Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (21)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) /Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948.  NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (21)

B – NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (21)

Tục lệ “man rợ” của người Mèo: treo chó trước nhà để đuổi tà…

Một ngày đi xuyên rừng, thì xẩm tối đoàn quân tới một xóm nhà người Mèo, chúng tôi nghỉ lại trong đêm. Sáng ra, trong khi chuẩn bị lên đường, thì anh Ngạn la lên bị mất khẩu súng trường Nga anh mang theo. Mọi người lục xoát thì tìm lấy lại được từ một người Mèo ăn cắp. Có anh đề nghị mang tên Mèo ra bắn, nhưng tất cả can ngăn rồi bỏ qua. Dù sao dân Mèo cũng là người nước ngoài, có gì thêm khó khăn cho những anh em còn ở lại. Cũng vì chuyện đó, mà khi chúng tôi lên tới đỉnh núi rừng Cấm thì bị bọn Mèo phục kích ngay, nhưng không ai bị thương tích gì. 

Từ đỉnh núi rừng Cấm cao ngất, chúng tôi có thể quan sát cả một vùng đồi núi chạy dài về phía Nam. Lên núi thì mỏi gối, trái lại xuống núi thì chồn chân. Nhờ có sẵn đường mòn mà dân hai vùng thường qua lại nên cũng dễ đi. Đi từ sáng đến gần chiều thì chúng tôi xuống tới chân núi, tiếp giáp với những đồi núi thấp hơn, trải sâu vào nội địa VN. Ở đây, chúng tôi được chỉ cho thấy cột trụ lớn bằng đá, đánh dấu biên giới giữa hai nước Việt-Hoa,được đặt từ thời Vua nhà Nguyễn. Đến chiều tối, thì đoàn quân ngừng lại ở một xóm nhà người Mèo. Chúng tôi ai đều thủ cây súng của mình cẩn thận. Số vũ khí trước kia, khi tới tạm trú tại Hoang Thiền và Li Cù Tỉ, đã phải tạm nộp cho chính quyền địa phương. Đến khi chúng tôi trở về nước thì họ đã trao trả lại. 

Đoàn quân này do ông Bảo Ngọc đảm trách chỉ huy và có nhiệm vụ hướng dẫn về Sập Nhị Lầu, nơi đặt Bản doanh của Mặt trận hiện do ông Triệu Việt Hưng lãnh đạo. Qua hai ngày di chuyển mệt mỏi, Ban Chỉ Huy cho ngừng lại nghỉ ngơi một ngày để lấy lại sức. Đặt chân lên đất nước mình, trong khu vực mình kiểm soát, nên chúng tôi ai cũng cảm thấy tinh thần hăng say. Cũng như ở bên kia biên giới, thời tiết và khí hậu vẫn ẩm ướt và lạnh giá. Mưa không lớn nhưng day dứt suốt ngày. Bọn người Mèo ở đây luôn nhìn chúng tôi với những con mắt lầm lì, gian ác. Có lẽ chúng đã được bọn Mèo bên kia biên giới báo động rồi. Nhưng ở đây là đất nước chúng tôi, có súng đạn, có uy quyền nên chúng không giám làm gì cả. Sau này, ở lâu tại Phòng Thô thì bọn Mèo công khai theo Pháp và ra mặt chống lại. Những vùng thuộc Mặt trận kiểm soát, chúng bỏ cửa nhà đi hết. 

Một ngày nghỉ ngơi tại Bản Mèo, tôi mới biết cây thuốc phiện là gì, nó cũng đại loại giống như cây thuốc lá, thuốc lào. Lá của cây thuốc luộc lên ăn cũng được, còn hạt tẻ ra như hột mè, đem rang ăn cũng khá thơm ngon không hại gì cả. Nói thế thôi, chúng tôi đâu có dám ăn. Riêng mấy người Thổ thì họ ăn có vẻ ngon lành lắm. Một năm sống ở trong Chiến Khu Phòng Thô, anh em người Thổ đã chỉ vẽ cho chúng tôi nhiều thứ lá cây rừng ăn thay cho rau. Nếu mà không biết, cứ ăn bừa bãi thì có thể nguy hại đến tính mạng. Tôi còn nhớ có lần lấy thử một số lá cây, nấu thử ăn như lá ngót. Thấy vậy bèn ăn cho cố, không ngờ nửa tiếng sau thì bị Tào Tháo đuổi chạy không kịp. Từ đó, tôi rút ra một kinh nghiệm là sống ở trong rừng, lại là nơi rừng thiêng nước độc thì không nên ăn bừa bãi, mà chỉ ăn những gì người dân địa phương chỉ dẫn. 

Nhờ thế, mà từ 1975 đến 1988, sống trong các trại tù của Cộng Sản ở Bắc Việt, tôi đã không bị bệnh nhiều, dù rằng trong tình cảnh thiếu thốn. Có những chiến hữu vì đói quá không chịu nỗi đã hái những quả rừng ăn cho đỡ đói, thì chỉ vài phút sau là thổ tả ra máu chết liền không sao chữa kịp. Do đó, muốn làm chủ lấy mình, khắc phục những hoàn cảnh khó khăn phải đòi hỏi ý chí cao. 

Buổi trưa ngày hôm sau, thì đoàn quân tới Sập Nhị Lầu, nơi Mặt trận lập Bản doanh. Địa điểm nằm trên một dãy đồi núi cao tương đối bằng phẳng. Ở về phía tây nam của núi rừng Cấm, và dựa lưng vào biên giới Trung Hoa khoảng vài tiếng đồng hồ đi bộ. Sập Nhị Lầu, nôm na theo chỗ tôi hiểu thì là nơi xuất phát, hoặc từ 12 Bản khác nhau đổ về Sập Nhị Lầu. Vì vậy dân cư ở đây đông đảo hơn, nhờ có một vài Bản ở ngay sát cạnh như Sính Trại ở phía Đông và Mali Trại, Hoàng ma Trại ở phía Tây. Dân chúng tại Sập Nhị Lầu và Sính Trại thuộc sắc dân người Mán (Hồng Dào Thầu), vì đàn bà con gái quấn ở trên đầu một vuông vải đỏ trông giống như hình chóp nón. Quần áo nhuộm màu chàm, phái nữ thì gấu quần áo, tay thêu hoa sặc sỡ, tay chân đeo nhiều vòng vàng, bạc. Đàn ông, con gái trông thật khỏe mạnh. Họ sinh sống về chăn nuôi, làm ruộng, trồng rau nên đời sống tương đối đầy đủ. Cũng như sắc dân Mèo ở trên núi cao, họ cũng phải xuống dưới suối gùi nước lên bằng hai ống bương lớn (ống tròn to). Vào mùa mưa thì họ bắt máng tre đưa nước từ suối cao về đến tận Bản. Nhà cửa rộng rãi, sáng sủa hơn, chung quanh tường bằng tre nứa, hoặc vách đất, mái lợp lá cọ hoặc rạ. 

Mùa Đông tháng giá thì lúc nào ở giữa nhà cũng có một đống lửa cháy bập bùng. Ở ngay giữa Bản Sập Nhị Lầu, có một chợ nhỏ, hai bên rải rác hàng quán bán rau, heo, gà và các thứ khác như sắn, khoai, bắp,vải chỉ, lá cây rừng chữa bệnh, bánh trái v.v..Vào ngày phiên chợ thì buôn bán đông hơn. Có đủ loại người từ mọi nơi tới, kể cả ở phía bên kia biên giới Trung Hoa. Sự sinh hoạt hàng ngày của họ không khác gì với người dân ở Bản Hoang Thiền (Trung Hoa). Do đó, Sập Nhị Lầu dưới mắt của chúng tôi được coi như là Thủ Đô của Chiến khu Phòng Thô. Hai Bản ở về phía tây là Mali Trại và Hoàng ma Trại thì dân thuộc người U Lý, gần như có gốc gác với người Xạ Phang ở bên Trung Hoa. Sự sinh hoạt hàng ngày của họ cũng như các sắc dân khác. Họ dệt vải, nhuộm chàm, ăn mặc giống như nhau, có khác chỉ là tên gọi mà thôi. Với số dân quá ít và nghèo nàn, Mặt Trận đã nhờ vào sự cung cấp lương thực của họ mà có thể tồn tại và chiến đấu hơn một năm trời ở đó. Sống được ít ngày, thì anh Hồng và tôi được phân phối về đơn vị của ông Bào (nguyên đội Pháp) thuộc cánh quân của ông Nguyễn duy Dzị.

Tôi gặp lại ông Bào ở trại tù CS Nam Hà (Bắc Việt) vào năm 1978 đến 1982, Sau ông được VC thả vào năm 1984 ở trại tù Hàm Tân (Nam VN). Đơn vị ông Bào đang đóng quân tại Hoàng Ma Trại, quân số khoảng ba mươi người. Tất cả là người Kinh. Hai anh Bảo và Ngạn về một đơn vị khác, cũng thuộc lực lượng của ông Nguyễn Duy Dzị đang đóng quân án ngữ tại Tả Trùng Phùng, Mali Phố Soàn Thầu, cửa ngõ trông vào Lai Châu. Cánh quân của ông Triệu quốc Lộc (gồm người Thổ) thì án ngữ tại Yào San, Mù San, Mù Sì Sán, tạo thành thế gọng kìm đối diện với quân Pháp, đóng chung quanh Thị Xã Lai Châu.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt