Hoa Kỳ điều động khu trục hạm đến Biển Đông

Theo tin Yahoo News Online, Hải quân Hoa Kỳ vừa triển khai tàu USS Chung-Hoon, một khu trục hạm có trang bị tên lửa, đến khu vực Biển Đông và Biển Sulu ( Tây Nam Philippines ) trong tuần này để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này.

 

Khu Trục Hạm USS Chung-Hoon của Hoa Kỳ

Nguồn tin nói trên cho biết : “Chiếc tàu này sẽ đi ngang qua những vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế để giám sát quyền tự do lưu thông và chứng tỏ là cộng đồng quốc tế không chấp nhận những đòi hỏi của các quốc gia trái với quyền tự do lưu thông ấy.”

Về mặt chính thức, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Manila, USS Chung-Hoon là một trong những chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ-Philippines trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phuơng.

Việc triển khai chiến hạm USS Chung-Hoon diễn ra vào lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, đặc biệt qua hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và cắt dây cáp hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Căng thẳng đã tăng thêm một nấc sau khi Việt Nam hôm qua loan báo sẽ diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, cụ thể là ở khu vực đảo Hòn Ông, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Hôm qua, Hoa Kỳ đã kêu gọi giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố rằng: ” Chúng tôi không ủng hộ bất cứ điều gì làm tăng thêm mức độ căng thẳng hiện nay. Những sự biểu dương lực lượng hoặc những cử chỉ tương tự chỉ làm căng thẳng gia tăng”. Theo lời ông Mark Toner, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế nói chung đều quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực, để bảo đảm sự tự do lưu thông, phát triển kinh tế và tôn trọng công pháp quốc tế.

Vào cuối tuần trước, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình.

Cho tới nay, lập trường của Washington là không theo phe nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng đã nhiều lần các lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này, xem đây là vấn đề ” quyền lợi quốc gia”. Vậy thì, nếu căng thẳng gia tăng và các vụ đụng độ trên biển diễn ra ngày càng nhiều, thái độ của Mỹ sẽ như thế nào?

Đối với Philippines thì trong trường hợp đó dĩ nhiên là Hoa Kỳ buộc phải can thiệp chiếu theo hiệp ước quốc phòng song phương. Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr. cũng vừa lên tiếng bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Philippines chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này.

Còn Việt Nam tuy đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ trong những năm gần đây, nhưng chưa phải là đồng minh của Washington, nên Hoa Kỳ không thể ra tay yểm trợ trực tiếp. Nhưng hôm qua, theo Reuters, phát ngôn viên Việt Nam đã tuyên bố là “Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực của quốc tế, kể cả của Hoa Kỳ, nhằm làm dịu căng thẳng trong vùng Biển Đông”. Rõ ràng là trước thái độ ngày càng hung hãn của Trung Quốc, Việt Nam buộc phải dựa vào một thế lực khác để chống trả, và thế lực đó chỉ có thể là Hoa Kỳ, hiện vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, mà lại có quyền lợì quốc gia gắn liền với vấn đề Biển Đông. Cái chính là phải làm sao cho quyền lợi của hai nước tương đồng với nhau.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt