Hiệu ứng domino ở Biển Đông ?

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 01/11/2016

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 01/11/2016

Đầu tiên là Philipines, nay đến lượt Malaysia đang bị kéo vào quỹ đạo của Trung Cộng, đó là nhận định của tờ nhật báo Mỹ The Wall Street Journal trong một bài báo đăng trên mạng ngày 01/11/2016, với hàng tựa “Các quân cờ domino ở Biển Đông”.
“Hiệu ứng domino”, đó là cụm từ mà báo chí phương Tây thường sử dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhất là để nói về nguy cơ các nước Đông Nam Á lần lượt rơi vào tay Cộng sản khiến Hoa Kỳ phải can thiệp vào Việt Nam.

Theo nhận định của The Wall Street Journal, tuy hiện nay khó có khả năng là hiệu ứng domino xảy ra ở vùng này, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang rất lo ngại sau khi Philippines bất ngờ “xoay trục” sang Trung Cộng, một hành động rất có thể là mở màn cho một đợt thay đổi liên minh bên trong ASEAN.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak là lãnh đạo mới nhất của Đông Nam Á được Trung Cộng trải thảm đỏ đón tiếp ở Bắc Kinh. Trước chuyến đi này, ông Najib đã loan báo rằng quan hệ kinh tế Malaysia-Trung Cộng, vốn đã rất mạnh ( với 56 tỷ đôla trao đổi mậu dịch năm ngoái ), sẽ được tăng cường hơn nữa.

Theo The Wall Street Journal, đầu tư của Trung Cộng vào “con đường tơ lụa hàng hải” qua eo biển Malacca có thể sẽ được gia tăng nhân chuyến viếng thăm của thủ tướng Rajib. Một công ty của Trung Cộng đã trúng thầu dự án 13 tỷ đôla xây dựng một tuyến đường xe lửa từ bờ biển phía Đông đến Kuala Lumpur. 

Yếu tố gây quan ngại nhất, theo tờ The Wall Street Journal, là quyết định của Malaysia mua ít nhất là 4 chiếc, thậm chí mua đến 10 chiếc tàu chiến do Trung Cộng chế tạo. Hợp đồng mua vũ khí này không hẳn là đồng nghĩa với một sự chuyển hướng chiến lược, nhưng hợp đồng quan trọng đầu tiên của Kuala Lumpur mua thiết bị quốc phòng của Trung Cộng có giá trị biểu tượng đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên các vùng lãnh thổ mà Malaysia đang nắm giữ và các tàu cá cũng như tàu tuần duyên Trung Cộng thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Theo The Wall Street Journal, bối cảnh hiện nay không lấy gì là khả quan, vì gần đây Malaysia đã loan báo rằng ngân sách quốc phòng sẽ cắt giảm mạnh các chi tiêu cho lực lượng không quân và hải quân, làm hạn chế khả năng phòng thủ mà Malaysia rất cần vì đây là một quốc gia nằm chia Biển Đông thành hai phần. Kế hoạch thành lập một đơn vị đổ bộ cũng đã bị hũy bỏ, khiến Malaysia không thể hợp tác với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, không dễ gì mà tìm được nguồn tài chính để mua tàu chiến của Trung Cộng.

Theo nhận định của tờ nhật báo Mỹ, về mặt chiến lược thì đối với Hoa Kỳ, Malaysia không quan trọng bằng Philippines, nhất là quần đảo Philippines có vị trí như là tiền đồn ở Biển Đông. Tuy vậy, Malaysia cũng nằm ở vùng phía Nam của Biển Đông, kéo dài từ Vịnh Thái Lan đến phía đông đảo Borneo.

Malaysia có các mối quan hệ quân sự lâu năm với Hoa Kỳ, nhưng có quan hệ trực tiếp và mang tính lịch sử quan trọng hơn với Úc, thông qua các hiệp định phòng thủ giữa hai nước. Úc tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Malaysia và vẫn tiến hành các chuyến bay tuần tra bên trên Biển Đông từ bán đảo Malaysia.

Theo The Wall Street Journal, ít có nguy cơ thủ tướng Najib tuyên bố cắt đứt hoàn với các đồng minh nói trên, giống như tổng thống Philippines Duterte đã làm trong chuyến đi thăm Trung Cộng. Ông Najib cũng không có tư tưởng căm ghét Mỹ giống như ông Duterte. Theo chính sách cân bằng quan hệ ngoại giao, thủ tướng Najib đã đưa Malasyia gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( do Hoa Kỳ khởi xướng ). Thế nhưng các cuộc điều tra tư pháp của Mỹ, khởi động từ tháng 7 năm nay, nhắm vào quỹ phát triển 1MDB, đang làm lung lay vị thế của cá nhân ông Najib.

Vừa vất vả đối đầu với phe đối lập trong nước, vừa cần đến đầu tư của Trung Cộng để bù đắp các khoản thiếu hụt trong ngân sách Nhà nước, chiếc la bàn ngoại giao của thủ tướng Najib đã hướng về phương Bắc đến Trung Cộng, nguồn cung cấp tài chính rất hào phóng mà không gây khó dễ gì cả. Như vậy, ông Najib đã quay trở lại với di sản của bố ông, người đã bình thường hóa bang giao với Trung Cộng vào năm 1974.

Theo The Wall Street Journal, rất có thể là Malaysia sẽ dần dần rút ra khỏi các cuộc tập trận hoặc những hoạt động có thể bị Bắc Kinh xem là “mang tính gây hấn”. Kuala Lumpur cũng có thể sẽ có thái độ thận trọng hơn trong hồ sơ Biển Đông, giành ưu tiên cho đàm phán song phương.

Tờ nhật báo Mỹ cũng nêu trường hợp của Thái Lan, cũng là đồng minh ký kết hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ giống như Philippines, nhưng tình hình chính trị ở nước này đang rất là vô định và hợp đồng mua tàu ngầm của Trung Cộng cũng đang được xem xét.

Còn về phần Singapore, tuy không phải là đồng minh, nhưng nước này là đối tác quốc phòng phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ. Nếu Philippines dưới quyền lãnh đạo của ông Duterte tiếp tục đường lối “lập dị” như hiện nay, Singapore, một đảo quốc trung tâm tài chính khác thường, có thể sẽ trở thành một quốc gia “bình thường” mới.

Theo The Wall Street Journal, chuyến viếng thăm Trung Cộng của thủ tướng Najib có thể sẽ là điểm tận cùng ( của xu thế “xoay trục” sang Trung Cộng ). Thông tin trong tuần này về việc Úc và Indonesia đang thảo luận dự án tuần tra chung trên Biển Đông cho thấy là bên ngoài khuôn khổ liên minh truyền thống với Mỹ, các quốc gia trong vùng hoàn toàn có thể liên kết với nhau. Nếu như thế chúng ta có thể bớt lo ngại về hiệu ứng domino ở vùng Biển Đông.

Thanh Phương

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt