Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (26)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 3: Từ tháng 02-1948 đến 02-1950. TRÊN ĐƯỜNG SỐNG LƯU VONG TẠI TRUNG HOA (26)
C – Trên đương sống lưu vong tại Trung Hoa (26)
Trong bóng tối dày đặc của đêm cuối năm, đoàn quân lại một lần nữa rút chạy sang đất nước người, và cũng là lần chót của VNQDĐ sau những năm chiến đấu trong Chiến Khu Phòng Thô đầy gian khổ. Sập Nhị Lầu nằm sát ngay biên giới nên chúng tôi chỉ di chuyển một thời gian ngắn là đổ dốc xuống thung lũng.
Khoảng đường không dài lắm nhưng vì đêm tối, đường đi khúc khuỷu, lúc lên, lúc xuống nên gần sáng chúng tôi mới tới con suối nhỏ ngăn đôi hai dãy núi cao và cũng là ranh giới phân chia lãnh thổ hai nước Việt Nam (VN) Trung Hoa. Vào gần trưa thì chúng tôi leo tới gần đỉnh núi, nhìn lại hướng Sập Nhị Lầu lửa cháy mịt mù, xen lẫn tiếng súng nổ ran của Pháp quân đang truy kích toán quân cản hậu của chúng tôi đang vượt qua biên giới.
Cuộc hành quân tháo lui hoàn tất vào lúc xế chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch năm Mậu Tý, vào khoảng trung tuần tháng 2/1948. Kiểm điểm lại toàn bộ lực lượng sau cuộc tấn công lần cuối cùng của Pháp quân vào VNQDĐ trong Chiến Khu Phòng Thô thì thấy thất lạc một số người trong đó có anh Ngạn (QGTNĐ). Sau hai năm chiến đấu trong Quốc Dân Đảng, QGTNĐ khi rời Hà Nội cuối tháng 2/1946 lên Đệ Tam Chiến Khu gồm khoảng sáu mươi đoàn viên, rồi hai tháng sau đó toàn thứ hai khoảng ba mươi đoàn viên lên sáp nhập vào Đoàn để cùng theo học lớp Quân Chính Việt Trì.
Tới khi VMCS tổng tấn công vào Đệ Tam Chiến Khu từ Vĩnh Yên tới Lào Kay, rồi rút lui vào Chiến Khu Phòng Thô qua ngả Bát Xát, Trịnh Tường, Mường Hum và vòng qua biên giới Trung Hoa, thì số lượng đoàn viên QGTNĐ gồm khoảng 90 người. Khi tôi đặt chân lên đất Trung Hoa lần thứ hai chỉ còn lại có năm, sáu người kể cả hai anh Việt và Tạo bị thương sang trước. Lúc ở Sập Nhị Lầu chỉ còn có các anh Nguyễn sĩ Hồng, Mai ngọc Bảo, Ngạn và tôi. Số đoàn viên vắng mặt gồm một số bị bệnh bỏ về Hà Nội khi còn ở Việt Trì, một số bị bệnh chết và thất lạc khi VMCS tấn công vào Lào Kay, và trên đường rút lui vào Chiến Khu Phòng Thô.
Lên tới đỉnh núi, chúng tôi gập một Bản người U Lý. Họ đang tụ tập ở đầu bản nói chuyện líu lo, chỉ chỏ hướng về phía bên kia biên giới, nơi đang có khói lửa đầy trời. Trong đó có cả những gia đình từ VN chạy sang. Họ nhìn chúng tôi với vẻ mặt không thiện cảm cho lắm, vì sự có mặt của chúng tôi đã làm cho cuộc sống bình an của họ phút chốc trở thành tang tóc đau thương, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang.
Trong hoàn cảnh lưu vong sang đất nước người, tôi chỉ còn có sự im lặng, tiếp tục lên đường.Đêm đầu tiên, chúng tôi nghỉ ngoài trời, dĩ nhiên là dân chúng địa phương chẳng bao giờ cho chúng tôi vào ngủ nhờ nhờ trong nhà. Ngày kế tiếp, càng đi sâu vào nội địa, đường không còn lên cao, xuống thấp, rừng cây cũng đỡ rậm rạp hơn.
Trên lộ trình di chuyển, chúng tôi không gặp một rắc rối nào với dân cư địa phương, vì lẽ trước ngày rời khỏi Sập Nhị Lầu, BCH đã cho người sang liên lạc với Chính quyền địa phương cho phép Mặt trận sang tá túc, đồng thời cấp báo cho ông Vũ Hồng Khanh và Hải ngoại Bộ VNQDĐ vận động với Quốc Dân Đảng Trung Hoa để được giúp đỡ. Đến xế chiều thì đoàn quân tới đồn Lản Thán, một đồn binh của Chính phủ Trung Hoa làm nhiệm vụ canh phòng biên giới. Sau khi một cán bộ VNQDĐ vào trình diện và trình bày tự sự, thì một sĩ quan Trung Hoa tới ra lệnh chúng tôi tập trung vào một khu đất trống trước cổng đồn để họ tước khí giới theo đúng luật công pháp quốc tế. Khi kiểm tra vũ khí và đạn dược, các sĩ quan đồn binh đã không khỏi ngạc nhiên là số lượng đạn dược còn lại của chúng tôi quá ít, mà phải chiến đấu với một đoàn quân võ trang quá đầy đủ như quân Pháp. Sau khi giao nộp hoàn tất, thì chúng tôi được sĩ quan trưởng đồn binh cho tạm trú ở một khu nhà bỏ trống và cấp phát gạo nước, trong khi chờ đợi quyết định của Huyện Trưởng Huyện Kim Bình.
Qua một đêm ngủ yên tĩnh, sáng hôm sau Trưởng đồn binh báo cho biết chúng tôi chuẩn bị di chuyển về Kim Bình. Từ chỗ nghỉ đêm về tới Huyện, khoảng cách không xa lắm, hơn nữa đường đi rộng rãi và bằng phẳng trong một thung lũng tương đối rộng.
Các bản làng lâu lâu lại xuất hiện bên sườn đồi, hoặc bên một con suối rộng. Dân cư trong vùng thuộc sắc tộc người Xạ Phang, người Mán, người Lô Lô. Trên lộ trình di chuyển, không rõ có phải là ngày chợ phiên không, mà thấy khá đông, từng đoàn lừa ngựa, trên lưng thồ đầy hàng hóa cùng hướng về Huyện Kim Bình.
Cảnh tượng thật vui, đầy màu sắc qua các cô con gái ăn mặc quần áo thêu hoa sặc sỡ, chân tay đeo vòng bạc, vòng đồng lấp lánh, tiếng kêu lanh canh của các nhạc đeo ở cổ lừa, ngựa, tạo thành một bức tranh sống động ở một khu rừng núi vào một buổi sáng sớm mù sương.
Chúng tôi cảm thấy phấn chấn và yêu đời, dù rằng tương lai chưa biết đi về đâu. Tới trưa thì chúng tôi đến một con suối lớn gần như sông, nhưng vào mùa cạn vẫn có thể lội qua được. Con suối này chảy qua ngoại vi của Huyện lỵ rồi tới sông Mãn Hâu chảy vào VN (sông Hồng). Qua suối không mấy khó khăn. Chúng tôi được nhân viên sở tại đón và đưa về tập trung ở một ngôi trường học đang bỏ trống nhân dịp học sinh nghỉ Tết Âm lịch.
Hôm đó là ngày 25 Tết Mậu Tý năm 1948, nên đường phố trong Huyện tấp nập, kẻ mua người bán sắm tết. Ngôi trường ở ngay đầu Huyện, nên chúng tôi hàng ngày không có việc gì, thường thả bộ ngắm phố phường cho quên cảnh lữ thứ. Tuy bị tập trung, nhưng Huyện trưởng cho chúng tôi được đi lại thoải mái, có lẽ ông ta biết rõ chúng tôi thuộc thành phần nào rồi. Hàng ngày BCH (lúc đó ông Đạt và ông Nghi trông coi) cắt cử người tới kho của Huyện lãnh thực phẩm về phân phối cho chúng tôi. Thực phẩm thì đại loại có gạo, muối và rau tươi. Lâu lâu có phát ít thịt bò, thịt heo. Năm hết Tết đến, chúng tôi chẳng có gì hơn để vui Xuân với thiên hạ.
Chúng tôi vui buồn lẫn lộn trong cái cảnh tha hương, mất nước. Đối với tôi, Tết Kim Bình là cái Tết thứ hai trên lãnh thổ Trung Hoa sau cái Tết tại Bản Hoang Thiền, và cũng là cái Tết xa gia đình và quê hương. Khi đó ba anh em chúng tôi, anh Hồng, anh Bảo và tôi, sau có anh Việt (Lục quân) nhập theo, chúng tôi ăn uống, ngủ chung một chỗ, chia ngọt sẻ bùi trong những ngày sống tại trường học ở Huyện Kim Bình. Rồi Tết cũng trôi qua không luyến tiếc.
Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra như thường lệ, ngày lo hai bữa ăn rồi đi dạo chợ qua ngày tháng, đợi cấp lãnh đạo VNQDĐ giải quyết. Ở được gần hai tháng, một hôm Huyện trưởng cho tập trung chúng tôi lại nói chuyện. Ông ta cho chúng tôi biết là cấp trên của Huyện có kế hoạch đưa tất cả chúng tôi tới một khu vực cách xa Huyện lỵ nửa ngày trời để khẩn hoang canh tác. Lúc khởi sự, chính quyền địa phương sẽ cung cấp phương tiện, sau một thời gian sẽ phải tự túc. Ngoài ra, Huyện cũng tuyển mộ khoảng ba mươi người để bổ sung tăng cường cho lực lượng bảo vệ an ninh Huyện. Chúng tôi được vài bữa để chuẩn bị lên đường. Về tới chỗ ở, chúng tôi cùng nhau bàn luận để quyết định ra sao. Sau cùng, chúng tôi đồng thỏa thuận là bỏ trốn lên miền trên tức Khai Viễn, Côn Minh.
Chúng tôi không thể nào ở lại để vào khu kinh tế mới vì chúng tôi xuất thân là thanh niên, học sinh, có hay biết gì về nghề nông, trồng trọt. Hơn nữa lại phải sống chung và dưới quyền chỉ huy của người Thổ. Họ mạnh khỏe, sống quen ở rừng núi, thường hay lấn át người Kinh vì cậy đông hiếp yếu. Do đó, khi mà còn ở Lào Kay cũng như ở Phòng Thô, BCH phải tổ chức thành hai cánh quân người Thổ và Kinh để tránh mọi sự tranh chấp, chia rẽ và dễ điều khiển. Vào đó để rồi chết bệnh, chết già ở đó sao!
Chúng tôi còn có những hoài bão lý tưởng riêng tư, trong khi tuổi mới thanh xuân vào đời. Còn tình nguyện đầu quân vào lính Huyện thì lại không thể xẩy ra được, không lẽ vì sự sống hàng ngày mà trở thành người lính đánh thuê vô mục đích. Thua keo này thì bày keo khác, thắng bại trên đời là lẽ thường tình, tuổi đời còn dài, có chí khí, có quyết tâm thì rồi cũng phải thành công. Vì những lẽ đó, mà chúng tôi có thể chôn vùi cuộc sống tương lai trong cái khu rừng núi biên khu, khỉ ho, cò gáy đó được sao.
Riêng những anh em người Thổ và gia đình của họ, thì đó là trường hợp thích nghi nhất, nên họ tỏ ra rất đồng ý không chống đối gì cả. Về số anh em xung phong vào lính Huyện có gần mấy chục, dĩ nhiên có nhiều đảng viên VNQDQ trong đó có năm ba anh thuộc trường Lục Quân Yên Bái.
Tôi nhớ có anh Độ, anh được Huyện cho giữ chức Trung đội Trưởng. Sau này khi lên sống ở mạn trên, được nghe tin một đêm Huyện Kim Bình đã bị thổ phỉ vào đánh cướp Huyện lỵ. Số lính địa phương bỏ chạy hết, tuy còn Trung đội của anh Độ đã kháng cự quyết liệt và sau đó đánh đuổi được bọn thổ phỉ ra khỏi Huyện. Sau trận đánh đẹp đó, anh Độ và các anh em VNQDQ dưới quyền đã được Huyện trưởng và dân chúng trọng nể, tôn vinh hết lòng. Khi Trung Cộng làm chủ Trung Hoa thì không hiểu các anh em đó ra sao ?!