Hậu duệ nhà chí sĩ Phan Bội Châu chế tàu ngầm cứu nước…
Kỹ sư Phan Bội Trân, cháu nội nhà cách mạng Phan Bội Châu (người phát khởi Phong Trào Đông Du, chủ tịch danh dự Việt Nam Quốc Dân Đảng) hiện đang có công trình chế tạo tàu ngầm cứu nước. Trong những năm 1970, ông Trân du học tại Pháp về hóa học, composite và nhựa kỹ thuật. Sau đó, ông ở lại làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng. Ks về Việt Nam, mở hãng thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em…
“Theo ông Phan Bội Trân, cả vỏ tàu và ống tiềm vọng của tàu ngầm Yết Kiêu đều làm từ vật liệu composite trong suốt với sóng điện từ.”
Với khát vọng chế tạo một khí tài đủ mạnh để góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, kỹ sư Phan Bội Trân đã dùng tiền thừa kế của mình âm thầm đầu tư nghiên cứu trong một thời gian dài.
Và tàu ngầm Yết Kiêu, chiếc tàu ngầm đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo đã ra đời. Kỹ sư Phan Bội Trân. Cùng với đó là ý kiến phân tích của một số chuyên gia về dự án tàu ngầm Yết Kiêu.
“Cấu tạo tàu ngầm đơn giản lắm“
Hỏi: Xuất phát từ ý tưởng nào, ông đã quyết tâm chế tạo tàu ngầm với những điều kiện ở Việt Nam, thưa ông?
Ks Phan Bội Trân: Tôi nghiên cứu về tàu ngầm với mục tiêu để phục vụ quốc phòng. Lúc tôi ở bên Pháp, tôi đã làm nghề đó và bây giờ mình ứng dụng. Thực tế, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm được ra tàu ngầm nhưng điều đó không cho họ sức mạnh.
Tôi nghĩ rất nhiều và suy nghĩ về lịch sử: Muốn hùng mạnh thì khi giao chiến mình không bị tiêu hao lực lượng. Từ đó, tôi mới nghĩ ra vũ khí và tổ hợp khí tài khiến mình khó bị tiêu hao lực lượng.
Tiền thừa kế của tôi có thể giúp tôi chế tạo được một tổ hợp khí tài đủ mạnh. Và nếu chỉ có tàu ngầm thì sẽ chẳng làm được gì cả nên tôi thiết kế cả ngư lôi.
Ngư lôi của tôi là loại đặc chủng, không giống bất kỳ loại nào. Khi tôi làm xong, trên cơ sở đó, Nhà nước có thể sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ks Phan Bội Trân là hậu duệ của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.
Hỏi : Như đã có lần ông chia sẻ với báo giới rằng, vấn đề khi ông chế tạo tàu ngầm không phải nằm ở khả năng chế tạo thành công mà ở chỗ chế tạo với điều kiện Việt Nam.
Nhưng với nhiều người, nhắc đến tàu ngầm là nhắc tới một thứ vũ khí gì đó rất hiện đại và khó có thể tin được điều kiện kinh tế của Việt Nam có thể cho phép chúng ta chế tạo được nhiều tàu ngầm. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng này?
Ks Phan Bội Trân: (Cười). Cấu tạo chiếc tàu ngầm thì đơn giản lắm. Thứ nhất, nó có dạng hình trụ hoặc dạng hình cầu. Đó là hai dạng có khả năng chịu áp suất rất tốt.
Thứ hai, nó có những bồn nước và có những kỹ thuật đặc thù của ngành composite để sản xuất bồn nước bằng composite.
Ngoài ra, các nguyên lý khác cũng rất dễ hiểu. Nếu bơm nước vào, làm giảm lực Archimede (tức lực đẩy của nước nâng vật thể khi vật thể được nhúng trong chất lỏng) thì nó sẽ lặn xuống, còn bơm nước ra làm tăng lực Archimede thì nó sẽ nổi lên.
Còn những chiếc van để xả nước hoặc bơm nước thì bạn nhìn trong nhà bếp, những chiếc van nước như thế nào thì những chiếc van trong tàu ngầm cũng tương tự như thế.
Ngoài vỏ tàu ta có thể chế tạo dễ dàng, về động cơ, đó là loại động cơ dành riêng cho tàu ngầm, không giống những loại động cơ bình thường.
Trước đây động cơ phải nhập từ nước ngoài nhưng hiện nay, sau khi đã mua bản quyền từ Pháp, chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất được. Điều này có thể giúp chúng ta chủ động nguồn cung cấp động cơ hơn.
Chiếc tàu ngầm đó chạy bằng động cơ điện 3 pha. Nhưng dòng điện ba pha này được lấy từ dòng một chiều qua một dụng cụ thiết bị có thể điều chỉnh được cường độ, tần số.
Loại động cơ này cho phép tiết kiệm 30% năng lượng so với các loại động cơ khác nên nó cho phép tàu hoạt động trong thời gian dài hơn.
Còn về bảng điều khiển, tàu ngầm có 2 hệ thống điều khiển. Phần điều khiển động cơ thì chúng ta đã mua bản quyền và sản xuất được rồi. Còn hệ thống điều khiển chiếc tàu ngầm, chúng ta cũng đã thiết kế và sản xuất được.
Về vũ khí của tàu ngầm là ngư lôi, cái đó cũng do chúng ta sản xuất hoàn toàn nhưng phải theo quy định của Nhà nước.
Chiếc tàu ngầm của tôi có thể đứng yên một chỗ và quay được 1 vòng theo trục thẳng đứng, chạy tới chạy lui lúc nổi cũng như lúc lặn. Nó có thể chạy được 50 hải lý/giờ và đó là điều không tưởng với 1 chiếc tàu ngầm.
Tàu ngầm tàng hình và chạy nhanh hơn tàu khu trục
Hỏi: Ks có nói là chiếc tàu ngầm Yết Kiêu của ông có khả năng “tàng hình”. Những điểm đặc biệt nào khiến chiếc tàu ngầm do ông tạo ra có khả năng thoát các phương tiện chống ngầm, thưa ông?
Ks Phan Bội Trân: Trên mỗi chiếc tàu chống ngầm sẽ có một chiếc trực thăng và chiếc trực thăng đó bay lên thẳng. Chiếc trực thăng đó có thể đi xa và thả phao. Những chiếc phao đó là những chiếc máy ghi âm.
Tuy nhiên, về chiếc tàu ngầm của tôi, vật liệu được sử dụng làm vỏ tàu là vật liệu composite với nền nhựa và cốt là sợi thủy tinh.
Sợi thủy tinh trong suốt với radar và cũng trong suốt với ánh sáng. Còn nhựa là vật liệu trong suốt với radar. Vì vậy, sự kết hợp chúng thành vật liệu composite để làm vỏ tàu sẽ làm cho tàu gần như trong suốt.
Với ưu điểm là nhẹ nên tàu ngầm của tôi chạy với tốc độ khoảng 50 hải lý/giờ hơn một chiếc tàu khu trục. Đó là lợi điểm nhất định của tàu chiến.
Ngay cả ống tiềm vọng cũng làm từ vật liệu composite với thành phần như vỏ. Loại vật liệu này không bức xạ lại sóng điện từ nên radar của đối thủ sẽ không phát hiện được.
Về khả năng tàng hình, nếu là tàu mặt nước, ưu điểm từ vỏ tàu không thể làm cho nó tàng hình được theo đúng nghĩa bởi vật liệu composite gần như trong suốt với sóng điện từ nhưng khi sóng điện từ từ radar của đối phương truyền qua vỏ tàu, nó sẽ chạm lại động cơ.
Mà động cơ làm bằng kim loại nên nó không thể tự “tàng hình” được. Ngoài ra những hệ thống điều khiển và các thiết bị khác trên tàu ngầm cũng không có khả năng tự tàng hình.
Vì thế, để tàu nổi trở nên “tàng hình” thì người chế tạo phải sơn 1 lớp sơn kim loại lên vỏ tàu để khi tia radar truyền đến thì lớp sơn này có tác dụng là đánh chệch hướng tia radar phản xạ, khiến cho radar không nhận được tia phản hồi. Như vậy nó sẽ “tàng hình” với radar.
Tuy nhiên, do tàu ngầm nằm sâu trong nước nên tàu ngầm không cần phải sơn lớp sơn đó. Nước lại là áo giáp không cho các tia radar tới. Nó chỉ bị phát hiện bởi ống tiềm vọng và tháp của tàu vì ở các loại tàu ngầm khác, ống tiềm vọng và tháp tàu được làm bằng kim loại.
Ở chiếc tàu ngầm của tôi, ống tiềm vọng và cả tháp tàu đều được làm bằng vật liệu composite nên nỗi lo đó đã được loại bỏ. Chính vì vậy tôi chỉ nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chứ không chế tạo tàu trên bề mặt nước.
Và với 2 ưu điểm là lớp vỏ bằng composite cùng với tốc độ lớn nên khả năng thoát tàu chống ngầm của tàu ngầm do tôi tạo ra sẽ lớn hơn các loại tàu ngầm khác.
Hỏi: Ngoài ưu điểm trên, tàu ngầm do ông tạo ra còn có ưu điểm nào nổi bật, thưa ông?
Ks Phan Bội Trân: Còn một lợi ích rất lớn là lợi ích về kinh tế. Nếu vỏ tàu được chế tạo bằng vật liệu composite thì ưu điểm này sẽ cho phép chúng ta có thể tạo ra được rất nhiều tàu ngầm chỉ với chi phí nhỏ.
Chỉ với 10.000 USD là mình có thể làm được vỏ tàu cho một hạm đội rồi. Trong khi đó, 10.000 USD so với giá trị của 1 chiếc tàu ngầm Kilo thì không đáng kể.
Bên cạnh đó còn kỹ nghệ vũ khí ngư lôi cũng chạy nhanh hơn ngư lôi của đối thủ và loại này bắn không phải dạng đục lỗ mà là loại ngư lôi có thể bắn gẫy đôi đối thủ.
Ngoài ra còn có những loại vũ khí khác… Vũ khí này được điều khiển và đuổi bám tấn công đối thủ tùy theo hướng của xạ thủ.
Ks Trân ước tính, chỉ với 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD) là đủ để chế tạo một tổ hợp khí tài đánh chìm được một chiếc tàu khu trục có giá cả trăm triệu USD.
Ks Phan Bội Trân chia sẻ rằng, khi ông công bố dự định chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam, mọi người đều cho đó là chuyện hoang đường. Ngay cả vợ ông cũng nghĩ ông “đang gặp vấn đề gì đó trong đầu, não bộ hình như không ổn”. Nhưng ông vẫn quyết tâm đổ tiền thừa kế vào việc làm tàu ngầm…
Hỏi: Lý do nào khiến ông quyết định sử dụng vật liệu composite làm vỏ tàu, thưa ông?
Ks Phan Bội Trân: Ở bên Pháp, người ta cũng đã chế tạo tàu ngầm bằng vật liệu composite rồi. Và trong nhiều chiếc tàu ngầm hiện nay đều có vật liệu composite nhưng người ta không tiết lộ ra.
Hơn nữa, thế mạnh của tôi là làm trong ngành composite trong khoảng 35 năm nay. Và chỉ có composite mới cho phép mình làm tàu ngầm tàng hình. Composite còn cho phép mình chế tạo tàu ngầm dễ hơn trong điều kiện của Việt Nam và có thể sản xuất hàng loạt.
Nguyên tắc của tàu ngầm từ xưa đến nay là đánh du kích nên hướng của tôi là tàu ngầm không lặn sâu.
Tôi chỉ lợi dụng nước che cho mình nhưng không lặn sâu bởi nếu lặn sâu thì khi đó mình trong tư thế bỏ trốn. Và khi trong thế bỏ trốn, mình sẽ không có hướng tấn công nữa nên tôi chỉ cho nó lặn khoảng 4m.
Thực tế, chỉ nằm dưới nước 1mm thì nó đã tàng hình, nhưng mình phải tính điều kiện của mặt biển nữa nên độ sâu 4m đủ để chiếc tàu không bị phát hiện. Khi biển lặng thì như vậy, còn khi biển động thì mình không tấn công được.
Loại tàu ngầm mới hiện nay có phần gia cố vỏ nằm bên ngoài chứ không nằm bên trong. Thường tàu ngầm của Đức, vỏ tàu bằng thép và bên trong có bộ xương để chịu áp suất, hai bên là hai bồn nước.
Còn tàu hiện nay, với lớp vỏ được chế tạo từ vật liệu composite thì xương nằm bên ngoài, lớp ngoài cùng là một lớp vỏ mỏng dùng để che xương và giảm độ cản nước của bộ xương tàu.
Hỏi: Ks có nói về việc trong thời gian tới, ông sẽ dành số tiền thừa kế mà mình nhận được để chế tạo một tổ hợp khí tài. Xin ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?
Ks Phan Bội Trân: Thừa kế của tôi rất lớn. Với số tiền sau khi nhận hết thừa kế, tôi và mấy đứa con tôi sống đến cuối đời không hết.
Phần thừa kế của tôi gồm 2 phần, sau khi bán phần đầu thì tôi có thể đầu tư vào việc chế tạo một tổ hợp khí tài khoảng 2 tỷ để làm một chiếc tàu ngầm 6m, hai quả ngư lôi và hệ thống modul thứ 3. Thuốc nổ thì hải quân sẽ cung cấp.
Chiếc tàu ngầm 6m và 2 quả ngư lôi giống như một loại vũ khí để tấn công. Còn modul thứ 3 là để hỗ trợ về mặt hậu cần.
Hỏi: Hỏi: Xin ông có thể nói rõ hơn về vai trò của hệ thống modul thứ 3 này?
Ks Phan Bội Trân: Hệ thống modul này cho phép chiếc tàu ngầm tác chiến cách căn cứ mẹ khoảng 1.000km. Chiếc tàu ngầm 6m thì chỉ chạy ra được 30-40km thôi chứ không thể chạy dài được. Và khi xảy ra sự cố thì cũng không ai biết là xảy ra sự cố ở đâu.
Ngoài ra, với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Việt Nam thì một chiếc tàu ngầm 6m sẽ chẳng thể đủ khả năng. Vì vậy, hệ thống modul này rất quan trọng, nó chẳng khác nào một chiếc tàu ngầm.
Hỏi: Chế tạo được tàu ngầm rồi, nhưng khó khăn lớn nhất đối với ông hiện nay là gì?
Ks Phan Bội Trân: Điều quan trọng nhất trong việc chế tạo tàu ngầm của tôi là giá thành. Nó quá rẻ. Thường thì trong cả thực tế lẫn tâm lý, rẻ không đi liền với mạnh nhưng tàu ngầm của tôi lại có được 2 yếu tố: Rẻ và mạnh.
Hạm đội tàu ngầm của mình khi hoàn thiện thì sẽ ngang với Hạm đội 7 của Mỹ. Đó là điểm tối ưu đột phá nhưng cũng là trở ngại của mình bởi hầu như không có ai tin trừ ông Lê Kế Lâm.
Nếu chế tạo được rồi thì rất cần được Nhà nước cho bắn thử. Tuy nhiên, đối tượng để thử không thể là một chiếc tàu vận tải hay một chiếc tàu cũ bởi các tàu đó không phải là các tàu chiến. Phải là một chiếc tàu chiến lớp Gepard.
Đó là dấu hỏi chưa được trả lời. Nếu bỏ một chiếc tàu chiến lớp Gepard mà có được một hạm đội mạnh vượt bậc thì tôi tin là nên bỏ.
Hỏi: Hỏi: Ngoài nỗi lo đó ra, ông còn nỗi lo nào khác trong quá trình biến ước mơ thành hiện thực?
Ks Phan Bội Trân: Ngoài khó khăn về việc thử nghiệm khả năng chiến đấu trong thực tiễn của tàu ngầm, tôi còn một nỗi lo khác. Đó là sự e ngại của nhiều thủy thủ trong việc chạy tàu ngầm.
Nếu xảy ra sự cố thì sao?
Tôi có thể khẳng định rằng chiếc tàu ngầm của tôi có kỹ thuật thoát hiểm cho thủy thủ, tức là nếu chiếc tàu ngầm đang lặn thì tôi vẫn có kỹ thuật để giúp thủy thủ chui ra được.
Người phương Tây có câu: Cái quan trọng không phải là đánh thắng một trận đánh mà cái quan trọng là đánh thắng một cuộc chiến. Những nghiên cứu của tôi cho phép đánh thắng được những trận đánh mà chưa cho phép đánh thắng được một cuộc chiến.
Với tổ hợp khí tài của tôi, nếu qua giai đoạn 2 (được nhà nước cho phép), nếu mình tiêu diệt được chiếc tàu chiến thử nghiệm trong vòng 3 phút thì mình sẽ thắng được tất cả các trận đánh hải quân.
Trong chiến đấu, tôi không tính đánh trong 1 ngày mà chỉ trong vòng 180 giây kể từ khi phát hiện, mục tiêu sẽ biến mất khỏi màn hình radar.
Những điều này có thể thực hiện được bởi số tiền dùng cho việc chế tạo khí tài này không lớn.
Số tiền 2 tỷ đồng (khoảng 100.000 USD) không phải là nhỏ nhưng với nhiều đại gia thì chẳng phải là lớn, sẽ đủ để chế tạo một tổ hợp khí tài đánh chìm được một chiếc tàu khu trục có giá cả trăm triệu USD.
Nguồn Internet: Phóng viên trong nước