Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (18)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) /Chương 1: Chiến đấu trong chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (Bài 18)
C. Chiến Đấu Trong Chiến Khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (Bài 18)
Tại Trường, buổi trưa chúng tôi nghe tin thất trận, có người chết, có người bị thương. Tôi lo lắng không hiểu trong QGTNĐ có ai bị nạn không. Khoảng xế chiều, đoàn quân về tới trại và mang theo xác anh Đức vào quàn tại nhà đợi mai táng. Các anh khác bị thương được đưa qua bệnh viện săn sóc. Cái chết của anh Đức, cả Trường đều thương tiếc, vì anh không những là một khóa sinh xuất sắc mà còn là một chiến sĩ văn nghệ. Các bạn trong Trường thường gọi anh dưới cái tên “Đức Bô Vê” vì anh ở đường Bô Vê, Hà Nội. Trong thời còn là học sinh, anh được xếp vào loại ngang tàng, học sinh ai cũng nể vì. Trước mấy hôm ra trận, trong đêm diễn kịch, anh thủ vai “Trần Bình Trọng” trong vở tuồng “Hận thiên trường” do chính anh sáng tác và đạo diễn rất xuất sắc, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Do đó, khi anh bị tử thương, ai cũng cho là điềm báo trước. Buổi tối hôm đó, trong giờ sinh hoạt kiểm điểm trận đánh, các giáo quan Nhật đã tỏ ra rất nóng giận, cho rằng các khóa sinh đã chiến đấu không hết mình, vì vậy ông Dân (Phó Hiệu trưởng) ra lệnh làm lại. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì đã hủy bỏ lệnh này. Phải chăng các vị giáo quan đã nhận thấy sự lo lắng, ưu tư trong chúng tôi, khi mà chiếc quan tài anh Đức còn để lù lù trong phòng chưa chôn.
Quả vậy, chúng tôi đã nhìn thấy rõ sự chiến bại đã gần kề, cần phải có một lối thoát khả dĩ bảo toàn được lực lượng cho các trận đánh về sau, nhất là cố thủ trong một hoàn cảnh quá bất lợi, lương thực thiếu thốn, kinh tế bị bao vây khắp mặt, đạn dược cạn dần, số bệnh binh và thương binh càng ngày, càng nhiều. Ảnh hưởng chính trị không còn, kể cả trong nước lẫn ngoài nước, đặc biệt Trung Hoa Quốc Dân Đảng, người bạn cùng lý tưởng cũng làm ngơ không giúp đỡ gì cả. Nói chung là tinh thần chiến đấu không còn được cao như một vài tháng trước, khi Đệ Tam Chiến Khu còn vẹn toàn. Tình hình chiến trận sau trận đánh làng Bùn, VMCS thừa thắng tấn công Bảo Hà và xã Yên Bình. Ở đây, lực lượng của ông Triệu quốc Lộc và Vương các Đạo đã chịu được nhiều ngày, nhờ có địa thế hiểm trở, khó tấn công. Phía nam Sapa và phía đông là Bản Lầu, Bản Phiệt, tình hình không đến nỗi tệ vì cả hai khu vực này, lực lượng VMCS tương đối ít hơn, vả lại phải qua sông, qua suối, qua rừng cây rậm rạp khó di chuyển. Trong thời gian chiến trận tương đối lắng dịu, Trường đã không bị điều động ra trận nữa. Nhiều anh em chúng tôi ngã bệnh nằm đầy phòng. QGTNĐ có anh Tiến (em ông Phan Trâm tức Bác sĩ Nguyễn tiến Hỷ, sau này là một trong lãnh tụ QDĐ) đã chết tại bệnh viện sau những ngày bệnh nặng vì sốt rét rừng (thương hàn) , anh Hòa (Nghĩa bộ đội trưởng) đã họa một bức hình bán thân lúc anh mất. Khi mang về cho chúng tôi coi thì không còn nhận được chính khuôn mặt của Anh nữa. Anh Tiến là một lực sĩ của QGTNĐ, chỉ bị bệnh có ít ngày ở Lào Kay là qua đời. Số đoàn viên QGTNĐ bớt dần, trong đó có anh Lưu đình Đôn, Bùi xuân Hiến, Nguyễn văn Đẩu, anh Thủy mất tích, anh Hương bị thương phải nằm lại ở Phú Thọ v.v..Sau này khi rời khỏi Lào Kay thì QGTNĐ không còn tụ thành một khối nữa. Số còn lại bị phân tán vào các đơn vị VNQDQ hoặc có người bỏ sang Hồ Kiều, hoặc về Hà Nội, hoặc bị bệnh nằm lại dọc đường trên đường rút khỏi Lào Kay, có anh Linh bị thương ở đầu nằm ở Bệnh viện. Khi rút thì đi theo đoàn Y sĩ do anh Thế (sinh viên năm thứ tư Y Khoa Hà Nội) thuộc Lục Quân Yên Báy khóa A. Tới Trịnh Tường, anh Thế tách ra đi về phía Miến Điện không rút sang Trung Hoa. Anh Linh bệnh quá được anh Phạm Quân dìu đi không nổi, đành nằm lại Trịnh Tường rồi bị VMCS bắt giam tại đây gồm có cả anh Tự, anh Giáp. Ngoài ra cũng có một số anh thuộc Lục Quân khóa A và B, một số là đảng viên Đại Việt QDĐ. Triệu việt Hưng được coi như người thân cận nhất của ông Vũ hồng Khanh khi còn hoạt động ở bên Vân Nam (Trung Hoa) Triệu Việt Hưng cách hành xử cũng giống như ông Vũ, nên đa số đảng viên không mấy ưa thích. Trong thời gian lãnh đạo Tỉnh Đảng Bộ Lào Kay, ông ta bị dư luận về những chuyện kinh tài, cá nhân và giao du bất chính với một nữ cán bộ đảng viên phụ trách về y tế ở Bệnh viện Lào Kay là bà Lê. Bà này trong trận đánh ở Hồi Luông (Lai Châu) đã bị Pháp quân bắt sống trong khi đang công tác tại đó, sống chết ra sao không rõ.
Trở lại trận chiến chung quanh vòng đai Thị xã Lào Kay, sau một thời gian củng cố lực lượng và được tăng viện thêm, VMCS quyết định tấn công dứt điểm, vì lúc đó ở Hà Nội tình hình thỏa hiệp giữa Pháp và VMCS rất căng thẳng, gần như đi đến chỗ đổ vỡ hoàn toàn. Dân chúng đã tản cư hầu hết về các làng xã. Các cơ quan chính quyền cũng bí mật dời một phần ra khỏi Hà Nội về các nơi thuộc Tỉnh Hà Đông ở về phía tây bắc Hà Nội theo hướng đi Hòa Bình. Do đó, VMCS tấn công Lào Kay rất mạnh cả ba mặt. Các vũ khí nặng được mang ra xử dụng, dàn súng cối 60 ly và 80 ly không ngớt rót vào các vị trí đóng quân của VNQDĐ. Chống cự đâu được hai, ba ngày thì lực lượng ở xã Yên Bình và Bảo Hà phải rút về Trái Hút và Phố Lu (nơi này trước kia khi Yên Bái chưa mất, là địa điểm sòng bạc do người Trung Hoa đứng ra tổ chức). Người Tàu và người địa phương đến đánh bạc rất đông nên Tỉnh Đảng Bộ nhờ vậy đã có một số tiền do thu thuế để chi dùng mọi việc. Nhưng từ khi Yên Bái mất thì sòng bạc đóng cửa, vì tình hình an ninh, dân chúng không đến chơi nữa. Cũng vì sự đóng cửa sòng bạc này mà nguồn lợi về tài chính bị thu hẹp lại nhiều. Về kinh tế cũng vậy, mặt trận càng thu hẹp chung quanh Lào Kay, nên cũng rơi vào tình trạng như Yên Bái, cán bộ, đảng viên cũng như dân chúng phải ăn ngô, ăn sắn để trừ cơm.
Ở cửa ngõ phía bắc nối liền với Hồ Kiều (Trung Hoa) dân chúng cũng sống trong cảnh nghèo nàn. Còn muốn mua gạo, thuốc men, súng đạn thì phải có tiền, cho nên Bộ Chỉ Huy Quân Vụ Bộ và các anh lãnh đạo cao cấp có ý định rút bỏ Lào Kay vào khu vực Phong Thổ ở phía Tây cách khoảng sáu, bảy ngày đường, do giao thông rất khó khăn, có nơi phải vượt qua rừng núi cao. Trận chiến càng ngày càng ác liệt, ở phía nam VMCS đột nhập Phố Lu, rồi Thái Niên, chuẩn bị tấn công Phố Mới. Nơi này chỉ cách Thị xã hai cây số. Tại phía tây nam, sau khi Bảo Hà và Yên Bình mất, VMCS đánh chiếm Sapa. Ở đây một số cán bộ bị VMCS bắt và hành quyết rất dã man. Về phía đông trên đường đi Hà Giang, Bắc Cạn, VMCS cũng tiến vào Bản Lầu, Bản Phiệt. Tình hình đã tới lúc như trứng để đầu đẳng, hàng ngày tiếng súng vọng về càng rõ. Bộ Chỉ Huy quyết định rời bỏ Lào Kay. Trước một ngày, thương bệnh binh được đưa qua Hồ Kiều và tạm trú tại nhà một đồng chí đã sinh sống ở đó từ lâu (ông Lỳ xuân Lâm) một số cán bộ được phép đi theo để trông nom, nuôi dưỡng. Lợi dụng dịp này đã có một số cán bộ, đảng viên bỏ trốn theo. Ngoài ra cũng có một số cán bộ và khóa sinh bỏ trốn về Hà Nội. Anh Hòa, Nghĩa bộ đội trưởng của QGTNĐ, khi VNQDĐ rút khỏi Lào Kay, tôi không còn nhìn thấy anh nữa, ở chiến khu Phòng Thô cũng như ở bên Vân Nam và sau cùng ở trong nước. Tôi cho là hoặc đã chết hoặc bỏ chạy rồi bị VMCS bắt thủ tiêu, hoặc đầu hàng CS ?!
Theo anh Quân và Linh thì có thấy anh Hòa khi VMCS bắt giải về giam ở Yên Bái, khi dẫn qua Lào Kay thì thấy anh Hòa đang vẽ trên tường phòng Thông tin của VMCS, nhưng không giám nhận nhau. Có lẽ anh Hòa bị bắt và được xử dụng tài năng mỹ thuật để phục vụ cho chúng vì khi đó họa sĩ rất hiếm. Trong những giờ phút cuối cùng của Lào Kay, đã xẩy ra một sự việc rất đau lòng là ban Lãnh đạo Quân Vụ Bộ do ông Vũ đứng đầu đã bắt và xử bắn tại cầu Cốc Lếu toàn bộ giáo quan Nhật của trường Lục Quân Yên Bái và trường Xứ Nhu, trừ có ông Hùng (vào những ngày chót đã không còn giữ chức Hiệu trưởng) là thoát nạn. Ông này sau đó, bỏ sang Trung Hoa, rồi tìm đường về nước. Có tin là trước khi xử bắn, các ông đã xin cho một phút để cùng hướng về phía Đông làm lễ cúi chào vĩnh biệt nước Nhật. Vụ này xẩy ra như chúng tôi biết, từ khi trường Lục Quân Yên Bái rời lên Sapa, rồi trở lại Lào Kay, các giáo quan Nhật đã đề nghị với ông Vũ đem một phần lớn lực lượng và khóa sinh trường vào chiếm lấy Phong Thổ, tạo thành một chiến khu vững chắc, tổ chức, huấn luyện cho thật chu đáo, đợi thời cơ, hoặc là đưa tất cả Trường và một số cán bộ có khả năng qua Trung Hoa, rồi xin chính quyền sở tại cho nhập vào trường võ bị để trong tương lai sẽ trở thành những cán bộ xuất sắc trở về nước hoạt động khi thời cơ tới. Kế hoạch này, hình như không được ông Vũ chấp thuận, mà sau đó lại thực hiện khi tình hình đã quá muộn. Các khóa sinh sau này đưa ra chiến đấu ở Bảo Hà, một phần vì đau yếu, một phần bỏ trốn, phần còn lại phân tán ra các đơn vị khác. Trường Lục Quân coi như tan rã.
Cuối cùng là các giáo quan Nhật bị mang ra xử bắn rồi cho vào bao tải ném xuống sông Hồng. Theo một số cán bộ cho biết, các giáo quan Nhật dưới sự chỉ huy của ông Dân (thay ông Hùng làm Hiệu trưởng) đã cùng nhau định cấu kết với VMCS, rồi đem một số khóa sinh ra đầu hàng. Được tin, Quân Vụ Bộ đã cho người tới khám xét và tìm thấy tài liệu và cờ của VMCS trong hành lý của các ông. Do chứng cớ trên, mà ông Vũ ra lệnh thủ tiêu. Chuyện này hư thực ra sao chỉ có ông Vũ và các ủy viên Quân Vụ Bộ ở Lào Kay biết mà thôi. Ngoài ra tôi dược biết trường Lục Quân là do lãnh tụ QDĐ tổ chức và thành lập. Khi sống ở Côn Minh (thủ phủ Vân Nam) tôi có hỏi ông Xuân Tùng (Ủy viên Tổ chức Trung Ương Đảng) và ông Hoàng Tường (ủy viên Kinh tế Tỉnh Việt Trì) về vụ đó, các ông cũng không biết. Theo tôi nghĩ, hai sự việc trên có thể xẩy ra, nên ông Hùng (Hiệu trưởng) không muốn dính dáng tới, nên đã xin thôi chức vị Hiệu trưởng, còn các giáo quan Nhật đã thấy rõ sự thất bại của VNQDĐ nên tìm đường ra đi, nhưng không trở về Nhật. Về phía khóa sinh cũng không thống nhất lắm. Trong Trường có ba thành phần: ĐVQDĐ, VNQDĐ và QGTNĐ, mà khóa sinh Đại Việt lại bất bình với cấp lãnh đạo VNQDĐ, vì trong Đệ Tam Chiến Khu, cán bộ, đảng viên, phần lớn nếu không nói là hầu hết thuộc VNQDĐ. Sự lục đục kéo dài sang tận Côn Minh (Trung Hoa) và sau cùng ở trong nước.