Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (20)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) /Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948. Trên đường vào Chiến Khu Phòng Thô qua biên giới Trung Hoa (20)

A. Trên đường vào Chiến Khu Phòng Thô qua biên giới Trung Hoa (20) 

Người U-Lý, Xạ Phang gieo đậu tương dưới gốc cây bắp

Anh em chúng tôi, mấy đứa cùng vào ở Bản Hoang Thiền. Bản này nằm trên một địa thế không cao, không thấp, gồm những đồi và rừng cây tương đối thưa thớt, ở cách xa chân núi rừng Cấm khoảng hơn nửa ngày đường. Hoang Thiền (hay còn gọi là Hoang Điền) có nghĩa gần như đất hoang. Bản gồm khoảng năm, sáu chục nóc nhà xây tường bằng đất, ba bề kín mít như nhà của người Mèo để tránh cái lạnh của rừng núi. Bản nằm ở trên sườn đồi. Tìm được một khu đất trống, rộng thật là khó. Một bên là núi, một bên là suối. Dân cư thuộc sắc tộc người U-Lý, gần giống như người Xạ Phang. Nghề sinh sống căn bản là dệt vải, nghề phụ là trồng lúa, nhưng ruộng đất chẳng có là bao. Ruộng là những thửa đất được san ra từng bực thang. Phụ nữ lo về chàm vải và dệt. Người nào, người nấy lúc nào mặt mày tay chân cũng dính chàm. Các cô gái cũng không đến nỗi tệ lắm, nhưng hai bắp chân thì quá lớn, có lẽ vì sống ở nơi núi cao, lên xuống hàng ngày nên như vậy. Tôi thấy đàn ông có vẻ nhàn nhã hơn đàn bà. Nhà dựng ở trên cao, nên vấn đề nước có vẻ hơi cực vì phải xuống suối lấy về. Họ xử dụng hai ống bương lớn ghép lại rồi gù (đèo) bằng chán.

Dân ở đây mọi thứ  đều gù bằng chán, không như các sắc dân khác thì đèo bằng vai như Thổ, Mán, Nhắng v.v.. vì vậy mà chúng tôi gán cho danh hiệu là “Thiết đầu đà kim cương”. Thồ như vậy, cái cổ phải cho cứng hơn là cái chán. Đã có lần tôi thử làm như vậy nhưng chịu không nổi, rút cuộc vẫn phải thồ bằng vai. Tuy nhiên vào mùa mưa, nước nhiều thì họ dùng các ống tre nối lại để lấy nước từ suối cao chảy về tận Bản. Thời gian chúng tôi tới đó đã thuộc về cuối năm Âm lịch, nên hàng ngày vẫn mưa. Trước đám đông người xa lạ tới, lúc đầu họ cũng tỏ ra lãnh đạm và khó chịu, nhưng rồi thấy chúng tôi không có hành động sai trái thì họ cũng để cho chúng tôi sống bình yên. Cũng như các Bản khác mà chúng tôi đã đi qua, họ không cho chúng tôi vào ở trong nhà, trừ phi chúng tôi vào chơi, sưởi ấm bên bếp lửa hồng. Nói là vào chơi, nhưng thực ra thì chủ và khách đều ngồi im lặng chẳng nói một lời. Thực ra không phải là kỳ thị, mà là tiếng nói không thông hiểu nhau. Do đó, ngồi mãi suy nghĩ cũng chán rồi bỏ ra, chủ cũng chẳng thèm giữ lại làm gì. Ông Xã Phải (xã trưởng) có lẽ đã được thông báo cho biết về sự lui tới của chúng tôi rồi, nên có đứng ra tiếp chuyện với người đại diện của chúng tôi (biết nói tiếng Trung Hoa) nên mọi việc cũng dễ dàng. Anh Hồng, Bảo và tôi được một ông chủ nhà chỉ cho ở trên một sàn gác của một chuồng trâu. Trên sàn có để sẵn rơm rạ nên cũng giúp cho chúng tôi chống lạnh, vì ba anh em chỉ có một cái mền mỏng. 

Có một số ở trong một căn nhà ở đầu Bản. Căn nhà này họ nói là Trường học, nhưng tôi không thấy một cái bàn ghế nào cả, mái nhà lợp rạ, bao quanh bằng bốn bức tường đất cao khoảng ba thước. Hai đầu để trống rỗng, mặc cho gió sương ra vào tự do. Có hai cửa để ra vào, nhưng không có cánh cửa. Tại đây tôi thấy có ba ông Minh, Vinh, Xuân, nguyên là Hiệu trưởng và là huấn luyện viên của trường Quân chính Việt Trì, mà chúng tôi là khóa sinh. Thầy trò gặp nhau chào hỏi nhưng  chẳng ai buồn nói chuyện trong hoàn cảnh này. Về sau, ba ông rời đó, tìm đường về nước. Trên đường đi, ông Minh bị bịnh chết ở dọc đường, còn hai ông Vinh và Xuân sống sót trở về được tới Hà Nội. Khi đó đã thuộc quyền kiểm soát của quân đội Pháp. Sau đó, ông Vinh phục vụ trong lực lượng Bảo Chính Đoàn ở Bắc Việt, và rồi trong một công tác đi thanh tra, ông đã bị tử thương vì mìn do VMCS gài trên lộ trình di chuyển. Ông Xuân không thấy làm gì cả, sau năm 1954 di tản vào Nam, nhưng không biết ra sao. Vì có sự liên lạc, yêu cầu của Bộ Chỉ Huy Quân Vụ Bộ cũng như Hải Ngoại Bộ, nên chúng tôi được chính quyền địa phương giúp đỡ mọi ngày cung cấp gạo, rau và ít muối. Gạo và rau đủ ăn, nhưng muối thì hạn chế, nên phải dùng dè sẻn, nếu không sẽ phải ăn lạt. Do khỏi phải lo lắng về mặt ăn uống, chúng tôi chỉ còn lo hàng ngày vào rừng kiếm củi về nấu ăn và sưởi ấm. 

Ăn ngủ trên gác chuồng trâu, nên mùi uế khí gây nhiều khó chịu, nhưng rồi cũng quen đi, nhưng được cái ấm áp vì rơm rạ xếp đống chung quanh. Có được một cái mền mỏng, hẹp nên ba anh em không khéo nằm là thò chân tay ra ngoài. Tốt nhất là nằm úp thìa, vừa ấm lại vừa kín. Cảnh sống như vậy, ngày nọ kế tiếp ngày kia, trong vùng rừng núi biên khu, nơi đất khách quê người. 

Được ăn uống tương đối no, tuy rằng không đủ chất bổ, nhưng vì không làm việc nặng nhọc, đi đứng nhiều, nên sức khỏe cũng trở lại đôi phần, cũng như bệnh sốt rét của tôi không thấy tái phát. Một ngày nọ, một số anh em bị bệnh phải nằm lại ở Trịnh Tường đã tới chỗ chúng tôi ở. Trong toán này có anh Tạo (QGTNĐ) vết thương mang trên mình khi rời Bát Xát nay đã lành. Trông anh tiều tụy, sau bao ngày leo đèo, lội suối, thiếu ăn, thiếu thuốc. Chúng tôi gập lại nhau lòng mừng khôn siết, vì QGTNĐ còn lại chẳng bao nhiêu, mỗi người mỗi ngả. Trong hoàn cảnh khốn cùng đó, tình anh em chúng tôi lại càng thêm khắng khít. Hai ba ngày hôm sau lại có thêm một toán nữa tới, tất cả đều ốm yếu. QGTNĐ lại có thêm ba anh Thưởng, Nghĩa, Ngạn. Riêng anh Thưởng có vẻ bệnh nặng hơn cả. Khi rời Lào Kay, anh gia nhập vào Biệt Động Đội, một Đội gồm những người khỏe mạnh, gánh vác những nhiệm vụ nặng nhọc và nguy hiểm. Anh thuộc vào loại to lớn, khỏe mạnh trong Đoàn, tính tình vui vẻ, hiền hòa, tháo vát (trước kia anh theo học trường Bách nghệ Hà Nội). 

Bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn ghi khắc hình ảnh anh một cách rõ ràng, nhất là trong những giờ phút trình diễn văn nghệ. Anh xử dụng ống Tiêu trong ban hợp ca của Đoàn cùng với các anh Lý, Linh, Quân…Ban hợp ca mà chúng tôi thường hát luôn là bản “Hồn Vọng Phu”. Bây giờ mỗi lần nghe lại, tôi lại thấy lòng rộn ràng nhớ tiếc xa xôi. Những cực nhọc, thiếu thốn, khí hậu cay nghiệt của núi rừng Bắc Việt, đã làm anh em chúng tôi xuống dốc một cách thê thảm, không như còn tuổi trẻ hăng hái của thuở ban đầu. Thế rồi anh Thưởng bệnh ngày càng nặng, thuốc thang không có, một hai, ba bát cháo loãng hàng ngày làm sao cứu sống anh được. Thấy bệnh tình nặng, gia chủ không cho ở trong nhà, dù rằng chỉ là một túp lều cạnh chuồng trâu, chuồng bò. 

Chúng tôi đành phải khiêng anh xuống chỗ trường học. Tại đây như đã biết thì trống  rỗng, bốn bề gió sương hắt vào, làm sao có thể chịu được trong lúc bệnh hoạn như vậy. Chúng tôi biết vậy, nhưng chẳng còn cách nào khác hơn. Qua một ngày đêm, sức cùng lực kiệt, anh đã ra người thiên cổ. Thương anh quá, mà chẳng sao khóc được, vì nghĩ mình có thể ngày mai, ngày mốt cũng có thể đi theo anh luôn. Tôi vuốt mắt anh và phủ lên mình chiếc mền còn sót lại của anh. Anh mất đi vào khoảng tháng Chạp Âm Lịch (năm ta 1946). Chúng tôi ra đào huyệt ở đầu Bản, bên bờ suối. Tôi còn nhớ như in, chỗ anh nghỉ vĩnh viễn, nằm dưới một tàng cây lớn có hoa vàng, bên cạnh là một giòng suối chảy róc rách quanh năm. 

Trước khi mang anh đi chôn cất, chúng tôi bó anh vào một chiếc chiếu, vì khi đó làm gì có quan tài. Một vài người đã bảo tôi hãy lấy lại chiếc mền của anh Thưởng để dùng trong lúc trời lạnh giá, nhưng tôi đã không thể làm như vậy được, khi mà không có đến một cái hòm gỗ tồi tàn để quàng xác anh. Tôi và đồng chí VNQDĐ dùng đòn khiêng anh ra ngoài huyệt. Trời thì mưa lâm râm, đường thì trơn trợt, có lúc ngã đôi ba lần, nhưng rồi cũng tới. Chỗ chôn cất anh đào lên đầy xương trâu. Tôi để lên ngực anh chiếc mũ QGTNĐ mà anh vẫn giữ được cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời anh. Tôi thắp vài nén hương (xin được của dân) trên mộ anh để tưởng niệm một chiến hữu đã ra đi không bao giờ trở lại. Anh Thưởng đã lập gia đình và hiện vợ con đang sinh sống ở Hoa Kỳ. 

Sau khi anh Thưởng mất được ít ngày thì chúng tôi ăn một cái Tết đầu tiên xa nhà trên đất nước người. Tết năm đó nhằm vào tháng 2 năm 1947. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh lúc đó thì không ai có thể vui được, mà buồn thì nhiều. Dân cư ở đó cũng vậy, tôi không thấy họ chuẩn bị Tết gì cả. Chỉ có khác ngày thường là nghỉ ngơi ăn uống có sang hơn chút đỉnh. Cảnh vật vào những ngày cuối và đầu năm cũng chẳng tươi đẹp gì hơn. Trời vẫn mưa bay,  sương mù bao phủ rừng cây, cách nhau vài chục bước không rõ bóng người. Ra ngoài nhà là chạy như ma đuổi. Khí hậu càng ẩm ướt và lạnh giá hơn. Thành thử chúng tôi chẳng đi đâu, nằm ôm nhau nghĩ ngợi mông lung. Để ngày mồng một Tết có khác hơn, chúng tôi đã đổi với chủ nhà lấy ít gạo nếp nấu xôi ăn cho lạ miệng, gọi là mừng Xuân. Ngồi trùm mền, chúng tôi quây quần chung quanh nồi cơm nếp, thay cho những món ăn ngon của những ngày Tết nơi quê nhà. Chẳng có một sự vật nào nhắc nhở là Tết cả, ngoài mấy cây mai rừng mọc hoang ở đầu nhà, hoa vàng tơi tả dưới làn mưa gió, đằng xa vẳng về tiếng chày giã gạo đều đều do sức đẩy của nước suối, cùng với tiếng suối chảy róc rách, nghe sao mà buồn thế! 

Chúng tôi không hiểu ngày mai sẽ tới đâu, và đều có chung một cảm nghĩ là chẳng còn bao giờ trông thấy quê nhà và gia đình nữa. Những ngày Tết rồi cũng qua đi mà chẳng có gì tiếc nuối. 

Rồi một hôm, chúng tôi có lệnh chuẩn bị trở về Chiến khu Phòng Thô. Được tin ai cũng mừng vì thoát cảnh sống tha hương, nhất là tại một nơi đèo heo hút gió, rừng núi âm u, thiếu thốn mọi bề. 

Về Chiến khu chiến đấu, có hy sinh cũng thỏa đáng cho cuộc đời đầy lý tưởng hơn là chết bờ, chết bụi, chẳng ai thèm nghĩ tới. Theo kế hoạch thì tất cả những ai tương đối khỏe mạnh thuộc hai Bản Hoang Thiền và Li Cù Tỉ sẽ tập trung di chuyển về núi rừng Cấm. Còn ai bị bệnh sẽ đi vào đợt sau, QGTNĐ có anh Tạo và Nghĩa đi đợt sau. Một năm sau, khi lưu vong sang Côn Minh, tôi mới hay là sau ít ngày chúng tôi về nước thì anh Tạo rời Mahati rồi lên Côn Minh, còn anh Nghĩa (trong Nghĩa bộ đội của QGTNĐ) trong một vụ cháy nhà, anh đã bị chết cháy vì bệnh nặng quá không chạy ra ngoài được.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt