Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (13)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (13)

B. Quốc Gia Thanh niên Đoàn (13)

Bản Tạm Ước 6/03/1946 được ký kết đánh dấu một bước ngoặt cho VNQDĐ, vì sau khi quân đội Trung Hoa rút khỏi VN, Mặt trận QDĐ không còn chỗ dựa nữa, dù rằng trong thời gian ở Bắc Việt, quân đội Trung Hoa của Tướng Lư Hán, Tiêu Văn không máy tích cực giúp đỡ QDĐ. Tuy nhiên sự hiện diện của Tướng Lư Hán cũng ngăn cản không cho VMCS đánh phá phe Quốc Gia. Quả vậy, sau khi quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt vào trung tuần tháng ba (có sự đụng độ giữa lực lượng đổ bộ của Tướng Pháp Leclerc và quân Trung Hoa đóng ở Hải Phòng vì Tướng chỉ huy của Trung Hoa ở đó không nhận được lệnh của thượng cấp họ). Nhưng một hai ngày sau thì mọi việc được giải quyết và quân Pháp ung dung đổ quân lên Hải Phòng. Quân Trung Hoa rút về nước, thì hơn một tháng sau VMCS đã có kế hoạch tiêu diệt phe Quốc Gia. Do đó các lãnh đạo phe Quốc Gia như cụ Nguyễn hải Thần, Nguyễn tường Tam, Nguyễn tường Bách, Xuân Tùng cùng một số cán bộ cao cấp khác bỏ lên Đệ Tam Chiến Khu hoặc lánh sang Tàu (Trung Hoa).

Ông Vũ hồng Khanh sau đó cũng từ bỏ Chính Phủ Liên Hiệp lên Việt Trì. Chỉ tiếc là một số lãnh đạo Đảng và đảng viên Mặt trận QDĐ còn ở lại Hà Nội, cũng như ở các Tỉnh lỵ khác đều bị VMCS tàn sát, trong đó có ông Trương tử Anh, lãnh tụ Đại Việt QDĐ, ông Lê Khang VNQDĐ. Đặc biệt là vụ Ôn Như Hầu ở Hà Nội, VMCS đã đạo diễn để bôi xấu QDĐ. Chúng đã vu khống là bắt người, cướp của rồi mang về trụ sở điều tra đánh đập và thủ tiêu, chôn sống ngay tại trong vườn khu nhà ở.

Chúng trưng bày vũ khí, lựu đạn, giáo mác và xác người ngay tại đó rồi cho quần chúng lại coi. Việc này dân chúng đâu có hiểu âm mưu thâm độc của VMCS, mà chỉ thấy trước mắt, nên từ đó cảm tình đã phai nhạt một phần đối với QDĐ. Thanh danh và uy tín cũng bị tổn hại rất nhiều. Cũng tại trụ sở Ôn Như Hầu, anh Phan kích Nam, ủy viên lãnh đạo Đoàn có mặt tại đó trong đêm, đã bị cùng chung số phận với số đảng viên QDĐ đã bị VMCS bắt đem đi thủ tiêu. 

Sau vụ chạm súng tại Hải Phòng giữa quân đội Trung Hoa và Pháp, được hai bên giải quyết ổn thỏa. Quân đội của Tướng Leclerc đổ quân lên Hải Phòng, và tiến lên Hà Nội. Để tỏ sự thiện chí của Chính phủ, sự hoan nghênh của dân chúng, VMCS đã cho treo cờ từ các cơ quan của Chính phủ cho đến nhà dân. Chúng huy động học sinh, thiếu niên cầm cờ đứng dọc hai bên đường phố. Sự thật thì dân chúng đâu có hoan nghênh, ủng hộ gì về việc Chính phủ cho quân Pháp lên Bắc Việt. Ách thống trị của Thực dân Pháp quàng trên đầu, trên cổ người dân VN trên 80 năm đô hộ, làm sao họ có thể quên ngay được, nhất là trong khi đó Pháp đang đánh chiếm Nam Bộ. Nhưng sự khôn khéo, lừa bịp của VMCS đã thể hiện bằng cách trước đó ít ngày loan báo là ngày lễ để ra lệnh cho dân chúng treo cờ. Thế là một thời gian ngắn Hà Nội vắng bóng quân Pháp, thì kể từ ngày 6/3/1946, chúng lại ngang nhiên xuất hiện với lá cờ tam tài tung bay trên khắp phố phường Thủ Đô Hà Nội. Pháp kiều trước đó cũng được trả tự do, họ kiêu căng, tự đắc đón chào quân Pháp tiến vào thành phố. Tính hình từ đó trở nên căng thẳng giữa Pháp kiều và dân Thủ Đô, có vài vụ xô xát đã xẩy ra.

Sau khi quân Pháp đặt chân lên Hà Nội ít ngày, thì Hồ đề nghị Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) đứng đầu một phai đoàn để sang Trung Hoa gặp Tưởng Giới Thạch, vận động ngoại giao, tạo ảnh hưởng Quốc tế cho Chính phủ VMCS. Lúc đầu ông Vĩnh Thụy từ chối không muốn đi, nhưng Hồ năn nỉ nhiều lần, ông đành chấp nhận. Ông Vĩnh Thụy mới đầu nghĩ rằng không muốn dính dáng vào công việc của VMCS. Nhưng sau có lời khuyên của các cấp lãnh đạo QDĐ phân tách lợi hại, với lý do nếu cứ từ chối mãi, sẽ có chuyện không hay xẩy tới cho ông Vĩnh Thụy, vì ông Hồ xuống nước năn nỉ như vậy là có ẩn ý gì rồi. 

Theo tôi hiểu, Hồ và đảng CS lo ngại ông Vĩnh Thụy sẽ quay lại với Pháp, trong khi quân đội Pháp đang có mặt. Chi bằng để đề phòng trước bằng cách đưa ông ta ra nước ngoài. Chuyện này Hồ đã nghĩ đúng với giả thuyết trên, vì chỉ vài năm sau ông Vĩnh Thụy đã hợp tác với Pháp và trở về làm Quốc Trưởng. Thành phần phái đoàn do ông Vĩnh Thụy làm trưởng toán, còn có ông Nghiêm Kế Tổ (VNQDĐ), Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Chính phủ Liên Hiệp làm Phó, cùng một vài cán bộ VMCS tháp tùng. Ngoài ra còn có một sĩ quan cao cấp của Trung Hoa Quốc Dân Đảng là ông Trần Liên đích thân hướng dẫn phái đoàn sang Trùng Khánh.

Để xúc tiến việc thi hành Hiệp Định 6/3/1946, một vài Hội nghị được trù liệu tại Đà Lạt vào cuối tháng 4/1946. Phái đoàn VN do ông Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao làm Trưởng Đoàn, còn có các ông Võ nguyên Giáp (CS), Hoàng xuân Hãn, Vũ văn Hiền, Nguyễn mạnh Tường, Nguyễn văn Huyền, Trịnh văn Bính (không đảng phái), Cù huy Cận (CS), Dương bạch Mai (CS). Phái đoàn Pháp có ông Max Andre (trưởng phai Đoàn), ông Leon Pignon và Đại Tướng Salan. Kết quả là Hội nghị này đã thất bại, vì quan điểm hai bên hoàn toàn khác biệt . Phía VN dặt vấn đề Nam Bộ và yêu cầu Pháp giải quyết, trong khi đó Pháp lại coi vấn đề đó như là xong rồi, lý do là tại Sàigon đã có Nam Kỳ tự trị. Từ đó, Pháp quân tìm cách lấn dần ở Nam Bộ, và đánh chiếm Cao nguyên Trung phần.

Tại Hà Nội quân Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ và tỏ ra bất chấp luật pháp của VN. Đổi lại Chính quyền VMCS tung tin Pháp dự định đánh chiếm Bắc Việt và ra lệnh di tản bớt dân chúng ra khỏi thành phố, tổ chức biểu tình đòi sáp nhập Nam Bộ. Báo chí, đài phát thanh đả kích kịch liệt âm mưu của Thực dân Pháp. Tuy nhiên Hồ và đảng CS vẫn cố thực hiện một hội nghị khác và lần này họp tại Pháp, vì ông ta nghĩ rằng tại đó, ông và đảng CSVN sẽ được sự ủng hộ của đảng CS Pháp, để chính phủ Pháp phải nhượng bộ ít nhiều. Cuối tháng 5/1946, Phái đoàn VN do Phạm văn Đồng làm Trưởng phái đoàn, vì ông Nguyễn Tường Tam đã lánh mặt bỏ sang Trung Hoa.

Hồ cùng đi với phái đoàn, nhưng với tư cách riêng. Sau đó cuộc họp đã đươc tiến hành ở Thành phố Fontainebleau, cách xa Thủ Đô Paris khoảng chừng 60 cây số. Nhưng rồi cuộc họp cũng chẳng đi tới đâu, và phái đoàn lên tàu trở về nước với hai bàn tay trắng. Riêng Hồ Chí Minh nán lại để nhờ vả đảng CS Pháp mong có cái gì mang về nước để khỏi mất mặt. Có một đêm, ông ta đã phải tới nhà riêng của ông Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại (bộ thuộc địa cũ) để yêu cầu ông này ký bản Thỏa Hiệp Án (Modus Vivendi) gồm những điều khoản rất bất lợi cho VN. 

Trong khi đó tại VN, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. VNQDĐ xách động quần chúng phản đối kịch liệt về bản Thỏa ước 15/9/1946 bán nước của Hồ Chí Minh ký kết với Pháp.

Trước tình hình có vẻ bất lợi cho VMCS, nên chúng đã tìm đủ mọi cách để triệt hạ QDĐ và những người Quốc Gia mà chúng cho là nguồn gốc thúc đẩy quần chúng đứng lên chống đối. Do đó, Võ nguyên Giáp, tư lệnh lực lượng võ trang VMCS đã ra lệnh đột nhập Tòa Báo Việt Nam, cơ quan thông tin, tuyên truyền của VNQDĐ, phá hủy và ngụy tạo vụ Ôn Như Hầu (giết người, cướp của) tại trụ sở VNQDĐ do Ban Đại diện Đệ Thất Chiến khu (Quảng Nam, Quảng Ngãi) hoạt động bên cạnh Trung Ương Đảng. Để tuyên truyền xuyên tạc, VMCS đã tìm mọi lý do để khủng bố, bắt bớ và bí mật thủ tiêu..Trước sự tráo trở, phản bội qua chính sách hòa hợp, hòa giải của VMCS, các cán bộ lãnh đạo Đảng cùng cán bộ ở khắp nơi phải lên Đệ Tam Chiến Khu, hoặc cải danh rút vào bí mật. Đến thượng tuần tháng 7/1946, Võ nguyên Giáp ra lệnh cho các lực lượng địa phương tổng tấn công vào Đệ Tam Chiến Khu gồm các Tỉnh Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Kay. Phải chăn Đảng CS và Võ nguyên Giáp cảm thấy cái thế bất ổn sau khi bản Thỏa ước được ký kết, và quân Pháp ở những nơi đóng quân đã có nhiều hành động khiêu khích. Do đó, VMCS muốn thanh toán các chướng ngại trong sự lãnh đạo quần chúng lúc bấy giờ.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt