“Hoàng đế” Tập Cận Bình qua mặt Mao và Đặng về quyền lực, xem lân bang là chư hầu

Tập cận Vương

Tập Cập Bình củng cố ngôi hoàng đế

Về thời sự châu Á , nhân khoá họp của Quốc Hội Trung Cộng, nhật báo Công giáo La Croix cho biết cơ quan lập pháp Trung Cộng đã là bù nhìn mà còn đang bị Tập Cận Bình “siết chặt” thêm.

Trong hai tuần, các đại biểu sẽ thông qua kế hoạch kinh tế năm năm mà xí nghiệp quốc doanh, do đảng Cộng sản chỉ đạo, sẽ tiếp tục áp đảo kinh tế quốc gia. Để thu tóm hết quyền lực, Tập Cận Bình sẽ được “Quốc Hội” trao cho danh hiệu “hạch tâm” theo tiếng Tàu, là “trái tim của đảng” tức là ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Không rõ khi trái tim ngừng đập thì đảng sẽ ra sao? Le Figaro, trích dẫn một nhà báo Trung Cộng cho biết Tập Cận Bình hành xử như một “hoàng đế”. Chỉ vì chỉ trích chế độ mà tài khoản trên mạng Internet của nhà tỷ phú Nhậm Chí Cường, biệt danh “đại bác” bị xóa. Tập Cận Bình muốn là trời muốn, không ai dám bảo vệ đại gia Nhậm Chí Cường. Đánh Nhậm “đại bác” là đánh một bộ phận công luận chán ngán hoàng đế họ Tập. 

Về đối ngoại, Trung Cộng của Tập Cận Bình, theo Le Monde, đang trở lại thời trung cổ, tự cho mình là “thiên triều”, xem các nước chung quanh là chư hầu và chận các quốc gia ở xa, bị xem là mọi rợ, không được đến gần.

Trong bài “Truy bắt không biên giới các nhà ly khai”, bên cạnh bức ảnh một người Hồng Kông tự trói bằng dây đỏ trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng bắt cóc chủ nhân và nhân viên một nhà xuất bản Hồng Kông, nhật báo độc lập tường thuật những vụ bắt cóc ở Thái Lan. Hai nạn nhân mới là nhà biếm họa Khương Dã Phi (Jiang Ye Fei) và nhà báo Lý Tân ( Li Xin) của Đông Phương Đô Thị Báo, cùng một nhóm ly khai bị mật vụ Trung Cộng, với sự đồng lõa của Thái Lan, bắt đem về Trung Cộng giam giữ ở một nơi bí mật. Trước đó, em gái của ông bị công an Thành Đô “nhắn tin” là kêu ông anh của bà “bớt giọng” “chúng tôi sắp sang Thái Lan bắt ông ta”.

Tội của Khương Dã Phi là tổ chức lễ “rước đuốc thế vận nhân quyền” vào năm 2008 khi Trung Cộng rầm rộ tổ chức rước đuốc Thế Vận Hội mùa hè.

Còn Lý Tân phải bỏ toà soạn từ Quảng Đông trốn sang Thái Lan vì ông quá chán ngán cảnh phải hợp tác với mật vụ tố cáo đồng nghiệp và các nhà họat động nhân quyền. Chính ông đã tiết lộ với báo chí nước ngoài “chỉ thị của cơ quan kiểm duyệt”.

Trường hợp 5 công dân Hồng Kông “mất tích” cũng nằm trong chính sách trấn áp theo kiểu xã hội đen. Human Rights Watch tố cáo Trung Cộng “chà đạp chủ quyền của lân bang”.

Trung Cộng cư xử như thời Tống, Minh

Trong bài xã luận “khi đế quốc Trung Hoa khinh thường thế giới”, nhật báo Le Monde cho rằng Trung Cộng của Tập Cận Bình đang lùi lại thời Tống, Minh khi đế chế Trung Hoa tự cho mình là cái rốn của thế giới.

Vào cái thời mà biên cương chưa được phân định rõ ràng, Trung Cộng áp đặt luật lệ thống trị lân bang như chư hầu và chận các nước ở xa không cho đến gần. Ngày nay, mặc dù Trung Cộng đã trở thành một quốc gia có biên giới rõ ràng nhưng trong chính sách của tập đoàn Trung Cộng vẫn còn dấu tích của thời phong kiến. Trung Cộng mạnh và có chỗ đứng trong cộng đồng thế giới là một sự kiện tốt nhưng Bắc Kinh lại tiếp nối truyền thống đáng lo ngại, với tham vọng bá quyền của Trung Hoa phong kiến. Tham vọng của Trung Cộng gây lo ngại cho những lân bang như Việt Nam, Philippines.

Ngoài biển, Trung Cộng lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, nơi có con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Trung Cộng đem các dàn tên lửa ra Hoàng Sa nơi mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Cộng không được “quân sự hóa” Biển Đông và dọa rằng Mỹ sẽ không để yên cho Trung Cộng muốn làm gì thì làm.

Trên bộ, Bắc Kinh cũng bất chấp biên giới quốc gia. Các tổ chức nhân quyền không ngớt tố cáo Trung Cộng bắt cóc các nhà ly khai hoặc công dân Trung Cộng tị nạn trốn sang Thái Lan, Lào hay Cam bốt. Vụ mới nhất là nhà báo Lý Tân, cựu tổng biên tập Đông Phương Đô Thị Báo, một nhật báo ở Quảng Đông có tiếng tương đối tự do. Ông mất tích từ ngày 11/01/2016 khi đi xe lửa từ Thái Lan sang biên giới Lào. Hồng Kông, được quy chế đặc biệt bảo vệ các quyền tự do đến năm 2047. Nhưng sự kiện năm nhân viên và chủ nhân một nhà xuất bản sách tiết lộ chuyện “thâm cung bí sử” của giới lãnh đạo cộng sản Trung Cộng, đột nhiên mất tích rồi xuất hiện tại Hoa lục, đang gây bất bình trong công luận tại cựu nhượng địa Anh. Hai người cho dù mang hộ chiếu Anh và Thụy Điển cũng bị bắt nốt.

Le Monde nhận định: Thái độ của Bắc Kinh xem thường thế giới rất đáng tiếc và đáng công phẫn. Trung Cộng không thể không ý thức chuyện này: nước Trung Hoa sẽ càng mạnh và càng được tôn trọng nếu cư xử như một tác nhân có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế mà Trung Cộng là thành viên.

Tập Cận Bình qua mặt Mao và Đặng về quyền lực

Kỳ họp toàn thể thường niên lần thứ 4 khoá 12 Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc là cơ hội để “chủ tịch Tập Cận Bình nhắm tới quyền lực tuyệt tối”, theo nhận định của nhật báo Le Figaro trong số ra ngày 05/02/2016.

Trước đó vài tuần, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Cộng đã miệt mài hoạt động để kêu gọi các lãnh đạo đảng thể hiện “lòng trung thành tuyệt đối” với tổng bí thư và để người dân quen dần với cụm từ  “chủ tịch Tập là  hạt nhân lãnh đạo”.  Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Trương Minh (Zhang Ming), thuộc đại học Bắc Kinh, “chiến dịch này nhằm củng cố quyền lực của ông Tập để quảng bá vai trò tuyệt đối của nhà lãnh đạo trong nội bộ đảng”.

Thế nhưng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, được Le Figaro trích dẫn, chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách vượt trội hơn mức độ quyền lực mà hai người tiền nhiệm “huyền thoại” Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình từng nắm giữ. Trước hết, ông Tập tìm cách xóa sổ mọi hình thức phản đối của mạng lưới những người bất đồng chính kiến, luật sư, nhà báo hay blogger vì đưa ra “những lời chỉ trích vô căn cứ”. Theo các nhà quan sát, nếu chủ tịch Trung Cộng “kiểm soát” được những người này, thì sẽ gây ra một bầu không khí sợ hãi trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng.

Tiếp theo, thời điểm tiến hành lễ “đăng quang” cũng được nghiên cứu tỉ mỉ, đúng 12 tháng trước đợt cải tổ chính trị trước kỳ đại hội Đảng lần thứ 19. Trong kỳ họp quan trọng này, một phần bộ Chính trị, bộ máy lãnh đạo tối cao của đảng, sẽ được bầu mới. Dĩ nhiên, tổng bí thư Tập Cận Bình cũng sẽ phải tìm cách giữ vị trí của mình thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Thêm vào đó, 5 trên tổng số 7 ủy viên thường trực bộ Chính trị sắp đến tuổi nghỉ hưu. Chủ tịch Trung Cộng muốn tự mình chọn 5 người thay thế. Tương tự, ông cũng muốn tự chỉ định 6 thành viên sẽ bị thay thế trên tổng số 25 ủy viên bộ Chính trị, cơ quan quan trọng thứ hai.

Ba năm đầu tiên dưới “triều đại” Tập Cận Bình, người đứng đầu Trung Cộng, cũng bị coi là lưỡi hái tử thần của “các Hoàng tử đỏ”, tìm cách củng cố quyền lực của mình trong nội bộ đảng. Ông khéo léo tiến hành thăng chức, cách chức thông qua các chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ đảng và lực lượng quân đội. 

Con đường tiến tới đỉnh cao danh vọng của ông Tập Cận Bình trái ngược với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cả hai tiền nhiệm cùng đi lên theo con đường truyền thống: Ông Hồ Cẩm Đào dựa vào đoàn Thanh niên Cộng sản đầy thế lực để lên nắm quyền, còn chủ tịch Giang Trạch Dân đi lên từ “phe Thượng Hải”.

Riêng ông Tập Cận Bình, trong thời gian làm lãnh đạo tỉnh, đã tìm cách đưa những người thân cận nắm giữ nhiều trọng trách lớn, gây bất ổn cho giới tinh hoa cầm quyền, trước khi ông đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Sau đó, “Hoàng đế đỏ” bỏ qua những cơ quan thông thường của chính phủ, như các bộ hay các ủy ban của đảng, mà tự thành lập “các nhóm làm việc” phụ trách cải cách trong mọi lĩnh vực quan trọng của đất nước như kinh tế, quân đội, tư pháp… Tự tay ông Tập bổ nhiệm những người thân cận vào vị trí lãnh đạo các nhóm làm việc này.

Năm 2015, ông cũng phá vỡ nghi thức ngoại giao và “vô phép” với các nhà ngoại giao Trung Cộng khi cử ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chánh văn phòng trung ương, tới Matxcơva tham dự các cuộc họp tại điện Kremlin, trong đó có cuộc họp với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tháng 02/2016, chủ tịch Tập lại cử một người thân cận khác, ông Lưu Hạc (Liu He) làm việc với bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. Đây là công việc thường do phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) đảm nhiệm.

RFI điểm báo

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt