Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (2)
Hồi Ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1: Việt Nam từ ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (2)
CHƯƠNG MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)
A. Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (2)
Trước kia làng tôi được gọi là Đông Ngạc, nhưng mọi người đều biết dưới tên tục là Vẽ, và thường được gọi là làng Chèm Vẽ. Từ Hà Nội, muốn đi về làng tôi, thì chỉ việc đi qua đê Yên Phụ, Hồ Quảng Bá, có hàng cây ổi mọc ở hai bên đường, rồi tới Nghi Tàm, nơi trồng cây đào, mà cứ mỗi năm, trước khi vào Tết Âm lịch, hoa đào nở như sắc pháo, và cứ theo phía trong chân đê Hồng Hà, qua làng Phú Gia là tới làng tôi. Trước 1945, làng tôi thuộc Phủ Hoài Đức, Tỉnh Hà Đông, nhưng vì địa thế nằm gần Hà Nội, nên ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế nhiều hơn. Căn nhà mà tôi sinh ra và lớn lên là tài sản của Ông Bà nội tôi để lại.
Khi tôi sinh ra thì ông Nội tôi đã mất. Ông Nội tôi khi sinh thời có ra làm quan tới chức Án Sát, nhưng đến thời thân sinh ra tôi thì ông không làm gì cả và ở nhà trông nom gia đình. Căn nhà tôi trải rộng trên chu vi gần một mẫu tây, được xây cất theo hình chữ môn, mà ngôi nhà chính hướng về phía nam, được dùng làm nhà Thờ, còn hai căn nhà hai bên để ở. Ở giữa sân là một cái bể tròn lớn cao một thước, đường kính khoảng ba thước, mà cha tôi xây cất để ngoạn cảnh, nhưng tiếc là chưa có hòn non bộ ở giữa thì Cha tôi mất vào năm 1940, khi đó tôi mới có mười bốn tuổi, đang học tại trường Trung Học Louis Pasteur do ông Phó Bá Hùng làm Hiệu Trưởng. Làng tôi có sáu ngõ nằm ở trong chân đê, được gọi theo thứ tự từ hướng Hà Nội tới là ngõ Đông, Ngõ Ngác, Ngõ Vẽ, Ngõ Trung, Ngõ Ngấn và Ngõ Chùa. Còn hai ngõ kia thì nằm ở ngoài chân đê, được gọi là Xóm Hàng Quang, dân chúng sống bằng nghề làm các vật dụng bằng song, mây và Xóm Vạn (có các gian nhà bán tre, nứa, lá gồi và cây gỗ). Mẹ tôi cũng có một cửa hàng tại đó. Các Ngõ trong đê phần lớn sinh sống bằng nghề tiểu công nghệ và buôn bán. Đồng ruộng của làng thì ít nên không có nhiều nông dân. Cha mẹ tôi được thừa hưởng chừng năm mẫu ruộng, nên có gạo ăn đủ cả gia đình hàng năm. Còn các thanh, thiếu niên, gần như 99% được đi học.
Ngôi Trường làng tôi được xây cất thành hai tòa nhà, một cho các lớp học 5, 4, 3 và toà nhà kia cho các lớp Moyen 1, 2 và lớp nhất. Ở giữa các lớp học có một phòng, một nửa phía ngoài làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của các giáo viên sau mỗi giờ dạy học. Còn phòng trong làm nơi thờ phụng, tôi thấy có để một tấm hình của ông Hoàng trọng Phu (nói sau tại sao có hình ông), Tổng Đốc thời kỳ đó. Tòa nhà này tương đối rộng rãi, cao ráo, mát mẻ hơn. Ngoài phía trước tòa nhà lớp sơ học được xây lên một cái lăng nhỏ, trong đó được dựng lên một tấm bia, trên có ghi khắc các nhà khoa bảng, sinh quán tại làng từ thời Lê, Nguyễn. Hàng năm vào ngày tế lễ Thần Hoàng làng tại nơi Đình thì cùng lúc tại nhà trường làm lễ kỷ niệm ngày con Đê Hồng Hà bị vỡ tại khu vực làng Yên Phụ và xây dựng con Đê mới (khi đó tôi chưa sinh ra). Trong căn phòng mà tôi có nói tới tấm hình của ông Hoàng trọng Phu, con của ông Hoàng cao Khải, một Đại thần của nhà Nguyễn và y cũng là Tổng Đốc, Khâm sai Đại thần của nhà Nguyễn tại Bắc Hà, quyền uy vượt bực, chỉ đứng sau tên Thống sứ Pháp. Đối với phong trào cách mạng lúc bấy giờ thì y là một tên Việt gian, tay sai của Thực dân Pháp. Sở dĩ hình ông ta được để thờ ở đó là vì ông ta là vị ân nhân của làng. Sự thể xẩy ra như thế này, sau khi con Đê Hồng Hà bị vỡ, thì nhà nước Bảo Hộ Pháp có kế hoạch đắp lại con Đê cho phù hợp với thủy lưu hầu có thể tránh được những đại họa xẩy ra vào mùa nước lũ trong tương lai. Kế hoạch dự trù thực hiện thì đương nhiên ngôi làng tôi bị đẩy ra ngoài con Đê, và rồi hàng năm sẽ không tránh được ngập lụt. Sự thiệt hại dĩ nhiên rất là to lớn. Bởi vậy, các chức sắc trong làng đã vận động với Nhà nước Bảo Hộ Pháp và đặc biệt với ông Hoàng trọng Phu, với sự tiếp tay của ông ta, kết quả kế hoạch đã được thay đổi và ngôi làng tôi vẫn tiếp tục nằm ở trong Đê cho đến ngày hôm nay. Vì công lao to lớn đó đối với làng, nên ông ta đã được dân làng nhớ ơn. Tôi còn nhớ là khi Việt Minh Cộng Sản (VMCS) cướp Chính quyền ngày 19/8/1945, ông Hoàng trọng Phu đã về ẩn náu một thời gian tại căn nhà của ông Tuần phủ Bùi huy Đức, là con rể ông ta, ở cùng ngõ với nhà tôi.
Làng tôi có ba Họ lớn và danh vọng hơn cả, đó là họ Phạm, Phan và Hoàng. Họ Phạm phần lớn đỗ đạc ra làm quan nhiều hơn là họ Phan và Hoàng. Về họ tôi, riêng vào lớp ông Nội tôi trở lên thì ra làm quan, nhưng từ thế hệ Cha tôi về sau gần như đa số học về chuyên môn như Bác sĩ, Luật sư, Kỹ sư v.v. Họ tôi tập trung vào cư ngụ tại Ngõ Vẽ. Có gia đình ông Hoàng cơ Bình là con ông Tổng Đốc Hoàng huân Trung thuộc Chi trên mà tôi phải gọi ông Bình là Chú. Ông Hoàng huân Trung là người tây học, nên con cái được gửi qua Pháp học, trong đó đáng kể là Bà Hoàng thị Nga (người đàn bà đầu tiên đã đỗ bằng Tiến sĩ khoa học và sau đó trở thành giáo sư giảng dạy tại trường Đại Học Hà Nội, nhưng ít lâu sau vì bất bình với nhà trường, Bà bỏ sang Pháp ở. Còn ông Hoàng cơ Bình cùng học với ông anh Cả tôi, và đỗ Bác sĩ Nha khoa. Ông Bình, từ năm 1952 trở về sau, ngoài nghề Nha sĩ, ông đã tham gia vào chính trị. Theo tôi hiểu, thì ông là một người hiền lành, đức độ thích hợp với công việc chuyên môn hơn, vì vậy khi ông tham gia chính trị, và thành lập đảng Hưng Quốc mà ông là Thủ lãnh đã không mấy phát triển và thành công. Có lúc, ông đã ra ứng cử vào chực vụ Tổng Thống VNCH vào năm 1967. Theo dư luận của những nhà làm chính trị và cách mạng thì họ xếp loại ông vào hàng ngũ những nhà chính trị salon (phòng khách). Dù sao, ông cũng là một người có nhiệt tình yêu nước và không xấu. Sau 30/4/1975, Cộng Sản (CS) Bắc Việt đánh chiếm miền Nam, ông đã không chịu bỏ nước ra đi, mặc dù phương tiện không thiếu, vì lúc đó em ông là Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh làm Tư lệnh một Hạm Đội. Cũng như mọi lãnh tụ, các cán bộ cao cấp của các Đảng chính trị Quốc Gia và Giáo phái ở miền Nam, đều đã bị CS bắt đưa đi tù “tập trung cải tạo”, ông Bình cũng cùng số phận ấy. Ông bị đưa ra Bắc và bị giam tại trại Nam Hà (ở phía nam Hà Nội, thuộc Liên Tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Khi tôi ở trại giam Yên Bái (thuộc Tỉnh Hoàng liên Sơn) di chuyển về trại Nam Hà vào tháng 4/1978 thì ông Bình đã ra khỏi trại được hơn một tháng trước, vì được ông Hoàng minh Giám, khi đó đang giữ chức Bộ Trưởng Văn Hóa của nhà nước CS Việt Nam, bảo lãnh về quản chế tại Làng. Đến năm 1989, một năm sau khi tôi được trả tự do, tôi có trở về thăm lại gia đình và họ hàng sau bao năm xa cách, thì ông Bình đã mất sau một cơn đau tim mấy tháng trước. Trong một buổi ra thăm mộ những người thân yêu đã khuất, tôi cũng đã ghé thăm mộ ông, ngôi mộ vẫn còn chưa xanh cỏ. Các cháu tôi cho biết ông thường nhắc đến tôi và nhắn lại là khi nào ra trại thì về ghé thăm ông. Khi còn ở Saigon (trước 1975), tôi vẫn thường đến thăm ông, cũng như ông đã cùng Phái đoàn (Nghị viên Thành phố) đến thăm đơn vị Thủy Quân Lục Chiến của tôi ngoài mặt trận.