Hoa Kỳ: Trump và cộng sự nghĩ gì về an ninh hàng hải ?
Những tuyên bố hiếm hoi, mơ hồ, thậm chí mâu thuẫn nhau của tổng thống tân cử Donal Trump trong khi vận động tranh cử đang khiến mọi người tự hỏi là chính sách quốc phòng và ngoại giao của tân chính quyền Hoa Kỳ sẽ như thế nào? Trong một bài viết ngày 10/11/2016 đăng trên trang web của Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ USNI News, tác giả Megan Eckstein đã tìm cách phác họa một số nét chỉ đạo về hướng giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh trên biển sắp tới đây, dựa trên phát biểu của chính ông Trump và hai nhân vật trong đảng Cộng Hòa, có lẽ sẽ nắm những chức vụ trọng yếu trong chính quyền của TT Trump.
Ngoài ông Trump, hai nhân vật được trích dẫn là ông Randy Forbes, người rất có thể sẽ được đề cử vào chức vụ Bộ Trưởng Hải Quân và thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người từng làm cố vấn về các vấn đề đối ngoại cho ông Trump trong suốt thời gian tranh cử. Cả hai đã cho thấy phần nào cách ông Trump gánh vác trách nhiệm Tổng Tư Lệnh Tối Cao của nước Mỹ, dù rằng cũng có những khác biệt trong quan điểm hai người về đường lối như răn đe Trung Cộng ở Biển Đông.
Bài viết trước hết trích dẫn quan điểm của ông Donald Trump về an ninh trên biển, được ông nêu lên trong diễn văn ngày 07/09 vừa qua tại Philadelphia về đối ngoại.
Diễn văn mở đầu bằng lời khẳng định mong muốn có được “một thế giới ổn định, hòa bình, ít tranh chấp hơn và nhiều điểm chung hơn”, đồng thời đề nghị “một chính sách đối ngoại mới tập trung trên việc thúc đẩy quyền lợi cốt lõi của nước Mỹ, thúc đẩy ổn định khu vực, và giảm căng thẳng trên thế giới”. Hướng mới đó, theo ông Trump, đòi hỏi là “phải suy nghĩ lại về những chính sách đã thất bại trong quá khứ…, có thể có bạn mới, xây dựng lại các mối liên minh cũ, và đưa những đồng minh mới vào trong nhóm.”
Trump “diều hâu”: Tăng thêm Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân
Cho dù vậy, ông Trump đã khẳng định rõ ràng là Mỹ vẫn cần đến sức mạnh quân sự, “vì lịch sử đã cho thấy là thời khắc nguy hiểm nhất chính khi nước Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng”, do đó Mỹ cần đến “sức mạnh quân sự vô địch để răn đe, tránh né và dự phòng tranh chấp”.
Sức mạnh quân sự đó, theo ông Trump, sẽ có được thông qua việc tăng cường tầm vóc của hai lực lượng Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Về Thủy Quân Lục Chiến (Marines) – từ con số 182.000 người hiện thời, hỗ trợ cho 24 tiểu đoàn bộ binh, quân số có thể được tăng lên để hỗ trợ cho 36 tiểu đoàn (tăng thêm 1/3). Ông Trump đã trích dẫn nghiên cứu của Heritage Foundation xem đấy là một lực lượng tối thiểu cần có đề đối phó với tình huống nghiêm trọng… Lục Quân như vậy có thể tăng thêm 50.000 người, thành tổng cộng lên đến 540.000 lính.
Riêng về Hải Quân, trong bài phát biểu, ông Trump cho biết là ông muốn có một lực lượng gồm 350 tàu, so với hiện nay là 308 chiếc, một con số sẽ tăng thêm một chút khi Hải Quân công bố bản điều chỉnh cơ cấu vào cuối năm nay.
Hạm đội hùng hậu đó sẽ đặt trọng tâm trên khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Ông Trump kêu gọi hiện đại hóa toàn bộ số 22 tuần dương hạm, được ông mệnh danh là “nền tảng khả năng phòng chống tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông”.
Ông Trump còn cho biết ông sẽ đặt mua thêm “khu trục hạm hiện đại có trọng trách ngăn chận hỏa tiễn trong những năm tới đây”, và ông sẽ yêu cầu Quốc Hội bãi bỏ biện pháp khống chế ngân sách quốc phòng (defence sequester) để có tiền chi cho việc tăng cường năng lực quân sự. Luật khống chế chi tiêu này có giá trị đến năm 2023, trừ phi Quốc Hội ra quyết định bãi bỏ. Đối với ông Trump, thực hiện tốt những cải cách nhằm hạn chế sự lãng phí của chính phủ, tinh giản guồng máy quan liêu hành chính sẽ có ích hơn, và sẽ cho phép có thêm tiền đề trang trải cho quân đội.
Trump “đối ngoại”: Trung Cộng, Bắc Triều Tiên và Nga trong tầm nhắm
Về đối ngoại, ông Trump ghi nhận rằng : “Trung Cộng đã trở thành hung hăng hơn, Bắc Triều Tiên nguy hiểm và hiếu chiến hơn, trong lúc Nga thì vẫn thách thức Mỹ.”
Tuy nhiên, cho dù tồn tại những thách thức toàn diện này – cùng với Iran và mạng lưới khủng bố, mà bộ Quốc Phòng Mỹ gộp lại trong khái niệm CRIKCT [viết tắt tiếng Anh của Trung Cộng (China), Nga (Rusia), Iran (Iran), Triều Tiên (Korea), chống khủng bố (Terors)], ông Trump vẫn muốn các đồng minh của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực.
Ông nói thẳng : “Trong thời gian đầu của nhiệm kỳ tổng thống, tôi sẽ yêu cầu tất cả các thành viên NATO nhanh chóng thanh toán hóa đơn, có rất nhiều nước đã không làm việc này”. Ông Trump còn sẽ “kính cẩn yêu cầu các nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả Rập Xê-Út trả thêm tiền” cho nền an ninh mà Hoa Kỳ mang lại cho họ.
Tác giả bài viết nhắc lại là Mỹ đang đóng quân tại các quốc gia này, chi phí về hạ tầng và hoạt động do các nước chủ nhà trả phần lớn. Đối với Mỹ, đóng quân ở xa như thế này vẫn có lợi hơn, ít tốn kém hơn là trú quân tại Mỹ để rồi phải trả tiền chuyển quân mỗi khi cần và bị hạn chế trong việc điều quân phản ứng nhanh khi cần thiết.
Bộ trưởng Hải Quân “tiềm năng”: Phải chống Trung Cộng ở Biển Đông
Nếu quan điểm của ông Donald Trump mang tính chất tổng quát, thì lập trường của người rất có thể được chọn là bộ trưởng Hải Quân Mỹ Randy Forbes lại hết sức thiết thực: Mỹ phải tăng cường lực lượng Hải Quân và đưa đến Biển Đông để đối phó với Trung Cộng.
Randy Forbes, hiện là chủ tịch tiểu ban Hải Lực (Seapower) trong Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, đã từng nói rõ là ông rất quan tâm đến việc tăng cường lực lượng Hải Quân và đưa sức mạnh Mỹ đến Biển Đông.
Đối với tác giả bài viết, hiện chưa rõ là chủ trương đối kháng Trung Cộng mà ông Forbes chủ trương sẽ được ông Trump chấp nhận như thế nào khi mà cả hai đều có thái độ rất cứng rắn đối với Trung Cộng trên bình diện kinh tế, và gần đây ông Trump đã kêu gọi giảm căng thẳng trên thế giới.
Mới tháng 9 vừa qua, ông Forbes đã cho rằng về mặt quân sự, Mỹ cần phải có một thái độ mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Mở đầu một phiên điều trần về Biển Đông, ông xác định: “Cần phải có nhiều hơn là lời nói cửa miệng để tạo nên sự đối trọng với sức mạnh đang tăng và thái độ quyết đoán của Trung Cộng”.
Ông nhắc lại là vào năm ngoái, cùng với chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thornberry và 27 dân biểu khác, ông đã ký một lá thư đưa lên tổng thống và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ yêu cầu phải có thái độ mạnh mẽ hơn ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nóng bỏng này, gia tăng các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển đang tranh chấp. Ông đã hài lòng khi thấy một số chuyện được thực hiện nhưng cho là cần phải làm nhiều hơn nữa.
Ông Forbes đã ghi nhận sự kiện “Trung Cộng vẫn đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển, tiếp tục các công trình bồi đấp đảo nhân tạo mà đa phần lộ rõ mục tiêu phục vụ quân sự. Lực lượng quân sự và bán quân sự Trung Cộng vẫn tăng cường sự hiện diện và hoạt động trong vùng, kiểm soát trên thực tế vùng biển trọng yếu này.”
R. Forbes: Biển Đông cần uy lực Mỹ để luật pháp được tôn trọng
Với chính quyền Obama trong giai đoạn mãn nhiệm kỳ, ông Forbes lo ngại là chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình sẽ xem những tháng cuối của tổng thống Obama như một cánh cửa sổ mở để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không bao trùm bãi Scarborough, đẩy mạnh việc quân sự hóa các đảo đã bồi đắp hay có những hoạt động khác nữa để thử quyết tâm của Mỹ. Ông Forbes cho là phải cần ngăn chận các hành động này của Trung Cộng trong những tháng tới đây.
Trước đó, vào tháng 7, ông Forbes cũng kêu gọi phải có sự hiện diện quan trọng của Mỹ ở trong vùng, vì nếu Trung Cộng tiếp tục xem thường luật pháp quốc tế và dư luận thế giới, thì cách bảo đảm nhất để tránh không cho chiến tranh tàn phá vùng Châu Á Thái Bình Dương là Mỹ phải duy trì sự hiện diện, và có sức mạnh quyết định trong vùng.
Đối với ông Randy Forbes, dù không làm nên luật lệ, nhưng sức mạnh có thể được dùng để răn đe, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và luật pháp. Do vậy, ông Randy Forbes chủ trương tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong vùng, cũng như tăng tần suất của những chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải.
Về quy mô của Hải Quân Mỹ, ông Forbes không hề giấu giếm mong muốn tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ, kể cả tàu không người lái.
“Cố vấn ngoại giao” Jeff Session: Mỹ không thể để bị trói tay
Về phần ông Jeff Session, đây là một thượng nghị sĩ trẻ, chủ tịch tiểu ban lực lượng vũ trang chiến lược Thượng Viện, đã tham gia vào ê kíp của Trump từ sớm và là cố vấn ngoại giao cho ứng cử viên Trump.
Trong các phát biểu của mình, ông Session đã cho thấy rõ quan điểm hoài nghi sâu sắc các tổ chức toàn cầu, bị ông cho là đã trói tay nước Mỹ, không cho Hoa Kỳ lựa chọn con đường riêng của mình.
Một ví dụ điển hình từng được ông Session nêu bật là khi ông đả phá Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong bài phát biểu ngày 24/06, ông đã cho rằng hiệp định này tạo ra “một cơ chế điều hành có thể đưa ra những quyết định mà Quốc Hội Hoa Kỳ không thể ngăn chặn. Tương tự như Liên Hiệp Châu Âu, nơi mỗi quốc gia được một phiếu bầu, (trong TPP) Brunei và Việt Nam đều có được một phiếu cũng như Tổng thống Mỹ !”.
RFI