Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (1)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hoàng Tích Thông, Lữ Đoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến, Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH. Cuốn hồi ký trung thực, chân thành kể lại cuộc đời của một thanh niên yêu nước gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng đánh Pháp giành độc lập từ năm 11/1945, trực tiếp chiến đấu chống cộng bảo vệ tự do 25 năm tại Nam Việt Nam, ở tù “cải tạo” 13 năm, đến Hoa Kỳ định cư tiếp tục đấu tranh tự do dân chủ. Hồi ký Tập I (1945-1950)/Chương 1: Việt Nam từ ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (1)
Giới thiệu đồng chí VNQDĐ Hoàng Tích Thông tác giả hồi ký Cuộc Đời Tôi
Đồng chí Hoàng Tích Thông sinh năm 1926 tại làng Đông Ngạc ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình trí thức, là con út trong gia đình mà các anh của đồng chí là bác sĩ, giáo sư, viện trưởng viện Pasteur…đồng chí đã ý thức lòng yêu nước từ cụ thân sinh nên không thích cộng sản, xếp bút nghiên gia nhập cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1945. Ban đầu, Đ/c tham gia trong tổ chức Quốc Gia Thanh Niên Đoàn – một tổ chức do VNQDĐ thành lập để thu hút thanh niên ý thức chống Pháp giành độc lập và chống cộng sản.
Những năm chiến đấu trong Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ (1946-1948), đ/c đã trực tiếp chiến đấu đánh Pháp và đánh Việt Minh Cộng Sản trên từng chiến hào, từng góc phố, từng ngọn đồi… Sau đó thất trận phải lưu vong sang Trung Hoa sống và hoạt động. Năm 1949, Trung Hoa bị mất vào tay cộng sản Mao Trạch Đông, Đ/c trở về Việt Nam và gia nhập quân đội Quốc Gia Việt Nam. Tốt nghiệp khóa 4 trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức VNCH, trở thành một sĩ quan xuất sắc trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu ngoài chiến trường từ cấp thiếu uý Trung Đội Trưởng đến đại tá Lữ Đoàn Trưởng. Đ/c đã tham gia hầu hết các chiến trường lớn của quân lực VNCH từ hành quân Campuchia 6/1970 đến hành quân Lam Sơn Hạ Lào 1/1971, giải toả thành phố Huế trong trận chiền Mậu Thân và chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị.
Chức vụ cuối cùng của Đ/c là Đại Tá, Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH. Sau năm 1975, đ/c bị bỏ tù “cải tạo” 13 năm. Đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 theo chương trình HO, Đ/c Hoàng Tích Thông lại bắt tay vào hoạt động Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong sinh hoạt, đồng chí Hoàng Tích Thông có những đóng góp thực tế, để lại nhiều kinh nghiệm lớn lao,luôn luôn hòa nhã, thẳng thắn và thảo luận dân chủ… Đặc biệt, với số tuổi 88, đ/c Hoàng Tích Thông vẫn sáng suốt và ưu tư đến tiền đồ dân tộc. Hiện đ/c Hoàng Tích Thông bí danh Hoàng Quý Minh giữ nhiệm vụ Chủ Tịch Hội Đồng Pháp Quy VNQDĐ, một nhiệm vụ, theo Đảng Quy VNQDĐ như là chủ tịch cơ quan lập pháp của Đảng.
Theo lời chị Hoàng Tích Thông kể lại, cuốn hồi ký này đ/c Hoàng Tích Thông đã viết từ thời còn trong quân ngũ trước năm 1975 dưới dạng nhật ký, nên những sự kiện đưa ra khá trung thực như chuyện kể hằng ngày.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn hồi ký của một đảng viên VNQDĐ, một sĩ quan cao cấp Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và tâm tư của một người trai yêu nước trải qua bao thăng trầm của vận nước ngã nghiêng từ năm 1945 đến nay.
Lê Thành Nhân
Tổng Bí Thư Việt Nam Quốc Dân Đảng
************
Lời tựa
Hồi Ký “CUỘC ĐỜI TÔI” của Hoàng Tích Thông đoàn viên QUỐC GIA THANH NIÊN ĐOÀN đã ghi lại những nét đậm,dấu ấn Thời gian, khi luồng gió CÁCH MẠNG QUỐC GIA bộc phát trong thập niên 40, dân tộc Việt Nam vừa thoát ách nô lệ của Thực dân Pháp đồng thời cũng chấm dứt cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Hai (8/05/1945).
Hồi Ký “Cuộc Đời Tôi” ghi chép trung thực những diễn biến Cách mạng, những chứng tích lịch sử quan trọng của toàn thể Đoàn viên Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, chứng tỏ:
Ý Chí Dũng Cảm và Tâm Hồn Cách Mạng Kiên Cường.
Bền Vững và Tin Tưởng Sâu Sắc vào Chính Nghĩa Quốc Gia
Hồi Ký “Cuộc Đời Tôi” nói lên một thời trai trẻ có lý tưởng để phụng sự với bầu nhiệt huyết đấu tranh vì Dân tộc, với sự mong ước trong sáng, kỳ vọng đất nước được Độc Lập, dân chúng được Tự Do, nước giàu, dân mạnh, thoát cảnh nghèo đói tối tăm. Con đường cách mạng của Hoàng tích Thông cũng là con đường lý tưởng của chung cho tất cả đoàn viên Quốc Gia Thanh Niên Đoàn.
Chúng tôi, đoàn viên Lê Văn Nhân, Trương Khánh Tạo và Nguyễn Đức Linh, nhận thấy có bổn phận đóng góp vào việc sao chép tập Hồi Ký này để làm tài liệu giúp cho thế hệ sau có phương tiện nghiên cứu học hỏi.
Chúng tôi hy vọng đoàn viên QGTNĐ ở rải rác khắp nơi trên thế giới tiếp tay bổ xung những gì còn thiếu sót để có thể hoàn chỉnh được trong dịp sao chép kế tiếp.
Cùng hòa nhịp bước,đồng tiến hùng ca,
Quyết chí chiến đấu, quyết dâng đời ta…
Cho giang sơn,Tổ quốc quý mến…..
Siết tay chặt
1995
Nguyễn đức Linh
—————————————————————————————————
Hồi ký CUỘC ĐỜI TÔI (sửa chửa 2/2014)
Tập I (1945-1950)
Cựu đại tá VNCH – Hoàng Tích thông
CHƯƠNG MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)
A. Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (1)
Năm 1945, có thể nói là năm có nhiều biến chuyển trọng đại nhất trên Thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam. Cuộc Thế chiến thứ Hai đã gần như bước vào giai đoạn chót. Tại Mặt trận Âu Châu, Quân đội Đức Quốc Xã của nhà độc tài Hitler, sau những năm bách chiến, bách thắng đã phải lui về thế phòng ngự và thiệt hại nặng nề sau các trận đánh phản công của Liên Xôvà các trận không tập dữ dội của Không lực Đồng Minh vào chính nước Đức. Quân đội Phát Xít Ý của Mussolini, một Đồng Minh trong trục Bá Linh Đông Kinh La Mã đã ngả theo Đồng Minh sau khi nhà độc tài đã bị lật đổ và bị treo cổ, mặc dù đã có một lần trước đó được cứu thoát bởi Hitler khi bị cầm tù. Vào tháng 6/1944 Quân lực Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandie của nước Pháp, trong khi Hồng quân Liên Xô đang tiến dần tới biên giới nước Đức ở phía Đông. Nước Đức đã ở trong tình thế lưỡng đầu thọ địch, dù Quân đội Đức Quốc Xã là một Quân đội hùng mạnh nhất Thế giới, thì sớm muộn gì cũng phải chiến bại. Kết cuộc là vào tháng 6/1945, Quân đội Đồng Minh và Liên Xô đã tiến vào Thủ Đô Bá Linh, chấm dứt cuộc chiến tàn khốc, sau 5 năm tàn phá và chết chóc hàng bao nhiêu triệu người tại Lục địa Âu Châu cũng như một phần phía Bắc Phi Châu.
Tại miền nam Á Châu và Thái bình Dương cũng vậy, Quân đội Nhật cũng như Quân đội Đức Quốc Xã của những năm đầu Thế chiến, đã chiến thắng vang dội trên khắp mặt trận từ phía Bắc Trung Hoa tới Đông Nam Á, đã đẩy lùi lực lượng Đồng Minh Anh-Mỹ tới tận biên giới Ấn Độ và đổ bộ chiếm đảo Guam trên Thái Bình Dương. Đặc biệt là trận đánh khởi đầu của trận chiến giữa Nhật và Mỹ vào căn cứ Hải quân lớn nhất của Mỹ tại Thái bình Dương là trận Trân Châu Cảng thuộc Hawaii (Hạ Uy Di) gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Hải quân Mỹ.
Các chiến thắng liên tiếp của Quân đội Phù Tang (Nhật-Japan) trên bộ cũng như trên biển, cả Thế giới phải kinh ngạc và nể phục. Đặc biệt là dân Việt Nam, và riêng cá nhân tôi rất cảm phục tinh thần chiến đấu của quân đội Nhật, một nước nhỏ bé ở Á Châu mà dám đương đầu với những nước giàu mạnh nhất Thế giới là Mỹ và Anh. Trước Thế chiến thứ II, các nước thuộc Á Châu hầu như là thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ, nên dưới sự nhìn chung của Thế giới, thì nhân dân Á Châu là thấp hèn, lạc hậu, và cũng vì vậy mà bị đối xử một cách tàn tệ, dã man suốt thời kỳ bị Thực dân đô hộ. Bởi vậy trước sự vùng lên của nước Nhật, nguyên do cũng vì bị bao vây, áp bức kinh tế của Đế quốc Tư Bản. Cuộc khởi chiến do Nhật tạo nên, cũng chỉ vì sự tồn vong của nước họ mà thôi.
Cuộc chiến tranh đã gây ra nhiều đổ vỡ, chết chóc và đau thương cho toàn thể Á Châu và đó cũng là trách nhiệm của nước Nhật cho đến ngày nay vẫn còn để lại những dấu ấn không tốt đẹp cho nước Nhật. Nhưng dù sao cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai sau khi chấm dứt đã làm thay đổi bộ mặt của Thế giới. Các nước bị Đế quốc Thực dân thống trị trước đó, từ nam Mỹ Châu đến Phi Châu, Trung Đông qua Á Châu đã thức tỉnh và vùng lên giành lại nền Độc Lập, Tự Chủ cho xứ sở của đất nước mình, trong đó có nước Việt Nam, dưới sự thống trị của Thực dân Pháp trên 80 năm, dù rằng trong suốt thời gian đó, nhiều cuộc nổi dậy đã vùng lên, nhưng vì nhân dân chưa thức tỉnh, thế lực Thực dân còn mạnh nên đều thất bại. Từ khi thấy Quân đội Nhật chiến thắng mau lẹ trong những năm đầu của cuộc chiến, đặc biệt đánh bại Quân đội Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 chỉ trong vòng 24 giờ trên toàn khắp Đông Dương, thì tinh thần đòi Độc Lập của nhân dân VN, nhất là giới thanh niên vùng lên rất mạnh mẽ.
Trở lại cuộc chiến tranh tại Á Châu, Thái bình Dương, sau bốn năm chiến thắng liên tiếp, Nhật hầu như làm chủ từ Trung Hoa, Đông Dương tới Phi luật Tân, Nam Dương và Miến Điện. Từ năm 1944 trở đi thì Quân đội Đồng Minh, chủ lực là Quân đội Mỹ khởi sự phản công và dần dần chiếm lại các vị trí tiền phương như đảo Guam, quần đảo Marshall và đổ bộ lên Phi luật Tân. Các trận hải chiến ác liệt đã diễn ra để dành lấy quyền làm chủ trên mặt biển đã làm cho lực lượng Hải quân Nhật thiệt hại nặng nề và không còn kiểm soát được những tuyến đường hải vận quan trọng nữa. Từ đó dẫn đến sự cô lập của Quân đội Nhật trên khắp chiến trường. Không lực Đồng Minh từ các sân bay tại các hải đảo vừa mới chiếm lại được, cũng như trên các Hàng không mẫu hạm, đã phóng những cuộc không tập vào các vị trí đóng quân của quân đội Nhật ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam. Khi đó, ở thành phố Hà Nội, dân chúng đã tản cư ra các vùng phụ cận, đa số là những trẻ em, học sinh và những thành phần không bị ràng buộc vào công cuộc làm ăn sinh sống hàng ngày. Phố Sinh Từ, Hàng Than, nhà Đấu Sảo Hà Nội đã bị trúng bom, gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản. Để tránh thiệt hại, hầu hết các vườn hoa, công viên chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, đều được đào hào trú ẩn. Hai ba ngày, trên bầu trời Hà Nội lại diễn ra các cuộc không chiến giữa máy bay Nhật và Anh, Mỹ. Tiếng nổ của súng cao xạ Nhật đặt rải rác tại vùng ngoại ô cũng như ở khu vực bờ sông Hồng gần cầu Long Biên (Pont Doumer) hòa với tiếng bom nổ rung chuyển cả thành phố. Khi đó tôi đang ngụ tại nhà người Anh cả ở phố Hàng Vôi (nay đổi tên là Lý thái Tổ) ngay sát trường Tiểu học. Ngôi trường này Quân đội Nhật đã trưng dụng để đóng quân, thành thử từ căn nhà lầu tôi ở, mọi sinh hoạt hàng ngày của binh lính Nhật tôi đều biết rõ. Từ cách ăn uống, đi ngủ,tập họp, điểm danh sáng, tối, thay đổi gác ở cửa trường học đã làm tôi cảm phục về tác phong, kỷ luật rất cao. Nhất là các sĩ quan, chân đi ủng da, bên lưng đeo kiếm dài, bước đi rắn rỏi, khi ngồi trên mình ngựa trông thật hiên ngang, chẳng thế mà đối phương khi chưa lâm trận, chỉ nghe tiếng hô đã khiếp vía rồi. Một Quân đội chỉ có tiến chứ không có lùi. Cũng chỉ vì sự quan sát tận mắt và nghe tin trên đài phát thanh, đọc báo chí, mà đời sống quân đội đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống sau này của tôi.
Theo lệnh của Chính quyền bảo hộ Pháp (khi đó vẫn còn tồn tại, mặc dù lúc đó Quân đội Nhật đang đóng quân trên bán đảo Đông Dương), sau khi Pháp phải ký thỏa hiệp cho Nhật đưa quân vào Đông Dương năm 1940, tại chính quốc, Pháp quân đã bị bại trận trước Quân đội Đức Quốc Xã, tất cả các trường Trung, Tiểu học, công cũng như tư, bắt buộc phải rời ra vùng ngoại ô Hà Nội. Trường của tôi theo học lúc đó là trường tư tên gọi là Louis Pasteur tọa lạc tại phố Hàng Chuối (Raffenel) gần tòa nhà Bác Cổ Hà Nội, nơi mà tôi và các bạn bè, sau các giờ nghỉ học thường ra chơi đùa, vì ở đó có sân cỏ rộng, có cây đa rợp bóng mát, vào những buổi trưa hè nóng bức, hoặc ra bãi cỏ rộng chạy dài theo chân đê sông Hồng gần đó đá banh. Tạm xa rời những chỗ vui chơi đó, trường tôi di chuyển về gần Đình làng Láng, thuộc phía tây bắc Hà Nội vào khoảng hai, ba chục cây số. Những tưởng ra đi một thời gian rồi sẽ trở lại, nhưng không ngờ là đã không bao giờ trở lại nữa. Cây đa Bác Cổ, cây cột Đồng Hồ, giải đất ven đê tôi không còn để chân trở lại nữa, và chỉ sau bốn mươi năm, khi cuộc chiến tranh Việt Pháp của những năm từ 1946 đến 1954, và của Cộng Sản Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt vào năm 1975, tôi mới lại có dịp về thăm quê hương, thành phố Hà Nội và ngôi làng thân yêu chỉ cách thành phố về phía Bắc có 12 cây số, mà bây giờ đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội.