Hoa Kỳ rơi vào 4 cái bẫy do Trung Cộng sắp đặt trong các cuộc đàm phán giữa hai bên

Vương Nghị và Dương Khiết Trì

Anchorage, thành phố lớn nhất tại tiểu bang Alaska, đã ghi nhận nhiệt độ xuống thấp tới -18 độ C (gần 0 độ F) vào buổi sáng sớm. Cuộc hội đàm cấp cao kéo dài hai ngày giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng vừa kết thúc tại nơi băng giá này. Những lời lẽ cao giọng, lớn tiếng của những “sói chiến” Trung Cộng đối lập với phản ứng yếu ớt từ phía Hoa Kỳ là điều thực sự đáng lo ngại.

Nói tóm lại, phía Hoa Kỳ đã rơi vào bốn cái bẫy do Trung Cộng khéo léo giăng ra trong các cuộc đàm phán này.

Thứ nhất, bản thân việc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng là một cái bẫy của Trung Cộng.

Sau lễ nhậm chức của Tổng thống(TT) Biden hôm 20/01, ông Anthony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nói chuyện với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng; đồng thời TT Joe Biden đã nói chuyện với lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Đánh giá về các tuyên bố công khai của đôi bên, mỗi bên có một giọng điệu khác nhau. Trên thực tế, với thực trạng hiện tại của mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Cộng, chính Trung Cộng là bên đã cầu xin Hoa Kỳ ngừng cắt đứt mối bang giao và ngừng áp đặt lệnh trừng phạt. Nếu không có đề nghị hay nhượng bộ đáng kể từ phía nhà cầm quyền cộng sản này, Hoa Kỳ không nhất thiết phải tổ chức cuộc họp này. Trong thời điểm chính phủ Hoa Kỳ chưa có bất kỳ chính sách rõ ràng nào đối với Trung Cộng, điều này chẳng khác nào là đã “mời” Trung Cộng đến đàm phán, và rơi vào “bẫy đối thoại” do Trung Cộng dựng ra.

Trong một cuộc họp báo sau đó, nhà ngoại giao cao cấp của Trung Cộng Dương Khiết Trì cho biết các cuộc đàm phán Trung Cộng–Hoa Kỳ đã diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi. Ông cho biết, “Nhưng, tất nhiên, vẫn có những khác biệt giữa đôi bên.”

“Chúng tôi đến cuộc họp này với mong muốn rằng hai bên có thể giao tiếp và đối thoại trên các mặt trận khác nhau. Hai bên nên tuân theo chính sách ‘không xung đột’ để định hướng con đường chung theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định từ nay trở đi,” ông nói.

Thứ hai, ông Dương Khiết Trì đã phá vỡ nghi thức ngoại giao khi diễn thuyết trong 16 phút, dài gấp 8 lần bình thường, và bài diễn văn của ông rõ ràng là đã được soạn sẵn. Đặc biệt, ông Dương nói trong bài diễn văn rằng, “Tôi không nghĩ rằng phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ công nhận các giá trị phổ quát mà Hoa Kỳ ủng hộ hoặc quan điểm của Hoa Kỳ có thể đại diện cho dư luận quốc tế.” Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy trong tương lai phía Trung Cộng sẽ không còn tuân thủ các quy tắc do Hoa Kỳ đặt ra.

Đây là một sự khiêu khích rất nghiêm trọng. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn nói với The Epoch Times trong một email: “Giống như việc phái đoàn Trung Cộng không chịu tuân thủ các quy tắc đã thống nhất của cuộc họp này, Bắc Kinh cũng từ chối tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc.”

Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn ngoan ngoãn ngồi đó và lắng nghe đến hết. Nhà bình luận phái bảo thủ của Hoa Kỳ Jack Posobiec đã tweet: “Đáng lẽ ông Blinken và ông Sullivan sẽ phải đứng lên vì Hoa Kỳ và mời phái đoàn Trung Cộng đi sau khi bị coi thường như vậy. Nhưng họ đã không làm vậy. Họ dự định quay lại vào ngày hôm sau để tiếp tục bị mất mặt hơn nữa. Thật khó mà lý giải tại sao họ có thể tệ như vậy được.”

Thứ ba, ông Dương Khiết Trì đã vạch ra một “lằn ranh đỏ” cho phía Hoa Kỳ, chứ không phải là ngược lại.

Theo một báo cáo từ Nikkei Asia, trước hết, ông Dương nói rằng “Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Cộng ở thế thượng phong.”

Ông Dương nói thêm rằng “sự lãnh đạo của Trung Cộng và hệ thống chính trị của Trung Cộng được người dân Trung Cộng hết lòng ủng hộ, và bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hệ thống xã hội của Trung Cộng đều sẽ vô ích,” theo thông cáo báo chí hôm 19/03 trên trang web của đại sứ quán Trung Cộng tại Hoa Kỳ.

Trong bài diễn văn dài, ông Dương đưa ra một loạt vấn đề an ninh và nhân quyền mà Hoa Kỳ đã nêu ra với phía Trung Cộng, bao gồm cả cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ, việc đàn áp Hồng Kông, gây sức ép kinh tế với các đồng minh, các cuộc tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ, cùng các hành động gây hấn với Đài Loan. Ông Dương tuyên bố tất cả đều là công việc nội bộ của Trung Cộng, và nhà cầm quyền cộng sản này “kiên quyết phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ.” Theo ông Dương, “Điều Hoa Kỳ nên làm là… lo chuyện của bản thân mình… thay vì đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về nhân quyền và dân chủ của Trung Cộng.”

Nếu gói gọn ý của ông Dương Khiết Trì trong một câu thì những gì ông ấy đã nói trong bài diễn văn mở màn chính là “sẽ không có cách nào để kìm hãm được Trung Cộng.” Điều này ngụ ý rằng Trung Cộng không sợ đối đầu với Hoa Kỳ, và sử dụng sự đối đầu như một phương thức để buộc Hoa Kỳ rút lui mà không chiến đấu.

Cái bẫy thứ tư nằm ở ý định của phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm sự hợp tác với Trung Cộng, ngay cả khi đối mặt với sự đối đầu gay gắt như vậy. Sau các cuộc hội đàm này, ông Blinken đã trình bày trong một cuộc họp báo về những lĩnh vực rất cụ thể mà Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể hợp tác cùng nhau.

Ông nói: “Nhưng chúng tôi cũng có thể có một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn về những điều này trong nhiều giờ trong một chương trình nghị sự mở rộng. Về vấn đề Iran, Bắc Hàn, Afghanistan, về khí hậu, những vấn đề mà chúng tôi cùng quan tâm.”

Ngoài ra, các quan chức chính phủ TT Biden cho biết họ sẵn sàng nới lỏng một số hạn chế thị thực áp đặt lên công dân Trung Cộng dưới thời chính phủ cựu TT Trump. Bằng cách này, phía Hoa Kỳ đã hoán đổi vị trí tấn công của mình cho Trung Cộng và sẵn lòng từ bỏ lợi thế của mình.

Nói tóm lại, Trung Cộng xảo quyệt hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tưởng tượng. Vòng đàm phán này là cách mà Trung Cộng dùng để thăm dò phản ứng, và giờ đây nhà cầm quyền này có được bức tranh rõ ràng hơn về ý định của Hoa Kỳ. Trung Cộng dự kiến sẽ thực hiện các chiến thuật cứng rắn hơn và mạnh mẽ hơn, từng bước nhằm vào Đài Loan, sau khi đã kết thúc Hồng Kông.

Tất nhiên, ở Hoa Kỳ cũng có những người nhận thức rõ vấn đề, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Ông dường như là người đầu tiên đưa ra ý kiến về cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng ở Alaska, bằng cách viết trên Twitter, “Chỉ có sức mạnh mới ngăn chặn kẻ xấu, còn sự nhu nhược thì chỉ chiêu mời chiến tranh.”

Phía Hoa Kỳ có một ván bài tốt, nhưng họ không thể chơi một cách hiệu quả. Vấn đề nằm ở đâu? Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ trước hết phải nhận ra bản chất xấu xa của Trung Cộng, cũng như phải biết mình biết người mới giành được chiến thắng.

Tác giả và chuyên gia về Trung Cộng Gordon Chang đã viết trên Twitter: “Ông Dương Khiết Trì trong bài diễn văn khai mạc của mình tại Alaska nói rằng, ‘sẽ không có cách nào để kìm hãm được Trung Cộng’. Ồ, thực ra là có đấy, và Bắc Kinh, với lối hành xử ngày càng nguy hiểm của mình, sẽ buộc thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm như vậy”.

Hy vọng rằng ý kiến của ông Chang sẽ được các quan chức hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lắng nghe.

Ông Vương Hạc (Wang He) là thạc sĩ luật và lịch sử, nhà nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là giám đốc điều hành của một công ty tư nhân lớn ở Trung Cộng, hiện ông sống ở Bắc Mỹ.

Quan điểm trình bày trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Vương Hạc (Wang He)
Thanh Xuân biên dịch

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt