Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (24)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948.  NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (24)

B – NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (24)

Tình hình trong khu vực Phòng Thô, Lai Châu, sau khi VNQDĐ tấn công vào Thị Xã Lai Châu thất bại, thì chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ không đáng kể. Nhưng bất ngờ một hôm, Pháp quân đã tấn công đột kích vào Hồi Luông và Yào San, hai cứ điểm thuộc tuyến đầu của VNQDĐ, mà dưới thung lũng là con suối sâu và lớn như con sông vào mùa mưa, từ nội địa Trung Hoa chảy vào, ngăn cách giữa hai bên. Vào mùa cạn thì qua lại khá dễ dàng, nhưng vào mùa mưa lũ thì con suối trở nên rộng hơn và giòng nước chảy như thác đổ, không biết cách lội qua thì có thể mất mạng như chơi. 

Hôm đó, rời tối lại có sương mù, sự quan sát bị hạn chế, nên Pháp quân nhờ có nội ứng, chỉ đường vẽ lối đột nhập vào vị trí phòng thủ của VNQDĐ không mấy khó khăn. Quá bất ngờ nên quân phòng thủ chỉ kháng cự được chốc lát rồi bỏ chạy về hướng Mù San. Nhờ có sương mù dày đặc, cách mươi thước không rõ mặt nhau, nên sự thiệt hại về phía VNQDĐ không nặng lắm. Một số người bị chết và bị thương, bị bắt, trong đó có Bà Lê, chỉ huy nữ y tá ở Bệnh viện Lào Kay. Khi trận đột kích vào Yào San và Hồi Luông thì tôi đang ở tuyến đầu tại căn cứ Tả Trùng Phùng. 

Với địa thế trong khu vực Phòng Thô thì vấn đề tiếp cứu lẫn nhau quả là khó có thể thực hiện nổi vì đồi núi cao, thung lũng hẹp và sâu. Do đó, đơn vị nào đóng ở đâu thì phải tự lực chiến đấu. Có khi hai đơn vị cách xa nhau cả mấy ngọn núi, xử dụng súng cối 81 ly bắn cũng không tới. Một vũ khí cộng đồng yểm trợ duy nhất của VNQDĐ có trong tay, nhưng chỉ có một vài khẩu. Đạn dược thì rất ít, có khi bắn ba bốn quả mới có một quả nổ. Vũ khí trang bị chủ lực của VNQDĐ cũng chỉ là Trung liên và ít khẩu Đại liên giải nhiệt bằng nước. 

Đánh chiếm được Hồi Luông và Yào San, Pháp quân đóng ít lâu rồi cũng rút về phía bên kia suối thuộc ngoại vi Thị Xã Lai Châu, và VNQDĐ lại trở lại chiếm đóng tiếp. Sau vụ bị đột kích đó, Bộ Chỉ huy bắt được tài liệu chứng minh tên Mã đức Nghĩa đã liên lạc với Pháp nên đã có quyết định xử tử tên bội phản đó.

Sự việc như thế này, nguyên là khi Hải Ngoại Bộ do ông Triệu việt Hưng đưa về đánh chiếm Lào Kay, thì có một vài nhóm sĩ quan Trung Hoa thuộc lực lượng địa phương có liên hệ với VNQDĐ cùng tháp tùng theo như nhóm ông Tiêu bảo Hàm, Mã đức Nghĩa v..v..Các nhóm này suốt thời gian VNQDĐ ở Lào Kay đã sát cánh hoạt động không có gì đáng trách xẩy ra cả. Nhưng đến khi vào Chiến Khu Phòng Thô thì đã bí mật liên lạc với Pháp để cầu mong một vài ân huệ Pháp sẽ ban cho, nên hắn đã chỉ đường vẽ lối cho Pháp tiến đánh vào Yào San và Hồi Luông. Tình hình sau đó cứ lằng nhằng kéo dài, mà không bên nào dứt điểm cả. Sự thực thì VNQDĐ cũng không còn khả năng tấn công nữa. Giữ vững được vị trí chiếm đóng đã là hay lắm rồi. 

Khu vực Phòng Thô phải nói rằng là nơi khá trù phú, đời sống dân cư sung túc. Trước khi chúng tôi tới, thì cuộc sống của họ rất bình an không biết súng đạn là gì. Từ khi VNQDĐ tới đặt chính quyền trong vài tháng đầu họ còn đóng góp đầy đủ, nhưng dần dà họ không còn tích cực nữa. Nguyên do lúc đó lo chiến đấu là chính cho nên là VNQDĐ không có giúp ích gì cho họ. Tôi còn nhớ là khi chúng tôi mới đặt chân lên Sập Nhị Lầu và một vài Bản ở lân cận, thì dân cư còn đông đúc, chợ búa đông người mua bán. Nhà nhà, lợn gà chạy loanh quanh, vườn tược rau cỏ xanh tươi. Thì chỉ năm, sáu tháng sau trong toàn bộ Chiến khu Phòng Thô, nếp sinh hoạt làm ăn của dân chúng đã xuống thấp và không còn sinh động nữa. Một số lớn cùng với của cải của họ đã bỏ đi nơi khác, phần lớn là chạy qua biên giới Trung Hoa, nơi họ có họ hàng thân nhân liên hệ. Trong tình hình đó, dĩ nhiên là VNQDĐ phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Vũ hồng Khanh với trọng trách Tư lệnh Quân Vụ Bộ, lúc ở Chiến khu, lúc ở Vân Nam để vận động với Chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Chính quyền địa phương để mưu cầu sự giúp đỡ, nhưng kết quả cũng chẳng đạt được nhiều. Nếu có thì cũng như muối bỏ bể, không làm sao có thể vực lên được. Phải công nhận là ông Vũ Hồng Khanh đã dốc hết lòng vào những ngày, tháng cuối cùng ở Phòng Thô, mặc dù nói chung Ông đã có những lỗi lầm trong vai trò lãnh đạo.

Trong thời gian lắng dịu, ngoài công tác di chuyển đóng quân, chúng tôi còn làm nhiệm vụ tiếp vận. Các lương thực như lúa, bắp mà dân đóng góp cho Mặt trận, chúng tôi dùng ngựa thồ đưa về tập trung ở Bản doanh Sập Nhị Lầu làm kho dự trữ. Công tác này thật là gian nan vất vả. Đường thì xa, núi rừng trùng điệp. Đường đi, lúc lên, lúc xuống, vượt núi, qua đèo, qua suối, có khi phải mất hai, ba ngày mới tới nơi. Nguy hiểm nhất là mỗi khi phải băng qua suối vào những ngày mưa lũ. Suối chảy như thác, xẩy chân là bị nước cuốn đi mất hút. Có lần hành quân qua suối, tôi còn nhớ có một đồng chí VNQDĐ khi lội qua suối, chỉ trượt chân bước lên một hòn đá mà bị nước cuốn phăng đi. Mọi người chỉ còn đứng nhìn, không còn cách nào cứu nỗi. Các đảng viên VNQDĐ người Thổ là có kinh nghiệm qua sông, qua suối, nên họ đi qua một cách dễ dàng. Riêng tôi, vì biết bơi lội cũng khá, nên mỗi khi phải băng qua suối, tôi kiếm chỗ nào hẹp nhất, nước sâu nhất và không có đá ở giữa giòng. Tôi vận dụng hết sức lực phóng người qua, khi thân mình chạm nước là tôi áp dụng lối bơi sải thật nhanh vào bờ. Với phương pháp này, tôi đã rút ngắn được tới ba phần tư bề rộng của con suối. Nếu bắt buộc phải băng qua, thì phải để thân mình không cản giòng nước, có lẽ là đi theo chiều nghiêng. Còn khi tôi áp tải ngựa thồ  lương thực, thì mỗi khi qua suối tôi bám lấy đuôi ngựa, thành thử cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm. Những ngày làm nhiệm vụ này thật cực nhọc, mưa nắng thất thường, ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe cũng yếu dần. Nhiều khi hết muối, phải ăn lạt hàng hai, ba ngày. Cơm ăn thì chỉ có một ít nước muối dầm ớt (trong trại tù anh em gọi là nước đại dương). Rau cỏ không còn cung cấp nữa vì dân không trồng, thành thử chúng tôi phải ăn rau rừng như rau húng, rau diếp cá, rau tàu bay v.v..mọc đầy ở bờ ruộng. Rau cần ở dưới suối, măng tre ăn cùng lá trà tươi. Đôi khi gập những cây vả ở bên bờ suối, đói ăn đỡ cũng thấy no bụng.

Lâu lâu chúng tôi may mắn lại bắn được một hai con trâu rừng ở dưới thung lũng. Nói là trâu rừng, chứ thực ra là đàn trâu, bò của Đèo văn Ân khi thấy súng nổ, chúng hoảng sợ bỏ chạy vào rừng, rồi lâu ngày biến thành trâu rừng. Có khi, ban đêm chúng mò về tận đầu nhà, nơi chúng tôi đóng quân. Những ngày đó thì chúng tôi tha hồ mà ăn thịt trâu, còn dư để lên sàn lửa sấy khô ăn dần. Khi đó chúng tôi mỗi người đều có một cái “bạc đà” bằng da trâu, da bò khâu tay dùng để đựng hai, ba bộ quần áo, ít ớt (người mạn ngược thường dùng ớt để tránh sốt ngã nước).

Sống ở Phòng Thô dược ít tháng, quần áo của tôi rách hết chẳng còn gì. Tôi đã dùng những quần áo của dân để lại khi bỏ chạy qua đất Trung Hoa. Lúc tôi mặc bộ quần áo xanh chàm, chân đi đôi giầy vải có thêu hoa, đầu đội cái nón to vành, vai đeo khẩu súng trường, không ai có thể nhận ra tôi lá một anh người Kinh chính cống.

Trong những ngày sống ở Chiến khu Phòng Thô, nơi tôi được thoải mái ăn uống đầy đủ là khi đóng quân ở các Bản Soàn Thầu, Ma Li Phố. Dân ở hai Bản này là người Mán. nhà cửa xây dựng bằng tre nứa và nhà có sàn. Chúng tôi trú ẩn trong những căn nhà bỏ hoang. Chung quanh, ở bờ núi là hệ thống hầm hố phòng thủ. Cũng hên là suốt thời gian đóng quân tại đó, chúng tôi không có đụng độ với địch. Hàng ngày từng toán thay phiên đi tuần tiễu dưới thung lũng, ven đồi núi, và vừa đi săn trâu rừng. Có tuần bắn được đến hai, ba con, ăn không hết, gửi tặng các đơn vị bạn kế cận. Rau cỏ của dân trồng để lại cũng tạm đủ dùng. Các bịch thóc (làm như một cái lều nhỏ) dựng ở ngoài trời. Mỗi nhà thường có hai bịch, một tẻ, một nếp. Mỗi lần ăn, chúng tôi phải đi dã lấy, dân chỉ cấp thóc chứ không bằng gạo. Vào các tháng cuối cùng rời bỏ Phòng Thô, chúng tôi đã phải xuống ruộng gặt lúa lấy vì dân bỏ chạy đi hết. Một là họ đã hết chịu nổi, hai là tình hình chiến trận trở nên sôi động hơn. Cò thể là cả hai lý do đều đúng. Suốt một năm trời sống ở Chiến khu Phòng Thô, tôi chưa bao giờ thấy có một buổi sinh hoạt nào về chính trị cả. Tất cả từ trên xuống dưới đều sao lãng, mà chỉ chú trọng về mặt quân sự. Do đó, Mặt trận đã để xẩy ra nhiều hành động thiếu chính trị với dân chúng…  Sự thất bại là lẽ đương nhiên không sao tránh khỏi. Chỉ tiếc rằng sự hy sinh cao quý, lòng nhiệt tâm, chân thành đã không thực hiện được…

Vào tháng cuối năm, qua những ngày làm công tác tiếp tế giữa các vị trí đóng quân ở tiền tuyến với Bản doanh Sập nhị Lầu, tôi bị cảm sốt thương hàn gần hai tháng trời mới khỏi. Tuy rằng nằm bệnh ở Sập nhị Lầu, nhưng không có một phòng y tế nào để săn sóc cho bệnh nhân cả. Chúng tôi, những người bệnh phải săn sóc lẫn nhau. Hơn hai tháng nằm trong một căn nhà để hoang, cách không xa Bộ Chỉ Huy, tôi không thấy một ai đến thăm hỏi cả. Đến bây giờ, nhiều khi nhớ lại, tôi không hiểu tại sao lại có thể qua khỏi được. Không thuốc men, không thức ăn bồi dưỡng, không đủ quần áo ấm, trong khi thời tiết về cuối năm thật lạnh giá. Để chống với cái lạnh của rừng núi, chúng tôi thường trực đốt một đống lửa lớn tại giữa nhà, rồi bắc ván nằm ngay kế cận. Cũng vì nằm thường trực bên đống lửa, nên mặt mũi ai cũng vàng khè. Đầu tóc tôi do bị bệnh đã rụng hết. Nếu lúc đó mà nhìn vào trong gương sẽ chẳng nhận ra mình nữa. Có lần thấy tôi nằm thiếp đi, anh em bên cạnh tưởng tôi chết rồi, liền bàn nhau tính mang ra đầu núi liệng xuống khe cho xong. Nhưng số mạng chưa đến ngày chấm dứt, nên tôi dần dần khỏe lại. Đặc biệt không hiểu có phải ăn thịt ngựa hay không mà sức khỏe tôi trở lại rất mau. Theo lẽ ra thì người mới khỏi bệnh thì không được ăn, nhưng vì thiếu thốn lại thèm ăn quá, nên tôi cứ ăn đại, chết bỏ. Dùng thịt ngựa, uống nước lá ổi đun sôi, mấy ngày trời cũng không thấy xẩy ra. Sau khi lành bệnh, tôi lại trở về đơn vị của ông Bào đóng tại Mali phố, Soàn Thầu.

Một hôm chúng tôi nhận dược lệnh của Bộ Chỉ Huy Sập nhị Lầu là phải kiểm tra, bắt giữ những tên Xạ Phang từ Huyện Mường Là (Trung Hoa) thường lui tới Thị xã Lai Châu để buôn bán, tiếp tế cho Pháp quân. Chúng tôi lên đường từ sáng tinh sương, và tới địa điểm phục kích vào lúc trời sáng. Con dường mòn rộng rãi, chạy theo các thung lũng hẹp từ bên kia biên giới vào Thị xã Lai Châu không mấy xa, là vì con đường tắt. Bọn con buôn người Tàu Xã phang sinh sống ở biên giới thường xử dụng để đột nhập vào VN. Chúng đi từng đoàn, có lúc hàng trăm tên cùng với ngựa thồ đày ắp các mặt hàng. Mặt trận có biết rõ và chúng đã phải nộp thuế, nhưng từ sau cuộc đột kích của Pháp quân vào Yào San và Hồi Luông, thì chúng bị áp lực của Pháp không  nộp thuế, cung cấp thực phẩm cần thiết cho Mặt trận nữa. Do đó mới có chuyện chúng tôi đi phục kích để cảnh cáo chúng.

Vào khoảng gần trưa, thì đoàn người ngựa lọt vào ổ phục kích. Từ các vị trí cao ở bên đường, chúng tôi khai hỏa một lượt, nhưng chỉ có tính cách hăm dọa. Bọn chúng từ trên mình ngựa nhẩy xuống trước họng súng của chúng tôi. Có tên lộ vẻ lo sợ, có tên hung hăng định rút dao ra kháng cự. Chúng tôi đồng loạt lên đạn, khiến chúng tưởng chúng tôi bắn thật, nên đành vứt dao xuống đất và dơ tay đầu hàng. Chúng tôi lùa chúng vào một cái hang núi ở gần đó, lục xoát tước hết dao búa. Ông Bào cho chúng biết lý do và sau đó dẫn chúng về vị trí đóng quân để chờ lệnh của B.C.H. tại Sập nhị Lầu. Nghĩ lại tôi thấy hành động của chúng tôi lúc đó có vẻ anh hùng lương sơn bạc quá. Ngày đó chúng tôi bắt giữ khoảng năm, sáu chục tên, khám xét hàng hóa thì toàn các thứ linh tinh thích hợp với người địa phương. Riêng tôi đã được một con dao găm, chuôi trạm trổ rất đẹp. Giam giữ chúng cho đến trưa ngày hôm sau thì được lệnh của B.C.H. cho thả chúng ra, có lẽ không muốn gây rắc rối với Chính quyền địa phương Mường Là. Tuy nhiên sau vụ xẩy ra đó, bọn thương nhân Xạ Phang đã phong tỏa Mặt trận gần một tháng trời, làm chúng tôi không đủ muối ăn. Về sau phải cử người sang can thiệp mãi mới yên chuyện. Kinh tế eo hẹp, tài chính không có, B.C.H. phải lấy súng và ngựa để đổi lấy muối và một vài thứ cần dùng khác…

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt