Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ? – Hiểm hoạ da vàng
Hai cuộc thế chiến, chiến tranh lạnh, khủng hoảng Balkan làm tan vỡ Nam Tư cũ đã vô tình biến châu Âu trong một thời gian dài thành “chiếc rốn” của lịch sử địa chính trị trong quan điểm của giới chuyên gia và lãnh đạo chính trị. Xung khắc Mỹ-Trung ngày càng không giấu giếm, với Donald Trump ở Nhà Trắng, với tham vọng bá chủ của Bắc Kinh tại Biển Đông, chính sách hạt nhân “đường ta, ta đi”” của Bình Nhưỡng là những điềm báo trước căng thẳng sẽ leo thang giữa hai đại cường.
Phải chăng thời hoàng kim của da trắng đã chấm dứt nhường chỗ “tự nhiên” cho châu Á da vàng? Chương trình Địa Chính Trị của RFI tiếng Pháp cố gắng trả lời câu hỏi này. Tạp chí Tiêu Điểm xin tóm lược những ý chính của ba sử gia thế kỷ 20.
Phần I: Thảm họa da vàng
Tranh chấp biên giới Trung-Ấn nóng lên trong những tuần qua gợi nhớ cuộc chiến đẫm máu năm 1962, vào lúc chiến tranh lạnh phân chia địa cầu.Trong hậu bán thế kỷ 20, châu Á chỉ đứng một cách khiêm nhường trên bàn cờ quốc tế, mặc dù vẫn hiện hữu, phát triển và góp phần cho sự phồn vinh của châu Âu.
Có thật châu Á bị lãng quên và vì sao?
Pierre Grosser, sử gia, giáo sư đại học chính trị Paris , tác giả “L’histoire du monde se fait en Asie – Lịch sử thế giới làm nên từ Châu Á”“:
Đúng là trong một thời gian dài, trong sách vở giảng dạy về lịch sử thế giới, phần châu Á được xếp riêng một góc. Trong khi đó, lịch sử châu Âu được chỗ trung tâm và quan trọng.
Từ thập niên 1950, khi đế quốc Anh suy yếu dần thì châu Á, là phần lớn lãnh thổ thuộc địa Anh, mới được quan tâm nhiều hơn .
Trên thực tế , thời Nga Hoàng, binh sĩ Nga cũng đã có mặt ở châu Á và có nhiều quyền lợi ở Á châu. Rồi đến Hoa Kỳ, song song với chiến lược phát triển ảnh hưởng ở châu Mỹ La tinh, Washington cũng bành trướng sang phần thứ nhì của địa cầu là châu Á với căn cứ quân sự thiết lập tại Philippines từ năm 1898.
Do vậy, không thể nói là gần đây, vai trò châu Á mới được xem là quan trọng. Châu Á luôn có vị trí của mình trên bàn cờ thế giới. Không phải đến bây giờ châu Á mới được gắn liền vào các vấn đề quốc tế khác. Đừng quên là nhiều vấn đề trên thế giới khởi nguồn từ châu Á như vụ khủng hoảng ở Mãn Châu và Thế Chiến Thứ Nhất, Thứ Hai.
Rồi khủng hoảng Cuba giữa Mỹ và Liên Xô nổ ra trong thập niên 1960. Vụ khủng hoảng hoả tiễn này làm thế giới quên đi một cuộc xung đột khác cùng lúc xảy ra tại châu Á: cuộc chiến đẫm máu ở biên giới Ấn Độ và Trung Cộng, năm 1962.
Hiện nay, tình hình căng thẳng giữa hai nước khổng lồ này làm chúng ta nhớ lại chiến tranh 1962 và khủng hoảng Cuba, cả hai vụ xảy ra cùng thời gian.
Philip Golub, giáo sư quan hệ quốc tế , Đại Học Mỹ Université Américaine de Paris, tác giả quyển sách ““East Asia’s reemergence and global systemic change – Hiện tượng Đông Á tái trỗi dậy và hệ thống toàn cầu thay đổi” giải thích:
Viễn Đông luôn có một vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử đương đại, các nước như Trung Cộng, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có một cơ sở kinh tế vững chắc và nổi trội. Sau một thời gian dài bị đô hộ nên mờ nhạt, giờ đây khu vực này đã nổi lên. Trung Cộng đang phục hồi vị thế tự nhiên, tái lập quân bình thời hoàng kim của thế kỷ 16.
Giờ đây Tây Phương có nhu cầu nhìn lại các thế kỷ trước để tìm hiểu vì sao Trung Cộng muốn trỗi dậy, phục hồi chỗ đứng trên trường quốc tế. Nhìn lại để thấy gì qua sự ““ôn cố tri tân“?
Hugues Tertrais, sử gia, đại học Paris I, tác giả quyển sách “L’Asie pacifique au 20ème siècle – Châu Á Thái Bình Dương trong thế kỷ 20“:
Châu Á đóng một vai trò nổi bật trong quan hệ quốc tế, định đoạt cán cân quân bình trong tương quan lực lượng. Một số quyết định của Á châu tác động đến sinh hoạt của toàn trái đất. Chẳng hạn như khi Trung Cộng theo đường lối đổi mới kinh tế, phát động vào năm 1979. Tới bây giờ thì không ai phủ nhận tác động của chính sách này đối với thế giới ra sao. Do vậy, châu Á không phải là ngoại ô của Tây phương. Tây phương phải thay đổi cách nhìn. Châu Âu không phải là trung tâm của vũ trụ.
“Hiểm họa da vàng”
Khi Trung Hoa lật qua trang sử Thanh Triều phong kiến, có người cho rằng Trung Hoa nỗ lực canh tân đất nước không có lợi, mà chỉ có hại cho Tây phương. Do đâu mà ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã có một số tác giả ở xem sự trỗi dậy của châu Á, lúc đầu là Trung Hoa, và sau đó là Nhật Bản, khi một hạm đội của Nga Hoàng bị Nhật Bản đánh chìm ở eo biển Đối Mã Tsushima năm 1905, là mối nguy cho Tây Phương?
Pierre Grosser: “Hiểm họa da vàng”, từ dân số cho đến kinh tế, được sáng tạo ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các cường quốc Tây Phương lúc bấy giờ như Đức, Nga, Mỹ đều sử dụng khái niệm này khi nhìn về châu Á. Đó là về mặt địa chính trị.
Về “hiểm họa dân số da vàng” thì Hoa Kỳ, Canada và Úc thời đó có luật di trú kỳ thị dân Á châu. Rồi trong suốt thế kỷ 20, Nhật Bản bị xem là đối tượng đe dọa Tây phương vì doanh nghiệp Phù Tang sử dụng nhân công Trung Hoa giá rẻ, chế tạo hàng hóa cạnh tranh tràn ngập làm các nền kinh tế châu Âu bị suy yếu.
Do vậy, cái chủ đề “hiểm họa da vàng” không phải là mới cho dù nó được khai thác trở đi trở lại tùy theo tình huống. Chẳng hạn như khi Nhật Bản tung ra chính sách Đông Á , đưa quân xâm lăng Á châu trong thập niên 1930. Rồi đến thập niên 1980 khi trở thành đại cường kinh tế, Nhật làm nhiều người lo sợ, nhưng cũng có người mong muốn Nhật giành chỗ đứng số một của Mỹ. Nhưng rõ ràng là Tokyo có chính sách năng động thu mua các công ty Mỹ . Tại Pháp, lúc đó cũng có mối lo này. Chúng ta không quên lời tuyên bố bất hủ của thủ tướng Edith Cresson (gọi Nhật là đàn kiến).
Do vậy, một trong những ưu tư của Tây phương là sợ bị đẩy ra khỏi châu Á, sợ Liên Xô sử dụng vùng thuộc địa cũ của Tây phương để loại Tây phương khỏi khu vực.
Tây phương từ thế lực thuộc địa đô hộ châu Á e rằng trong một sớm một chiều bị Liên Xô dùng chiêu bài “kỳ thị ngược”, qua cuộc chiến tranh Đông Dương, chẳng hạn, để khuyến khích dân da vàng đuổi dân da trắng.
Trong thời kỳ hai khối tư bản và cộng sản đối đầu, chiến tranh lạnh có võ trang tại châu Âu nhưng lại nóng ở châu Á với hai cuộc chiến:Triều Tiên và Việt Nam. Cùng thời gian, Hoa Kỳ viện trợ tái thiết châu Âu qua chương trình Marshall. Nhờ kế hoạch viện trợ này mà Tây Âu biến thành thị trường số một nhập khẩu hàng hóa Mỹ, cùng lúc trao đổi thương mại giữa Mỹ và châu Á cũng tăng vọt: “Á châu là thị trường thứ hai của Hoa Kỳ. Từ 1947 đến 1962, trong vòng 15 năm, kim ngạch xuất khẩu mang về cho Mỹ lên đến 18 tỷ đôla, tức khoảng 200 tỷ đôla tính theo thời giá hiện nay”, theo số liệu của Philip Golub.
Trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ có một chiến lược trợ giúp các đồng minh từ những nước nghèo hoặc đang phát triển trở thành những nền kinh tế kỹ nghệ hóa cho dù đó là những chế độ thiếu dân chủ. Không riêng gì Đài Loan, Hàn Quốc mà Nhật Bản, bị chiến tranh và bị bom nguyên tử của Mỹ tàn phá, cũng được trợ giúp triệt để để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cả khu vực châu Á Thái Bình Dương từ từ hưng thịnh phồn vinh. Trong bối cảnh này, Trung Cộng của Đặng Tiểu Bình vội bỏ chính sách khép kín, tìm cách hội nhập vào con tàu khu vực mà không ai ở Tây phương dự kiến:
H Tertrais: Vấn đề là không ai thấy Trung Cộng từ phía sau vượt lên chứ không phải là Nhật hay Liên Xô. Cũng trong thập niên 1980 và 1990, ngay tại Pháp, tôi không nói tên người đó, đã tuyên bố: Trung Cộng không thể nào vực dậy nền kinh tế của họ được.
Dĩ nhiên, tôi đồng ý là kinh tế châu Á phồn vinh như ngày nay, không phải là nhờ Trung Cộng mà do đầu máy xe lửa là Nhật Bản từ trước. Cho dù gần đây, Trung Cộng đã leo lên con tàu tăng trưởng thì đoàn tàu hỏa này không phải là của Trung Cộng, mà là của Nhật. Nhưng khi Trung Cộng leo lên rồi thì tình hình đổi khác. Dân số khổng lồ cả tỷ người làm bàn cờ phải thay đổi. Theo dự phóng của nhiều ngân hàng Tây phương thì vào đầu thập niên 2050, trên bảng xếp hạng các đại cường kinh tế thì bốn nước đứng đầu thế giới là Trung Cộng, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nói cách khác, châu Á vẫn đứng đầu.
Dù bị xem nhẹ hay được đánh giá cao và thậm chí đánh giá… sót, châu Á vẫn là châu Á, với lịch sử hàng ngàn năm nhưng không ổn định như châu Âu hay châu Mỹ.
Thế cân bằng hiện nay hoàn toàn đặt trên một loạt mối quan hệ song phương: quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ Mỹ-Nhật, quan hệ Trung-Nhật, quan hệ Trung-Nga, quan hệ Nga-Mỹ, quan hệ Nam Bắc Hàn…, nhưng châu Á không có một cơ sở liên kết toàn diện như Liên Hiệp Châu Âu. Đã vậy các mối quan hệ song phương kể trên lại rất nhập nhằng. Ai biết Mỹ và Trung Cộng là bạn hàng hay kẻ thù? Seoul và Bình Nhưỡng là anh em hay thù địch? Thù địch với nhau nhưng khi đối diện với Nhật thì sao?
Bản chất của từng nước cũng khó biết. Nhật là “Thái Dương hay Tà Dương”? Trung Cộng là cộng sản hay tư bản, tham vọng cấp vùng hay muốn thống lĩnh toàn cầu? Nói như Lưu Hiểu Ba, ngay “sự ổn định của chế độ Trung Cộng cũng là một nghi vấn“, nói chi đến ổn định khu vực.
Tú Anh