Hòa Thượng Thích Quảng Độ Gửi Thư Ủng Hộ Dân Tây Tạng
PARIS, ngày 17.3.2008 (PTTPGQT) – Đứng trước thảm nạn chính quyền Trung quốc dùng bạo lực quân sự đàn áp các cuộc biểu tình của chư Tăng và nhân dân Tây Tạng mấy ngày qua, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viết thư gửi Đức Dalai Lama tỏ tình liên đới và hậu thuẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) đối với nhân dân Tây Tạng trong cuộc đấu tranh cho tự do dân tộc. Thư này gửi sang Paris nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đến tận tay Đức Dalai Lama ở Dharamsala, Bắc Ấn Dộ, là thủ đô tị nạn của nhân dân Tây Tạng. (Hình: Hòa Thượng Thích Quảng Độ ứng viên giải Nobel Hoà Bình năm 2008)
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P. 15,
Phú Nhuận TP Sài Gòn
Bất nhẫn khi nghe tin quân đội Trung quốc bắn giết 80 người Tây Tạng, và công an Trung quốc trá hình Tăng sĩ Tây Tạng nhằm gây rối hòng lấy cớ đàn áp các cuộc biểu tình thượng tuần tháng 3 này, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ viết cho Đức Dalai Lama trong bức thư đề ngày 15.3.2008 tại Saigon như sau :
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi bàng hoàng xúc động trước sự đàn áp bằng vũ lực cuộc biểu tình bất bạo động của chư Tăng và nhân dân Tây Tạng. Đạo Phật mang nguyên lý hoà bình và bất bạo động. Ấy thế mà những cuộc phản kháng ôn hoà của quần chúng Phật tử Á châu – từ Tây Tạng, Miến Điện đến Việt Nam – đã bị đàn áp tàn nhẫn gây đổ máu. Chính quyền Trung quốc bảo rằng đàn áp nhằm mang lại “trật tự và ổn định”. Nhưng người Phật tử ý thức rằng bạo động không thể dẹp tan bạo động, vũ lực tàn bạo không mang lại hoà bình.
“Người Phật tử Tây Tạng đấu tranh nhằm ngăn chặn sự tiêu diệt văn hoá và tín ngưỡng, đang phản chống sự bất công của một chính sách cai trị độc đảng. Chỉ có đối thoại, chứ không là tàn phá, mới mở đường tiến tới giải pháp tối hậu cho Tây Tạng. Theo quan điểm của tôi, Trung quốc phải tức khắc chấm dứt mọi hình thức bạo động và mở ngay cuộc đối thoại với Ngài, là người lãnh đạo tâm linh và quốc gia của nhân dân Tây Tạng. Để hỗ trợ cho cuộc thương thảo này, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và quốc hội trong thế giới cũng như cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để nhà cầm quyền Trung quốc chấm dứt cuộc đàn áp vũ lực hầu đáp ứng những đòi hỏi cụ thể của nhân dân Tây Tạng.
“Tại Á châu ngày nay, các chế độ độc đoán đàn áp Phật giáo, vì các chế độ này rất sợ lực lượng hoà bình và tự do của người Phật tử. Dù vậy các chế độ ấy vẫn không ngừng lợi dụng Phật giáo để tuyên truyền cho họ, nhằm chế ngự tiềm lực Phật giáo đồng thời bành trướng chế độ của họ. Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên sau 57 năm xích hoá Trung quốc, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ nhất với sự tham dự khoảng 30 quốc gia trong thế giới. Năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ tổ chức từ 12 đến 17.5.2008 tại Việt Nam Đại lễ Phật Đản Tam hợp, dự trù mời 4000 khách ngoại quốc đến tham dự. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tôn vinh Đức Phật nhưng lại đàn áp tàn nhẫn các Trưởng tử của Đức Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn cấm hoạt động, thành viên và quần chúng Phật tử của Giáo hội bị sách nhiễu và bắt giam. Khôi hài xiết bao khi chỉ có những người Cộng sản và khách ngoại quốc là có quyền tham dự Khánh Đản đức Phật, trong khi đó người Phật tử vắng bóng trên diễn đài ?
“Nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi cầu siêu cho tất cả những người chết vì tự do trong các cuộc biểu tình vừa qua và cầu an cho tất cả chư Tăng mất tích. Tôi hỗ trợ toàn tâm cuộc đấu tranh dũng cảm cho sự sống còn của nhân dân Tây Tạng, và chia sẻ mọi ngưỡng vọng của Ngài để mang lại quyền sống và quyền tự do. Ngày hôm nay đây, mọi người Phật tử Việt Nam đều là người Tây Tạng. Người Phật tử Việt Nam đứng bên cạnh Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động để thực hiện quyền tự do tôn giáo và quyền làm người. Bởi vì thiếu nhân quyền, con người không thể nào tồn tại trọn vẹn trong tự do.
“Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và tôi cũng như hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không bao giờ quên những thông điệp, kiến nghị mà Ngài đã cất lên từ đầu thập niên 1990 đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Trong những ngày đen tối nơi tù ngục ấy, chúng tôi khó biết đầy đủ những nỗ lực của Ngài. Chỉ từ khi tôi được ân xá vào năm 1998, tôi mới được người phát ngôn của Giáo hội chúng tôi, là đạo hữu Võ Văn Ái, cho biết sự can thiệp quan trọng đầy lòng từ bi của Ngài. Tôi không bao giờ quên mối liên đới thâm tình của Ngài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài luôn hiện hữu trong tâm tư cầu nguyện của tôi, và tôi hy vọng thiết tha Ngài sẽ thành công dẫn dắc nhân dân Tây Tạng qua khỏi cơn nguy biến khó khăn hôm nay”.
Sa Môn Thích Quảng Độ