Hiệp định thương mại Việt Nam-EU: Dời lại đến 2020?
Việt Nam bị Liên Hiệp châu Âu (EU) từ chối ký Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch (EVFTA) năm 2019 là một thất bại cho chề độ phi nhân quyền. Trong khi hàng hóa VN có hai thị trường lớn để phát triển kinh tế là thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện nay Hoa Kỳ xem Việt Nam không phải là quốc gia “kinh tế thị trường” do đó hàng hóa của VN bán vào Mỹ thuế cao. Nay lại bị châu Âu từ tối về hiệp định thương mại thì hết thuốc chữa. Sở dĩ châu Âu từ chối Hiệp Định Thương Mại với Việt Nam trong năm 2019 là vì Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đặc biệt, CSVN cho tình báo qua Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về Hà Nội. Có thế mới biết là Cộng Sản Việt nam không thể qua mặt với tây phương nếu tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Bản tin của Thanh Phương (RFI)
Trái với mong đợi của chính phủ Hà Nội và giới doanh thương, Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) rất có thể không được phê chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm tới và như vậy phải đợi đến năm 2020.
Vào đầu tháng 12/2015, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam thông báo đã kết thúc các đợt đàm phán về hiệp định EVFTA. Nhưng đến tháng 5/2017, Tòa án Công lý Châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, tòa án này phán quyết rằng các nội dung về đầu tư “không trực tiếp” của nước ngoài và cơ chế xử lý tranh chấp nhà đầu tư nhà nước sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực).
Để hiệp định có thể sớm hoàn tất, Ủy Ban Châu Âu bèn quyết định tách EVFTA thành hai hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Đến tháng 07/2018, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về văn bản của hai hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA.
Hai hiệp định nói trên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh thương, công nhân và người tiêu dùng của cả Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam, trong vòng 10 năm tới, GDP được dự báo sẽ tăng thêm từ 10 đến 15% và xuất khẩu tăng từ 30 đến 40%. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, EVFTA là hiệp định tự do mậu dịch toàn diện nhất và đầy tham vọng nhất mà khối này ký với một nước đang phát triển ở châu Á. Đây cũng là hiệp định tự do thương mại thứ hai mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một nước ASEAN, sau Singapore.
Đến ngày 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã thông qua việc trình lên Hội Đồng Châu Âu chấp thuận hiệp định EVFTA, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Trên thực tế, đến ngày 12/11, hiệp định này mới được trình lên Hội Đồng Châu Âu.
Nhân quyền gây trắc trở?
Mọi chuyện tưởng là sẽ diễn ra suông sẻ theo kế hoạch nói trên, nhưng vấn đề nhân quyền đã phần nào gây rắc rối cho tiến trình phê chuẩn. Vào tháng 09/2018, 32 nghị viên của Nghị Viện Châu Âu đã ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng của họ về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Cụ thể, họ yêu cầu Hà Nội phải thông qua các công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) và thả một số tù chính trị. Áp lực lên Việt Nam càng gia tăng sau khi vào tháng 11/2018, Nghị Viện Châu Âu thông qua một bản nghị quyết khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Theo trang mạng EUROPARL của Nghị Viện Châu Âu, trong cuộc điều trần vào tháng 10 năm 2018, do Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu tổ chức, đại diện của nhà nước Việt Nam cho biết là Hà Nội đã có kế hoạch phê chuẩn 3 công ước cơ bản của ILO và đang tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Lao động, với dự kiến là luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay. EUROPARL nêu rõ quan điểm của Nghị Viện Châu Âu: không có dấu hiệu gì cho thấy là nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt đàn áp chính trị, vì các vụ bắt bớ và kết án tù những nhà hoạt động vẫn tiếp diễn. Những mối quan ngại về nhân quyền có thể khiến Nghị Viện Châu Âu đình hoãn việc phê chuẩn, thậm chí từ chối phê chuẩn hiệp định EVFTA.
Trong một video đăng trên mạng Twitter vào tháng 01/2019, hai nghị sĩ thành viên Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu thông báo là Hội Đồng Âu Châu đã hoãn lại việc phê chuẩn dự thảo hiệp định với “lý do kỹ thuật”. Nhưng trong video này, nghị sĩ Ramon Tremosa yêu cầu là “nhân quyền phải được tuân thủ” trong hiệp định thương mại với Việt Nam. Còn nữ nghị sĩ Jude Kirton-Darling khẳng định là vẫn còn trở ngại lớn cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại, đó là nhân quyền.
Lịch trình quá sát sao
Thật ra thì hơn cả vấn đề nhân quyền, có lẽ chính vấn đề lịch trình đã gây chậm trễ cho EVFTA, vì trong lúc này, châu Âu đang bước vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 5 tới, cho nên các nghị sĩ đương nhiệm khó mà tập trung tư tưởng vào tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA. Ấy là chưa kể ưu tiên của các nghị sĩ châu Âu hiện nay chính là vấn đề Brexit, còn những hồ sơ như EVFTA đã trở thành thứ yếu.
Lo ngại trước khả năng hiệp định gặp trắc trở, vào đầu tháng 3 vừa qua, với tư cách đặc phái viên của thủ tướng [CSVN] Nguyễn Xuân Phúc, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang một số nước châu Âu để thúc đẩy việc ký kết hiệp định EVFTA. Theo thông tin của bộ Ngoại Giao Việt Nam, khi đến Pháp, ông Sơn đã đề nghị Paris cùng các cơ quan Liên Hiệp Châu Âu “thúc đẩy việc sớm ký, phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA trong nhiệm kỳ này của Nghị viện Châu Âu, để nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích mà các Hiệp định có thể đem lại”.
Cũng theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam, phía Pháp đã hứa “sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để thúc đẩy tiến trình này”.
Khi phái đoàn của ông Bùi Thanh Sơn đến Bucarest, ngày 06/03, ông Teodor Melescanu, ngoại trưởng của Rumani, với tư cách quốc gia hiện nắm chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, cũng đã hứa là thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng hai hiệp định về thương mại và đầu tư.
Nhưng đó vẫn là một lời hứa, vì theo lịch trình tạm thời của Rumani với tư cách chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định EVFTA cùng với hiệp định bảo hộ đầu tư IPA trong cuộc họp Hội Đồng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu kỳ tới ở Bruxelles vào ngày 28/05, tức là sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 23-26/5.
Chỉ sau khi các nước thành viên đồng ý, Liên Hiệp Châu Âu mới có thể chính thức ký các hiệp định này với Việt Nam và chỉ từ lúc đó mới có thể tiến hành phê chuẩn ở Nghị Viện Châu Âu, tức là trình lên nghị viện mới. Mà nghị viện mới thì phải mất một thời gian để bầu bán, sắp xếp nhân sự lãnh đạo trước khi thật sự bắt tay vào việc vào tháng 7/2019, rồi sau đó lại đến kỳ nghỉ hè. Như vậy là phải đến sớm nhất là cuối năm 2019, thậm chí sang năm 2020 hy vọng hiệp định EVFTA mới được phê chuẩn xong để đưa vào thực hiện.
Tác động của sự chậm trễ
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, sự chậm trễ trong việc phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và IPA sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư đối với Việt Nam:
“Liên Minh Châu Âu EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cho nên nếu như thuế suất được giảm, rồi thì các điều kiện minh bạch hơn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng cao hơn. Hiệp định càng bị chậm ngày nào thì càng bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và làm cho tăng trưởng không đạt được tốc độ mong muốn.
Nếu hiệp định đó càng bị trì hoãn hơn nữa thì Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường xuất khẩu. Tôi hy vọng là Việt Nam sẽ cố gắng tránh lại bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu, ví dụ như Trung Quốc. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là nền kinh tế thứ hai thế giới, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các sản phẩm khác của Việt Nam.
Còn nếu mà Hiệp định Bảo hộ Đầu tư IPA bị chậm trễ thì điều này sẽ có tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, trong khi đây là một dòng vốn đầu tư có tầm quan trọng, vì nó không những tạo công ăn việc làm, tăng vốn, mà còn mang theo một số công nghệ có ích cho nền kinh tế Việt Nam”.
Hiện giờ cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Việt Nam đều chưa có tuyên bố chính thức gì về sự chậm trễ nói trên. Ngày 24/01 vừa qua, khi được hỏi về tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ cho biết là hai bên “tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai”.