Hoa Kỳ: Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông để làm bá chủ Đông Á

Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông), bên trên có ghi chú các địa điểm có đài radar. Ảnh được Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ CSIS công bố ngày 23/02/2016.

Hoả tiễn phòng không và chiến đấu cơ tại Hoàng Sa, đài radar, sân bay quân sự và bãi đáp trực thăng tại Trường Sa: Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ đã dồn dập tố cáo Trung Cộng đang nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông. Và ngày 23/02/2016, tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương đã thẳng thừng nhận định: Ý đồ của Bắc Kinh là muốn làm “bá chủ” vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Phát biểu trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định: “Rõ ràng là Trung Cộng đang quân sự hóa Biển Đông”.

Là người nổi tiếng bộc trực, đô đốc Harris đã bác bỏ ngay lập luận của Bắc Kinh theo đó họ không hề quân sự hóa Biển Đông khi cho rằng: “Chỉ có những ai tin là trái đất dẹp mới suy nghĩ khác”.

Đối với vị tư lệnh quân đội Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, việc Trung Cộng bố trí hoả tiễn địa đối không trên đảo Phú Lâm trong vùng quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, đặt trạm radar mới trên Đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa và xây dụng các phi đạo (trên Đá Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn) là những hành động có tác dụng làm thay đổi cục diện và cán cân lực lượng ở khu vực Biển Đông.

“Trung Cộng tìm kiếm quyền bá chủ vùng Đông Á” 

Khi được hỏi về ý đồ của Trung Cộng trong việc triển khai vũ khí xuống Biển Đông, đô đốc Harris nói thẳng: “Tôi tin rằng Trung Cộng tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực Đông Á (và Đông Nam Á).”

Ngay sau phát biểu của tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, một số nguồn tin từ chính quyền Mỹ xác nhận thông tin do đài truyền hình Fox News tiết lộ, theo đó Trung Cộng mới đây đã lại đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm.

Theo giới phân tích, động thái này càng khẳng định thêm ý đồ của Bắc Kinh là quân sự hóa Biển Đông. Theo chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, Trung Cộng đã nhiều lần đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, nhưng cần chú ý xem liệu Bắc Kinh sẽ cho các máy bay này đặt căn cứ lâu dài tại đấy hay không.

Đại úy Darryn James, phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định rằng việc Trung Cộng liên tục triển khai máy bay tiêm kích trên đảo Phú Lâm làm cho tình hình tiếp tục diễn biến theo một chiều hướng đáng lo ngại.

Trung Cộng có hành động gây mất ổn định

Theo đại úy James : “Những hành động gây mất ổn định đó không phù hợp với các cam kết của Trung Cộng và tất cả các bên khác là tránh những hành động có thể là leo thang tranh chấp”. Phát ngôn viên quân sự Mỹ đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt các hoạt động bồi đắp, xây dựng và “quân sự hóa” Biển Đông.

Ngành ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông, nhưng một cách nhẹ nhàng hơn.

Phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngoại trưởng John Kerry đã báo động rằng Hoa Kỳ khuyến khích các bên tranh chấp Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng mục tiêu này khó đạt vì các cơ sở ở Biển Đông bị “quân sự hóa”.

Ý kiến này cũng được ông Kerry nhắc lại nhân một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị vào hôm qua tại Washington, khi cho rằng: “Thật là đáng tiếc khi có hoả tiễn , máy bay chiến đấu, súng ống và những thứ khác được bố trí tại vùng Biển Đông”.

Trung Cộng dĩ nhiên đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và nhắc lại quan điểm từng được liên tục nêu lên : Bắc Kinh không hề quân sự hóa Biển Đông mà chỉ đặt các cơ sở nhằm bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Cộng mà thôi.

Trọng Nghĩa (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt