhà hàng Nam Phong hỏi dò tin tức, may ra có thể gặp lại anh Tạo ở Côn Minh. Tới nơi, tôi gặp lại anh Tân và anh Tư Hùy. Nói chuyện vớ vẩn một hồi, thì một anh bạn khác đi tới. Hai anh giới thiệu là anh Chiên, cũng là học viên trường Lục quân Yên Bái. Nói tới, nói lui thì anh Chiên cũng học một trường Louis Pasteur ở Hà Nội, cùng một lớp, nhưng anh ở lớp A tôi lớp B.
Hỏi thăm về anh Tạo, thì anh cho biết trước đó anh và anh Tạo làm công cho một hiệu bánh mì của người VN tên Bổng gì đó, nhưng nay thì nghỉ việc rồi, đang lang thang thất nghiệp. Thế là tôi và anh Chiên rời nhà hàng Nam Phong đi tìm anh Tạo. Đi một hồi lâu thì gặp anh Tạo ở nhà một người quen.
Hai anh em tôi, lâu ngày gặp lại nhau mừng khôn siết, vì anh ngỡ rằng tôi đã bỏ mạng ở Chiến Khu Phòng Thô rồi. Anh Tạo nay đã mạnh khỏe hẳn. Anh sống ở Côn Minh trước tôi cả năm. Thế là từ đó, ba anh em chúng tôi ngày ngày đi dạo phố, thăm người nọ, người kia, đồng thời có công việc gì thì làm. Ăn uống thì mỗi bữa mua một cái bánh “Kinh Tế” vừa rẻ, vừa no. Bánh làm bằng bột mì, xen ít đậu xanh, ít đường rồi nướng lên lò than. Lúc đó đói ăn gì mà chẳng ngon miệng. Sống ở Côn Minh, thời tiết khí hậu trong lành mát mẻ, nên đói lại càng tới nhanh. Tuy thế sức khỏe chúng tôi hồi phục rất nhanh và mập ra, bệnh sốt rét rừng mất hẳn, mà chẳng cần có thuốc men gì cả. Đúng là trời sinh, trời dưỡng, nghèo đói vất vả mà không bị ốm đau. Nếu xẩy ra thì chỉ còn có vào bệnh viện thí.
Vài ngày sau, hai anh Chiên và Tạo rủ tôi cùng đi Nghi Lương tham anh Ánh ở Chí Cái. Nơi này không cách xa thành phố, thuộc một Thị trấn nhỏ. Anh Ánh làm nghề cắt tóc và có gia đình. Căn nhà thuê mướn vừa ở, vừa mở cửa tiệm hớt tóc. Tôi còn nhớ là cửa hiệu của anh nằm ở một đường phố nhỏ hẹp, cửa hàng buôn bán lèo tèo. Cửa hàng tồn tại là nhờ ở khách hàng quen, vì gia đình anh ở đó lâu rồi. Anh hành nghề có một mình không ai phụ cả. Do đó mà anh nhận anh Tạo ở lại học nghề. Ở chơi với gia đình anh Ánh mấy hôm, anh Chiên và tôi trở lại Côn Minh. Chúng tôi bàn tính là sau khi anh Tạo thành nghề rồi, sẽ trở lại Côn Minh cùng nhau sinh sống.
Ở Côn Minh hai chúng tôi tiếp tục tìm kế sinh nhai. Những ngày ở Côn Minh, tôi đã nhờ được người mang thư giúp về Hà Nội và mấy tháng sau tôi mới nhận được thư phúc đáp. Được thư nhà mừng hết nổi, tưởng phen này có sự giúp đỡ, nhưng mở thư ra thì chỉ vỏn vẹn có mấy hàng là đã nhận được, tuyệt nhiên không đả động gì về tình hình gia đình cả. Đó là thư của ông chú tôi, vừa từ hậu phương trở về Hà Nội và tá túc ở nhà người chú họ. Như vậy là tôi hiểu gia đình tôi còn đang sống ở ngoài vùng VMCS kiểm xoát.
Từ đó tôi không còn nhận được tin tức gì từ Hà Nội gửi sang nữa. Rồi một hôm, chúng tôi đi ra ngoài cửa Tây của thành phố tới thăm lò bánh đậu do hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường (Cung Thúc Vấn) mở tiệm. Căn nhà lá mà hai anh mướn, nằm cách xa thành phố khoảng ba cây số, thuộc vùng ngoại thành, như là một xóm quê. Tới nơi gặp hai anh đang làm bánh, tôi tự giới thiệu là đoàn viên QGTNĐ. Nghe vậy, hai anh tỏ ra sốt sắng và mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Trong nhà, tôi gặp lại hai anh Long (sau này là chủ nhà hàng Eden Roc ở đường Tự Do Sài Gòn ) và anh Ngọc (tức Khuyến, sau này là Tổng Giám Đốc Sài Gòn Ngân Hàng).
Tôi thấy anh Hoàng Tường (Cung Thúc Vấn) cùng họ với ông chú rể của tôi là ông Cung Thúc Tỉnh, em ruột ông Tuần phủ Cung Đình Vận (bị CS giết ở trong trại tù) nên hỏi ra mới biết là cùng họ nhưng ở chi trên. Sau buổi gặp gỡ đó thì hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường bảo tôi ở lại sống vơi hai anh, có gì ăn đó. Trong khi chưa biết làm gì, tiền để dành ăn cũng gần hết, nên tôi chấp nhận. Anh Chiên trở về nhà hàng Nam Phong, giúp việc ở đó và tới đầu năm 1949 thì anh trở về Hà Nội.
Giữa năm 1950, tôi trở về Hà Nội thì anh Chiên đang phục vụ trong Bảo chính Đoàn (Bắc Việt) với cấp bậc Phó đốc Quân mang trên vai hoa thị trắng (gần như cấp bậc Chuẩn Úy). Từ đó tôi sống trong lò hay còn gọi là nhóm bánh đậu. Sở dĩ người ta gọi như vậy là vì có anh Xuân Tùng (Ủy viên Tổ chức Trung Ương VNQDĐ). Từ ngày sang sống ở Côn Minh, anh Xuân Tùng không còn làm việc gần gũi với ông Vũ hồng Khanh nữa, mà có xu hướng liên hệ mật thiết với ông Nguyễn tường Tam. Ông này lúc đó đang sống ở Hương Cảng. Trong nhóm bánh đậu xanh, lúc đó có sáu người kể cả tôi mới tới, gồm các anh: Xuân Tùng, Hoàng Tường, Nguyễn thành Long, Phạm ngọc Khuyến, Cung thành San. Bánh đậu mang nhãn hiệu “Việt Hương”.
Công tác được phân chia như sau: Anh Hoàng Tường giữ nhiệm vụ chính là pha chế bột đường, vani, mỡ và cán bột. Các anh Xuân Tùng, Long, Ngọc gói bánh. Anh San mang bánh lên Côn Minh giao cho các cửa tiệm ăn, uống. Còn tôi làm nhiệm vụ đi chợ, chẻ củi, nấu cơm, đãi đậu, xay đậu, rán mỡ và những công việc linh tinh. Xem ra thì có vẻ nhiều việc, nhưng lúc tôi còn trẻ, nên không lấy gì làm mệt mỏi cả, hơn nữa tôi đã trải qua những công việc làm than, nông nghiệp còn nặng hơn nhiều.
Thời khắc biểu hàng ngày của tôi như sau: sáng dậy lúc sáu giờ, đun một ấm nước sôi để pha trà, một chảo nước nóng nếu là mùa đông để đãi đậu, vì suối nước đóng thành băng, nếu không thì ra suối đãi đậu (đã ngâm đậu từ chiều hôm trước) bỏ vào nấu cho chín rồi mang đi phơi khô, đi chợ (không xa lắm) thường chỉ mua một củ cải (lớn bằng bắp đùi, cả nhà vừa đủ ăn) hoặc cà rốt (ăn sống ngọt như đường), mỡ heo (rán lấy mỡ làm bánh) còn tóp mỡ thì cho vào xào với củ cải. Ăn cơm song, tôi mang đậu sang nhà hàng sóm xay (dùng ngựa kéo), cuối cùng là rang đậu trước khi mang đi xay (rang làm sao cho đừng quá lửa, bánh sẽ có mùi khét) và nấu cơm chiều. Tối, chín mười giờ đi ngủ. Riêng việc luyện đường và rán mỡ, anh Hoàng Tường làm lấy vì sợ hư khó gỡ. Mỡ rán già thì sẽ khét, còn đường non thì bánh ướt, già thì bánh khô. Cán bánh thì phải kỹ và đều nếu không khi ăn sẽ bị sạn. Nếu hư hoặc không bán được hết, bị trả về, thì chỉ còn mang ra ăn với nước trà tàu. Đôi khi hàng ế, lâu ngày trả lại là thường. Tôi nhớ là có những ngày hàng bán ế ẩm, người thì đông, có khi mấy ngày phải ăn cháo thay cơm. Mấy anh Ngọc, Long học thêm ở đại học cũng phải thôi, vì đói quá học không nổi. Đói thì đói, nhưng nếp sống hàng ngày vẫn vui, vừa làm bánh vừa nói chuyện đời. Thôi thì đủ mọi lãnh vực, hết thời sự quốc tế, chính trị, kinh tế, tình hình địa phương.
Khi đó thường có các anh sống ở Côn Minh lâu, quen biết với Chính quyền và quân đội địa phương đến thăm, mang nhiều tin tức rất là sốt dẻo, ngoài ra anh Hoàng Tường lại đọc được báo tàu nên không đến nỗi mù tịt, như hồi chúng tôi sống ở dưới Séo lồng Thán. Nhờ tin tức qua lại, mà tôi được biết là tình hình Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lâm vào tình trạng bi đát. Quân của CS Mao trạch Đông đang thắng thế ở mạn Bắc Trung Hoa. Kinh tế khủng hoảng, tiền tệ mất giá, và quân đội tham nhũng tràn lan. Lúc đó là cuối năm 1948. Do đó, Tỉnh Vân Nam, đặc biệt là Côn Minh cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là về kinh tế. Việc làm ăn buôn bán bị đình đốn, lạm phát gia tăng.
Trong tình hình chung đó, cũng như tình hình chính trị ở Hà Nội có chiều thuận lợi cho các đảng cách mạng Quốc Gia hoạt động, nên đa số các anh thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng đã lên máy bay trở về nước qua sự can thiệp của Thủ hiến Bắc Việt, lúc đó là ông Nguyễn hữu Trí, một chức sắc trong Đảng Đại Việt quan lại.Tôi được biết, vào thời gian đó đã có anh nghe bản nhạc “Đàn chim Việt” với lời ca tung cánh chim tìm về tổ ấm, từ bên nhà gửi sang, đã không dấu nổi sự súc động, rồi sau đó gửi thư về nhà mua vé máy bay gửi sang cho anh ta về. Phải nói rằng phần lớn anh em trong lứa tuổi của tôi, tới lúc đó đã không còn hăng say vào lý tưởng cách mạng như lúc ban đầu. Họ trở về nước tiếp tục học lại rồi thành đạt với cuộc sống bình yên, còn lại một số ít tiếp tục sự nghiệp đấu tranh.
Thời gian qua đi như nước chảy qua cầu, chẳng mấy chốc đã hết năm. Một cái Tết Âm lịch Kỷ Sửu năm 1949 lại tới với cuộc sống lưu vong của chúng tôi. Như vậy là tôi đã trải qua ba cái Tết trên đất Trung Hoa. Lần thứ nhất tại Bản hoang Thiền, nằm sâu trong lãnh thổ Trung Hoa, khi rời Lào Kay vào Phòng Thô. Lần thứ hai tại Huyện Kim Bình, khi Mặt trận rút bỏ Chiến Khu Phòng Thô và lần thứ ba tại thành phố Côn Minh. Đối với chúng tôi, dĩ nhiên mỗi lần Tết đến, mang lại nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Buồn vì tuổi đời càng chồn chất thêm mà sự nghiệp chưa thấy tới đâu cả. Còn vui, là cái vui của cảnh vật giữa một mùa Xuân tươi đẹp, cây cỏ xanh tươi, hoa nở đầy đồng, trong vườn, ngoài ngõ, khiến cho tâm hồn thanh thản, tin tưởng vào tương lai. Tôi còn nhớ một vài câu thơ do anh Hoàng Tường, nhân dịp đầu Xuân bên ly trà thơm nóng đã tức cảnh thành thơ.
Lại một mùa Xuân nữa nhuộm hồng,
Bừng phô sắc thắm cợt đông phong,
Mây trao, vừng nhớ, chim thưa thốt,
Gió thoảng hương thơm, bướm lượn vòng,
Lại một lần Xuân nữa hẹn hò,
Khiến cô hàng xóm thắm thêm môi,
Nỗi riêng hò hẹn chưa chi cả,
Mái tóc phong sương, trắng nửa rồi