Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (15)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1: Chiến đấu trong chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (15)
D. CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (15)
(Tại Đệ Tam Chiến Khu từ Vĩnh Yên tới Yên Bái, Lào Kay)
Trong thời gian đó, chúng tôi ở trường Quân chính Việt Trì vẫn tiếp tục huấn luyện, không có gì xẩy ra, trừ một vài cuộc chạm súng nhỏ giữa Quốc Dân Quân (lực lượng võ trang của VNQDĐ) và bộ đội VMCS tại các vùng phụ cận Tỉnh lỵ. Các tin tức xẩy ra ở Hà Nội, chúng tôi cũng chỉ biết qua loa, nhưng rồi tin tức về cuộc khởi sự tấn công của VMCS đã được loan báo trong Trường, và lệnh báo động chuẩn bị chiến đấu được ban hành.
Trước tình hình khẩn cấp đó, QGTNĐ sát cánh với QDĐ chống lại VMCS để tồn tại. Rồi một ngày được tin Vĩnh Yên thất thủ do các lực lượng còn sót lại phá được vòng vây chạy về cho hay. Tại Việt Trì càng ngày càng bị sức ép tấn công của VMCS. Một vài cứ điểm ở xa đã phải rút về phòng tuyến gần Thị Xã. Tiếng súng ban đêm đã vọng về thành phố. Dân chúng trở nên nhốn nháo, lo sợ, phố xá, cửa hàng buôn bán thưa thớt hẳn đi. Vòng vây kinh tế cũng bị VMCS thắt chặt, sự mua bán qua lại giữa hai vùng Quốc Gia và VMCS đã không còn dễ dãi nữa. Tình hình trở nên ác liệt, Quốc Dân Quân, cán bộ bị thương và chết đã chở về bệnh viện nhiều hơn. Mũi tấn công của VMCS nhằm vào khu Bạch Hạc (nằm bên kia sông của Thị xã) ngăn cách bởi con đê sông Hồng.
Tại đây VNQDĐ đã lâm vào thế yếu có nguy cơ dễ bị tràn ngập. Do đó, Bộ Chỉ Huy Quân Sự Việt Trì, khi đó có sự hiện diện của ông Vũ Hồng Khanh, vừa từ Hà Nội bỏ lên ít ngày, đã ra lệnh cho Trường Quân Chính đem khóa sinh tăng cường cho mặt trận đó. Khi dược lệnh chuẩn bị lên đường, tôi còn nhớ là khi đó không có ai trong chúng tôi tỏ ra sợ sệt lo âu cả. Chúng tôi tin tưởng vào sự chỉ huy của các giáo viên Nhật, nên còn tỏ ra háo hức là khác.
Theo kế hoạch, chúng tôi được chia làm hai cánh quân. Một theo các làng nắm phía ngoài đê. Một cánh tiến dọc theo con đê. Lúc đó tôi thuộc cánh quân có anh Việt, Cơ trưởng, tấn công theo dọc con đê, đồng thời yểm trợ cho mũi dùi tấn công ở ven làng. Khi đó, VMCS đã chiếm được một hai làng ở dưới đê và một số nhà bên đê xây bằng gạch. Theo tin tức ghi nhận được, VMCS đã tung vào mặt trận này hai Đại Đội tinh nhuệ của chúng là Hùm Xám và Hồng Phong. Chúng tôi vượt qua chiến tuyến quốc dân quân VNQDĐ…tiến dọc theo hai bên bờ đê theo đội hình hai hàng dọc, lớp tiến, lớp nằm, hỏa lực yểm trợ lẫn nhau, đẩy lui các toán tiền phong của chúng cho tới lúc gặp sức kháng cự mạnh nhất, đó là một ổ súng lớn gồm có một khẩu pháo 75 ly của Pháp xử dụng thời Thế chiến thứ nhất, một khẩu súng máy và mấy khẩu súng trường. Khẩu súng lớn được chúng đặt ngay trước căn nhà gạch bên đê quét vôi trắng, và mỗi khi tác xạ, thì xạ thủ ở trong căn nhà chạy ra giật giây cò súng.
Chúng đã xử dụng khẩu súng 75 ly để tác xạ vào Bạch Hạc và đồn bót của VNQDĐ. Để triệt hạ khẩu súng đó, chúng tôi đã tập trung liên tục hỏa lực vào mục tiêu đó cho tới khi im bặt tiếng súng. Sau tiếng hô xung phong của giáo viên Nhật chỉ huy, chúng tôi vừa chạy vừa hô xung phong theo cung cách của binh lính Nhật, chiếm ngay căn nhà trắng. Kết quả một vài tên VMCS bị tử thương, tịch thu khẩu súng 75 ly mà lá chắn đầy những vết đạn lỗ chỗ. Hai tên CS nhẩy xuống một cái đầm nước ven đê để trốn, đã bị chúng tôi phát hiện, chúng nằm bất tỉnh vì bị thương và bị đỉa cắn đầy mình.
Chiếm được căn nhà trắng thì địch ở phía sau bỏ chạy, cùng lúc cánh quân ở ven làng nhân lúc địch bỏ chạy nên đã tiến quân rất nhanh. Từ xa tôi thấy giáo viên Nhật vừa đi vừa dơ cao khẩu súng lục, chỉ huy các khóa sinh một cách gan dạ.
VMCS ở trong làng thấy bạn ở trên bờ đê bỏ chạy, sợ bị bao vây nên cũng bắn cầm chừng rồi rút lui. Ở phía xa theo hướng đi Sơn Tây, tôi quan sát thấy một số đông VMCS đang lên xe. Sau tìm hiểu mới rõ là khóa sinh của trường Võ Bị Sơn Tây do VMCS tổ chức đưa ra quan sát mặt trận. Trên đường chiến thắng rút về Bạch Hạc, kéo theo khẩu pháo 75 ly và lá cờ đỏ sao vàng của VMCS phủ lên trên, dân chúng đã hoan hô nhiệt liệt. Để tưởng thưởng chiến tích, Ủy Ban Lãnh Đạo Bạch Hạc đã tặng chúng tôi một rổ thịt lợn để ăn mừng chiến thắng của ngày đầu ra quân. Sau ngày VMCS bại trận đó, tình hình tại khu vực Bạch Hạc tương đối yên tĩnh. Các khu khác vẫn còn những vụ chạm súng lẻ tẻ. VNQDĐ sau chiến thắng đó, tất cả đã lấy lại tinh thần chiến đấu tăng lên. Tuy nhiên, áp lực về quân sự và kinh tế càng ngày càng đè nặng lên Thị xã Việt Trì. Kho lương thực, đạn dược, thuốc men cạn dần…
Tôi còn nhớ khi đó đạn dược xử dụng có khoảng một nửa bị lép không nổ vì đa số được lấy từ dưới sông, hồ. Các khó khăn khác là vũ khí gồm đủ loại nên rất khó thực hiện. Số vũ khí đào lên được là do giáo quan Nhật chỉ điểm, nhưng đạn dược lại quá ít, nên dù có súng mà không có đạn cũng chẳng làm gì được. Do tình trạng khó khăn nan giải đó, ban lãnh đạo Tỉnh Đảng Bộ với sự hiện diện của ông Vũ Hồng Khanh, đã quyết định rút khỏi Việt Trì để lên Phú Thọ, mặc dù chiến sự chưa đến nỗi nào.
Lệnh rút lui được tiến hành vào khoảng gần nửa đêm, một đêm không trăng sao. Tại Trường từ chập tối, đã được lệnh chuẩn bị thu xếp lên đường với một túi quân trang thật nhẹ, vì có thể sẽ phải chiến đấu ở dọc đường. Thôi thì, quần áo, đồ dùng, đàn sáo bỏ lại, đều phá hủy hết. Tại văn phòng của nhà Trường, tất cả hồ sơ, tài liệu đều đốt sạch…. Trong đêm tiếng súng ở ngoài xa vẫn vọng về như mọi đêm. Các cánh quân ở xa, phần lớn ở bên kia sông, bên Bạch Hạc đang dần dần rút về, chỉ để lại một ít quân để làm nghi binh, bắn cầm chừng. Đúng 10 giờ đêm, lệnh xuất phát được ban hành. Kiểm điểm lại có anh Hợi thuộc QGTNĐ bị sót lại, vì anh được nhà Trường ủy nhiệm phụ trách Tổ súng Đại liên (liên thanh hạng nặng) cỡ 13 ly 2 có gánh hai bánh xe do Pháp chế tạo. Tổ súng này tăng cường sang mặt trận Bạch Hạc từ khi trận chiến bắt đầu sôi động. Về sau, tôi không gập lại Anh nữa, không hiểu sống chết bây giờ ra sao.
Đoàn quân lên đường trong âm thầm, lúc đầu có vẻ hơi lộn xộn vì có nhiều gia đình cán bộ tháp tùng theo. Lực lượng VNQDĐ mở đường và đoạn hậu. Khóa sinh chúng tôi đi đoạn giữa làm lực lượng trừ bị. Đoàn quân rút theo Quốc lộ mà không bị phục kích vì có toán tiền thám đi trước mở đường. Ban đêm, trời mát, lại còn sức, chúng tôi di chuyển khá nhanh. Đến sáng ngày hôm sau thì còn khoảng một phần ba đường nữa sẽ tới ngã ba rẽ vào Phú Thọ, có một xe hơi hiệu Citroen chạy tới (màu đen) từ hướng Phú Thọ. Khi gập toán tiền quân thì bị chặn lại.
Ra khỏi xe, có ông Nguyễn Tường Long (VNQDĐ) cùng với hai cán bộ quân sự VMCS mặc quần áo kaki vàng, đầu đội mũ ca lô có gắn sao vàng nền đỏ tròn, thuộc Ủy Ban Hòa Giải. Các nhân vật này đã tiếp xúc với ông Vũ (cùng rút đi với chúng tôi). Không hiểu thảo luận ra sao, chỉ biết hai cán bộ VMCS phải đi bộ cùng với đoàn quân tiến vào Phú Thọ.
Khi tiến gần tới Thị xã, được báo tin là Phú Thọ đã rơi vào tay bộ đội VMCS. Tuy nhiên, chúng tôi vẩn cứ tiến tới. Khi tới ngã ba, một toán quân tính rẽ vào Thị xã vì hai cán bộ VMCS này đoan chắc sẽ thu xếp để trả lại Thị Xã cho VNQDĐ. Nhưng di chuyển được một quãng thì VMCS phục kích ở gần đó nổ súng và hai bên bắn nhau một lúc. Nhận thấy VMCS đã giở trò tráo trở, nên ông Vũ Hồng Khanh ra lệnh bỏ Phú Thọ tiếp tục tiến lên Yên Bái. Sau cuộc chạm súng, anh Hương thuộc QGTNĐ bị thương ở chân phải nằm lại tại chỗ vì đoàn quân còn phải đi băng rừng nhiều ngày, có thể bị phục kích dọc đường. Hai cán bộ VMCS được áp tải đi theo.
Kể từ lúc đó, sau một ngày và một đêm di chuyển mệt nhọc, chúng tôi bắt đầu rời Quốc lộ rẽ vào con đường rừng, đi tắt lên Yên Bái, vì không thể ngang nhiên đi trên lộ lớn. Đối phương đã biết rõ lộ trình, tất nhiên có kế hoạch chặn đánh. Do đó, chặng đường từ Phú Thọ lên Yên Bái thật là gian nan. Lương thực mang theo cạn dần, cái đói đã bắt đầu theo đuổi, sức khỏe do đó cũng kém đi vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Tuy ban ngày đi, đêm ngủ, có khi nghỉ ngay bên đường, có khi ở trong làng bản của dân địa phương. Quá mệt mỏi, cũng không được ngủ yên, vì phải canh gác xem chừng VMCS tấn công bất thần.