Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (12)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1Quốc Gia Thanh Niên Đoàn – (12)

C. Quốc Gia Thanh niên Đoàn (12)

Trở lại thời gian chúng tôi sống tại ngôi nhà Nguyễn Hữu Tiệp ở Bạch Hạc, ngoài chương trình hoạt động hàng ngày như sáng sớm tập thể dục, sau đó ôn luyện quân sự cho đến trưa. Buổi chiều sinh hoạt Đoàn và trước khi đi ngủ, thực hiện tĩnh tâm 15 phút. Ngoài ra, chúng tôi còn dành ra một vài tối trình diễn văn nghệ giúp vui đồng bào địa phương và cũng luôn dịp làm công tác cổ động tuyên truyền cho Đoàn. Hàng tuần, chúng tôi được ông Vương Các Đạo, một cán bộ huấn luyện của trường Xứ Nhu đưa đi trường tập bắn tác xạ. Ông ta, khổ người to lớn, ăn nói bộc trực, rất có cảm tình với chúng tôi. Trước kia, ông là Hạ sĩ quan trong quân đội Pháp, về sau được tin, trong cuộc rút lui từ Yào San về Sập Nhị Lầu, ông ta bị thương nặng và chết ở dọc đường. 

Chúng tôi còn tham dự những buổi tranh tài thể thao do Chính quyền địa phương tổ chức. Anh Việt, Cơ trưởng, anh Tiến và một số anh em trong đó có tôi, đã giật giải, mang lại thắng lợi cho Đoàn. Có một ngày, sau khi sinh hoạt, chúng tôi đã quyết định tất cả đoàn viên đều cắt tóc, cạo trọc đầu để chứng tỏ sự quyết tâm, đoàn kết tranh đấu không màng tới những chuyện tình cảm lăng nhăng của tuổi trẻ nữa. Tôi còn nhớ khi ra ngoài phố cắt tóc, các ông thợ đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên và không tin là chúng tôi nói thật. Sau đó anh Việt phải tự lấy kéo cắt tóc cho một hai người, họ mới tin. Kết quả là chúng tôi biến thành những vị tu sĩ trẻ… Nhìn nhau, anh nào cũng bật cười vì trông chẳng giống ai, đầy vẻ ngây ngô, trông giống lính Tàu của tướng Lư Hán. Nhưng nếu trang bị giầy ủng, đeo kiếm, lại có cái tướng oai hùng của quân sĩ Nhật Bản. Trông bề ngoài là như vậy, nhưng dù sao cũng gây được ấn tượng tốt, là chúng tôi đã bảo được nhau và dám dấn thân.

Một buổi sáng, sau khi tập thể dục, tất cả đều xuống sông tắm rửa, bơi lội, chẳng may anh Nghi trong đội tôi bị chết đuối. Cả Đoàn ai cũng thương tiếc một tuổi trẻ chưa tròn nghĩa vụ đã nửa đường ra đi. Anh Nghi đã lập gia đình ở Hà Nội, anh Đẩu là anh ruột  (là một hướng đạo sinh) cùng gia nhập  Đoàn với anh Nghi. Sau đó anh Đẩu đưa quan tài anh Nghi về Hà Nội. Anh Đẩu, sau về sống tại Đà lạt. Khi tôi gập lại Anh Đẩu năm 1988, anh đang bị liệt chân nằm trên giường không đi đứng được đã mấy tháng trời. Cái chết của anh Nghi gây ra một bầu không khí đau buồn trong Đoàn. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua cũng quên dần đi, vì chúng tôi trước khi lên đường đều nghĩ rằng sẽ có nhiều gian nan, trắc trở, có thể phải hy sinh cả tính mạng là chuyện thường, nhưng chết như anh Nghi là không đúng lúc, đúng chỗ thế thôi. Anh Hòa, một họa sĩ, đã vẽ lại chân dung anh Nghi để Đội tôi hàng ngày hương khói tưởng nhớ tới đoàn viên đã mất khi tâm nguyện chưa thành. Những ngày kế tiếp vẫn tiếp diễn cho tới một hôm có một cán bộ của Tỉnh Đảng Bộ VNQDĐ tới gặp anh Việt và cho anh biết là trong đêm có thể VMCS sẽ đột nhập tấn công, nên phải cho canh gác thật cẩn thận và chuẩn bị chiến đấu. Được tin như vậy, ban chỉ huy Đoàn đã phân công mỗi Đội có nhiệm vụ ứng phó khi có biến động. Rồi vào nửa đêm, trong lúc chúng tôi đang ngủ, có nhiều tiếng động đánh thức chúng tôi dậy. Nhưng đây chỉ là tiếng động phát ra từ ở trong nhà chứ không phải ở ngoài trời, nên chúng tôi nằm im không phản ứng. Lúc đó tôi nghe như ai đó đang đóng thùng, đào tường, khoét vách… Thế rồi tới tờ mờ sáng hôm sau mọi tiếng động im bặt. Chúng tôi thức dậy và phát giác ra đêm qua có người tới đục phá bức tường dưới gầm cầu thang gác. 

Theo dấu vết đào bới, chúng tôi biết ngay là họ tìm vàng bạc châu báu của Nguyễn Hữu Tiệp đã cất dấu từ trước. Nghi ngờ là còn có thể cất dấu gì khác nữa, chúng tôi chia nhau lục soát. Cuối cùng tìm ra một cửa hầm. Bàn bạc, sau đó các anh Thưởng, Quân xuống hầm, một số ở trên canh gác. Một hồi lâu, hai anh trở lên cho hay là ở dưới đó toàn chứa đồ sành, đồ sứ cổ, và cầm lên một vài chai rượu quí cất giữ lâu ngày. Cũng vào trưa ngày hôm đó, cụ Vũ Hồng Khanh đến thăm và tặng chúng tôi một số tiền (mỗi người 100 đồng bạc Đông Dương, tự in lấy, gọi là tiền bo, gặp nước là mực chảy ra hoen ố) để tiêu sài. 

Ít ngày, sau vụ kho vàng nhà Nguyễn hữu Tiệp, thì Đoàn di chuyển lên Phú Thọ. Tại đây chúng tôi tạm trú tại khu nhà sản xuất trà. Cũng như ở Vĩnh Yên và Việt Trì, Đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền cho QGTNĐ. Cũng vẫn những đêm lửa trại, ca hát và diễn kịch. Tại Phú Thọ, chúng tôi trình diễn một cuộc hành quân chiến đấu trong thành phố. Dĩ nhiên về phần chiến thuật và kỹ thuật tác chiến chưa đạt tiêu chuẩn huấn luyện của một đơn vị chính quy, nhưng ở vào thời điểm đó thì cũng coi được, vì quá mới lạ với người dân. Kết quả là vẫn đạt được sự hoan nghênh, mến mộ của dân chúng trong Thị xã. Giáo sư Nguyễn văn Mùi, chủ nhiệm Tỉnh Đảng Bộ VNQDĐ và anh Thọ Hinh tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu. Theo chương trình dư trù, Đoàn sẽ lên Yên Bái trước khi quay trở lại Việt Trì để nhập học, nhưng đã bị hủy bỏ vào giờ chót để về Việt Trì kịp nhập học. 

Trường Quan Quân Học Hiệu, cũng được gọi là trường Xứ Nhu, tọa lạc trong khu nhà tầm cũ (nhà nuôi tầm lấy kén) nằm ở bên bờ sông Hồng, phía Bắc của Thị Xã. Tuy là nhà tầm cũ, nhưng nhà trường đã xây dựng và tổ chức lại cho thích hợp với một trường huấn luyện. Trường được điều khiển bởi một ban Giám Đốc gồm có các ông: ông Nguyễn văn Minh cựu Trung Úy, Phan Trọng Vinh cựu Thiếu Úy, Trần văn Xuân cựu Thiếu Úy, tất cả đã ở trong quân đội Pháp. Ban huấn luyện gồm các vị nói trên kiêm nhiệm cùng với ông Vương các Đạo, hạ sĩ quan thuộc quân đội Pháp và một số sĩ quan cấp Úy, cấp hạ sĩ quan thuộc quân đội Nhật như các ông Niên, Thành, Tô v..v.. đảm trách. Khi đó khóa học vào khoảng 200 người, gồm có đoàn viên QGTNĐ và các đảng viên của Mặt trận QDĐ. Để dễ dàng trong việc huấn luyện, khóa học được chia ra từng Trung đội. Đoàn thể chúng tôi vẫn được duy trì thành hai Trung Đội, anh Việt và anh Hòa mỗi người coi một Trung Đội. Lá cờ của QGTNĐ vẫn được treo cùng lá cờ của QDĐ và Đoàn ca hát sau bài Đảng ca “Việt Nam Minh Châu trời Đông”. 

Giữa khóa học không hiểu vì lý do gì, Ban Giám Đốc nhà Trường quyết định ngừng treo cờ Đoàn. Chúng tôi phản ứng và đòi rời Trường về Hà Nội. Sau đó anh Phan Kích Nam ở Hà Nội phải lên can thiệp và mọi sự lại được tiếp tục như cũ. Công tác huấn luyện tại đây tương đối có tổ chức và có phương tiện huấn luyện không đến nỗi thiếu thốn lắm. Riêng về tác xạ thì rất hạn chế, vì đạn dược hiếm, còn dành cho các đơn vị chiến đấu. Ngoài thời khóa biểu ban ngày, Trường còn tổ chức huấn luyện ban đêm, do các giáo viên Nhật đảm trách. Vườn Hồng ở gần trường là địa điểm học tập về chiến thuật. Kỷ luật huấn luyện tương đối cao, nhất là theo phương pháp huấn luyện của Nhật, mà chúng tôi đều chấp nhận, nên việc học tập thu được kết quả khả quan. Ngoài vấn đề huấn luyện quân sự, trường còn dành cho một số giờ giảng dạy về chính trị, đôi khi có ông Dương Tế Dân thuộc ban Lãnh đạo Yên Bái của VNQDĐ đến thuyết trình. Cách trình bày và lập luận vững vàng của ông Dân đã được chúng tôi dành cho ông ta nhiều cảm tình sâu đậm. Ông Dân bị VMCS bắt và thủ tiêu trong khi VMCS tấn công Yên Bái, chúng lừa bịp và phản bội. Về chế độ ăn uống và sinh hoạt được nhà trường săn sóc chu đáo, mặc dù lúc đó kinh tế tài chính của Tỉnh Đảng Bộ VNQDĐ rất eo hẹp.

Đặc biệt là sự quan tâm săn sóc của các giáo viên Nhật, đã coi chúng tôi như những quân nhân Nhật của họ, luôn luôn vào khoảng nửa đêm họ đi kiểm tra từng phòng, khóa sinh nào ngủ mà không đắp mền che bụng, các ông lấy đắp lên cẩn thận. với các cử chỉ cũng như thái độ thân tình đã làm cho chúng tôi xúc động, mãi mãi không quên.

Cuộc sống tại Trường tiếp diễn đều đều không có gì quan trọng xẩy ra. Một vài anh trong Đoàn chúng tôi bị ốm nặng được phép rời trường về Hà Nội, như  các anh: Đôn, Lý, Dục, Hiến (trong số này có anh còn ở lại VN, có anh đã ra nước ngoài). Trong suốt thời gian Đoàn ở Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ, tình hình ở Hà Nội có nhiều biến chuyển. Các cuộc biểu tình chống VMCS thương lượng với Pháp, đồng thời kêu gọi cựu Hoàng Bảo Đại trở lại nắm Chính quyền. Mọi người có cảm tưởng, một cuộc đảo chính sắp xẩy ra. Nhưng với sự khôn lanh, mưu mô, giảo hoạt…, Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo CS đã tìm cách thuyết phục được Lư Hán và Tiêu Văn, để tạo áp lực QDĐ phải cùng với VMCS ký bản Tạm Ước 6/3/1946 cho Pháp đặt chân lên miền Bắc. Pháp cũng muốn bản Tạm Ước phải có VNQDĐ cùng ký, có nghĩa là cả hai phe Quốc Cộng đều thỏa thuận. Ông Vũ Hồng Khanh đã được Chính phủ Liên Hiệp ủy nhiệm cùng ông Hồ ký kết với Pháp, vì ông Khanh là Phó Chủ Tịch Quân Ủy Hội do ông Võ Nguyên Giáp cầm đầu. Đáng lẽ ra phải là Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Tường Tam ký, nhưng ông Tam lánh mặt không tham dự. Sau khi đã ký kết, QDĐ liền lên tiếng phủ nhận vai trò của ông Vũ Hồng Khanh và cho đó là chỉ có tính cách cá nhân mà thôi. Các báo chí và đài phát thanh của Mặt trận QDĐ lai tiếp tục lên án bản Tạm Ước ngày 6/3/1946, VMCS đã cho phép quân đội Pháp đóng ở năm Tỉnh gồm có: Hà Nội, Hải phòng, Lạng Sơn, Sơn Tây, Lào Kay, những điểm chiến lược ở miền Bắc, và VN nằm trong Liên Hiệp Pháp và Liên Bang Đông Dương. Quân đội Pháp sẽ thay thế quân đội Trung Hoa để giải giới quân đội Nhật. Việc ký kết của ông Vũ đã làm cho toàn thể đảng viên QDĐ bất mãn và nổi lên làn sóng chống đối Trung Ương. Sau đó có một vài cán bộ lãnh đạo đảng đã phải đi khắp nơi để giải thích trấn an, tình hình mới lắng dịu.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt