Hoa Kỳ Sử Dụng Con Cờ Đài Loan Như Thế Nào ?
Lê Hoành Sơn
Diễn tiến đoạn giao giữa Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) – Hoa Kỳ:
Ngày 15 tháng 12 năm 1978, Mỹ và Trung Cộng (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) ký kết thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Liền sau đó 1 ngày, tức ngày 16/12/1978, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter tuyên bố: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1979 trở đi, thừa nhận nhà nước Trung Cộng. Hiệp Ước Phòng Thủ Chung giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cũng kết thúc vào đúng một năm sau tức ngày 31 tháng 12 năm 1979. Cùng ngày, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc (con trai của Tưởng Giới Thạch) tuyên bố về việc Mỹ-Trung Cộng thiết lập quan hệ ngoại giao, cho rằng Hoa Kỳ bội tín, nhấn mạnh tuyệt đối không đàm phán với Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Sau 2 hôm tuyên bố lập ngoại giao chính thức với Trung Cộng, ngày 17 tháng 12 năm 1978, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher (sau này thành Bộ Trưởng Ngoại Giao dưới thời Bill Clinton) dẫn phái đoàn đến Đài Loan thương lượng quan hệ tương lai giữa Mỹ-Đài Loan, người dân Đài Loan thị uy đưa kháng nghị với phái đoàn; còn có một tài xế xe taxi phóng hỏa tự thiêu trước Bộ Ngoại giao để kháng nghị.
Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đài Bắc (nay là Cục Thuế Quốc Gia Đài Bắc thuộc Bộ Tài Chính) đóng cửa, Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại Đài Loan là ông Leonard S. Unger rời nhiệm sở vào ngày 19 tháng 1 năm 1979, quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Đài Loan cũng rút đi vào ngày 1 tháng 3 năm 1979. Ngày 26 tháng 4 năm 1979, 150 quân nhân Hoa Kỳ cuối cùng đồn trú tại Đài Loan, gồm đoàn cố vấn viện trợ quân sự toàn bộ rút khỏi Đài Loan.
Mỹ-Đài Loan đoạn giao bằng hình thức, thực chất đã chuẩn bị: “Luật Quan Hệ Đài Loan” của Mỹ nhằm thiết lập quan hệ mới:
Năm 1979, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Quan Hệ Đài Loan, theo đó Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan sự đãi ngộ bình đẳng như các quốc gia có chủ quyền khác. Ngày 10 tháng 4 năm 1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter ký “Luật Quan hệ Đài Loan”, vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan trên thực chất. Hoa Kỳ và Đài Loan thiết lập hiệp định đặc quyền, miễn thuế, quyền miễn trừ giữa các cơ cấu, chính thức ký kết vào ngày 2 tháng 10 năm 1979 tại Washington DC. Chính sách của Hoa Kỳ đối với đảo Đài Loan gồm 6 điểm như sau:
- Thứ nhất, duy trì và xúc tiến quan hệ thương nghiệp, văn hóa và các loại quan hệ khác rộng khắp, mật thiết và “hữu hảo” giữa nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Đài Loan; đồng thời duy trì và xúc tiến quan hệ với Đài Loan tương tự giữa nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Trung Cộng đại lục và nhân dân các khu vực Thái Bình Dương khác.
- Thứ hai, cho thấy hòa bình và ổn định của khu vực Thái Bình Dương phù hợp với lợi ích chính trị, an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ, còn là vấn đề quốc tế quan tâm.
- Thứ ba, cho thấy Hoa Kỳ quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng, là dựa trên tương lai của Đài Loan được dự kiến quyết định theo một phương thức hòa bình.
- Thứ tư, bất kỳ ý đồ dùng hành động theo phương thức phi hòa bình để quyết định tương lai của Đài Loan, bao gồm sử dụng thủ đoạn chế tài kinh tế và cấm vận, sẽ bị xem là uy hiếp đến hòa bình và ổn định đối với khu vực Tây Thái Bình Dương, và là mối quan tâm nghiêm trọng của Hoa Kỳ.
- Thứ năm, cung cấp vũ khí có tính chất phòng ngự cho nhân dân Đài Loan.
- Thứ sáu, duy trì năng lực của Hoa Kỳ, để kháng cự bất kỳ hành động sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng các thủ đoạn cưỡng bách khác, đe dọa đến chế độ an ninh và kinh tế-xã hội của nhân dân Đài Loan.
Lập tức sự liên hệ hữu hảo mới Mỹ-Đài Loan ra đời, Hiệp Hội Mỹ-Đài Loan được thành lập không lâu sau khi Mỹ thừa nhận ngoại giao với Trung Cộng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp đại bộ phận kinh phí và chỉ đạo hoạt động, Quốc Hội Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò giám sát. Hiệp Hội Mỹ-Đài Loan có trụ sở tại Washington DC, văn phòng Đài Bắc, viên chức phục vụ trên 450 người, cung cấp chức năng như thương nghiệp, nông sản phẩm, chương trình du lịch, giao lưu văn hóa, học tập tiếng Tàu, trung tâm mậu dịch, thư viện, đồng thời đặt văn phòng chi nhánh tại tỉnh Cao Hùng, văn phòng chi nhánh trực tiếp tại Đài Trung. Ngày 1 tháng 3 năm 1979, Hoa Kỳ thành lập Ủy Ban Điều Hiệp Sự Vụ Bắc Mỹ – Đài Loan tại thủ đô Đài Bắc. Ngày 10 tháng 10 năm 1994, văn phòng tại Hoa Kỳ của Ủy ban Điều Hợp Sự Vụ Bắc Mỹ đổi tên thành Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ.
Tòa nhà ngoại giao của Trung Hoa Dân Quốc tại Washington DC (Twin Oaks) từ năm 1937 đến năm 1978 là nơi đặt Đại sứ quán Đài Loan tại Hoa Kỳ. Vào những ngày trước khi Hoa Kỳ và Trung Cộng thiết lập quan hệ ngoại giao, tòa Twin Oaks được bán cho một đoàn thể dân sự có tên “Hiệp Hội Bạn của Trung Quốc Tự Do”. Tháng 4 năm 1979, “Luật Quan Hệ Đài Loan” được thông qua, căn cứ theo đó hành động thừa nhận Trung Cộng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản vật thể hoặc phi vật thể của nhà đương cục Đài Loan có được hoặc tài sản riêng trước hoặc sau ngày 31 tháng 12 năm 1978. Ngày 5 tháng 2 năm 1986, Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ cho địa điểm này là di tích lịch sử.
Thập niên 1980:
Trong thập niên 1980, Chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Ronald Reagan mặc nhận và ủng hộ phong trào ngoài đảng Đài Loan, đồng thời ủng hộ chính phủ của Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Ngày 14 tháng 7 năm 1982, ngay trước khi ký kết thông cáo với Trung Cộng, TT Reagan phái chủ tịch văn phòng Đài Bắc của Hiệp Hội Mỹ-Đài Loan dùng phương thức đọc bằng miệng đề xuất với Đài Loan sáu điều bảo đảm:
– Không có thời hạn kết thúc bán vũ khí cho quân đội Đài Loan.
– Không sửa đổi Luật Quan Hệ Đài Loan – Hoa Kỳ.
– Không thương lượng với Bắc Kinh trước khi bán vũ khí cho Đài Loan.
– Hoa Kỳ không giữ vai trò điều giải đàm phán hai bờ eo biển, sẽ không thay đổi lập trường nhất quán về chủ quyền Đài Loan, hai bờ cần giải quyết hòa bình vấn đề này.
– Hoa Kỳ cũng sẽ không cưỡng bách Đài Loan và Trung Cộng hội đàm.
– Và Hoa Kỳ sẽ không thừa nhận chủ trương của Trung Cộng về chủ quyền Đài Loan”
Ngày 15 tháng 10 năm 1984, một người Mỹ gốc Hoa là tác gia Lưu Nghi Lương (bút danh Giang Nam) bị Cục Tình báo của quân đội Đài Loan thuê xã hội đen Đài Loan sát hại tại tiểu bang California, sau đó quan hệ giữa Mỹ-Đài Loan căng thẳng. Phía Đài Loan thừa nhận sự việc do nhân viên cục tình báo Đài Loan ra lệnh, song nhấn mạnh nhân viên này độc đoán tự động hành sự, đồng thời bắt giữ Cục trưởng Tình báo Uông Hi Linh, Phó Cục trưởng Hồ Nghi Mẫn…
Thập niên 1990:
Ngày 16 tháng 11 năm 1993, Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush (cha) đáp Airforce One đến Đài Loan, vợ chổng Tổng thống Lý Đăng Huy và một số quan chức cao cấp khác ra sân bay tiếp đón. Sau đó, ngoài cuộc gặp mặt Tổng thống Lý Đăng Huy ra, TT Bush còn có bài diễn thuyết tại Đài Bắc. Ngày 10 tháng 10 năm 1994, cơ cấu đại diện của Trung Hoa Dân Quốc tại Hoa Kỳ đổi tên thành Văn Phòng Đại Diện Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ.
Tháng 6 năm 1995, Tổng thống Lý Đăng Huy, với tư cách cá nhân, sang thăm Hoa Kỳ, đọc diễn văn tại Đại học Cornell, trở thành nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên của Đài Loan đến thăm Hoa Kỳ, nghị viên của Quốc Hội Hoa Kỳ và phía Đại học Cornell đều gọi ông là Tổng Thống Đài Loan. Trung Cộng thấy bục bội vô cùng sự việc này xẩy ra và rất kịch liệt phản đối Hoa Kỳ.
Năm 1996, trước khi Đài Loan tiến hành dân chủ thật sự bằng cách thực hiện tổ chức toàn dân trực tiếp bầu cử tổng thống, Trung Cộng rất lo ngại liền hăm dọa và bắn hỏa tiễn địa-địa M9 đến mục tiêu tại vùng biển gần Đài Loan dẫn đến khủng hoảng eo biển Trung-Đài Loan. Hoa Kỳ nhận thấy hành động của Trung Cộng trái với thỏa thuận ký năm 1972, theo đó vấn đề Đài Loan chỉ giải quyết hòa bình. Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton điều động hàng không mẫu hạm USS Independence của Đệ Thất Hạm Đội, và hàng không mẫu hạm USS Nimitz tại Ấn Độ Dương đều hướng đến eo biển Đài Loan.
Ngày 21 tháng 9 năm 1999, miền trung Đài Loan xảy ra động đất mạnh, Tổng Thống Hoa Kỳ Clinton lập tức gửi lời chia buồn và đề nghị trợ giúp, trực tiếp liên hệ với chính phủ Đài Loan để xác định cách thức viện trợ. Các đơn vị như USAID (United State Agency for International Development) điều động nhân viên và thiết bị hiện đại đến Đài Loan tham gia công tác cứu trợ, trong đó phi cơ vận tải khổng lồ C-5 Galaxy chở hàng viện trợ đáp xuống Đài Trung. Ngày 28 tháng 9 năm 1999, con trai của cựu Tổng thống George H. W. Bush là Neil Bush sang Đài Loan, đại diện cho tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ tặng 1.6 tấn sản phẩm y tế cho Đài Loan.
Thập niên 2000
Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush (con) ký sắc luật xúc tiến Đài Loan trở thành quan sát viên Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization), trao quyền cho Bộ Trưởng Ngoại giao lập kế hoạch ủng hộ vị thế quan sát viên cho Đài Loan trong hội nghị thường niên của WHO. Ngày 19 tháng 9 năm 2008, Đoàn đại biểu Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên phát biểu rõ ràng “giúp đỡ Đài Loan tham dự có ý nghĩa cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc”. Theo Hoa Kỳ thì phát biểu này không nằm ngoài chính sách ủng hộ “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ. Mỹ giúp đỡ Đài Loan tham dự các tổ chức không yêu cầu hội viên có tư cách quốc gia, bao gồm Tổ Chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…
Ngày 4 tháng 10 năm 2004, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan nhằm cải thiện năng lực phòng vệ của đảo quốc này, duy trì ổn định chính trị, song sẽ không thay đổi cán cân quân sự khu vực, nhấn mạnh hợp đồng bán vũ khí này phù hợp với quy định của “Luật Quan hệ Mỹ-Đài Loan”.
Tháng 8 năm 2009, Nam Đài Loan xảy ra thiên tai do Bão Morakot, quân đội Hoa Kỳ phái máy bay trực thăng quân sự hạng nặng đến Đài Loan chi viện cứu nạn. Tổng cộng trong bảy ngày quân đội Hoa Kỳ thực hiện 75 lần xuất phát nhiệm vụ cứu nạn.
Thập niên 2010:
Ngày 29 tháng 1 năm 2010, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, tổng trị giá vượt quá 6 tỷ USD, bao gồm hệ thống hỏa tiễn MIM-104 Patriot, máy bay trực thăng UH-60 Black Hawk, hỏa tiễn AGM-84 Harpoon, trục lôi hạm và các loại khác, tuy nhiên không bao gồm máy bay F-16C/D như phía Đài Loan yêu cầu. Từ ngày 17 tháng 12 cùng năm đến ngày 24 tháng 1 năm 2011, Hiệp Hội Hoa Kỳ tại Đài Loan tổ chức triển lãm “Dấu chân người Mỹ tại Đài Loan 1950-1980” tại Thư viện Quốc gia Đài Loan.
Cựu Tổng thống Trần Thủy Biển từng phàn nàn đến quan hệ Mỹ-Đài, cho rằng trong thời gian tại nhiệm là người đại diện cho Chính Phủ Hoa Kỳ nghe lệnh từ Hiệp Hội Mỹ-Đài Loan hơn từ chính phủ Đài Loan. Về phía Mỹ phủ nhận việc này, song theo tài liệu của Hiệp Hội Hoa Kỳ tại Đài Loan mà WikiLeaks công bố thì cơ cấu này được gọi là “phòng xưng tội nhân vật chính trị Lam-Lục”, đã cho thấy nhân vật chính trị cao cấp Đài Loan đến Hiệp Hội Mỹ-Đài đàm thoại, trao đổi ý kiến ở mức độ cao, rất thành thực với Hiệp Hội; nhiều quan chức chính phủ Đài Loan bỏ qua hệ thống Chính Phủ Đài Loan mà đi báo cáo thẳng những tin tức trọng yếu cho Hiệp Hội Hoa Kỳ tại Đài Loan. Do đó, có dư luận cho rằng Hiệp Hội Mỹ-Đài tại Đài Loan là Phủ Tổng Đốc ngầm của Đài Loan cũng không sai.
Ngày 1 tháng 1 năm 2015, đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ cử hành nghi thức thượng cờ tại Twin Oaks, Washington DC. Trung Cộng lập tức phản đối, song phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ không biết trước sự việc, cảm thấy thất vọng trước hành động của phía Đài Loan, và nói rằng Hoa Kỳ hy vọng Đài Loan bảo đảm không xảy ra sự kiện tương tự như vậy trong tương lai.
Năm 2017 leo thang:
Gần đầu năm 2017 nhân TT Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, tháng 12 năm 2016, Tổng thống Thái Anh Văn và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói chuyện qua điện thoại trong vòng 10 phút, là điện tín đầu tiên giữa nguyên thủ đắc cử hai bên kể từ khi đoạn tuyệt quan hệ vào năm 1979. Cuộc nói chuyện chủ yếu trao đổi quan điểm về quan hệ Đài Loan và Hoa Kỳ, về tình hình khu vực quốc tế và bán vũ khí cho Đài Loan, hai bên cũng chúc mừng lẫn nhau đã đắc cử tổng thống.
Ngày 7 tháng 1, 2017 Theo hãng tin Reuters, thông báo từ văn phòng lãnh đạo Đài Loan về lịch trình công du và quá cảnh của Bà Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn. Theo phát ngôn viên văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan, ông Alex Huang cho biết nữ TT Thái Anh Văn của Đài Loan sẽ quá cảnh tại Mỹ lúc đi và về trong chuyến công du 4 nước Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador ở châu Mỹ. Bà Thái rời Đài Loan đi ngày 7-1-2017 và trở về ngày 15-1-2017. Trong chuyến công du này, Bà sẽ tới Houston ngày 7-1 và rời đi ngày hôm sau. Khi trở về, bà sẽ tới San Francisco ngày 13-1.
Điều này đã khiến Trung Cộng một lần nữa nhắc Mỹ ngăn cản việc bà Thái Anh Văn không được dừng chân tại Mỹ.
Phía Hoa Kỳ, theo phát ngôn viên của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (American In Taiwan), bà Alys Spensley cho biết chuyến ghé Hoa Kỳ lần này của bà Thái Anh Văn là “riêng tư và không chính thức”. AIT cũng nói hoạt động quá cảnh này không mâu thuẫn với chính sách “Một Trung Quốc” (One China).
Mặc dầu Mỹ-Đài qua lại, liên hệ kinh tế buôn bán vũ khí, bom mìn tấp nập và cách “tung hứng ngoại giao nhịp nhàng giữ có tính cách hỗ tương cho nhau” nhưng bề ngoài từ tháng 1 năm 1979 khi TT Hoa Kỳ Jimmy Carter công nhận Trung Cộng là đại diện chính thức của nước Tàu tại Liên Hiệp Quốc đến nay thì không có chiến hạm hoặc hàng không mẫu hạm nào của Mỹ ghé vào các hải cảng Đài Loan, có chăng chỉ xuất hiện ngoài vùng biển quốc tế giữ hai bờ eo biển Trung-Đài.
Một quyết định khiêu khích từ Quốc Hội Hoa Kỳ:
Ngày 21 tháng 6 năm 2017, Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Ủy Quyền Bảo Vệ Quốc Gia về Tài Chánh của năm 2018, trong đó bao gồm các điều khoản chuẩn bị thiết lập lại các hải cảng tại tỉnh Cao Hùng (Đài Loan) và các hải cảng phù hợp khác ở Đài Loan để tàu chiến của Mỹ có thể lui tới cập bến.
Theo trang website Ủy Ban Quân Sự Hoa Kỳ Thượng Viện Hoa Kỳ thì Ủy Ban đã bỏ phiếu đồng thuận tuyệt đối 27-0 để thông qua dự luật. Tạp chí Wall Street Journal và các cơ quan truyền thông khác đưa tin Ủy Ban đã bỏ phiếu thuận 21/6, nhưng đồng ý với dự luật đã nhận được sự ủng hộ của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. NDAA (National Defense Authorization Act) dự kiến sẽ được chuyển Thượng Viện vào tháng 7 năm 2017.
Tóm tắt của NDAA bao gồm các nội dung sau: Thiết lập các ghé cảng thông thường của Hải quân Hoa Kỳ tại hải cảng Cao Hùng (Đài Loan) hoặc các hải cảng phù hợp khác ở Đài Loan và cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ được ghé các hải cảng của Đài Loan; Chỉ đạo Cục thực hiện một chương trình trợ giúp kỹ thuật để hỗ trợ các nỗ lực của Đài Loan phát triển khả năng chiến tranh dưới biển bản địa, bao gồm xe cộ và mìn biển; và thể hiện ý nghĩa của Quốc Hội rằng Hoa Kỳ cần tăng cường quan hệ đối tác lâu dài và hợp tác chiến lược toàn diện với Đài Loan”.
Về phía Quốc Hội Đài Loan xướng họa: Thượng Nghị Sỹ James Inhofe, đồng chủ tịch của Ủy Ban Thượng Viện Đài Loan, là tác giả của các điều khoản nhằm củng cố mối quan hệ quân sự Mỹ-Đài tuyên bố thêm rằng: Mỹ sẽ thực hiện một chương trình yểm trợ kỹ thuật để giúp đỡ chương trình tàu ngầm đang phát triển của Đài Loan. Một điều khoản khác mà ông Inhofe ủng hộ là nếu được mời, Đài Loan sẽ tham gia trong các cuộc tập trận chung hàng năm của RIMPAC và Red Flag do Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á tổ chức.
Tháng 9, 2017
Tháng 9 năm 2017, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua “Luật Quốc Phòng Trong năm tài chánh 2018, cho phép các chuyến thăm viếng qua lại của các chiến hạm Đài Loan và Hoa Kỳ”
Tháng 10, 2017
Thách thức hơn nữa, vào ngày 30 tháng 10, 2017 vừa rồi Nữ Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn công du Haiwaii bảy ngày. Theo hãng thông tấn Reuters, bà Thái Anh Văn đã ghé thăm Quần đảo Marshall, Tuvalu và Quần đảo Solomon. Sau đó trên đường trở lại Đài Loan, và bà sẽ ghé thăm đảo Guam căn cứ quân sự lớn nhất ở Thái Bình Dương của Mỹ. Nơi đây là địa điểm xuất phát mà Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Trong chuyến công du này, nữ TT Đài Loan đã phát biểu: “Chúng tôi vui mừng trước những cam kết của Mỹ về hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và từ những cuộc hội đàm với phía Mỹ, chúng tôi hiểu sự cần thiết trong việc tăng cường đầu tư cho quốc phòng”. Đặc biệt, chuyến viếng thăm này chỉ trước 2 tuần chuyến công du của TT Trump sang gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Như vậy cả là một tính toán giữa Mỹ với Đài Loan trong nước cờ mặc cả chính trị với Tập Cận Bình.
Tháng 12, 2017
Những ngày gần đây, tin tức nổi bật cho biết: Trong khi Hoa Kỳ sửa soạn cho trùng tu hải cảng Cao Hùng và các hải cảng khác tại Đài Loan trong năm 2018 để chiến hạm của Mỹ lui tới, một nhân viên ngoại giao cao cấp số 2 của Trung Cộng tại Hoa Kỳ, Ông Lý Khắc Tân (Li Ke Xin), tuyên bố gây chấn động: “Ngày hải quân Mỹ đến cảng Cao Hùng, cũng là ngày Giải Phóng Quân Trung Cộng thống nhất Đài Loan bằng quân sự”.
Dĩ nhiên đó là lời hăm dọa một một nhân vật ngoại giao nói trong một buổi lễ, không chính thức. Không phải Trung Cộng chính thức gửi tối hậu thư đến chính phủ Hoa Kỳ, mà đó là cách làm việc của Trung Cộng phao tin đồn để dò phản ứng đối phương.
Ngày 12/12 Tổng Thống Donald Trump đã ký Đạo Luật “Ủy quyền Quốc Phòng mở đường cho chiến hạm Hoa Kỳ đến Đài Loan” bất chấp cảnh báo liên tục từ Bắc Kinh. Khi ký Đạo Luật này ông Trump còn tuyên bố “đạo luật ủy quyền quốc phòng sẽ cho phép quân đội Mỹ có được nhiều nguồn lực hơn, phát đi thông điệp rõ ràng tới các đồng minh, đồng thời gửi lời cảnh cáo sắt đá đến kẻ thù rằng Hoa Kỳ hùng mạnh, kiên định, và có sự chuẩn bị tốt”
Mở đầu khẩu chiến Trung-Đài Loan:
Sau sự việc này, báo chí Trung Cộng tung tin xem Đài Loan là một tỉnh của Tàu khó trị và chưa bao giờ từ bỏ việc dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Trong một sinh hoạt ở tòa đại sứ Trung Cộng ở Washington ngày 8/12, nhà ngoại giao Lý Khả Hân nói với các giới chức Hoa Kỳ là Trung Cộng sẽ khởi động Luật Chống Ly Khai cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan nếu cần để ngăn đảo này ly khai nếu Hoa Kỳ phái chiến hạm đến Đài Loan.
Về phía Bộ Ngoại giao Đài Loan đáp trả: “phương pháp này cho thấy sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa thực sự của hệ thống dân chủ và xã hội dân chủ hoạt động như thế nào.” Còn bà Thái Anh Văn tuyên bố là “Bà muốn giữ hòa khí với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ an ninh của Đài Loan.”
Trong khi Lục Khảng, phát ngôn viên của Trung Cộng lại tuyên bố hòa bình nhưng nếu Đài Loan ly khai thì dùng vũ lực: “Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ nguyên tắc thống nhất trong hòa bình. Nhưng đồng thời chúng ta sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.”
Ngày 12/12/2017
Ngày 12/12 ngày TT Trump ký Đạo Luật “Ủy quyền Quốc Phòng mở đường cho chiến hạm Hoa Kỳ đến Đài Loan” thì hãng thông tấn Reuters đưa tin: “Không quân Trung Cộng đã tiến hành thêm các cuộc tuần tra bao quanh đảo” gần Đài Loan, sau khi một nhà ngoại giao cấp cao Trung Cộng đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ chiếm hòn đảo tự trị này nếu bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ cập cảng ở đó.
Các máy bay ném bom H-6K, Su-30 và máy bay chiến đấu J-11 cùng các máy bay do thám, cảnh báo và tiếp tế nhiên liệu trên không bay ngang qua eo biển Miyako phía Nam Nhật Bản và Kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines để “thử nghiệm khả năng chiến đấu thực tế,” theo lời người phát ngôn Shen.
Đài Loan coi thường hành động này của Trung Cộng: Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-Kuan nói trong một thông cáo rằng họ đã điều máy bay và tàu để theo dõi hành động của quân đội Trung Cộng và rằng các cuộc tập trận không có gì khác thường và không cần phải cảnh báo công chúng.
Nhận định quan hệ Mỹ-Trung-Đài:
Trong đầu óc của Tập Cận Bình rất sợ Đài Loan trở thành một đảo quốc độc lập tách ra khỏi Trung Cộng, đồng thời nghi ngờ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, thủ lãnh Đảng Dân Tiến chủ trương độc lập và muốn tuyên bố độc lập chính thức cho quốc đảo này… Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập mà Tập Cận bình chẳng làm gì được thì thế giới chỉ chê cười Trung Cộng chỉ là con ngáo ộp đâu còn xứng đáng tự xưng là cường quốc.
Từ khi TT Trump lên làm chủ tòa Bạch Ốc thì Đài Loan trở thành “điểm nóng”. Không biết điểm nóng này dùng để làm đòn bẩy mặc cả chính trị với Bắc Kinh về vấn đề hỏa tiễn đạn đạo và vũ khí nguyên tử của Kim Jong Un ở Bắc Hàn hay có thể là lá bài của Biển Đông… điểm này chờ xem.
Nhìn chung thì chính sách bảo vệ Đài Loan của Mỹ, từ khi chấp nhận Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc năm 1979, tuyên bố đoạn giao với Đài Loan nhưng vẫn giữ chặt và o bế con cờ Đài Loan rất chu đáo dưới nhiều dạng thức khác nhau. Và thường dùng con cờ này trong các nước cờ chiếu tướng Trung Cộng.
Trung Cộng đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới, khởi đầu là tại Châu Á Thái Bình Dương. Có lẽ các chiến lược gia của Mỹ đã nhìn ra điều đó nên xem Đài Loan là con cờ quan trọng trong bàn cờ Mỹ-Trung của thế kỷ thứ 21.
Ngày 12/12/2017
Lê Hoành Sơn tổng hợp
Sources: Reuters, AP, Wikipedia, VOA, RFI, website http://www
=========
Tài liệu tham khảo: