Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (25)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948.  NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (25)

B – NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (25)

Trong các tháng vào cuối năm 1947 các cuộc đụng độ với Pháp quân đã tăng hơn trước. Theo tin tức ghi nhận được thì Pháp quân đã được tăng cường về quân số, sân bay được tu bổ và mở rộng. Tại vùng đồng bằng Bắc Việt, Pháp quân càng ngày càng đẩy lui VMCS về khu vực rừng núi và mở rộng khu vực chiếm đóng. Tại Lai Châu, chúng dọn đường tấn công sang vùng Yên Bái, Tuyên Quang và sang vùng Thượng Lào. Cái gai chướng ngại VNQDĐ vì thế mà chúng cần phải nhổ đi. Trong tình hình đó, Bộ Chỉ Huy (BCH) Sập Nhị Lầu cũng nhận ra chiều hướng sẽ phải xẩy ra sớm hay muộn, nên một mặt thu hẹp và tăng cường tuyến phòng thủ, một mặt ông Vũ Hồng Khanh trở lại Côn Minh vận động với chính quyền địa phương giúp đỡ người và vũ khí. Không hiểu ông Vũ vận động ra sao, thì một ngày kia tôi thấy có một số chí nguyện quân người Trung Hoa vượt biên giới sang Sập Nhị Lầu. Trước sự hiện diện của toán quân này (có mặc quân phục hẳn hoi). Chúng tôi thấy phấn khởi hẳn lên, và nghĩ rằng Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã trở lại giúp đỡ… BCH Sập Nhị Lầu đã tiếp đón họ rất nồng hậu, giết trâu, giết heo chiêu đãi mấy ngày. Có điều tôi nhận xét thấy toán quân chỉ trang bị súng nhẹ, có tên chỉ mang trên mình năm ba quả lựu đạn chày, thành thử chúng tôi đâm ra nghi ngờ khả năng chiến đấu của toán chí nguyện quân đó. Sau ít ngày ăn uống no nê, nghỉ ngơi, BCH điều động chúng ra tiền tuyến cùng phối hợp với VNQDĐ mở cuộc tấn công vào các vị trí đóng quân của Pháp. Vài bữa sau, tôi và mấy người bạn đang có công tác tại Sập Nhị Lầu, thì hay tin cuộc tấn công của VNQDĐ và chí nguyện quân vào Pháp quân đã bị thất bại. Toán chí nguyện chết và bị thương một số, bỏ chạy tán loạn về Sập Nhị Lầu rồi rút về phía bên kia biên giới và không bao giờ giám bén mảng tới nữa. Sự ước đoán của chúng tôi quả là không sai, và sau tìm hiểu ra thì chúng thuộc các lực lượng địa phương vùng biên giới mà thủ lĩnh của chúng có sự liên hệ giao dịch với ông Vũ. Chúng tưởng sang giúp VNQDĐ thì thế nào cũng có nhiều của cải sẽ lấy mang về được, chứ có ngờ đâu lại đâm đầu váo tổ ong bò vẽ. Chỉ tội cho Mặt trận,có bao nhiêu lương thực bỏ dốc ra cho chúng ăn, tưởng phen này có chúng sang giúp sẽ vươn lên được. Ngờ đâu, chỉ mới ra trận lần đầu đã thua chạy tán loạn, không kịp một lời từ giã!

Kinh tế đã eo hẹp, sau trận đó lại càng thiếu thốn hơn. Dân cư trong vùng kiểm soát càng ngày càng thưa thớt. Những gì còn sót lại của dân không mang đi được, chúng tôi ăn dần cũng hết. Thành thử Pháp quân không cần tổng tấn công, Mặt trận rồi cũng phải rút bỏ, không còn cách gì để chiến đấu nữa. Thế mới biết, tinh thần có cao đến mấy, mà bụng lép kẹp thì cũng phải thua thôi.

Nhưng rồi đến tháng 1/1948, quân Pháp mở cuộc tổng tấn công thật. Đây cũng là một dịp thuận lợi để chứng tỏ là Mặt trận đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chứ không phải bỏ ra đi một cách thầm lặng, đắng cay. 

Từ Yào San ở phía Đông sang Mali phố Tả Trùng Phùng ở phía Tây, đồng loạt bị tấn công vào lúc mờ sáng. Lần này không phải như các cuộc tấn công đột kích lẻ tẻ trước, mà Pháp quân đã xử dụng tối đa hỏa lực súng cối 60 và 81 ly rót vào trước khi cho quân bộ xung phong vào phòng tuyến. Tuy nhiên trước cuộc tấn công mãnh liệt của Pháp, VNQDĐ đã chống trả rất can trường và một phần cũng nhờ vào ưu thế của vị trí phòng thủ. Dĩ nhiên là đến lúc súng đạn cạn dần, kẻ chết, người bị thương rồi cũng phải rút lui. Trong những người hy sinh có ông Vương Cát Đạo, một huấn luyện viên của chúng tôi tại trường Quân Chính Việt Trì. Một cán bộ, đảng viên VNQDĐ ưu tú đã bị thương nặng phải chịu nằm lại chiến trường, chịu chết một cách rất bình tĩnh,can đảm khiến ai cũng phải cảm phục. Từ đó, Mặt trận cứ phải lui dần, hết Tả Trùng Phùng, Mù San đến Sính Trại, Hoàng Ma Trại, Mali Trại, các căn cứ bảo vệ BCH Sập nhị Lầu. Khi Pháp quân lập được đầu cầu hai căn cứ bảo vệ hai bên sườn của BCH Sập Nhị Lầu thì Đội của tôi đang bố trí bảo vệ BCH ở mặt trước, nhờ thung lũng sâu và xa các đồi núi đối diện, nên không bị pháo của địch rót vào. Tất cả lực lượng còn lại đều lui về trụ ở hai Bản Mali Trại và Hoàng Ma Trại cách xa BCH khoảng nửa tiếng đồng hồ di chuyển. Địa thế không còn bị cách trở bởi các thung lũng sâu, mà chỉ còn là các thế đất yên ngựa mà Sập Nhị Lầu là điểm cao nhất. Dựa lưng vào một thung lũng sâu và rộng, mà bên kia núi là lãnh thổ Trung Hoa. Bởi vậy khi Pháp quân lập được hai đầu cầu thì tình thế của VNQDĐ trở nên trầm trọng, không còn dựa vào địa thế hiểm trở để phòng thủ hữu hiệu hơn. trong nửa tháng trời chiến đấu liên tục, quân số và sinh lực đã giảm sút, tiếp tế đạn dược không có, nên hỏa lực phòng thủ thưa dần. Tại Sập Nhị Lầu đã nghe rõ dần pháo của địch nổ không ngớt, hòa với khói lửa chúng đốt nhà, khói bay ngút trời. Pháp quân tiến tới đâu, chúng đốt phá sạch đến đó, dân chúng đã bỏ chạy sang bên kia biên giới từ mấy ngày trước. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến, mặc dầu ở trong tình thế bất lợi, đạn dược chẳng còn bao nhiêu. Qua hai ngày cầm cự trước hỏa lực áp đảo của địch, hai cánh quân đã lui dần về gần BCH. Đạn súng cối của địch bắt đầu rót vào cứ điểm cuối cùng của Mặt trận và tiếng súng nhỏ đã âm vang dội về. Đến buổi chiều, thì BCH quyết định bỏ Sập Nhị Lầu vì thấy rằng có cố thủ cũng vô ích, chỉ gây thêm thiệt hại. Hơn nữa số lượng đạn dược trên người hầu như gần cạn. Giờ khởi sự rút lui được ấn định vào lúc gần nửa đêm. Trời tối sẽ giúp cho sự rút lui hoàn thành dễ dàng hơn. Thực tế, thì chúng tôi cũng chẳng còn gì để mang theo, ngoài cái bạc đà đựng quần áo và lương khô, cùng khẩu súng trường khoác trên vai. Trước khi lên dường, mấy đồng chí VNQDĐ đã đãi tôi một bữa thịt mèo mà họ đã bắt được của một nhà nào đó, đó là lần đầu tiên trong đời và cũng là lần chót mà tôi đã thưởng thức món thịt mèo. Kể ra thì trong trường hợp thiêu thốn, ăn cái gì cũng thấy ngon, như món thịt ngựa đã giúp cho tôi lành bệnh mau chóng. Khoảng mười giờ đêm, thì các đơn vị đã tập trung gần đầy đủ, ngoại trừ một số phải ở lại làm nhiễm vụ cản hậu.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt