Hoả tiễn Kim Jong Un và phản ứng của Trump

Thử một hoả tiễn liên lục địa có khả năng bay tới nước Mỹ cùa Kim Jong Un trong ngày đại lễ Độc Lập của Hoa Kỳ kèm theo những lới nói vô văn hoá của Kim Jong Un như lời lẽ bọn khủng bố là một thách thức to lớn đối với chính quyền và người dân Mỹ.  Tờ USA đưa một hàng tít lớn “Time for a North Korea ultimatum: Choose peace or obliteration (Đến lúc cho Bắc Hàn một tối hậu thư: Chọn hòa bình hoặc xóa bỏ)”. Cơ quan truyền thông VOA thì cho rằng: “Mỹ ‘nổi nóng’ với Bắc Hàn, liệu có chiến tranh ?” Nhưng một số bình luận gia lại cho rằng: “Thử hoả tiễn liên lục địa chỉ là mục tiêu ngoại giao làm sao Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn, hay nói một cách khác là Bắc Hàn và Mỹ cùng ngồi với nhau đàm phán…”

Đài VOA đăng tin

Mỹ ‘nổi nóng’ với Bắc Hàn, liệu có chiến tranh?

Ảnh tư liệu vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-14 do Thông tấn xã Bắc Hàn cung cấp ngày 05/07/2017

WASHINGTON DC — Vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua, Bắc Hàn tiến hành một vụ thử hoả tiễn đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới một số vùng ở Bắc Mỹ và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Như vậy là mọi nỗ lực của Hòa Kỳ, Trung Cộng và cả Liên Hiệp quốc trong việc ngăn chặn chính quyền Kim Jong Un phát triển vũ khí hạt nhân đã bị phớt lờ. Vụ phóng thử lần này rõ ràng là một lời thách thức của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ và thế giới nói chung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Ba Lan ngày 05/7 tuyên bố đang “xem xét một số giải pháp nghiêm trọng đối với Bắc Hàn”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc hôm 04/7 nhắc tới khả năng sử dụng võ lực cho vấn đề Bắc Hàn như một biện pháp tự vệ và bảo vệ các nước đồng minh. Có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Hàn với Hoa Kỳ cùng các đồng minh hay chăng trong lúc các giải pháp hiện nay đối với điểm nóng bán đảo Bắc Hàn dường như không có tác dụng? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang thực sự quan tâm trong những ngày này.

Theo nhận định chung của giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của hành động “thách thức” từ Bắc Hàn khi thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ bắt nguồn từ chính chế độ tại Bình Nhưỡng và những toan tính từ Trung Cộng, quốc gia lâu nay vẫn được coi là bảo trợ cho chế độ Bình Nhưỡng.

Luật sư kiêm Giáo sư luật Vũ Đức Khanh từ Đại học Ottawa (Canada), một chuyên gia về quan hệ quốc tế và luật quốc tế, cho rằng:

“Thực tế, bây giờ chưa có một bằng chứng cụ thể nào để khẳng định rằng những vụ thử hoả tiễn, đặc biệt là vụ thử hoả tiễn liên lục địa vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua của Bắc Hàn là do Trung Cộng giật dây. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì Bình Nhưỡng biết rằng trước sau gì Hoa Kỳ cũng phải ngồi vào bàn đàm phán 4 bên hoặc 6 bên bao gồm Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Cộng, Nga và Bắc Hàn. Mà khi đã ngồi vào bàn đàm phán rồi thì Bình Nhưỡng sẽ có quyền thỏa thuận một số quyền lợi. Trung Cộng thì sẽ đem Biển Đông ra trao đổi với Hoa Kỳ để đổi lấy việc hạ nhiệt điểm nóng trên bán đảo Bắc Hàn. Thậm chí, Nga cũng sẽ đem vấn đề Syria và Ukraine ra trao đổi với Hoa Kỳ. Vì vậy, việc liên tục phóng thử hoả tiễn của Bắc Hàn trong thời gian gần đây rõ ràng là có những mục đích cụ thể từ chính chế độ Bình Nhưỡng và cả những nước bảo trợ cho chế độ này.”

Khác với những tuyên bố có phần cứng rắn của Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley về một giải pháp quân sự đã được tính tới đối với chế độ Bình Nhưỡng, các chuyên gia dự đoán khó xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ cùng các đồng mình với Bắc Hàn. Nguyên nhân căn bản, theo giới phân tích, là do hiện Hoa Kỳ chưa đạt được sự đồng thuận với các đồng minh trong vấn đề này.

Giáo sư Khanh phân tích:

“Hiện tại, Bình Nhưỡng thừa biết Mỹ không đạt được sự đồng thuận với các đồng minh của mình. Ngay trong chuyến thăm Washington mới đây của Tổng thống Hàn Quốc, ông này cũng đã bày tỏ lo ngại rằng một cuộc chiến tranh gây thiệt hại lớn về con người sẽ xảy ra nếu chọn giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn. Nhật Bản hiện cũng chưa có động thái gì cụ thể. Như vậy, Hoa Kỳ không thể đơn phương hành động được. Tôi cho rằng rất khó để có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Bắc Hàn vào thời điểm này. Mà ngay cả Tổng thống Trump, những tuyên bố của ông cũng yếu dần đi. Cũng giống như đời Tổng thống Obama thôi. Ông Obama đã đặt ra lằn ranh đỏ đối với chế độ ở Syria, nhưng rồi cũng không thể làm gì. Ông Trump cũng từng đặt ra lằn ranh đỏ với Bình Nhưỡng, nhưng giờ đây cũng khó có thể có những hành động quân sự cứng rắn được.”

Các chuyên gia quan sát thời cuộc cho rằng hành động “thách thức” gần đây của Bình Nhưỡng đã cho thấy sự suy yếu trong vai trò của Hoa Kỳ đối với các vấn đề toàn cầu. Vụ thử hoả tiễn đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ cũng là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Với những khó khăn nội bộ ngay tại Washington khi đang có sự chia rẽ trong chính đảng Cộng Hòa với vụ điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó có được những hành động đáp trả hiệu quả, theo phân tích của các chuyên gia.

Giới phân tích nói giải pháp duy nhất, dễ thực hiện nhất đối với ông Trump lúc này là đem Biển Đông ra thỏa thuận với Trung Cộng để hạ nhiệt điểm nóng Bắc Hàn. Và nếu điều này xảy ra, rõ ràng những nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ bị thiệt thòi.

Theo Anh Vũ của đài RFI thì cho rằng “Mục tiêu ngoại giao của hoả tiễn Bắc Hàn”

Tên lửa xuyên lục địa Hwasong -14 được Bắc Hàn bắn đi ngày 04/07/2017. Ảnh do KCNA cung cấp. (Ảnh: Reuters)

Ngày 04/07/2017, lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-14 có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Sự kiện đã làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Bắc Hàn từ giờ không chỉ có trong tay vũ khí răn đe thực sự mà còn tạo được thế cho các cuộc thương lượng với cộng đồng quốc tế, một mục tiêu khác đằng sau những hành động quân sự.

Liên tục bắn thử tên lửa, đến 6 lần trong 2 tháng, nhưng đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ, mồng 4 tháng 7, vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa có tầm bắn 7000 km vươn tới tận Alaska mang lại cho Bình Nhưỡng một thành công khác về mặt chính trị nhiều hơn về sức mạnh răn đe quân sự.

Chuyên gia Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Bắc Hàn tại Đại học Dongguk- Seoul nhận định, chương trình phiêu lưu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lấy lý do bị đẩy vào chân tường bởi mối đe dọa của gần 30 nghìn quân Mỹ đóng ở Nam Hàn và Nhật Bản chỉ là một cái cớ để Bắc Hàn đi tìm một thế mạnh “trong các cuộc mặc cả ngoại giao với phần còn lại của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Nam Hàn”.

Bắc Hàn luôn khẳng định không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân nếu như Washington không từ bỏ “chính sách thù địch” nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận thấy việc chọn thời điểm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào đúng ngày lễ Quốc Khánh Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là một thông điệp gửi tới Washington rằng Bắc Hàn đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ.

Trước đó trong cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington tuần trước, ông Moon Jae In đã tỏ thiện chí đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán và Nam Hàn muốn là chủ trì các cuộc thương lượng với miền Bắc. Nhưng Bắc Hàn cho thấy họ mới là người áp đặt các cuộc đàm phán.

Phần đông các chuyên gia đều có chung nhận định, cuối cùng rồi Washington cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác là đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh đó, Bắc Hàn vẫn luôn chuẩn bị một vị thế cho mình khi ngồi vào đàm phán.

Từ nhiều thập kỷ qua, Bắc Hàn đã ít nhiều thành công trong việc mặc cả với cộng đồng quốc tế qua các hành động khiêu khích kiểu như lần này. Chuyên gia Cho Ham Bum, thuộc Viện nghiên cứu Bắc Hàn khẳng định, vụ bắn thử tên lửa đạn đạo lần này là “một tiết mục mới trong trò đi dây được tính toán kỹ lưỡng” của Bình Nhưỡng.

Dù khoe khoang đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hành trình bay của đầu đạn không đi quá xa vùng biển Nhật Bản, tránh bay qua lãnh thổ của đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ. Các hành động của Bắc Hàn cũng có thể hiểu như là một sự đáp trả những tuyên bố cứng rắn chứa đựng không ít hăm doạ quân sự của chính quyền Trump đối với chế độ Kim Jong Un.

Sự kiện phóng tên lửa đạn đạo lần này dù gì cũng đã thay đổi đáng kể các cách tiếp cận ngoại giao của quốc tế đối với quốc gia khép kín này và chính quyền Donald Trump thì ít nhiều phải chịu áp lực buộc họ phải phản ứng.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố “hết kiên nhẫn chiến lược” và không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố.

Đến giờ Washington chỉ còn giải pháp là tiếp tục hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực mạnh hơn với người láng giềng khó bảo. Trong khi đó Trung Cộng đáp lại là đã làm hết sức mình.

Cần phải hiểu rằng mặc dù có khó chịu với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy chế độ này bị sụp đổ để rồi có một đường biên giới chung với một đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với cả chục ngàn quân Mỹ và hệ thống khí tài chiến tranh đồ sộ ở sát bên cạnh.

Chuyên gia John Nilsson Wright, thuộc văn phòng tư vấn chính trị tại Luân Đôn, khẳng định, cuối cùng Bình Nhưỡng đã tích góp được chút vốn liếng ngoại giao trên những chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này đã được thấy rõ ở nhiều kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ còn xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 07 – 08/07/2017 khi mà Hoa Kỳ luôn đề nghị hành động mạnh còn Nga và Trung Quốc thì khuyên can kiềm chế.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt