Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (19)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) /Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948. Trên đường vào Chiến Khu Phòng Thô qua biên giới Trung Hoa (19) 

A – Trên đường vào Chiến Khu Phòng Thô qua biên giới Trung Hoa (19)

Sau khi thanh toán xong vụ giáo quan Nhật thì toàn bộ lực lượng rút khỏi Thị xã vào quá nửa đêm. Ngày đó thuộc vào trung tuần tháng 11/1946.

Từng bộ phận theo kế hoạch, đoàn quân rút theo ngã Bát Xát, Trịnh Tường và Mường Hum. Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNĐ) gồm các anh Nguyễn sĩ Hồng, Mai ngọc Bảo, Trương khánh Tạo, Nguyễn Đại và tôi cùng đi trong những người ốm yếu (những người bệnh nặng và bị thương mới được chuyển qua Hồ Kiều). Đêm đó trời cũng không trăng sao, thời tiết ở vào cuối Thu, về đêm đã trở lạnh.

Chúng tôi âm thầm lặng lẽ theo đoàn quân, mà trong đầu óc mọi người đều có những suy nghĩ riêng tư, nhưng tựu chung đều cảm thấy ngày mai đầy chông gai. Gần sáng thì đoàn quân tới Bản Kim, cách Lào Kay chừng mười cây số. Bản này nằm ở trong một thung lũng hẹp, phía bắc giáp sông Hồng, phía nam là dãy núi cao chạy dài từ Cốc Lếu tới Bát Xát, Trịnh Tường ở phía tây.

Địa thế Dền Sáng-Mường Hum (ảnh Google)

Dân cư thuộc sắc tộc thiểu số người Nhắng. Nghe tên gọi thì cứ tưởng là mọi rợ, nhưng thực tế họ là những người khá văn minh và đẹp đẽ. Không khác gì người Thổ (Tày), họ nói tiếng Kinh rất thông thạo. Về ăn mặc thì quần áo nhuộm chàm và có thêu hoa nếu là đàn bà, con gái. Sinh hoạt hàng ngày của họ rất bình thường, không có mấy ảnh hưởng về chính trị. Họ tỏ ra thờ ơ lãnh đạm khi thấy chúng tôi tới. Có chăng là mấy ông “Sá phải” như đại diện Xã, Lý trưởng của ta, đứng ra liên lạc, tiếp súc với Chính quyền để nhận chỉ thị thôi. Nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, đoàn quân lại tiếp tục tiến vào Bát Xát.

Như kế hoạch đã định, phần lớn lực lượng khi tới Bát Xát thì rẽ vào Mường Hum để tiến vào Phòng Thô, số còn lại kể cả những người ốm yếu thì tạm ngừng ở Bát Xát. Cánh quân tiến vào Phòng Thô, mà chủ lực là người Thổ (Tày) dưới quyền chỉ huy của các ông Triệu quốc Lộc, Hoàng văn Đạt, Phạm đức Nghi, còn người Kinh thì đặt dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn duy Dzị. Đêm đó, chúng tôi vào nghỉ trong đồn Bát Xát. Đồn này được xây cất từ thời Pháp thuộc nên nhà cửa, doanh trại rộng rãi, ngăn nắp. Nằm trên một khu đất cao cạnh sông Hồng, mà bên kia sông thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Ở bên đó cũng có một đồn mang tên là Bát Xát Tàu. Còn đồn Bát Xát Tây thì án ngữ ngã ba đường Lào Kay-Trịnh Tường-Mường Hum. Người Chỉ huy Đồn lúc đó là anh Hoàng văn Tín (Hạ Sĩ Quan Quân đội Pháp theo VNQDĐ).

Sáng ngày hôm sau thì có lệnh toán quân còn lại tiếp tục đi vào Mường Hum, nhưng di chuyển được vài cây số, trên con đường mà hai bên là núi cao, thì chúng tôi bị phục kích và bị chặn lại. Toán tiền phong chống cự được một lúc rồi đành phải rút trở lại Bát Xát. Trong anh em chúng tôi, anh Tạo chẳng may trúng đạn vào mông. Sở dĩ VMCS có mặt ở đó là do chúng từ Sapa (bị chiếm đóng trước đó ít lâu) đổ xuống chiếm Mường Hum. Cánh quân ông Triệu quốc Lộc đi qua vì chúng chưa kịp tới.

Chúng tôi trở lại đồn Bát Xát nghỉ mấy ngày, rồi sau đó được lệnh di chuyển đi Trịnh Tường. Mấy ngày tại đồn, có vài khóa sinh trường Lục Quân Yên Bái bị bệnh nặng và qua đời. QGTNĐ có anh Đại, Lục Quân Yên Bái có một anh tôi không nhớ tên, hình như thuộc gia đình họ Cự, có danh tiếng buôn bán ở Hà Nội. Anh Đại khi chết, tôi nằm gần chỗ anh, nhưng chẳng có cách nào để cứu chữa được, trong hoàn cảnh thiếu thốn, thức ăn tẩm bổ cũng không. Anh bị sốt nặng rồi chết lịm đi trong đêm. Mặt anh tím và sưng vù lên vì muỗi đốt. Khi đi, chúng tôi cũng chẳng khỏe khoắn gì hơn, chỉ may mắn là cơn sốt rét chưa nổi dậy. Đã có kế hoạch rút bỏ Lào Kay, nên duy trì đồn Bát Xát là vô ích, vả lại VMCS đã chiếm Mường Hum, trước sau chúng cũng tấn công đồn.

Con đường vào Phòng Thô qua Mường Hum đã bị ngăn chặn, nên Bộ Chỉ Huy Quân vụ bộ phải tính tới lối khác để vào Phòng Thô. Cũng chỉ vì di chuyển trên lộ trình mới, nên tình cảnh của đoàn người rút lui còn bị nguy hiểm, gian nan, chết chóc nhiều hơn. Lộ trình Bát Xát Trịnh Tường tương đối còn dễ đi, nhưng từ Trịnh Tường tới Y Tí, rồi biên giới Trung Hoa thì chỉ là những con đường mòn, là dãy núi cao chót vót chạy dài từ Mường Hum  Bát Xát tới biên giới rồi nhập vào núi Cấm ở trong biên giới Trung Hoa. Do đó, chúng tôi không thể vượt qua để vào Phòng Thô được mà phải đi vòng sâu vào lãnh thổ Trung Hoa. Vấn đề đi qua Trung hoa, Bộ Chỉ Huy đã can thiệp nên không bị ngăn chặn ngay tại biên giới, nhưng cũng gập nhiều chuyện cướp bóc ở dọc đường bởi những tên thổ phỉ địa phương. Rời Bát Xát trong đêm tối, đường trải đá lởm chởm khó đi. Anh Tạo, lúc khởi hành, tưởng đã phải ở lại đồn vì vết thương chưa lành. Nhưng vào giờ chót, Bộ Chỉ Huy đã cảm thông cho mượn con ngựa của ông Triệu Việt Hưng.

Anh Tạo ngồi trên lưng ngựa, tôi dắt ngựa, bước thấp, bước cao, nhiều lúc muốn ngã té ngửa. Tuy không phải đi bộ, nhưng ngồi trên lưng ngựa với vết thương ở mông, nhiều lúc cũng làm cho anh đau đớn vô cùng, nhưng với đức tính gan lì, anh cắn răng chịu đựng. Qua một đêm, một ngày thì chúng tôi tới được Trịnh Tường bình an, sau nhiều vất vả ở dọc đường. Cũng từ đây trở đi, đội hình di chuyển không còn duy trì được nữa, mạnh ai người nấy đi và dĩ nhiên là những người ốm yếu, bệnh hoạn thường lê lết tới sau. Chẳng may có chuyện gì xẩy ra ở dọc đường không còn ai cứu giúp nữa..

Trịnh Tường là một Châu (gần như một Quận, Huyện ở dưới đồng bằng). Tuy vậy dân cư cũng không lấy gì làm đông lắm. Họ là người Nhắng, người Xạ Phang (người Tàu sống ở biên giới) sinh sống về nghề dệt vải và trồng trọt, kể cả trồng cây thuốc phiện. Địa thế ở đây hoàn toàn là rừng núi, đường đi thật là khó khăn, hiểm trở, nên VMCS cũng chẳng quan tâm đánh chiếm làm gì, hơn nữa lại quá xa Thị xã Lào Kay. Chúng thừa hiểu là VNQDĐ đã yếu thế, sớm muộn gì cũng phải tan rã, hoặc chạy sang Trung Hoa. Do đó, chúng tôi được nghỉ dưỡng sức ở Trịnh Tường lâu ngày hơn để chuẩn bị tiến tới Y Tí. Một Bản gần biên giới. Được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nên chúng tôi lấy lại sức khỏe một phần nào, nhất là anh Tạo lại bị thương. Nếu không, chúng tôi đã không đủ sức để vượt qua đoạn đường dài đầy cam go sau đó.

Nhưng rồi ngày lên đường cũng phải tới, vì lực lượng vào đánh chiếm Phòng Thô của ông Triệu quốc Lộc và Nguyễn duy Dzị đang cần sự có mặt của Bộ Chỉ Huy Quân Vụ Bộ. Khi lên dường có một số bị bệnh phải ở lại đi sau, trong đó có anh Tạo vì vết thương chưa lành hẳn. Ra khỏi Trịnh Tường chẳng được bao xa, thì đoàn quân có người bệnh đã rơi rớt dọc đường, trong đó có tôi.

Tôi đã lên cơn sốt rét, có lẽ trước khi đi đã dùng cơm với thịt heo, rồi uống nước suối. Cơn sốt hành hạ từ rét qua sốt nóng, nhiều lúc quá mệt, tôi đã phải nằm lăn ra bên lề đường mặc cho tới đâu thì tới. Nhưng rồi trước cái chết, sự ham sống lại vùng lên. Tôi nghĩ còn trẻ, tôi phải sống, chứ không thể chết một cách âm thầm trong cái cảnh rừng núi âm u này được. Phải sống để tiếp tục chiến đấu, nếu có chết thì cũng phải chết cho vinh quang, xứng đáng nơi chiến trường. Với ý chí và quyết tâm phải đi tới đích, tôi cắn răng chịu đựng sự mệt mỏi, lê bước trên con đường rừng vắng vẻ, sương chiều đã phủ lấy ngàn cây. Một sự im lặng ghê rợn, ngoài tiếng nước suối chảy róc rách bên đường. Đến chừng 8 hoặc 9 giờ tối thì tôi tới nơi đóng quân ở một Bản nhỏ, gồm năm ba căn nhà tường đất, lợp rạ của người Mèo. Sắc dân này thường ở trên núi cao, vì thế mà đường đi càng lên cao, trời về khuya càng lạnh.

Khi tôi tới thì mọi người đã ăn uống xong xuôi và đi nghỉ, còn tôi thì mệt quá, bỏ cơm nắm ra ăn tạm với muối, rồi lăn ra ngủ như chết. Ngày hôm sau, chúng tôi dậy rất sớm, nấu cơm để lên đường đi Y Tí cho kịp trước khi trời tối, vì đoạn đường khá dài, nếu không sẽ ngủ ở giữa rừng. Ngày ở biên khu rất ngắn, nhất là vào những tháng cuối năm. Khởi hành quá sớm nên trời còn tối đen như mực, sương xuống như mưa, cảnh vật thật lặng lẽ và buồn nản. Chúng tôi âm thầm dấn bước trên con đường nhỏ hẹp, hai bên là rừng cây cao bát ngát. Sau một đêm ngủ ngon giấc, tôi đã lấy lại sức khỏe nên không đến nỗi đi lẹt đẹt phía sau. Con đường tuy nhỏ hẹp, qua đèo, qua suối, nhưng là con đường độc đạo, nên không bị lạc. Càng gần tới Y Tí thì địa thế càng lên cao.

Cái lạnh của rừng núi thấm vào thân thể như dao cắt. Khi đó, chúng tôi, quần áo chẳng còn đáng giá nữa để chống lạnh, khi ở Trịnh Tường ra đi, tôi đã xin được ở bệnh xá một tấm bông dày để đệm ở ngực. Những áo quần tốt lành, chúng tôi đã đem bán hết ở Lào Kay để lấy tiền mua thức ăn bồi dưỡng khi có bệnh. Vào lúc chạng vạng tối, màn đêm đã bắt đầu hạ xuống, thì chúng tôi tới Y Tí. Nơi đây nhà cửa tương đối còn nhiều hơn, nên chúng tôi còn có chỗ để ngủ nhờ dân cư cũng là người Mèo, họ tỏ ra không mấy thân thiện với chúng tôi. Tuy nhiên với lực lượng đông đảo và võ trang nên họ phải chịu tiếp đó thôi. Sau này ở Chiến khu Phòng Thô, người Mèo đã theo Pháp chống lại chúng tôi. Nhà cửa của họ ba mặt đều xây kín mít, chỉ có một mặt để hở một lối vào rất nhỏ. Vào tới trong phải đứng một lúc mới thấy rõ đồ vật để ở trong nhà.

Thông thường có một bếp lửa, củi cháy liu riu, phía trên để một giá bằng tre dùng để sấy thịt heo, hoặc thú rừng mà họ đánh bẫy được. Quần áo của họ cũng nhuộm chàm, ăn mặc cũn cỡn hở cả bụng, miệng luôn phì phào tẩu thuốc dài. Sắc dân này thường ở trên núi cao, cách biệt với các sắc dân khác sống ở dưới thấp như  Mán, Lô Lô, U Lý, Yao,  còn người Thổ, Thái, Nhắng thì ở gần người Kinh hơn. Người Mèo ở Bắc Việt có lẽ lạc hậu hơn cả và đời sống của họ rất thấp kém. Bản Y Tí cách biên giới Trung-Việt nửa ngày đường. Đối với người Kinh, qua lại biên giới thì khó, chứ đối với họ thì không có biên giới nào cả. Họ đi qua, đi lại như một nhà, vì hai bên biên giới đều có người Mèo sinh sống. Chính vì chỗ đó mà chúng tôi tới đâu họ cũng thông báo cho nhau hay để phục kích hoặc trốn tránh. Lại một đêm trôi qua, chúng tôi chuẩn bị vượt qua biên giới. Núi rừng Cấm cao vời vợi, nằm án ngữ về hướng tây, chạy dài vào trong nội địa Trung Hoa. Như dự tính, vào khoảng trưa thì đoàn quân đặt chân lên đất Trung Hoa.

Thực ra thì cũng chẳng có dấu vết gì đánh dấu ranh giới hai nước, mà chỉ là một con suối chảy ngăn cách hai dãy đồi núi mà thôi. Tôi biết được là do một cán bộ VNQDĐ đã từng hoạt động qua lại khu vực này cho hay. Thú thật lúc đó tôi chẳng có cảm nghĩ gì cả, mà chỉ mong cho đoạn đường ngắn lại để chóng trở về căn cứ địa Phòng Thô. Đoàn quân qua biên giới đã không gặp trở ngại bởi lực lượng biên phòng của Trung Hoa, cũng như  dân quân tại địa phương, vì Bộ Chỉ Huy đã có liên lạc và được phép của cấp chỉ huy địa phương. Trong nội địa Trung Hoa cũng không khác gì hơn trong biên giới VN. Vẫn là rừng núi cao và loáng thoáng năm ba căn nhà của người Mèo ẩn hiện trong rừng cây. 

Thời tiết, khí hậu cũng trở nên ẩm thấp và lạnh giá hơn. Đường đi vẫn lượn quanh các đồi núi cao và suối sâu. Trời lất phất mưa lại càng làm cho đường thêm trơn trợt khó đi. Nón, áo mưa thiếu, quần áo ướt sủng lại càng thêm buốt lạnh. Đường dài, ướt lạnh, đói khiến sức khỏe chúng tôi (mấy anh em QGTNĐ gồm các anh Hồng, Bảo, Nghĩa và tôi) càng sút kém đi nhiều, nhưng may là cơn sốt rét đã không xẩy ra. Vào buổi chiều gần tối, thì đoàn quân tới một Bản sắc dân Xạ Phang. Trời vẫn mưa phùn và lạnh lẽo. Vì là đất nước người, nên họ không cho chúng tôi vào ngủ trong Bản. Do đó, chúng tôi phải dựng lều ở ngoài trời để tạm trú qua đêm. Lều chỉ là hai tấm mền căng trên mấy cây cọc. Trời thì mưa rả rích suốt đêm, nên chúng tôi đành ngồi bó gối, đợi cho đêm chóng tàn. Mưa gió, ướt sủng nên chẳng nấu nướng được gì cả. Còn ít cơm nắm để dành rồi cũng phải mang ra ăn nốt vì bụng đói như cào. Trời vừa rạng sáng, đoàn quân lại tiếp tục lên đường giữa trời mưa chưa ngớt. Trời thì lạnh, bụng thì đói, chúng tôi chẳng còn con đường nào khác là cắn răng chịu đựng. Lộ trình vẫn không kém phần gian nan khổ cực. Trời thì lúc mưa, lúc tạnh rất khó chịu. Chúng tôi đi theo sườn núi rừng Cấm vòng về hướng tây bắc, với cảnh vật, rừng cây bát ngát, suối chảy róc rách, chim kêu vượn hú, thật âm u vắng vẻ. Cảnh rút lui trong mấy ngày đường, đã diễn ra thật gian khổ và chết chóc.

Ngày đi, đêm nghỉ, mà lại ngủ ở ngoài trời vì dân không cho vào nhà.  Trời mưa lạnh, nấu nướng nửa sống, nửa chín, rồi cũng phải ăn để mà sống. May mắn là khi đó trời còn thương nên chúng tôi không ai bị thương, bị bệnh cả, mặc dù thân hình còm cõi thiếu ăn. Những ai khỏe mạnh thì đi trước, những người yếu thì theo sau. Cũng vì vậy, mà có một số người bị bệnh nằm gục bên đường. Ai gượng được thì tiếp tục đi, còn không thì chịu chết. Chúng tôi, mấy anh em QGTNĐ cũng không hơn gì, nhiều lúc vì mệt, vì đói cũng phải nằm lăn ra bên đường thở dốc. Không có ý chí, quyết tâm cao thì không sao vượt qua nổi, nhất là chúng tôi còn trẻ mới ra đời chưa nhiều kinh nghiệm, mà duy nhất chỉ có một tấm lòng ra đi vì sông núi, vì tổ quốc. Phải nói rằng lúc đó sự hiểu biết về chủ nghĩa CS, về con người CS chưa được bao nhiêu. Nhưng với những hành động, chủ chương thực tế của VMCS trước mắt đã khiến chúng tôi đứng về phía những người cách mạng Quốc Gia và chống lại họ rất quyết liệt. 

Trên lộ trình đi, tôi đã thấy những người bạn cùng chiến đấu chết gục bên bờ suối, hay cùng ôm nhau chết trong một lùm cây. Thật vô cùng đau đớn cho một đoàn quân chiến bại rút chạy trong cảnh hỗn loạn. Ngoài cái chết vì bệnh, vì đói rét, chúng tôi những người rơi rớt đằng sau, còn bị cái nạn những tên thổ phỉ địa phương ra cướp bóc. Chúng xử dụng súng hỏa mai (loại súng mỗi khi bắn phải nhồi thuốc) không bắn được xa, nhưng cũng có thể gây thương tích trầm trọng, dao găm hăm dọa rồi tước hết những gì mà chúng tôi còn xử dụng được như mền, áo ấm. Đường đi càng gần tới khu vực rẽ về nội địa VN thì các Bản, Làng của dân địa phương càng nhiều hơn và nhiều đường mòn xuất hiện. Nếu toán người đi trước không lấy cành cây chắn ngang thì người đi sau dễ bị lạc lắm. Mấy ngày sau thì đoàn quân tới một ngã ba có con đường mòn hướng lên đỉnh núi rừng Cấm nhìn về VN.

Lực lượng gồm những người khỏe mạnh do ông Triệu Việt Hưng chỉ huy tiến về Sập Nhị Lầu (Phong Thổ) còn những người ốm yếu như chúng tôi thì được Ban Lãnh Đạo can thiệp với chính quyền địa phương cho tạm trú để dưỡng bệnh. Chúng tôi được đưa vào hai Bản: Hoang Thiền và Li Cù Tỉ thuộc huyện Mahati nằm sâu trong nội địa, có quân đội địa phương đồn trú. Số người bệnh này do ông Bảo Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Việt Trì đảm trách và liên lạc với địa phương, còn ông Vũ hồng Khanh lên đường đi Côn Minh với sứ mệnh xin sự giúp đỡ của Trung Ương Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt