Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger ‘‘Mẹ Nấm’’
Hôm qua, 29/06/2017, ngay sau khi một tòa án sơ thẩm ở Việt Nam kết án 10 năm tù với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, biệt danh “Mẹ Nấm”, trong một phiên xử kín, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho nhà tranh đấu nhân quyền.
Thông cáo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Heather Nauert bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tòa án Việt Nam kết án tù đối với blogger tranh đấu ôn hòa, người được trao tặng Giải thưởng Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam ‘‘trả tự do ngay lập tức cho ‘‘Mẹ Nấm’’ và tất cả các tù nhân lương tâm khác, và để cho bất kể ai tại Việt Nam cũng có quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tập hợp một cách ôn hòa, mà không sợ bị đàn áp’’.
Theo Washington, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã đạt được ‘‘một số bước tiến trong lĩnh vực nhân quyền’’, tuy nhiên, xu hướng gia tăng các bắt bớ và án phạt đối với những người phản kháng ôn hòa kể từ đầu năm 2016 gây “lo ngại sâu sắc’’. Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh là ‘‘tiến bộ trong lĩnh vực quyền con người mới cho phép quan hệ đối tác Mỹ-Việt phát triển hết tiềm năng’’.
Về phía Việt Nam, cũng hôm qua, trả lời báo giới trước khi phiên tòa kết thúc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : ‘‘Phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam’’.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh năm 1979 là một người hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Từ 2009 đến 2016, Mẹ Nấm đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, phản đối dự án bô-xít có vốn đầu tư Trung Quốc đe dọa môi trường Tây Nguyên, phản đối công ty Formosa gây thảm họa cá chết tại miền trung.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam và là người nỗ lực đưa các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ra quốc tế.
Ngày 10/10/2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt tại nhà riêng ở Nha Trang. Cơ quan công an Việt Nam quyết định khởi tố bà căn cứ trên 400 bài viết trên Facebook cá nhân (gồm 1.180 trang) và tập tài liệu “Stop police killing civilians’’ do bà Quỳnh biên tập, in ấn, tổng hợp 31 trường hợp người dân bị chết sau khi đến cơ quan công an, đã được đăng tải trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử trong nước.
Trọng Thành (RFI)