Hiệp Sĩ thời đại

Tiếng chim chuyền cành hót líu lo, khiến cho khu vườn yên ắng như bừng tỉnh. Mùi cỏ dại ngai ngái xông lên trong hơi sương ẩm ướt. Dưới gốc cây bưởi trổ hoa chúm chím, đàn gà con đang lích rích bới tìm thức ăn và chơi đùa.
Lúc này chú Thanh ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn những đóa mẫu đơn mới nở ngoài vườn với vẻ thích thú. Chủ nhân tay nâng chén rượu, lim dim đôi mắt mà khẽ ngâm bài thơ “Uống rượu ngắm hoa Mẫu đơn” của Lý Bạch:

                       “Hôm nay uống rượu ngắm hoa
                        Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
                        Chỉ e hoa nói nên lời
                        Em không phải nở cho người già nua”.

     Ngâm xong, chú nhấp thêm ngụm rượu, rồi vỗ đùi đánh bạch một cái mà nức nở khen rằng:

     – Giỏi thay cho Lý Bạch! Thật xứng là tiên thơ lắm ru!…

     Âm thanh phát ra từ cú vỗ đùi của chủ nhân khiến cho lũ gà con giật mình mà chạy toán loạn một lúc. Chúng ngơ ngác nhìn nhau, rồi lại tiếp tục đào bới gốc cây như cũ, vì đối với chúng thì tiên thơ Lý Bạch là ai cũng chẳng quan hệ gì cả. Nắng đã bắt đầu nhẹ nhàng lan tỏa trên mặt đất, thật là một buổi sáng yên bình.

o0o

Chú Thanh vốn là người đam mê văn học cổ điển Tàu đến độ cuồng. Đến nổi mấy đứa con của mình chú đều đặt tên theo một tích nổi tiếng trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”: Tam, Anh, Chiến, Lữ, Bố. Ghép lại thành “Tam anh chiến Lữ Bố”. Các tác phẩm cổ điển gần như chú đều thuộc lòng cả, hỏi đến đâu kể đến đó, nào là Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng Lâu Mộng, Sử ký Tư Mã Thiên..; các đại thi hào như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị…cũng được chú nghiên cứu kỹ lưỡng. Vốn là một công chức, nhưng bản tính thẳng thắn không thể ăn nhập với guồng máy áp bức bất công đương thời, vì thế mà chú xin về hưu non. Nhờ đó mà chú làm việc nhà được nhiều hơn, đỡ đần cho vợ con, có thời gian mà trồng thêm nhiều cây hoa ưa thích trong vườn nhà. Quan trọng là tha hồ đọc sách, cái thú mà chú đam mê nhất đời. Nhà chú có tủ sách lớn với đủ thể loại kim cổ đông tây, đặc biệt là các tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc. Đó là niềm tự hào to lớn của những người có học vấn lúc bấy giờ vậy. Nhìn vào tủ sách, người ta có thể thấy lượng kiến thức khổng lồ mà chủ nhân tích lũy được.

Tọa lạc trong khuôn viên rộng chừng vài sào trung bộ, ngôi nhà của chú Thanh như một thế giới riêng tĩnh lặng với ngút ngàn màu xanh cây trái. Về địa giới hành chính thì phía tây giáp cánh đồng làng, hai mặt đông bắc giáp với nhà người ta, phía nam nối liền đường cái bằng một con ngõ dài chạy quanh co, mà hai bên lối đi trồng đầy những cây hoa hồng dại. Giống như các cao nhân ẩn dật xưa, chú đặt cho khu nhà của mình một cái tên rất thơ“Đạo nhân Thi quán”. Vì thi thoảng chú có làm thơ, phần lớn là nói về lũ chó, gà trong vườn nhà, một số bài tức cảnh và cảm thán thời cuộc. Bởi vậy mà gọi là “Thi quán” cũng không có gì là quá đáng cả. Thi thoảng có vài ba bạn thơ đến họp mặt, uống rượu ngâm thơ rồi nói cười hỉ hả, đúng như câu “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” vậy. Là người hoài cổ, nên ngoài tủ sách quý, ở chính giữa nhà chú Thanh kê bộ sập gụ tủ chè, mà hai bên cánh tủ người ta khảm những tích cũ như “Lưỡng Long chầu Nguyệt”, “Ngư, tiều, canh, mục”…; gần cửa sổ là góc chú ưa thích nhất, ở đó được kê một bộ trường kỷ nhẵn bóng bởi thời gian. Từ đây chủ nhân có thể ngồi một mình mà nhìn ra vườn, ngắm những khóm hoa ngoài đó, rồi nhâm nhi ly rượu để đạt đến cảnh giới thăng hoa tư tưởng. Những vần thơ bất hủ của chú được dân làng truyền tụng cũng xuất phát ý tưởng từ nơi bộ trường kỷ này đây.

     Với vóc người cao dong dỏng, nhân vật của chúng ta giống một thi nhân hơn là hảo hán giang hồ, tuy nhiên phong cách sống lại hao hao các anh hùng trong tiểu thuyết kiếm hiệp vậy. Mỗi lần thấy chuyện bất bình là chú đều ra tay nghĩa hiệp, bênh vực cho người yếu thế, trừng trị kẻ gian tham. Cho rằng chú là vị hiệp sĩ cứu khốn phò nguy của thời nay, dân làng mới cảm phục mà đặt cho cái tên nghe đậm chất kiếm hiệp: “Hiệp sĩ thời đại”. Về phần mình, chú mặc nhiên đón nhận cái đặc ân mà mọi người ban cho, coi đó như là một diễm phúc bản thân.

o0o

     Một hôm hiệp sĩ của chúng ta được vợ sai đi chợ huyện mua thêm con chó cúc, khi ôm chó về đến gần cổng nhà thì thấy có hai đứa trẻ chăn trâu đang giằng co mà cãi nhau chí chóe ở đó. Đứa lớn bắt nạt đứa bé hơn, ra chiều gay gắt lắm. Mặc dù chưa hiểu sự tình, sẵn tính nghĩa hiệp, chú Thanh liền đến rẽ chúng ra mà không cho cãi nhau nữa. Nào ngờ đứa lớn phản đối bằng cách hét lên:

     – Tổ cha mày!…

     Bất ngờ vì sự hỗn hào đó, chú nóng tiết mà đánh cho nó một cái bạt tai. Nó khóc toáng lên rồi chạy về mách bố.

      Thì ra đứa bé ở ngôi làng phía đông, cách làng chú Thanh chỉ một con mương có hàng Phi Lao chạy dài. Bố nó vốn là một tay đánh xe bò, chẳng biết phải trái là gì, nghe nói thế liền đến để bênh con, anh ta cũng chỉ độ tuổi con chú Thanh mà thôi.Theo tay đứa con chỉ, anh chàng thấy vị hiệp sĩ của chúng ta lúc này đang đứng an ủi đứa bé bị bắt nạt, liền xốc lại mà chửi bới. Thế rồi hai bên cãi nhau ầm ĩ, người hiếu kỳ bu đen bu đỏ đến để xem. Để trả đũa cho con, tay nọ liền tát chú Thanh một cái bạt tai nổ đom đóm mắt. Giữa ba quân thiên hạ, bị một kẻ chỉ đáng tuổi con mình bạt tai như vậy, chú Thanh giận lắm. Tuy nhiên lúc này tay không thì không thể đấu lại với một kẻ trẻ khỏe gấp bội mình, hiệp sĩ của chúng ta liền chạy vào nhà vác thanh trường côn ra mà đứng tấn để đón địch. Nhưng lúc này nhìn quanh thì không còn thấy đối thủ đâu nữa cả.

      Mấy người đứng gần đó nói với chú rằng:

     – Hắn đi về rồi, còn nói là tối nay sẽ kéo đồng bọn đến phá nhà ông đó!..

     Không trừng trị được kẻ hỗn láo, chú Thanh thét lên một tiếng vang trời, rồi vung trường côn múa tít. Khi cơn tức giận đã theo ngọn côn mà bay đi mất, chú lại vội vàng chạy như bay về nhà để còn chuẩn bị tối nay đối địch.

     Sáng hôm sau, tôi đến chơi hỏi xem chuyện tối qua thế nào. Pha xong ấm trà để tiếp khách, chú ngồi bắt chân chữ ngũ mà rằng:

     – Tối qua chúng có dám động tĩnh gì đâu. Chú cũng đã bài binh bố trận cả rồi, khắp khu vực vườn nhà đều được bố trí theo trận địa bát quái của Khổng Minh khi xưa. Nếu kẻ địch đến đây ắt sẽ không có đường ra, chỉ có một cửa tử cho chúng mà thôi. Trường côn chú cũng đã dựng sẵn ở vách đó. “Binh lâm tướng đón” mà cháu. Lo gì! Huống chi chú vốn thuộc lòng binh pháp Tôn Tử xưa nay…

     Tôi cố nhịn cười, vì nghe chú nói không khác gì trong tiểu thuyết kiếm hiệp cả. Nhưng chú thì vẫn tỉnh bơ như không, vì tác phong đã hun đúc nên phong cách rồi vậy.

     Vì thích con người của chú Thanh, mà tôi thường hay đến nhà chơi. Chú rất coi trọng những người có tri thức, thể hiện sự yêu ghét rõ ràng. Mỗi lần tôi đến chơi chú đều dành cho sự tiếp đón nồng hậu, pha trà ngồi đối ẩm như là bạn đồng niên vậy (mặc dù lúc đó tôi chỉ mới là một cậu học sinh cấp 3). Chú có một trí nhớ tuyệt vời, không chỉ từng chi tiết câu chuyện, mà ngay đến ngày tháng cũng chính xác đến kinh ngạc. Một lần đang ngồi tiếp mấy người bạn trong làng, thấy tôi đến chú liền xoay hẳn sang mà nói chuyện, mặc cho mấy người kia ngồi ngơ ngác. Vì chú coi trọng sự hiểu biết, mà khinh rẻ những người ít kiến thức vậy. Được chú xem trọng như thế, tôi cũng lấy làm hãnh diện lắm.

     Khi tôi hỏi về truyện Tam Quốc thì chú liền thao thao bất tuyệt, nhấp một ngụm rượu, rồi say sưa giảng giải:

     – Cháu biết không? Nhân vật Tào Tháo giỏi lắm! Chỉ vì người xưa thiên về tư tưởng “trung quân”, cho nên phê phán. Thực ra ông ta là người có công lao lớn nhất trong tam quốc. Bình loạn, để cho thiên hạ được thái bình, đó là công lao của ông cả đó!…

o0o

Đã lâu không ra thủ đô, lần này nhân tiện có người bà con ở Hà Nội mời, chú Thanh liền sắm sửa lên đường. Bà vợ sắp xếp cho đủ thứ quà quê khiến chú chộn rộn mãi.  Nào là mấy chục trứng gà, ít trái cây hái trong vườn, bao tải gạo nếp. Xong rồi bà lại dặn dò cẩn thận, làm như chồng mình chưa bao giờ ra tỉnh vậy. Phải tạm xa “Đạo nhân Thi quán”, xa lũ gà và đàn chó cúc ít hôm để ra chốn thị thành, chú Thanh cũng buồn lắm. Nhưng vì “Nam nhi chí tại bốn phương”, cho nên hiệp sĩ của chúng ta nhất quyết lên đường, không để cho thói thường vướng bận.

     Chiếc xe máy Minsk (mà dân ta vẫn thường gọi là Min-Khơ) chạy chồm hỗm như con ngựa sắt một hồi thì đưa được chú Thanh ra đến đường quốc lộ, tại đây chú lại bắt xe khách tuyến bắc nam mà đi thủ đô.

     Đến trưa thì xe ô tô dừng lại một quán bên đường để cho hành khách nghỉ ăn cơm.

      Sau chặng đường mệt mỏi, mọi người xuống xe rồi ngồi bệt xuống ghế mà nghỉ ngơi cho thỏa. Hiệp sĩ của chúng ta cũng tìm được một chiếc ghế bên hàng trái cây mà đặt lưng, đồng thời ngắm nhìn xung quanh. Chợt thấy có một anh chàng cầm hai lá bài trên tay đi đến mà mời mọi người chơi đỏ đen. Anh ta trạc ngoài 30 tuổi, trên mình khoác chiếc áo sặc sỡ như trong rạp xiếc, đầu thì đội mũ phớt, miệng nói liến thoắng như hát vậy. Cách chơi bài rất đơn giản: Cầm hai quân bài một đen một đỏ trên tay (giơ ra cho mọi người thấy rõ), sau vài động tác vung vẫy như phù thủy bắt quyết, anh chàng úp nó xuống đất. Ai đoán đúng quân nào đen, quân nào đỏ thì coi như thắng. Tỉ lệ là 1 ăn 100 (người đoán nếu thua thì chỉ mất 1, thắng được ăn gấp 100 lần). Tuy điều kiện đưa ra thật hấp dẫn, nhưng mọi người vẫn sợ là cờ bạc bịp, nên không ai dám chơi cả. Mấy bà đi buôn chuyến còn cẩn thận sờ xem túi tiền mình còn hay mất. Vài phút sau lại có hai người đàn ông to cao khác xuất hiện, một người trông như cán bộ đi công tác, tay xách cái cặp to đùng, người kia thì giống như khách buôn. Sau khi nghe anh kia giảng giải luật chơi, hai người chấp nhận đánh bài. Hai anh chàng mới đến thắng liên tục. Nhìn thấy anh kia rút từng xấp tiền dày cộp ra trả, ai cũng thấy ham. Một bà to béo đi trên xe, lúc này quyết định tham gia trò đỏ đen. Anh chàng kia lại vung hai quân bài xuống đất, bắt đầu cuộc chơi. Nhìn thấy rõ ràng quân bài, bà to béo dẫm chân lên cho chắc ăn rồi nói:

     – Tôi đánh 5 triệu. Bắt quân bài màu đen này!

     Ai cũng nhìn rõ ràng đó là quân bài màu đen, và chắc mẫm bà kia đã thắng. Nếu được ván này thì bà ắt sẽ giàu to, 1 ăn 100 kia mà! Tay cờ bạc chấp nhận và yêu cầu đặt cọc. Bà kia liền thò tay vào túi quần mà móc tiền ra. Nhân lúc bà kiễng chân lên để lấy tiền, tay cờ bạc liền đánh tráo quân bài dưới chân của bà. Nhận tiền đặt cọc rồi, hắn liền lật quân bài lên. Mọi người trố mắt ngạc nhiên, thì ra là một quân đỏ.

     Thế là bà kia bị thua, và rồi vì tiếc của mà bà ta khóc thút thít mãi.

     Nhìn thấy rõ ràng là kẻ kia đã đánh tráo quân bài, lúc này máu hiệp sĩ nổi lên, chú Thanh liền đứng bật dậy mà nói lớn:

     – Này anh kia! Tôi thấy anh đánh tráo quân bài dưới chân người phụ nữ này. Thực ra là anh đã thua. Tôi yêu cầu anh hoàn lại tiền cho bà ấy, đồng thời trả đầy đủ không thiếu một xu tiền mà anh đã thua!…

     Tay cờ bạc chống nạnh nói:

     – Lại có kẻ điên này ở đâu ra vậy? Chúng tôi chơi bài có liên quan gì tới ông hả? Ông thấy tôi gian lận hồi nào? Khôn hồn thì cút đi, nếu không bị nhừ đòn bây giờ!…

     Nghe nói vậy, chú Thanh liền đứng tấn, cả giận quát lên:

     – Rõ ràng nhà ngươi đã tráo quân bài khác. Có trả tiền không thì bảo? Ta đây giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha đâu nhé!…

     Tay kia tròn mắt ngạc nhiên, không ngờ một ông già nhà quê gầy guộc mà lại dám hùng hổ như vậy. Thế là hắn cùng hai tay to lớn kia hè nhau xông vào tấn công chú Thanh tới tấp. Hiệp sĩ của chúng ta cũng vung quyền đánh trả, nhưng vì “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, cuối cùng bị chúng đánh cho một trận nhừ tử, mặt mày có vài chỗ sưng to như quả ổi.

     Lúc này mọi người mới biết là cả ba tay kia đều là đồng bọn, chúng giả vờ chơi bài với nhau cốt để cò mồi thiên hạ mà thôi. Thời gian này trên tuyến xe bắc nam vẫn thịnh hành lối chơi bài này lắm. Tuy nói là cờ bạc bịp, nhưng có luật chơi rõ ràng. Khi đã chấp nhận chơi là anh phải chịu, chứ có ai ép buộc đâu?. Thật ra đây là trò nhanh tay nhanh mắt, không thể gọi đó là bịp được. Nguyên do là hiệp sĩ của chúng ta từ lâu vẫn ở trong “Đạo nhân Thi quán” mà ít khi ra khỏi nhà, vì thế không biết chuyện này. Do đó mới dẫn đến kết quả như đã kể.

     Sau chuyến đi chơi nhớ đời này, “Hiệp sĩ thời đại” phải nằm nhà dưỡng thương vài tháng, công việc của “Đạo nhân Thi quán” cũng để mặc cho bà vợ trông coi. Vài kẻ độc mồm độc miệng lại rỉ tai nhau:

     – Rõ là ách ngoài đàng, quàng vào cổ. Từ nay ắt hẳn chừa cái thói nhúng mũi vào chuyện của người khác rồi đấy nhỉ?…

     Về phần chú Thanh thì vẫn như xưa, ngang tàng và nghĩa hiệp, vì ít ra chú vẫn là “Hiệp sĩ thời đại” mà dân làng ngưỡng mộ. Nhưng từ đó hiệp sĩ của chúng ta cũng ít can thiệp vào chuyện bốn phương, mà tập trung sức lực để phụng sự quê hương nhiều hơn.

o0o

     Chuyện thiên hạ phức tạp đã đành, ngay cái chuyện tề gia cũng khó khăn không kém. Hoàng Đế lừng danh Napoléon Bonaparte của nước Pháp từng than phiền rằng: “Ra đời trăm trận thắng, về nhà không thắng nổi đàn bà”. Vị hiệp sĩ của chúng ta cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự như đã nói vậy.  Người đam mê vốn cổ thì không thể không biết chơi tổ tôm, vì thế mà chú Thanh cũng sành món này lắm. Cũng vì cái thú tổ tôm mà chú đâm ra mâu thuẫn với cậu con trai thứ ba (tức là Chiến). Hai bố con cứ như mặt trăng mặt trời, ít khi chạm mặt nhau. Số là cậu Chiến được mẹ giao cho sứ mệnh theo dõi và báo cáo lại mọi hành động và việc làm khả nghi của bố. Trong suốt sự nghiệp thám tử của mình, Chiến đã hai lần phát giác bố lấy trộm đồ đi bán để lấy tiền đánh tổ tôm, một lần thấy bố lả lướt ôm eo bà góa làng bên đi chơi, cùng nhiều địa điểm mà bố cậu thường hay lui tới khác. Chú Thanh giận thằng Chiến lắm, nhiều khi thở dài mà nghĩ thầm: “Mình đặt tên cho nó là Chiến, nào ngờ tự hại mình, bây giờ nó lại thường xuyên gây chiến với bố nó. Thật là tức chết đi được!…”

     Tối hôm nay hai vợ chồng chú Thanh mâu thuẫn mà to tiếng với nhau. Chuyện cũng liên quan đến việc chú lấy trộm đồ và mối quan hệ mờ ám với bà góa làng bên. Thấy hai bố mẹ cãi nhau, cậu Bố (cậu út trong số: Tam, Anh, Chiến, Lữ, Bố) còn nhỏ dại, liền chạy đến mách rằng:

     – Bố ơi! Anh Chiến nói chuyện bố cho mẹ biết đấy!…

     Thấy vợ cằn nhằn tra hỏi mãi, hiệp sĩ của chúng ta tức điên người, chỉ muốn ngay bây giờ đè cổ thằng Chiến ra mà đánh cho nó một trận mới hả dạ. Ngặt nổi nó đang chạy đi chơi đâu đó.

     Vừa lúc đó thì cậu Chiến đi chơi về. Mới thấy nó ló đầu vào cửa, chú thanh đã vùng dậy quát lớn:

     – Tao thì đánh cho mày chừa cái thói mách lẻo đi này!…

     Nói rồi chú sấn sổ đuổi theo.Thằng bé sợ quá vội quay đầu chạy thục mạng. Lúc bấy giờ trăng sáng vằng vặc như ban ngày, chú Thanh thấy cái bóng cậu con trai thấp thoáng đằng trước, khi xa khi gần mà không tài nào đuổi kịp. Vừa bực vừa nóng bức, chú liền cởi áo vứt ra trên đường làng mà đuổi cho nhanh. Một lúc thấy bóng thằng bé mất tăm, chú đành thở hổn hển mà hậm hực quay về. Đến chỗ áng chừng mình vứt chiếc áo lúc nãy, chú cúi xuống nhặt lên, thì tay chạm phải một vật gì ấm nóng và mềm nhũn.

     Thì ra dưới bóng trăng nhạt nhòa, từ đằng xa trông thấy một cục màu đen đen, chú Thanh tưởng là cái áo mình vứt ra lúc nãy.  Nào ngờ đó lại là một bãi phân trâu to tướng bên đường.

 Minh Văn

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt