Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (11)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” –  Tập I (1945-1950)/Chương 1Quốc Gia Thanh Niên Đoàn  (11)

C. Quốc Gia Thanh niên Đoàn (11)

Anh Phan Kích Nam ở lại Hà Nội hoạt động, chúng tôi chuyển lên chiến khu để tiếp tục theo học các trường quân sự. Sau đó anh Nam bị VMCS bắt và thủ tiêu sau vụ án Ôn Như Hầu do CS đạo diễn để bêu xấu VNQDĐ. Còn anh Phan với tính tình nhã nhặn, chững chạc, có tác phong là một chính trị gia có hạng. Chúng tôi không biết Anh sống, chết ra sao, sau khi VMCS đàn áp Mặt trận QDĐ khắp mọi nơi vào thời gian quân đội Trung Hoa rút về nước, quân Pháp lên đóng ở Hà Nội. Có lẽ Anh cũng bị chung số phận như anh Nam và các đảng viên VNQDĐ cao cấp khác.

Sinh hoạt mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, chúng tôi áp dụng đạo tĩnh tâm với lối ngồi xếp bàn (bán kiết già) hai tay để lên đầu gối, lưng thẳng, mắt nhắm lại, cùng nhau đọc chậm rãi những điều tâm niệm do Đội trưởng, hoặc Cơ trưởng hướng dẫn những điều như sau:

Đoàn kết một lòng… Hy sinh vì Đại nghĩa… Đề cao danh dự…    

Tôn chỉ của Đoàn… Không lùi bước gian khổ….

Quyết tâm bảo vệ đất nước chống xâm lăng… dành Độc Lập..

Noi gương các vị anh hùng Dân Tộc v..v… 

Trong khi chúng tôi đang tập huấn, tính hình chiến tranh  tại miền Nam vẫn tiếp diễn, quân Pháp đã chiếm đóng Sàigon-Chợ Lớn, làm chủ tình thế, chúng áp dụng chiến thuật “vết dầu loang”. Hết Tỉnh lỵ này đến Thị trấn khác lần lượt rơi vào tay chúng. Tuy nhiên, không như chúng đã tưởng là ít ngày là có thể làm chủ được tình hình, chiếm trọn miền Nam, vì chúng nghĩ rằng dân chúng tại các nơi sẽ ủng hộ chúng. Trong thời Pháp thuộc, Nam kỳ nằm dưới quy chế thuộc địa, được Thực dân Pháp đối xử tương đối khá hơn, trong khi miền Bắc và Trung đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp qua trung gian nhà Vua (chế độ phong kiến). Trên thực tế, nhà Vua chỉ là bù nhìn, chẳng làm gì. Nhưng rồi ngày càng tiến xa, chiến trường thêm mở rộng, Pháp càng thấy sức kháng cự anh dũng của quân dân miền Nam, vì thế sự thiệt hại về người và của của chúng càng tăng thêm. Pháp một mặt dùng biện pháp quân sự, một mặt dùng âm mưu chính trị để tiến quân ra miền Bắc, chiếm đóng các nơi, loại bỏ chính quyền VMCS, thiết lập chính quyền bù nhìn, làm tay sai như chúng đã thực hiện ở miền Nam, do Nguyễn văn Thinh (tức Paul Thinh, dân Tây) làm Thủ Tướng (4/1946-11/1946).

Ước mong của Thực dân Pháp (sống sót sau khi bị Đức quốc xã đánh bại) là tái chiếm những thuộc địa cũ đã mất sau Đệ nhị Thế chiến. Nhưng rút cuộc, chỉ là ác mộng đem lại cho chúng những năm tháng dài đầy chết chóc và cuối cùng đã phải xuống tàu về nước không kèn, không trống, đánh dấu một trang sử đen tối cho dân tộc Pháp. Âm mưu chính trị của Thực dân Pháp lúc bấy giờ là: một mặt thương lượng với Chính phủ Tưởng giới Thạch (Trung Hoa) để yêu cầu quân đội Lư Hán đóng ở bắc vĩ tuyến 16 rút quân về nước sớm, để quân đội Pháp đến thay thế. Một mặt chúng âm thầm điều đình với Hồ chí Minh qua tên trùm thực dân Sainteny, những điều sau:

– Với Trung Hoa, Pháp trao trả các nhượng địa trong tô giới Pháp và đặc biệt là đất Quảng Châu Loan và dành những biệt đãi cho Hoa kiều sinh sống tại VN.

– Với VMCS, chúng đòi đưa quân đội đến đóng ở những địa điểm trọng yếu ở Bắc Việt và chúng công nhận nền Độc lập của VN, nhưng nằm trong Liên hiệp Pháp.

Những cuộc thương nghị trong bóng tối này với riêng Hồ Chí Minh và vài tên lãnh tụ cao cấp CS thực hiện mà thôi, các thành viên khác của Chính phủ Liên hiệp không một ai được tham khảo, mãi tới cuối tháng 12/1946 Hồ Chí Minh mới đạt được thành quả. Tuy nhiên sự kiện trên, rồi cũng bị tiết lộ ra ngoài, và tạo thành một mối nghi ngờ gây hoang mang trong dân chúng về đường lối lãnh đạo của VMCS.

Các cuộc biểu tình phản đối VMCS xẩy ra liên tục ở Hà Nội do Mặt trận QDĐ đứng đằng sau phát động. Tình hình trở nên nóng bỏng đầy phức tạp, không một ai có thể đoán trước được sẽ xẩy ra như thế nào. Vì cục diện chính trị biến chuyển mau lẹ, nên khóa huấn luyện của chúng tôi được Đoàn quyết định cho bế mạc sớm hơn dự định. Ngày trở về trụ sở Trung Uơng VNQDĐ ở đường Phó đức Chính (Ngũ xã)  được đi bộ diễn hành từ Cống Vị trên đoạn đường dài trên 6, 7 cây số. Tuy không trang bị quân phục, vũ khí, nhưng Đoàn đã tạo cho chúng tôi mỗi người một quần sọt (ngắn) xanh lam, áo sơ mi cụt tay màu xanh nhạt của màu cờ, đầu đội mũ lưỡi trai màu xanh (trông gần giống mũ lưỡi trai của binh lính Nhật), chân đi giày vải. Với đội hình hàng tư, một anh đi trước cầm cờ Đoàn. Chúng tôi đều bước dưới sự chỉ huy của Cơ Trưởng.

Những bản hành khúc sống động, Đoàn ca hào hùng, được chúng tôi hát vang theo nhịp bước hiên ngang. Dân chúng ở hai bên đường đổ xô ra xem, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Vào tới Thành phố người xem lại càng đông hơn. Cảnh sát VMCS thay vì giải tán, họ đã giữ trật tự cho tới khi chúng tôi tiến vào khu Ngũ xã. Sở dĩ VMCS không dùng bạo lực vì chúng tôi đi đứng nghiêm túc không có vũ khí, không bạo động. Chúng ta nên nhớ là khi đó dù sao cũng còn có Chính Phủ Liên Hiệp và cụ Huỳnh thúc Kháng giữ Bộ Nội Vụ. Tại trụ sở Đoàn, một tiệc trà đã chuẩn bị sẵn với sự hiện diện của Ban Lãnh Đạo Đoàn và quan khách. Sau lời chào hỏi thân mật, anh Phan Kích Nam nói chuyện với chúng tôi, trước hết về tình hình đất nước và sau đó công bố chương trình kế hoạch của Đoàn trong những ngày sắp tới.

Chúng tôi sẽ phải tiếp tục một khóa học quân sự cao hơn, vì khóa học vừa qua chưa đủ tiêu chuẩn cho một cán bộ quân sự. Theo anh Phan, Đoàn đã liên hệ với VNQDĐ giúp đỡ, thu xếp cho chúng tôi lên Việt Trì theo học tại trường Quan  Quân Học Hiệu “Xứ Nhu “. Sau khóa học 6 tháng, tốt nghiệp chúng tôi sẽ trở về Hà Nội, tiếp tục công tác cho Đoàn, huấn luyện các đoàn viên mới gia nhập. Để sửa soạn hành trang lên đường, Đoàn cho chúng tôi nghỉ vài ngày trở về nhà thu xếp công việc, rồi trở lại trụ sở để chuẩn bị lên đường.

Trong thời gian chúng tôi không có mặt ở Đoàn, có một sự kiện xẩy ra làm ảnh hưởng tới quyết định của một số đoàn viên trước ngày lên đường. Đó là cuộc biểu tình chống Chính phủ về cuộc mật đàm với Pháp, khởi sự từ trụ sở Đoàn đến Vườn Hoa Hàng Đậu (Hà Nội) bị Công An VMCS đàn áp. Hai bên xô xát có đổ máu. Sau đó có một số người bị Công an bắt, trong đó có đoàn viên Nguyễn Văn Khương bị bắt đi biệt tích. Anh là đoàn viên đầu tiên hy sinh trong chiến đấu chống VMCS. Do đó, ngày tập trung trở lại sau mấy ngày nghỉ, có một số đoàn viên đã bỏ cuộc không tới. Có lẽ các anh đó cho rằng Đoàn đã nhúng tay trong tổ chức biểu tình đó, như vậy là không đúng như chủ chương, đường lối của Đoàn đã vạch ra.

Riêng về phần tôi khi đó, tôi cho rằng cuộc biểu tình chống VMCS âm mưu đi với Pháp để cho chúng đưa quân lên Bắc Việt là đúng, và có thể phần lớn dân chúng cũng đồng tình, vì khi đó quân Pháp đang đánh chiếm miền Nam. Để cho quân Pháp vào Bắc Việt là mặc nhiên cho Pháp thực hiện mộng xâm lăng, thống trị VN dài lâu hơn nữa.  Do đó, tôi vẫn có mặt ở trụ sở Đoàn, hơn nữa càng ngày càng thấy rõ chính sách độc tài, sắc máu của VMCS tự coi đảng CS là trên hết, ai chống đối bị gán ghép là phản quốc, tay sai Đế quốc, rồi tìm cách thủ tiêu, sát hại. Chúng chủ chương độc quyền yêu nước, vì lẽ đó tôi đâm ra ghét cay, ghét đắng chúng. Tôi còn nhớ là trước ngày gia nhập QGTNĐ, anh Cả tôi có đề nghị tôi theo học trường Võ bị Sơn Tây của VMCS nhưng tôi không tán thành. Cũng như khi Đoàn đang chiến đấu bên cạnh QDĐ trong thời gian VMCS tổng tấn công Đệ Tam Chiến Khu của VNQDĐ, có bạn đã rủ tôi bỏ trốn về Hà Nội, nhưng tôi cũng đã từ chối, dù rằng gia đình tôi có người tham gia trong chính phủ VMCS lúc bấy giờ,

Khi Đoàn tập trung tương đối đầy đủ, khoảng sáu, bẩy chục người. Đoàn đã tổ chức một tiệc trà khá linh đình, có đầy đủ các anh trong Ban Lãnh Đạo Đoàn và quan khách. Buổi họp thật thân mật, đậm tình chiến hữu. Có văn nghệ, ca hát, đàn sáo, ngâm thơ. Anh Linh, Quân,Thưởng thổi sáo, anh Lý chơi đàn vĩ cầm (violon) cùng một số anh em hợp ca dưới sự điều khiển của quản ca, anh Liên.

Đặc biệt anh Hòa ngâm bài “Tráng Sĩ Kinh Kha Sang Tần” và độc đáo là chuỗi cười sô lô (cười một mình) của anh Xuý, một cán bộ trong Ban Lãnh Đạo. Anh Hoàng sĩ Xuý không cùng chúng tôi lên chiến khu mà ở lại Hà Nội. Anh là người đạo đức, giàu lòng hy sinh giúp đỡ mọi người. Gặp Anh, lúc nào cũng thấy anh tươi cười cởi mở, coi các đoàn viên như anh em trong nhà. Thời kháng chiến chống Pháp, anh Xúy có chạy ra hậu phương một thời gian, sau trở về thành, vì lẽ anh không thể sống chung với VMCS được.

Năm 1950, từ Hương Cảng trở về nước, tôi đã tạm trú một thời gian tại nhà Anh, vì gia đình tôi đều ở hậu phương hết. Lúc đó anh Xuý có một tiệm may ở phố Bờ Hồ Gươm, đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát cạnh rạp chiếu bóng Philarmonic Hà Nội. Ở đó, chúng tôi những đoàn viên QGTNĐ còn sống sót qua những ngày tháng chiến đấu, thỉnh thoảng tụ họp tại nhà Anh và coi nhau như anh em một nhà. Đến năm 1954, khi Hiệp định Genève được ký kết giữa VMCS và Pháp chia đôi đất nước, chúng tôi tất cả đều di chuyển vào Nam, trừ có anh Xuý không chịu đi, mặc dù chúng tôi cố thuyết phục anh.

Anh quan niệm là chống Pháp thì không thể cứ theo chân Pháp mãi được. Anh cho rằng VMCS sẽ thay đổi chính sách đối với các người Quốc gia sau khi đã chiến thắng Pháp! Ngoài ra Anh cũng nặng gánh gia đình, tài sản, ruộng vườn, nhà cửa không thể bỏ đi được. Có người cho rằng Anh không còn hoạt động gì nữa, VMCS sẽ không làm gì anh cả. Nhưng Anh đã lầm lớn, sai lầm chết người ! Sau này khi ra thăm lại quê nhà, tôi có lại thăm gia đình anh, mới hiểu rõ tự sự… Quả thật lúc đầu khi VMCS vào tiếp thu Hà Nội, chúng đã không đả động gì đến anh, có lẽ chúng không rõ lai lịch của anh. Hơn nữa Anh chỉ là một chủ tiệm may bình thường. Nhưng đến năm 1960, vào một đêm, chúng đột nhập vào nhà và bắt anh đi tù “cải tạo” đến năm 1970 mới thả ra. Vốn đã yếu lại nhiều tuổi, Anh mang bệnh rồi qua đời vào năm 1978, trong lúc một vài anh em chúng tôi đang ở trong các trại cải tạo của CS miền Bắc. Xa cách Anh, nhưng chúng tôi ai cũng tưởng nhớ tới người Anh đáng kính trong QGTNĐ.

Chúng tôi lên đường vào sáng ngày hôm sau, trên hai chiếc  xe ca lớn. Xe qua cầu Long Biên (Pont Doumer) rồi trạm kiểm soát Gia Lâm. May mắn là chỉ kiểm soát qua loa, không đòi hỏi giấy tờ gì cả. Trường hợp nếu bị giữ lại vì không có giấy tờ di chuyển, không hiểu sự việc sẽ ra sao. Qua khỏi Gia Lâm tới Phúc Yên, mọi sự đều bình yên. Đoàn tới Vĩnh Yên vào lúc gần trưa. Theo chương trình , khóa học còn hơn một tháng nữa mới khai giảng. Do đó Đoàn quyết định làm một cuộc lưu diễn tuyên truyền khắp nơi trong khu vực Đệ Tam Chiến Khu của VNQDĐ. Vì vậy chúng tôi ở lại Vĩnh Yên hai ngày.

Đoàn đã phát thanh trên radio để quảng bá về tổ chức và nhiệm vụ của QGTNĐ, ngoài ra còn đốt lửa trại ngoài trời, diễn kịch và ca hát giúp vui cho đồng bào trong tỉnh lị. Chủ chốt là vở kịch diễn về vai trò tên Thủ Tướng bù nhìn Nguyễn văn Thinh của Thực dân Pháp ở miền Nam VN. Kết quả trong hai ngày hoạt động, Đoàn đã gây được sự chú ý và được hoan nghênh nhiệt liệt của đồng bào địa phương, tạo thêm thanh thế rất nhiều cho Tỉnh Đảng Bộ VNQDĐ đang nắm chính quyền tại địa phương này. Ban Lãnh đạo Tỉnh đề nghị chúng tôi ở lại thêm ít ngày, nhưng vì thời gian eo hẹp nên Đoàn phải lên đường đi Việt Trì.

Tại Thị xã Việt Trì, chúng tôi được ông Bảo Ngọc, Chủ nhiệm Tỉnh Đảng Bộ và Ban Lãnh đạo VNQDĐ đón tiếp nồng hậu, vì đã đươc thông báo về hoạt động sôi nổi của Đoàn ở Vĩnh Yên. Cơ sở chính quyền tại đây đặt tại địa điểm kế cận song Lô, nơi tòa Tỉnh trong thời Pháp thuộc. 

Đoàn chúng tôi được xếp đặt ở bên Bạch Hạc, trong ngôi nhà lớn của ông Nguyễn hữu Tiệp, một thương gia rất giàu có thời bấy giờ và cũng là Chủ Tịch Tuần Lễ Vàng do VMCS tổ chức trước đó mấy tháng. Tòa nhà xây cất rất đẹp, nằm bên hữu ngạn sông Lô, phía trước có sân cỏ rất rộng, chung quanh trồng cây dương liễu. Nhà rộng rãi, nên chúng tôi ăn ở rất thoải mái. Chúng tôi ở đó gần một tháng mới ra đi. Tại đây chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Éo le thay, cũng nơi này, 32 năm sau vào tháng 4/1978, tôi và các anh em sĩ quan của Quân lực VNCH bị tập trung đưa đi cải tạo ở Yên Bái. Trại cải tạo nằm trên Tỉnh lộ đi Nghĩa Lộ, Sơn La, rồi đưa về trại Nam Hà thuộc Tỉnh Hà Nam Ninh nằm ở phía nam Hà Nội.                

Cũng 32 năm sau, khi hai chiếc máy bay quân sự C130 của Mỹ để lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt, chở chúng tôi từ Nam ra Bắc, đáp xuống phi trường Bái Thượng (sau đó mới nhận ra là ở Yên Bái). Tại đây, một Tướng Việt Cộng đã đứng sẵn đợi chúng tôi và cho biết là chúng tôi đã đặt chân lên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, và phải ở đó cải tạo ít nhất là ba năm. Nghe vậy thì biết thế thôi, chứ chúng tôi chẳng hy vọng gì ngày về. Chỉ có tình hình thay đổi mới mong đảo ngược tình thế được thôi. Sau đó, chúng tôi lên xe trở về trại giam. Khi xuống xe để qua phà sông Hồng, tôi mới giật mình khi nhìn thấy tấm biển có mấy chữ “Bến Ô Lâu”, thì ra quả đất tròn thật !

Tôi được trở về nơi xưa, nơi đã từng diễn ra những trận đánh giữa VNQDĐ và VMCS vào đầu năm 1946. Yên Bái cũng là nơi có trường quân sự cao cấp mang tên Trần Quốc Tuấn của QDĐ, thường hay gọi là trường Lục Quân Yên Bái. Nhưng buồn thay, hiện tại chúng tôi là kẻ bại trận, trong lòng mang nặng sầu tư.

Khi rời trại giam Yên Bái, đoàn xe đưa chúng tôi về Hà Nam Ninh chạy trên Quốc lộ 1 có băng qua Hà Nội. Suốt dọc đường, các địa danh quen thuộc của Đệ Tam Chiến Khu của VNQDĐ một thời, đã nhắc nhở tôi biết bao kỷ niệm hào hùng lẫn nỗi đau buồn trong cuộc đời chiến đấu cho lý tưởng Quốc Gia chưa thành. Mọi cảnh vật như hoàn toàn thay đổi vì hai cuộc chiến tranh.

Các Tỉnh lỵ gần như bị san thành bình địa do chính sách tiêu thổ kháng chiến của VMCS trong thời khán chiến chống Pháp, mọi cảnh vật không còn nhận ra được nữa. Đoàn xe băng qua cầu Việt Trì trên sông Lô (năm 1946 qua sông bằng phà) được tạm ngừng trên bờ sông Lô (Tỉnh lỵ Việt Trì nằm ở bên phía sông Lô, gần ngã ba với sông Hồng) ăn trưa. Tại đây, tôi đã trông thấy Bạch Hạc, nơi có tòa nhà của ông Nguyễn Hữu Tiệp, ẩn hiện sau hàng cây dương liễu. Cảnh tượng tại đây không mấy thay đổi, nhưng có vẻ trống trải hơn.

Kỷ niệm của những ngày vui xưa cùng nhau tập luyện, thể thao, bơi lội, và đặc biệt hơn, là nhà cô Lý ở bên cạnh, chúng tôi thường sang chơi vào những buổi chiều êm ả, nghe cô hát và thưởng thức tiếng đàn dương cầm của cô. Không hiểu cô còn sống hay đã ra người thiên cổ. Chiến tranh có chừa một ai đâu. Gần chiều, đoàn xe chúng tôi băng qua Hà Nội, theo đường bờ sông (có nhà bên ngoại tôi ở) qua cột  Đồng Hồ, nhà Bác Cổ,Viện Pasteur, đường Hai Bà Trưng, rồi đến ngã tư Cống Vọng Bạch Mai dọc theo Quốc lộ 1 đi tới Phủ Lý, qua sông Đáy, rồi theo Tỉnh lộ Chi Nê Hòa Bình.

Khi xe qua Hà Nội, nhìn thấy phố phường, nhà cửa, con người, trông thật là tàn tệ, xơ xác, nghèo nàn và bẩn thĩu. Ôi ! còn đâu Hà Nội năm xưa. Nghĩ lại thấy bị thua CS quả là đau đớn, và cũng thấy mình có tội với đồng bào là không giữ được miền Nam, giải phóng miền Bắc CS. Khi đi tập trung cải tạo ở miền Bắc, gặp các cụ già, họ than với chúng tôi là ở ngoài này (miền Bắc) trông chờ các ông ra giải phóng thì nay hết rồi còn mong đợi gì nữa !

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt