Hiểu về phiên điều trần Mark Zuckerberg (CEO Facebook)

Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Recode.

Nhiều người đang theo dõi buổi điều trần kéo dài 2 ngày của Mark Zuckerberg, người sáng lập và CEO của Facebook, trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Song buổi điều trần này nhằm mục đích gì? Tại sao lại có nó? Và hệ quả của nó là gì đối với Zuckerberg và Facebook nói chung?
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần hiểu về chức năng điều tra, giám sát của Quốc Hội Hoa Kỳ, đặc biệt là các uỷ ban thuộc Quốc Hội.
Điều tra và Giám sát được xem là một phần của quyền lực lập pháp (legislative power) mà Hiến pháp Hoa Kỳ đã trao cho lưỡng viện Quốc Hội.

Các nhà lập hiến Hoa Kỳ lập luận rằng Quốc Hội vốn dĩ không thể năng động trong việc xét xử, truy tố, hay khai triển thực thi các luật – những quyền lực vốn dành cho tư pháp và hành pháp – vì như thế là vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập. Song để có thể thực hiện tốt quyền lực lập pháp, Quốc Hội cần có quyền được điều tra thu thập thông tin. Và để Quốc Hội có thể thực hiện tốt việc kiềm chế các nhánh quyền lực khác, lưỡng viện Hoa Kỳ cần phải có quyền giám sát.

Hình thái của các loại quyền lực này chưa bao giờ được Hiến pháp ghi nhận rõ, nhưng truyền thống và quy định hình thành nên Quốc Hội lại cho thấy lưỡng viện Hoa Kỳ thực hiện hai chức năng này chủ yếu thông qua các phiên điều trần (hearings).

Điều trần nhằm mục đích gì?

Mục tiêu ban đầu của các phiên điều trần thường là nhằm thu thập các thông tin cần thiết trong giai đoạn đầu của việc lập pháp.

Tức là, chẳng hạn Quốc Hội cần đưa ra một đạo luật về chống rửa tiền nhưng các đại biểu lưỡng viện cảm thấy họ không hiểu về cơ chế hoạt động và mánh lới rửa tiền, thì Quốc Hội sẽ đề nghị triệu tập một nhân vật nào đó để trình bày trước Quốc Hội, lắng nghe các câu hỏi và trả lời để giúp Quốc Hội hiểu thêm về chủ đề ấy.

Tuy nhiên, qua thời gian, dần dần Quốc Hội Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng những phiên điều trần cho mục đích khác, đó là tìm ra sự thật của một vụ việc nhằm báo cáo với công chúng. Các báo cáo của những uỷ ban sau các phiên điều trần là những giao tiếp trực tiếp giữa Quốc Hội và công chúng. Giờ đây, chúng trở thành một trong những vũ khí lợi hại của Quốc Hội Mỹ để đưa ra tiếng nói trước những vụ việc xã hội.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mark Warner và thành viên của Ủy ban Tình báo Hoa Kỳ trong một phiên điều trần ngày 28/6/2017 về việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu. Ảnh: Win McNamee/Getty Images.

Cần lưu ý rằng, những phiên điều tra của Quốc Hội thường không được toàn thể lưỡng viện thực hiện mà sẽ giao về cho các uỷ ban chuyên môn của Quốc Hội. Ví dụ, Mark Zuckerberg không ra điều trần trước toàn thể Quốc Hội mà chỉ đứng ra trả lời hai Uỷ ban là Uỷ ban Năng lượng và Thương mại của Hạ Viện và Uỷ ban Thương Mại, Khoa Học, và Giao Thông của Thượng Viện.

Mặc dù mỗi năm có khoảng hàng trăm buổi điều trần khác nhau diễn ra tại hai Viện, song đa số những buổi điều trần được đánh giá là “chán” và “đầy kỹ thuật”, nên chúng thường khó thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng với những vụ việc lớn, những buổi điều trần lại trở thành nơi được báo giới săn đón và là nơi các nghị sĩ giành điểm chính trị.

Chẳng hạn vào năm 2017, phiên điều trần của James Comey, người lúc đó vừa bị Tổng thống Trump sa thải chức vụ Giám đốc FBI, đã thu hút đến mức người ta có thể thấy hàng dài người xếp hàng để vào xem buổi điều trần.

Những báo cáo từ các buổi điều trần này cũng có thể trở thành tài liệu tham khảo giá trị về sau. Sau nhiều buổi điều trần, báo cáo của Uỷ ban Tình báo Thượng viện về hành vi tra tấn của nhân viên quân sự Hoa Kỳ ở nước ngoài vào năm 2013 đã được rất nhiều sử gia và luật gia sử dụng khi nghiên cứu lịch sử hay nghiên cứu chính sách và pháp luật Hoa Kỳ.

Người ta làm gì trong các buổi điều trần?

Các buổi điều trần trước vốn dành để Quốc Hội chất vấn các quan chức chính phủ, nay dần mở rộng đối tượng ra những công dân bình thường hoặc đại diện các tổ chức tư nhân, mà Quốc Hội đánh giá là hoạt động của họ gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và việc chất vấn họ là để phục vụ cho việc xây dựng chính sách.

Trước Mark Zuckerberg, có hai vụ điều trần lớn mà đối tượng là giám đốc các tập đoàn tư nhân đã từng diễn ra.

Một là cuộc điều trần năm 1994 của bảy CEO các tập đoàn thuốc lá Hoa Kỳ (báo chí gọi là “bảy chú lùn” – Seven Dwarfs). Hai là cuộc điều trần năm 2010 của Uỷ ban Chất vấn về Khủng hoảng Tài chính sau khi hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sụp đổ năm 2009. Đối tượng bị chất vấn là những nhân vật đã dính líu đến cuộc sụp đổ này như chủ ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính, và Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán.

Phiên điều trần lịch sử của 7 CEO ngành thuốc lá năm 1994. Ảnh: Youtube.

Cần lưu ý, các buổi điều trần không phải là một phiên toà mà chỉ là một buổi đối thoại giữa Quốc Hội và người được điều trần. Điều đó có nghĩa là Mark Zuckerberg sẽ không phải chịu một hệ quả pháp lý nào sau buổi điều trần, trừ trường hợp ông không trả lời thật các câu hỏi của Quốc Hội.

Nhưng khác với các buổi điều trần với mục đích lấy thông tin và giáo dục, nơi Uỷ ban chỉ đơn thuần là lắng nghe chuyên gia, thì các cuộc điều trần như với Zuckerberg có tính chất chất vấn và đối đầu cao (adversarial). Chúng thường được mô tả như một “toà án của công luận”, nơi cử tri Hoa Kỳ nhìn vào và xem Quốc Hội truy vấn những “kẻ thù” của công chúng vì một bê bối nào đó.

Tuy không phải là một toà án, những các Uỷ ban phụ trách điều trần có quyền triệu tập bất kỳ ai đến buổi chất vấn (subpoena) và người bị chất vấn phải thề khai đúng sự thật (swear under oath).

Nếu họ khai sai sự thật thì xem như họ vi phạm lời thề và có thể bị khởi tố vì tội khai man (perjury). Tất nhiên, mọi việc khởi tố về sau là do các cơ quan khác thực hiện nhưng có tham khảo đến quá trình diễn ra buổi điều trần, tư vấn của Quốc Hội, báo cáo của Quốc Hội.

Thông thường, một chiến thuật mà những ai bị triệu tập đến một buổi chất vấn đối đầu sử dụng để bảo vệ bản thân là viện đến Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó, họ giữ quyền im lặng và không trả lời các câu hỏi của Quốc Hội với lý do câu trả lời có thể gây bất lợi và có thể biến họ thành tội phạm.

Nhưng đối với những người làm kinh doanh như Zuckerberg, việc sử dụng Tu chính án thứ 5 không phải là ý hay, vì bản án lớn nhất mà họ nhận chưa hẳn là bản án hình sự do các cơ quan khởi tố sau đó dựa trên kết quả của phiên điều trần, mà là lòng tin của thị trường. Chính vì thế, việc không trả lời câu hỏi có khi lại khiến thị trường đặt dấu chấm hỏi và khiến giá cổ phiếu của các công ty sụt giảm.

Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ. Ảnh: Stern.

Riêng đối với những thành viên của Uỷ ban Quốc Hội, họ sẽ xem những buổi chất vấn như dịp để củng cố uy tín chính trị hoặc để thúc đẩy một chính sách nào đó. Nhiều người đã trở nên rất quyền lực, và tuy báo cáo của họ không có ý nghĩa pháp lý trực tiếp, tương lai pháp lý của các cá nhân bị chất vấn đôi khi bị quyết định bởi những báo cáo như vậy.

Thập niên 1950 được gọi là thời kỳ của chủ nghĩa McCarthy chính là đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy của bang Wisconsin. Trong thời gian này, Thượng nghị sĩ McCarthy đứng đầu Tiểu Ban Điều Tra Thường Trực của Thượng Viện đã tiến hành triệu tập rất nhiều cá nhân mà ông cho là gián điệp của các quốc gia cộng sản để điều trần trước Tiểu Ban. Kết quả của những cuộc điều trần đó thường là cá nhân kể trên bị cô lập, bị mất việc, hoặc bị truy tố. Tiểu Ban tuy không chính thức kết tội một ai nhưng các báo cáo của họ đã cho thấy quyền năng lớn mạnh của các Uỷ ban Quốc Hội Hoa Kỳ.

Ý nghĩa của các phiên điều trần

Có thể xem mục đích chính trong cuộc điều trần của Zuckerberg là để Quốc Hội hiểu thêm về tác động của mạng xã hội và các công ty internet đối với cuộc sống của người dân, để từ đó đưa ra chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, qua hai ngày điều trần, ta có thể thấy tính chất đối kháng khá rõ của nó. Buổi điều trần chắc chắn sẽ không thể đưa ra một bản án cho Facebook hay Zuckerberg. Nhưng thông qua những câu hỏi chất vấn, đó vừa là cơ hội cho Zuckerberg được bảo vệ thanh danh của mình và Facebook, vừa là nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của một đế chế. Giá cổ phiếu của Facebook trồi sụt liên tục trong suốt quá trình điều trần, còn người dân trên khắp thế giới ngày càng ngỡ ngàng khi được tiết lộ những bí mật về cái cách Facebook xâm nhập vào dữ liệu cá nhân người dùng (cũng như bất ngờ vì sự ngô nghê về an ninh mạng của rất nhiều thành viên Quốc Hội).

Richard Clarke tuyên thệ trong phiên điều trần sau vụ khủng bố ngày 11/9. Ảnh: NYMag.

Những cuộc điều trần như kiểu của Zuckerberg không còn là một công việc nhàm chán của Quốc Hội mà chính là dịp để công luận chất vấn một cá nhân nào đó thông qua người đại diện của mình một cách công khai, minh bạch.

Chính tính công khai và minh bạch này cũng là điều tạo nên ý nghĩa cho các phiên điều trần. Cảnh Zuckerberg liên tục uống nước vì căng thẳng trong phiên điều trần lần này, hoặc lời xin lỗi được truyền hình trực tiếp của người phụ trách chống khủng bố Richard Clarke trong phiên điều trần về vụ 11/9, chính là những hình ảnh còn đáng giá với nhiều người hơn cả các quyết định kỷ luật mà chỉ có giới chóp bu biết với nhau.

Xem những gì diễn ra, thật không khỏi kỳ vọng rằng Quốc Hội Việt Nam một ngày nào đó sẽ có thể yêu cầu một cá nhân ra trước Quốc Hội để bị chất vấn và để cho người dân cả nước cùng quan sát. Đó có thể là lãnh đạo một công ty Nhà nước đang thua lỗ, hoặc giám đốc một tập đoàn nước ngoài gây ô nhiễm cho vùng biển Việt Nam.

Đức Việt (Tạp Chí Luật Khoa)

https://www.luatkhoa.org/2018/04/hieu-ve-phien-dieu-tran-mark-zuckerberg/

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt