Hành quân Lam Sơn Hạ Lào 719

Cựu Đại tá VNCH Hoàng Tích Thông, từng là lữ đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến, cựu Phó Tư Lệnh sư đoàn 2 Bộ Binh. Người hùng chỉ huy lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến giải tỏa thành phố Huế trong biến cố tết Mậu Thân năm 1968. Chỉ Huy Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến hành quân qua Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Anh Hoàng Tích thông tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng thế hệ 1945, chiến đấu trong Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ tại miền Bắc, lưu vong sang Trung Hoa rồi di cư vào Nam sau năm 1954. Nay dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn cùng với anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà. Hiện đồng chí Hoàng Tích Thông (bí danh Hoàng Quý Minh) giữ đảng vụ Chủ Tịch Hội Đồng Pháp Quy VNQDĐ. Dưới đây là bài viết về cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của Quân Lực VNCH năm 1971 do anh chỉ huy lữ đoàn 147 TQLC/VNCH (viết của người tham gia cuộc chiến) 

Hành quân Lam Sơn 719

Hoàng Tích Thông

I. Tình hình chung

Sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân của Việt cộng tức Mặt trận Giải phóng miền Nam với sự hiệp lực của quân đội Cộng sản Bắc Việt vào một số thành phố của miền Nam Việt Nam,…trong đó có thành phố Huế và thủ đô Sài Gòn. Trong những ngày đầu, vì sự chủ quan khinh địch của quân dân miền Nam, tin vào thiện ý của Việt cộng tôn trọng lệnh ngưng bắn trong mấy ngày Tết, cũng như sự yếu kém của các cơ quan tình báo nên địch đã xâm nhập được một vài địa phận. Vài ngày sau thì lực lượng Việt Nam Cộng Hòa phản công và dần dần đẩy lui địch ra khỏi các thành phố, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề từ địa phương quân đến chủ lực quân. Nhờ đó tình hình chiến sự trên khắp chiến trường miền Nam từ vĩ tuyến 17 lên cao nguyên, xuống tận Cà Mâu…trở nên yên tĩnh, dù cũng có những cuộc đụng độ nho nhỏ không đáng kể. Các cuộc hành quân của ta tại vùng 4 Chiến thuật, dần dần đẩy lui chủ lực Việt cộng, kể cả quân Bắc Việt ra khỏi lãnh thổ. Chúng đã phải rút sang biên giới Cambodia và Lào để ẩn náu. Các đơn vị địa phương và du kích Việt cộng không còn sự hổ trợ chủ lực nên cũng mất dần ảnh hưởng.

Do sự thắng thế trên chiến trường, cùng với tình hình thuận lợi vì chính quyền Sihanouk thân Cộng đã bị Tướng Lon-Nol lật đổ. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với sự đồng ý của Cambodia, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 và 4 đã mở cuộc hành quân vuợt biên giới đánh phá các căn cứ trú quân và hậu cần của Việt cộng. Gây cho địch nhiều thiệt hại về người và tiếp vận, khiến chúng phải rút chạy lên phía Bắc, giáp ranh với Lào. Kết quả là tình hình an ninh của miền Nam Việt Nam ngày càng thêm củng cố. Tinh thần chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lên rất cao và tin tưởng nhiều vào sự chiến thắng cuối cùng. Song song với đà chiến thắng, với chủ trương “Việt Nam hóa” chiến tranh, chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa một số lớn khí cụ chiến tranh khá hiện đại, nên các đơn vị được trang bị khá đầy đủ để đối đầu với quân Cộng sản Bắc Việt được Trung Cộng và Liên Sô giúp đỡ.. Do đó Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục mở cuộc hành quân sang Hạ Lào, khu vực mà Pathet Lào (Cộng sản) chiếm lĩnh, nhưng trên thực tế thì quân đội Cộng Sản Bắc Việt thiết lập căn cứ tiếp vận, cũng như đầu mối chuyển quân và vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Đánh chiếm được mục tiêu này thì con đường chiến lược Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn bị cắt đứt, và các lực lượng hoạt động ở miền Nam vĩ tuyến 17 sẽ dần dần bị tiêu diệt và tan rã, vì không còn được hổ trợ và tiếp tế nữa.

II. Tình hình địa thế – thời tiết và dân cư trong khu vực hành quân Lam Sơn 719

Sơ đồ hành quân Lam Sơn 719-lực lượng csVN và VNCH

Khu vực hành quân được mở rộng và kéo dài từ Khe Sanh (núi Koroc) nằm trên ranh giới Việt Lào, tới tận thị trấn Tchépone nằm sâu trong lãnh thổ Hạ Lào khoảng 30 đến 40 cây số. Trung tâm khu vực hành quân là quốc lộ 9, bắt đầu từ thị trấn Đông Hà nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị Nam Việt Nam đến thị trấn Tchépone. Song song với quốc lộ 9 là một con suối không rộng lắm, hai bên quốc lộ là núi đồi rậm rạp, đặc biệt là các rừng tre gai. Cao độ từ 150 đến 500 thước tính từ mặt biển. Qua khỏi biên giới, dãy núi Koroc chạy dài từ Bắc xuống Nam, trừ một khoảng trống quốc lộ 9 băng qua, đó cũng là cửa ải kiểm soát sự qua lại giữa hai bên.

Với địa thế như vậy, việc chuyển quân bằng đường bộ rất hạn chế và khó khăn. Tất cả đều bị lệ thuộc vào quốc lộ 9 mà hai bên lại là đồi núi cao, rất dễ bị phục kích tấn công. Còn bộ binh cũng vậy, phải di chuyển trên những địa thế khó khăn, lúc cao lúc thấp, nhất là băng qua các rừng tre gai rậm rạp, rất khó quan sát và điều quân. Nói tóm lại, đây là một địa thế bất lợi cho đơn vị tấn công, dù cho có chiến xa, không quân và pháo binh yểm trợ. Hơn nữa, địa thế khu vực hành quân quen thuộc với địch, hoàn toàn xa lạ với binh sĩ ta, cộng thêm yếu tố tâm lý là phải chiến đấu ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 được khai diễn vào tháng 2/1971, nên thời tiết rất tốt cho cả 2 bên lãnh thổ Việt-Lào. Cái lạnh tê buốt và mưa day dứt của những ngày Tết âm lịch hầu như đã chấm dứt, đã giúp một phần lớn cho cuộc tiến công. Địa thế không còn lầy lội, trơn trợt nên việc dùng xe hay đi bộ cũng dễ dàng hơn. Nhất là vấn đề không trợ và tiếp tế, không bị thời tiết cản trở.

Về dân cư sinh sống trong vùng thì hầu như rất ít, phần lớn là người Thượng. Họ tập trung thành những buôn nhỏ ở dưới chân hay lưng chừng các đồi cao. Khi cuộc hành quân mở màn thì họ tản cư vào sâu trong lãnh thổ Lào để tránh tai vạ, nên vấn đề yểm trợ hỏa lực của không quân cũng như pháo binh đã không gặp trở ngại nào. Như vậy trong vùng hành quân chỉ còn 2 lực lượng thù địch quyết chiến để đạt cho bằng được mục tiêu đã đề ra.

III. Tình hình địch trong khu vực hành quân

Trước khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 được khai diễn, tin tức tình báo ghi nhận là có sự hiện diện thường trực của các đơn vị tiếp vận hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh. Đặc biệt là khu vực Bản Đông, nằm ở gần khoảng giữa Khe Sanh Tà Bạt (ranh giới)và Tchépone, kế cận quốc lộ 9, nơi tiếp chuyển vũ khí đạn dược lương thực vào Nam. Ngoài lực lượng nói trên, còn có một sư đoàn chính quy Bắc Việt hoạt động trong vùng. Một sư đoàn khác trú đóng ở phía Bắc giáp ranh Bắc Việt, đơn vị này có khả năng di chuyển vào vùng hành quân nội trong 24 tiếng đồng hồ. Ở mục tiêu hành quân là thị trấn Tchépone thì chưa có đơn vị nào hiện diện được ghi nhận. Thị trấn bị tàn phá nặng nề sau bao năm chiến tranh giữa phe quốc gia Lào và Pathet Cộng sản, cũng như bị oanh kích bởi không quân Hoa Kỳ nhằm ngăn trở sự hoạt động của địch trên đường mòn Hồ Chí Minh. Ta cũng không ghi nhận được một dấu vết nào về hệ thống phòng ngự của địch. Chúng áp dụng hoàn toàn chiến thuật cơ động theo nhu cầu tình hình chứ không lệ thuộc vào vùng đất chiếm giữ. Nói tóm lại, tin tức thâu lượm được cho tới khi cuộc hành quân khai diễn rất lờ mờ, không chính xác.

IV. Tình hình tại vùng I – Quân đoàn I 

Những ngày tháng trước khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 tiến hành, tình hình an ninh của vùng I cũng như toàn quốc tương đối yên tĩnh, không có đụng độ lớn nào đáng kể. Các đơn vị ở trong tình trạng dưỡng quân và huấn luyện. Theo chủ trương chiến lược của Tổng thống phủ và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cuộc hành quân sang Hạ Lào được giao phó cho Quân đoàn I, vùng tiếp giáp với mục tiêu ấn định. Ngoài lực lượng cơ hữu của Quân đoàn I, còn có các lực lượng tổng trừ bị của Bộ tổng Tham mưu.

Quân đoàn I là một đơn vị bao gồm 2 Sư đoàn 1 và 2 tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, được các binh chủng khác như Biệt Động quân, Thiết giáp, Pháo binh, Không quân và Truyền tin hổ trợ rất đắc lực. Trong quá khứ đã thu đạt nhiều chiến công. Bộ chỉ huy Sư đoàn I Bộ binh đóng tại đồn Mang Cá (thành nội Huế), hoạt động từ Nam vĩ tuyến 17 đến Bắc đèo Hải Vân. Bộ chỉ huy Sư đoàn 2 đóng tại căn cứ Chu Lai (tỉnh Quảng Tín), phụ trách từ Nam đèo Hải Vân tới đèo Bình Đê thuộc quận Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi).

Cuộc hành quân được chuẩn bị một hai tháng trước khi khởi sự, có nghĩa là trước Tết âm lịch. Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 

Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn I di chuyển từ Đà Nẵng ra căn cứ Đông Hà, địa điểm đóng quân trước kia của quân đội Hoa Kỳ cùng với các bộ phận yểm trợ và tiếp vận. Thiết lập kho tiếp vận, tiếp nhận các đơn vị tăng phái từ Sài Gòn ra. Tổ chức các cuộc hành quân giả tạo để đánh lạc hướng mục tiêu của cuộc hành quân. Xây dựng Bộ tư lệnh Quân đoàn hành quân tại Khe Sanh.

Giai đoạn 2 

Bộ tư lệnh Quân Đoàn I và các đơn vị tham chiến, kể cả các đơn vị yểm trợ và tiếp vận, di chuyển tới vùng tập trung là Khe Sanh.

V. Chuẩn Bị 

Giai đoạn 1 

Lữ Đoàn 147 TQLC – VNCH

Đầu tháng 2/1971, tức sau Tết âm lịch, Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy, gồm có 3 Tiểu đoàn tác chiến: 2, 4 và 5, một Đại đội Viễn thám A và một Tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, (Tiểu đoàn 2 do Thiếu tá Phúc chỉ huy, Tiểu đoàn 4 Thiếu tá Kỉnh và Tiểu đoàn 5 Trung tá Nhã, Tiểu đoàn Pháo binh Thiếu tá Đạt và Đại đội Viễn thám A Đại úy Hiển) được tăng phái cho Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I.

Lữ đoàn được không vận bằng máy bay C.130 từ Tân Sơn Nhất tới sân bay Đông Hà trong hai ngày. Tới nơi, Lữ đoàn được phối trí tạm thời ở phía Đông và Nam căn cứ Đông Hà, chuẩn bị đợi lệnh hành quân. Khi đó thời tiết vẫn còn khá lạnh và mưa phùn, bầu trời ảm đạm, mây mờ bao phủ, rất khó quan sát và hạn chế hoạt động của Không quân. Tuy nhiên bầu không khí chuẩn bị cho cuộc hành quân tại thị trấn Đông Hà không kém phần nhộn nhịp. Xe cộ lui tới suốt ngày đêm, tiếng rú của động cơ máy bay vang rền không ngớt. Có lẽ từ ngày khởi sự chiến tranh ở miền Nam cho đến lúc đó, chưa có lần hành quân nào được chuẩn bị ồn ào như vậy. Để đánh lạc hướng mục tiêu, Bộ tư lệnh Sư đoàn đã chỉ thị cho Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến mở một cuộc diễn tập vuợt sông, có các xuồng đổ bộ M2 trợ lực, băng ngang sông Đông Hà. Sau đó một Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến khác di chuyển ra Cửa Việt làm như sẵn sàng xuống tàu đổ bộ. Mục đích là để tình báo địch tưởng ta sắp vượt vĩ tuyến 17 đổ bộ lên miền Bắc. Sự việc này có làm địch đánh giá sai lầm hay không thì sau khi cuộc hành quân mở màn được ít ngày ta đã biết: địch tiếp chiến một cách mạnh mẽ, không có gì là bất ngờ cả.

Giai đoạn 2 

Vài ngày trước khi cuộc hành quân bắt đầu, Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến cùng một số đơn vị khác được lệnh di chuyển bằng quân xa lên Khe Sanh, sau khi nghỉ lại một đêm tại thung lũng Ba Lòng. Khí hậu và thời tiết tại Khe Sanh và lãnh thổ Lào tương đối tốt. Quang cảnh tại khu vực tập trung thật tấp nập, quân số tham chiến có thể tới 20 ngàn người. Tình hình an ninh yên tĩnh, không một phản ứng nào của địch, kể cả việc pháo kích vào khu vực trú quân. Nơi đây đã từng là bãi chiến trường giữa quân đội Cộng sản Bắc Việt và một Trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, có sự hiện diện của một Tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa. Trận đánh này được địch rêu rao như một trận Điện Biên Phủ thứ 2, nhưng kết cục đã thảm bại trước tinh thần chiến đấu cũng như hỏa lực hùng hậu của quân đội Hoa Kỳ.

Trước ngày N, giờ G một ngày, Bộ tư lệnh tiền phương Quân Đoàn I, dưới sự chủ tọa của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và cố vấn Mỹ, một buổi họp được triệu tập tại căn cứ Hàm Nghi (Bộ tư lệnh Quân Đoàn I), Các chỉ huy đơn vị tham chiến và yểm trợ cùng Bộ tham mưu Quân Đoàn I đều hiện diện đông đủ. Về phía Quân Đoàn I có Sư đoàn 1 Bộ binh chỉ huy bởi Thiếu tướng Phạm Văn Phú và các Trung đoàn trưởng. Lực lượng tổng trừ bị có Sư đoàn Dù với 3 Lữ đoàn tác chiến do Trung tướng Dư Quốc Đống chỉ huy: Lữ đoàn 1 do Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn 2 Đại tá Nguyễn Quốc Lịch và Lữ đoàn 3 Đại tá Thọ. Cùng với Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến do Đại tá Hoàng Tích Thông chỉ huy. Lữ đoàn 1 Biệt Động Quân của Đại tá Hiệp và Liên đoàn 1 Thiết Giáp của Đại tá Luật. Ngoài các thành phần thuộc quân binh chủng Việt Nam Cộng Hòa còn có các cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh các đơn vị, các sĩ quan đại diện Không quân Hoa Kỳ vì cuộc hành quân có sự Không trợ và Không vận của Mỹ. Kể từ năm 1970, sau khi kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh được thi hành, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân từ từ ra khỏi miền Nam Việt Nam và không còn những hoạt động quy mô của các lực lượng tác chiến nữa mà chỉ xử dụng Không quân đánh phá các mục tiêu cần thiết như đường mòn Hồ Chí Minh chẳng hạn hay tiếp trợ cho Không quân Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Do đó cuộc hành quân sang Cambodia đầu năm 1970 cũng như cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã không có sự hiện diện của Bộ binh Hoa Kỳ mà chỉ có yểm trợ về Không quân và các cố vấn Mỹ bên cạnh các đơn vị tham chiến cũng được lệnh không tháp tùng theo.

Trong buổi họp này, cũng như mọi cuộc hành quân khác, phòng 2 của Bộ Tham mưu Quân Đoàn I thuyết trình một lần chót trước khi cuộc hành quân khai diễn. Tin tức về không ảnh cũng như kỹ thuật không ghi nhận một hoạt động nào của địch trong vùng, một sự im lặng hoàn toàn nhưng chứa đầy sóng gió trong những ngày sắp tới. Từ các Tư lệnh Sư đoàn cho tới các cấp chỉ huy thống thuộc đều không chủ quan khinh địch theo như tin tức đã phổ biến. Tất cả đều hiểu rằng mục tiêu của cuộc hành quân này rất quan trọng, nếu thi hành được suông sẻ thì mọi hoạt động của lực lượng Cộng sản ở miền Nam Việt Nam coi như bị tê liệt. Không thể để dao cắt đứt cổ họng mình nên địch tất nhiên phải phản ứng. Còn chuyện đánh lớn hay đánh nhỏ là tùy vào kế hoạch phòng ngự và lực lượng của địch. Với cảm nghĩ như vậy nên các đơn vị đã chuẩn bị cho chiến trường khá đầy đủ, kể cả mặt tinh thần lẫn vật chất. Không có một cuộc hành quân nào làm cho các đơn vị trưởng phải suy nghĩ nhiều đến như vậy. Trái lại khi hành quân vượt biên giới sang Cambodia thì từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều phấn khởi, không e dè thắc mắc gì cả, tiến quân như nước vỡ bờ, không gì cản nổi.

VI. Diễn tiến hành quân

Theo như chủ trương, kế hoạch hành quân của Tổng thống phủ và Bộ Tổng tham mưu đề ra vào ngày N lúc 8 giờ sáng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài phát thanh và truyền hình tuyên bố mục đích và lý do cùng ra lệnh xuất phát cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Danh xưng được xử dụng là vì cuộc hành quân diễn ra năm 1971 trên quốc lộ 9 nối liền Khe Sanh và thị trấn Tchépone hạ Lào.

1. Nhiệm vụ 

Quân Đoàn I là mở cuộc hành quân đánh chiếm khu vực hạ Lào nằm trên quốc lộ 9 từ biên giới Lào Việt tới thị trấn Tchépone, tiêu diệt lực lượng địch trong vùng kể cả việc phá hủy các kho hàng tiếp vận và kiểm soát ngăn chận mọi sự xâm nhập từ phía Bắc xuống Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh.

2. Quan niệm hành quân

Quân Đoàn I xử dụng các đơn vị cơ hữu, cũng như các đơn vị tăng phái và yểm trợ để tiến vào vùng hành quân bằng không vận và đường bộ. Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 

Trực thăng vận đổ quân xuống các cao địa ở phía Bắc và Nam quốc lộ 9, giới hạn bởi Bản Đông nằm giữa trục tấn công từ biên giới đến Tchépone. Thiết lập căn cứ hỏa lực, đồng thời mở các cuộc hành quân lục soát. Các đơn vị thiết giáp và yểm trợ, cùng Công binh chiến đấu di chuyển bằng đường bộ với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù. Thiết lập căn cứ hỏa lực để chuẩn bị cho giai đoạn 2. Xử dụng tối đa không trợ kể cả pháo đài bay B.52 để oanh kích các mục tiêu khả nghi có sự hoạt động của địch.

Giai đoạn 2

Tiến chiếm mục tiêu Tchépone bằng trực thăng và đường bộ. Thiết lập căn cứ hỏa lực, hành quân lục soát và bảo vệ chặt chẽ quốc lộ 9, đường tiếp tế chính yếu cho các đơn vị tham chiến. Thời gian cuộc hành quân tùy thuộc tình hình diễn biến.

3. Thi hành kế hoạch 

Giai đoạn 1

1. Sư đoàn 1. Quân Đoàn I: một Trung đoàn được trực thăng vận xuống cao điểm 150 ở phía Nam quốc lộ 9 chừng 5 cây số. Thiết lập căn cứ hỏa lực và hoạt động xa về phía Tây, Tây Bắc để hổ tương yểm trợ cho cánh quân trên quốc lộ 9. Một trung đoàn khác được trực thăng vận xuống các cao địa ở phía Đông Nam cao điểm 150. Thiết lập căn cứ hỏa lực và hoạt động ngăn chận các lực lượng địch từ phía Nam tiến lên.

2. Sư đoàn Nhảy Dù: Bộ tư lệnh đặt bản doanh tại phía Tây căn cứ Hàm Nghi, trên quốc lộ 9 cách biên giới khoảng 5 cây số. Xử dụng một Lữ đoàn cùng với một lữ đoàn Thiết giáp vượt tuyến xuất phát tiến chiến ngã ba Bản Đông trên quốc lộ 9, thiết lập căn cứ hỏa lực. Hai lực lượng này (đặc nhiệm) làm nổ lực chính của trục tiến quân. Hoạt động lục soát trong vùng, hổ tương yểm trợ các đơn vị hoạt động ở phía Bắc và Nam. Tiếp tục tiến quân khi có lệnh, một Tiểu đoàn và Bộ chỉ huy Lữ đoàn được trực thăng vận xuống các cao điểm ở phía Bắc quốc lộ 9 (Bản Đông) khoảng 9-10 cây số. Một Tiểu đoàn khác ở phía Đông Nam thiết lập căn cứ hỏa lực, hoạt động bảo vệ và yểm trợ sườn Bắc của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Thiết Giáp trên quốc lộ 9. Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và Liên đoàn 1 Biệt Động Quân ở phía Bắc, tiếp tục tiến quân khi có lệnh.

3. Liên đoàn 1 Biệt Động Quân: di chuyển đến các cao địa nằm trên biên giới Việt Lào (Phú Lộc), ở phía Bắc quốc lộ 9. Sau đó xử dụng 2 Tiểu đoàn, trực thăng vận xuống 2 cao điểm ở phía Đông Bắc Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Hoạt động lục soát trong khu vực chiếm đóng và tiếp tục hành quân khi có lệnh.

4. Lữ đoàn 1 Thiết Giáp: vuợt tuyến xuất phát (cũng là ranh giới Việt Lào) cùng với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, tiến chiếm Bản Đông. Phối hợp yểm trợ Lữ đoàn 1 Nhảy Dù phòng ngự căn cứ hỏa lực A Lưới cũng như hoạt động trong vùng, sẵn sàng yểm trợ cánh quân ở phía Bắc cũng như hành quân tiếp.

5. Bộ chỉ huy Pháo binh Quân đoàn: phối hợp, điều động các đơn vị Pháo binh để thiết lập một mạng lưới hỏa lực yểm trợ bao vây khu vực hành quân của Quân đoàn, và hệ thống tiếp tế đạn dược Pháo binh thật hữu hiệu và kịp thời.

6. Trừ bị của Quân đoàn: gồm Lữ đoàn 2 Nhảy Dù, Trung đoàn 2/Sư đoàn 1 Bộ binh và Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến hoạt động quanh khu vực đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân đoàn và sẵn sàng di chuyển khi có lệnh.

Giai đoạn 2

Sau khi hoàn thành các căn cứ hỏa lực và kiểm soát được khu vực hành quân thì khởi đầu đánh chiếm mục tiêu Tchépone. Đội hình tấn công không thay đổi với hỏa lực yểm trợ của: Không quân Hoa Kỳ kể cả pháo đài bay B.52 từ phi trường phía Bắc Thái Lan, Không quân Việt Nam Cộng Hòa và Pháo binh cơ hữu của các Sư đoàn và Lữ đoàn.

Theo đúng kế hoạch hành quân của Quân đoàn, lúc 8 giờ sáng ngày 8/2/1971 sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh xuất phát trên đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cùng với Lữ đoàn 1 Thiết Giáp tiến chiếm khu vực Bản Đông của giai đoạn 1, nằm kế cận quốc lộ 9. Tiếp theo là Lữ đoàn 3 Dù xuống các cao độ ở phía Bắc Bản Đông mang danh căn cứ 30 và 31.

Trung đoàn 1/Sư đoàn 1 Bộ binh được trực thăng vận xuống các cao địa ở phía Nam quốc lộ 9.

Trung đoàn 3/Sư đoàn 1 trực thăng vận xuống phía Đông Nam của cao địa 150 (căn cứ Delta).

Liên đoàn 1 Biệt Động Quân có 2 Tiểu đoàn được trực thăng vận xuống các cao địa ở cực Bắc vùng hành quân.

Chuẩn Tướng Phạm Văn Phú đang chỉ huy Sư Đoàn I hành quân Lam Sơn 719, tuẫn tiết 30/04/1975

Cuộc đổ quân hoàn tất và không gặp một sức kháng cự nào của địch. Các đơn vị nhanh chóng thiết lập các căn cứ hỏa lực (có Công binh chiến đấu phụ lực) để yểm trợ cho các lực lượng hoạt động ở bên ngoài. Không thám và tình báo kỹ thuật đã ghi nhận những di chuyển của địch từ hướng Bắc vào khu vực hành quân. Các phi vụ oanh kích vào các điểm nghi ngờ đã bắt đầu khởi sự. Ít ngày sau thì 2 vị trí của Liên đoàn 1 Biệt Động Quân bị pháo kích liên tiếp, kể cả pháo tầm xa 130 ly. Các đơn vị tiền phong của địch đã tiến gần ngoại vi phòng thủ của Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân, vào đụng độ lẻ tẻ đã bắt đầu. Pháo binh của Bộ chỉ huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân bố trí tại ranh giới Lào Việt (Phú Lộc) bắn yểm trợ ngày đêm. Chủ lực địch đã áp sát vào vị trí phòng sự của Tiểu đoàn Biệt Động Quân, trong khi đó thì Tiểu đoàn 21 Biệt Động bố trí ở phía Nam cũng bị pháo uy hiếp, ngăn không cho đơn vị này tiến lên tăng cường. Cuộc tấn công của địch có sự hổ trợ của chiến xa đã diễn ra ác liệt, gây nhiều tử vong cho cả 2 bên. Tuy vậy Tiểu đoàn 39 vẫn anh dũng chiến đấu cho tới khi đạn dược gần cạn. Cầm cự được một ngày một đêm thì hệ thống phòng thủ bị tràn ngập, Tiểu đoàn phải rút về phía Nam, nơi Tiểu đoàn 21 Biệt Động đang đóng quân. Chiếm được căn cứ này, địch mở đường tiến xuống phía Nam và Tây Nam uy hiếp Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân và Lữ đoàn 3 Nhảy Dù.

Lính Nhảy Dù VNCH bắt sống xe tăng T-54 của VC

Trước sự tiến quân của địch, Lữ đoàn 3 đã được không quân yểm trợ oanh kích tối đa ngày đêm, kể cả B.52. Mặc dù bị thiệt hại địch vẫn ào ạt tiến tới căn cứ hỏa lực 31 của Lữ đoàn 3 Dù với hàng loạt pháo xa và gần bắn vào căn cứ. Dù đã biết trước và phòng thủ kiên cố nhưng trước sự liều mạng của địch, sau vài ngày chiến đấu kiên cường Lữ đoàn 3 Dù đã cùng chung số phận với Tiểu đoàn Biệt Động Quân. Bộ chỉ huy Lữ đoàn bị tràn ngập, Đại tá Thọ Lữ đoàn trưởng bị bắt, số còn lại tháo chạy về phía Nam hướng căn cứ hỏa lực 30 do Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đóng giữ. Trong khi tấn công Bộ chỉ huy Lữ đoàn 3 Nhảy Dù thì địch cũng không ngớt pháo kích vào căn cứ 30 và căn cứ A Lưới của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Lữ đoàn 1 Thiết Giáp nên 2 lực lượng này không thực hiện được sự cầu viện của đơn vị bạn được. Hơn nữa địa thế rất khó khăn cho cơ giới di chuyển.

Một sự thể đáng nói là trong khi địch xử dụng chiến xa hạng nặng T.54 thì Lữ đoàn Thiết Giáp chỉ có một chi đoàn chiến xa M.41, còn lại là các chi đoàn Thiết vận xa, không đủ sức để đương đầu với địch. Hơn nữa, vì không thông hiểu rõ địa thế trong vùng hành quân nên đánh giá sai về hoạt động thiết giáp của địch. Đến khi sự thể xảy ra thì Bộ tư lệnh Quân đoàn mới vội vã điều động thêm một Chi đoàn chiến xa sang tăng cường, nhưng cũng chỉ hoạt động ven quốc lộ 9 mà thôi.

Sự kiện thứ hai là phòng không của địch khá mạnh nên mọi cuộc Không trợ, tiếp tế và tải thương đã bị ngăn trở rất nhiều. Các binh sĩ bị thương đã nhiều ngày mà trực thăng không thể đáp xuống được, tiếp tế đạn dược cũng vậy phải thả dù trên cao xuống. Vì vậy mà tinh thần chiến đấu của binh sĩ ta bị xuống thấp. Trong lúc không trợ, có một máy bay Hoa Kỳ bị bắn rớt nên mọi hoạt động không trợ đã ngừng lại để tiếp cứu chiếc máy bay bị nạn, địch nhờ vậy mà tấn công ta càng hiệu quả hơn.

Sau khi chiếm được căn cứ 31, địch hướng mũi dùi tới căn cứ 30 nơi một Tiểu đoàn Dù chiếm cứ, nhưng khác với địa thế của căn cứ 31, Tiểu đoàn 2 Dù đóng trên một chỗ khá cao, chỉ có một hướng Đông Bắc là địch có thể tấn công được, còn các mặt khác thì độ dốc gần như thẳng đứng. Do địa thế như vậy, lại được bố trí phòng thủ kiên cố nên mọi cuộc tấn công của địch đều bị bẻ gãy, đồng thời gây cho địch thiệt hại đáng kể. Trước tinh thần chiến đấu kiên trì của quân sĩ ta cho nên chúng không còn liều mạng như trước nữa, mà chỉ còn xử dụng pháo để uy hiếp và bao vây đợi thời cơ thuận lợi. Được gần một tuần lể cố thủ vì thiếu thốn mọi thứ, thương binh không di tản được, các hầm đạn, công sự chiến đấu và các khẩu pháo gần như bị phá hủy bởi pháo địch, nên Tiểu đoàn Dù đã phải rời căn cứ trong đêm tối để lui về khu vực của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đóng tại căn cứ hỏa lực A-Lưới.

Con đường huyết mạch từ Bản Đông về tới biên giới Lào Việt đã xữ dụng được trong những ngày đầu, thì sau khi căn cứ 30 và 31 Cộng quân đã len lỏi tới gần quốc lộ 9 đóng chốt gây trở ngại cho mọi di chuyển tiếp tế và tải thương. Địch cũng đã bị thiệt hại nặng nề khi tấn chiếm 2 căn cứ 30 và 31 nên cũng tạm ngưng hoạt động để cũng cố lại lực lượng, chỉ còn xữ dụng pháo để quấy phá và cho các đơn vị nhỏ đột kích vào các vị trí tiền đồn để cầm chân các lực lượng ta không hoạt động ra ngoài được. Ngoài ra địch cũng e chừng lực lượng Thiết giáp của ta bằng cách dùng pháo để gây thiệt hại trước khi tái tấn công, đồng thời uy hiếp tinh thần chiến đấu của binh sĩ bố phòng trong căn cứ.

Trong khi địch tấn công vào các lực lượng Biệt Động Quân và Nhảy Dù ở phía Bắc thì tại khu vực Đông Nam căn cứ Delta (cao địa 150) địch cũng xuất hiện ở khu vực của Trung đoàn 3 Bộ binh, sau đó uy hiếp, bao vây và tấn công khiến đơn vị này cầm cự không nổi, mặc dù cũng đã được không quân và pháo binh tận lực yểm trợ. Trung đoàn 3 Bộ binh sau đó phải rút về một khu vực an toàn hơn rồi được trực thăng bốc về Khe Sanh. Sự thiệt hại về người và vũ khí được coi như khá nặng, không kém gì các đơn vị ở mặt Bắc. Dĩ nhiên với lối tấn công biển người, không lý gì đến sinh mạng con người địch đã phải thiệt hại rất nhiều dưới hỏa lực không những cơ hữu mà còn của không quân chiến thuật và chiến lược B.52 nữa.

Trước tình hình diễn biến ác liệt của chiến trường, hết đơn vị này đến đơn vị khác của ta chịu trận, không sao tiếp ứng lẫn nhau, dù đã có lần (khi căn cứ 31 bị tấn công) Sư đoàn Dù đã cho đổ bộ vào trận địa để tiếp một Tiểu đoàn nhưng không sao đáp xuống bãi đáp được, vì hỏa lực phòng không của địch bắn lên quá mạnh khiến một vài trực thăng bị trúng đạn gây thêm tổn thất sinh mạng. Còn Bộ Tư lệnh Quân đoàn chỉ còn phản ứng bằng cách gia tăng yểm trợ về mặt không quân. Tuy rằng cũng có vài phi cơ Hoa Kỳ bị bắn rơi khi đang yểm trợ các căn cứ bị địch tấn công. Ngày cũng như đêm, tiếng bom nổ rền trong khu vực hành quân với mục đích làm tiêu hao các lực lượng địch trong vùng cũng như từ xa chuyển quân tới. Số đơn vị địch tham gia trận chiến không phải là 1 tới 2 Sư đoàn như ta dự đoán, mà có thể đã lên đến 4 hay 5 Sư đoàn kể cả Thiết giáp. Trong đó có một hai Sư đoàn rất thiện chiến của quân Cộng sản Bắc Việt như Sư đoàn 304 và 320 đã một thời tham chiến ở Điện Biên Phủ trước năm 1954.

Trong khi tình hình tạm lắng dịu, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I triệu tập một buổi họp tại căn cứ Đông Hà để duyệt xét về kế hoạch hành quân, có các cấp chỉ huy đại đơn vị tham dự. Về phía Thủy Quân Lục Chiến có thêm Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng từ Sài Gòn mới ra khi được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu điều động toàn bộ Sư đoàn ra tăng cường cho mặt trận. Sở dĩ Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh binh chủng không có mặt vì trục trặc về mặt hệ thống quân giai. Tướng Khang thâm niên cấp bậc hơn Tướng Lãm, Tư lệnh Quân Đoàn I, đây cũng là một lý do khiến cho việc chỉ huy giữa Bộ Tư lệnh Quân đoàn và các Tư lệnh Sư đoàn không được thống nhất lắm.

Về phương diện thông tin báo chí, đặc biệt là của nước ngoài, qua các thông tín viên chiến trường đã loan đi những tin tức rất bất lợi, khi địch tung ra cuộc tấn công và một vài thất bại của ta. Tệ hại hơn nữa là đài BBC còn phóng đại ra là quân ta đã tiến vào Tchépone trong khi cuộc tiến quân mới hoàn tất ở giai đoạn 1, có nghĩa là mới được nửa đường tới mục tiêu chính.

Trong buổi họp nói trên có cả sự tham dự của Đại tá Thọ, trưởng Phòng 3 Bộ Tổng tham mưu. Dĩ nhiên là đã có nhiều tranh luận đối nghịch nhau làm cho Tướng Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I kiêm chỉ huy cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhức đầu. Lúc đầu Bộ Tham mưu Quân Đoàn I đưa ra kế hoạch là xử dụng Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ quân xuống mục tiêu Tchépone, các đơn vị Nhảy Dù, Sư đoàn 1 Bộ binh và Thiết giáp tiếp ứng phía sau. Với kế hoạch này, Bộ Tham mưu Thủy Quân Lục Chiến xử dụng Lữ đoàn 147 đang giữ nhiệm vụ trừ bị cho Quân đoàn, lãnh ấn tiên phong. Sau đó sẽ đổ tiếp Lữ đoàn 258 do Đại tá Nguyễn Thành Trí chỉ huy, còn Lữ đoàn 369 của Đại tá Phạm Văn Chung làm trừ bị cho Sư đoàn bố trí tại phía Bắc căn cứ Hàm Nghi (Khe Sanh). Khi được ủy thác nhiệm vụ này, tôi đã có ngay ý nghĩ khôi hài là chuyến đi này không khác gì tráng sĩ Kinh Kha sang Tần diệt bạo chúa. Sở dĩ như vậy là vì trước đó, đài phát thanh của Cộng sản Bắc Việt đã rêu rao ngày đêm là sẽ biến Tchépone thành một Điện Biên Phủ thứ hai và sẵn sàng chờ đợi quân ta tiến vào. Cũng theo tin tức tình báo của Quân đoàn, thì địch đã biến Tchépone thành một mạng lưới pháo binh, hợp với các bãi mìn để bủa lên các đơn vị đổ quân xuống, và một hệ thống phòng không dày dặc để ngăn chận không cho không quân ta hoạt động yểm trợ.

Trước nhiệm vụ được giao phó có tính cách quyết định, ở vai trò một Lữ đoàn trưởng chỉ huy cả mấy ngàn quân sĩ, tôi cũng lo lắng nhiều vì đã biết rõ địch tình trong khu vực Lữ đoàn phải đổ quân xuống. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy hãnh diện một phần nào khi được thượng cấp tin tưởng mà giao phó trách nhiệm nặng nề đó. Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến khi đó bao gồm 3 Tiểu đoàn tác chiến chỉ huy bởi các sĩ quan đầy thành tích cũng như binh sĩ đầy gan dạ và kinh nghiệm chiến đấu. Tuy nhiên trước các tin tức từ mặt trận đưa về không được tốt đẹp lắm, không nhiều thì ít cũng đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu trước khi xung trận. Dù vậy với uy danh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, tất cả đã sẵn sàng buớc lên trực thăng thẳng tới mục tiêu ấn định.

Nhưng kế hoạch vào lúc chót đã được thay đổi vì có lệnh mới của Bộ Tổng Tham mưu. Thay vì Thủy Quân Lục Chiến làm nổ lực chính, thì nay Sư đoàn 1 Bộ binh làm nhiệm vụ đó. Theo sự tìm hiểu, thì sở dĩ đến phút chót phải thay đổi kế hoạch tấn công là vì Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 2 đơn vị Tổng trừ bị, thì Sư đoàn Dù đã bị thiệt hại nặng trong trận phản kích vừa qua. Nay xử dụng nốt Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến e rằng không tránh khỏi tổn thất như Sư đoàn Dù, vì địch đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp chiến. Dù sao kế hoạch thay đổi cũng hợp lý vì Sư đoàn 1 Bộ binh là đơn vị cơ hữu của Quân đoàn.

Trong kế hoạch mới Sư đoàn 1 sẽ xử dụng một Trung đoàn tăng cường để trực thăng vận vào mục tiêu ở phía Bắc quốc lộ 9. Lữ đoàn đặc nhiệm gồm Thiết giáp và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đảm trách tiến quân tiếp ứng mặt sau cho đơn vị ở mục tiêu Tchépone. ở phía Nam, tại cao địa 150 (căn cứ hỏa lực Delta) do Bộ chỉ huy Trung đoàn 1 và một Tiểu đoàn chiếm giữ, được thay thế bởi Lữ đoàn 147 để di chuyển tới một căn cứ hỏa lực khác ở phía Bắc để điều động các đơn vị cơ hữu tiến quân dọc theo phía Nam quốc lộ 9, sẵn sàng tiếp ứng cho đơn vị tại Tchépone.

Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến gồm 3 Lữ đoàn, bố trí Bộ chỉ huy tại phía Đông căn cứ Hàm Nghi. Lữ đoàn 147 được trực thăng vận tới căn cứ Delta để thay thế cho Trung đoàn 1 Bộ binh, điều động các Tiểu đoàn hoạt động xa về hướng Đông và Tây căn cứ để tiêu diệt địch và phá hủy các kho hàng tiếp vận ẩn dấu trong vùng. Lữ đoàn 258 được trực thăng vận xuống dãy núi Koroc nằm trên ranh giới Lào Việt chạy dài từ Lao Bảo (cửa ải) xuống phía Nam. Các Tiểu đoàn hoạt động ở phía Bắc núi Koroc sẵn sàng yểm trợ cho Lữ đoàn 147 ở phía Bắc. Lữ đoàn 369 đóng ở phía Bắc căn cứ Hàm Nghi làm thành phần trừ bị cho Sư đoàn.

Ít ngày sau thì 2 Lữ đoàn 147 và 258 được trực thăng vận xuống các địa điểm ấn định. Riêng 2 Tiểu đoàn 2 và 4 thuộc Lữ đoàn 147 được thả xuống phía Bắc và Đông Bắc của căn cứ Delta. Bộ chỉ huy Lữ đoàn, Tiểu đoàn 5 và một pháo đội hỗn hợp gồm 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly bố trí tại căn cứ. Sỡ dĩ chỉ đặt được 6 khẩu vì khu vực căn cứ không được rộng lắm. Hơn nữa vấn đề tiếp tế đạn dược rất khó khăn, nhất là vào những ngày cuối của cuộc hành quân trực thăng đã không đáp xuống được vì phòng không bắn lên rất rát. Kết quả cuộc đổ quân đã hoàn toàn vô sự.

Trong khi đó thì Trung đoàn 2 Bộ binh, đơn vị có nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu Tchépone đang chuẩn bị để lên đường. Theo như chỗ được biết thì việc tiến quân vào Tchépone là một việc chẳng đặng đừng, vì dư luận quốc tế đã tung tin từ trước là Quân đoàn đã vào Tchépone, nên không còn cách nào hơn là phải tiếp tục tiến hành giai đoạn 2 nhưng theo một kế hoạch linh động hơn, có nghĩa là Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 đã chỉ thị cho Trung đoàn 2 xử dụng 1 Tiểu đoàn được tăng cường quân số và có khả năng nhất để trực thăng vận vào mục tiêu Tchépone. Sau khi hoàn tất đổ quân, hoạt động một thời gian ngắn rồi rút ngay. Kế hoạch đã được thi hành sau khi pháo binh và không quân oanh kích ngày đêm kể cả B.52 thì Trung đoàn 2 được trực thăng đổ xuống mục tiêu an toàn, không có phản ứng nào của địch. Sự im lặng của địch là điều dễ hiểu vì bộ tham mưu của chúng không dại gì để cho các đơn vị của chúng ở ngay trong khu vực mục tiêu trước khi quân ta đổ quân xuống để hứng lấy bom đạn dọn bãi. Do đó địch đã bố trí các đơn vị ở ngoài xa mục tiêu rồi đợi cho quân ta đổ quân hết rồi mới ra lệnh cho các đơn vị tham chiến di chuyển vào khu vực mục tiêu theo như kế hoạch của chúng.

Cuộc đổ quân của Trung đoàn 2 đã hoàn tất trong ngày. Tình hình yên tĩnh cho tới khuya thì pháo địch bắt đầu tập trung bắn phá vào khu vực đóng quân của Trung đoàn 2. Theo như dự tính đơn vị này đã ra khỏi mục tiêu để tới bãi bốc dự trù để được trực thăng chở về hậu cứ vào ngày hôm sau. Địch đã tức tốc bủa quân tới cùng với hỏa lực pháo dọn đường đã làm cuộc rút quân gặp nhiều khó khăn vào lúc chót, và một số đã phải rút chạy về hướng Nhảy Dù. Trong khi địch tiến quân truy kích Trung đoàn 2 thì cùng lúc các đơn vị khác của chúng ở phía Nam quốc lộ 9 dùng pháo và bộ binh tấn công Trung đoàn 1 cũng như Nhảy Dù và Thiết Giáp. ở xa hơn về phía Nam, địch cũng bắt đầu phản kích lại các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến mà hai bên đã đụng độ từ những ngày trước ở phía Tây và Tây Nam căn cứ Delta.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, bom đạn liên hồi đổ xuống trận địa. Các cánh quân từ Bắc xuống Nam quốc lộ 9 đều bị pháo của địch uy hiếp, gây cho ta nhiều thiệt hại, việc tiếp tế và tải thương không còn thực hiện được nữa. Đánh nhau được vài ngày thì Trung đoàn 1 Bộ binh và Lữ đoàn đặc nhiệm (Nhảy Dù và Thiết Giáp) được lệnh rút về Khe Sanh. Việc rút quân này thật vô cùng khó khăn vì địch đã biết rõ ý định của ta nên càng ra sức tấn công. Dưới áp lực mạnh của địch, tinh thần chiến đấu của quân ta có chiều đi xuống, khiến các cấp chỉ huy rất khó điều động. Các trực thăng tới bốc quân không sao đáp nổi vì pháo và phòng không địch cũng như sự rối loạn của binh sĩ khi tranh nhau leo lên trực thăng đã là sự kiện để cho báo chí quốc tế tận tình khai thác.

Việc rút quân của cánh quân phía Bắc bằng đường bộ cũng không tránh khỏi thiệt hại trên suốt đoạn đường từ Bản Đông về tới Lao Bảo (ranh giới Lào Việt). Dẫu sao thì cuối cùng hai cánh quân Dù và Thiết Giáp cùng Trung đoàn 1 Bộ binh cũng đã rút về được hậu cứ với nhiều thiệt hại đáng kể. Điều đáng buồn là Trung đoàn 1 đã mất đi một sĩ quan ưu tú, Trung tá Lê Huấn đã hy sinh tại chiến trường.

Sau khi 2 cánh quân trên rời khỏi trận địa, địch dồn lực lượng uy hiếp tấn công Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đóng tại căn cứ Delta. Hai Tiểu đoàn 2 và 4 hoạt động xa về phía Tây sau nhiều ngày đụng độ đã phải rút về ngoại vi của căn cứ. Lữ đoàn đã được pháo từ Koroc (Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến) và không quân yểm trợ, bắn phá các đường tiến sát của địch, ngoài ra còn được pháo đài bay B.52 can thiệp tiếp cận một cách rất chính xác. Tuy vậy địch vẫn gan lì ẩn náu trong các hầm trú ẩn chống lại mọi cuộc tấn công của ta sau khi bom đạn chấm dứt. Cuộc chiến dằng co có chiều bất lợi cho Lữ đoàn vì vấn đề tiếp tế đạn dược và tải thương. Pháo của địch, kể cả súng không dật 75 ly của địch đặt ở các cao địa đối diện căn cứ đã bắn thẳng vào pháo đài chỉ huy của Bộ chỉ huy Lữ đoàn, khiến đường dây antenne bị cắt đứt, một vài hầm trú ẩn bị sập đổ, vị trí pháo cũng bị hư hại. Trong tình hình đó, Bộ chỉ huy Lữ đoàn điều động Tiểu đoàn 2 lui về trấn giữ ở phía Nam căn cứ (theo đường đỉnh mà địch có thể tiến tới được). Tiểu đoàn 4 rút về phía Đông Bắc dọn đường để khi cần Lữ đoàn sẽ rút về phía Đông (hướng của Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến). Bộ chỉ huy Lữ đoàn cũng có đề nghị Bộ tư lệnh Sư đoàn để cho toàn bộ đơn vị rút ra ngoài hoạt động vì không thể nằm trong căn cứ để hứng đạn pháo của địch. Nhưng đề nghị này đã không được áp dụng vì lệnh rút quân được ban ra vào buổi chiều cùng ngày. Một biến cố đã xảy ra vào rạng sáng ngày hôm sau, một Trung đội đặc công địch đã len lỏi qua phòng tuyến của Tiểu đoàn 5, đánh chiếm được một lô cốt án ngữ lối vào căn cứ ở phía Nam. Tuy nhiên địch cũng đã bị chặn lại và sau đó Tiểu đoàn 5 đã điều động một Đại đội tới giải tỏa, địch bị tử thương một số và đầu hàng số còn lại. Lấy khẩu cung thì được biết chúng thuộc một đơn vị của Sư đoàn 324 B có nhiệm vụ tiến đánh Lữ đoàn 147. Ngoài ra, lục soát trong người thì mỗi tên đều có một mãnh giấy ghi hàng chữ: “Quyết tâm tiêu diệt Lữ đoàn Trâu Điên”. Sau đó pháo địch ở phía Tây và Nam vẫn tiếp tục rót vào căn cứ và khu vực bố trí của Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến.

Về mặt Bắc, Tiểu đoàn 4 chỉ bị pháo nhẹ không đáng kể. Để chuẩn bị cho kế hoạch rút khỏi căn cứ, Bộ chỉ huy Lữ đoàn đã đặc phái Đại đội A Viễn thám của Đại úy Hiển lên đường tìm hiểu tình hình địch để quyết định con đường rút lui vào buổi tối. Nhưng rốt cuộc Đại đội này đã rơi vào vòng vây của địch, một số bị bắt có cả Đại đội trưởng nên Lữ đoàn đã không nhận được một báo cáo tin tức nào cả. Cuối cùng Bộ chỉ huy Lữ đoàn đã quyết định sẽ di chuyển lên khu vực của Tiểu đoàn 4 rồi băng qua đồi núi để tiến về hướng Đông. Kế hoạch rút quân được xếp đặt như sau: Tiểu đoàn 4 đi trước mở đường, sau đến Tiểu đoàn 5, Bộ chỉ huy Lữ đoàn và Pháo binh, Tiểu đoàn 2 đi đoạn hậu. Riêng bộ phận pháo binh thì các khẩu pháo đã bị phá hủy hay vứt bỏ các bộ phận cần thiết để không còn xử dụng lại được nữa. Điều ân hận nhất là đã không di tản được những binh sĩ bị tử thương vì trực thăng không đáp xuống được, đành phải để lại trong căn cứ. Các binh sĩ bị thương thì được các Tiểu đoàn cố gắng dìu đi.

Để cuộc rút quân được phần nào an toàn, Bộ tư lệnh Sư đoàn đã đề nghị với Quân đoàn cho B.52 can thiệp. Theo kế hoạch thì sau khi B.52 vừa dứt thả bom lúc 8 giờ tối thì Lữ đoàn ra khỏi căn cứ. Trước giờ ấn định, Tiểu đoàn 2 đã báo cáo nghe thấy tiếng động cơ và ánh đèn thấp thoáng ở xa về phía Nam. Sau đó 12 phi vụ B.52 đã thả bom xuống phía Nam căn cứ khoảng 1 hay 2 cây số và phía Đông, hướng rút của Tiểu đoàn 4. Lữ đoàn rời căn cứ sau khi bom vừa dứt , đi khỏi chừng một cây số thì đụng phải một tổ súng cối địch, sau một loạt súng địch đã bỏ chạy. Con đường rút quân quả là gian nan vì phải băng qua các đồi núi đầy tre gai và trời tối nên khó quan sát. Trong khi đó thì pháo binh của Lữ đoàn 258 bố trí trên đỉnh Koroc liên tục bắn phá vào căn cứ Delta và phía sau của Tiểu đoàn 147 để ngăn chận địch truy kích theo, đồng thời xen lẫn đạn chiếu sáng để soi đường, giúp cho việc lui quân được dễ dàng và đúng hướng. Ngoài sự yểm trợ liên tục về Pháo binh, Lữ đoàn 258 còn gửi Tiểu đoàn 3 của Trung tá Bảo tiến tới giao tiếp với Lữ đoàn 147. Qua một đêm di chuyển không ngừng, không có đụng độ nào với địch, có lẽ địa thế khó khăn cũng đã phần nào cả trở sự truy kích của địch và chúng cũng không nắm vững được tình hình của ta sau khi rời bỏ căn cứ hỏa lực Delta. Khoảng trưa ngày hôm sau thì Lữ đoàn gặp được Tiểu đoàn 3, tức thời liên lạc với Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến để gửi trực thăng đến bốc các thương binh về hậu cứ. Sau đó thì toàn bộ di chuyển về hướng Lữ đoàn 258, đi được một khoảng thì pháo địch bắn theo, nhưng không chính xác. Đến chiều tối Lữ đoàn tới một địa điểm kế chân núi Koroc, cũng là nơi tập trung để ngày hôm sau được trực thăng bốc về Khe Sanh. Gần nửa tháng hành quân trên đất hạ Lào, Lữ đoàn 147 đã về tới hậu cứ an toàn mà không gặp sự quấy phá nào của địch.

Tổng kết lại thì sự thiệt hại về nhân mạng kể cả mất tích không quá 10%, vũ khí cơ hữu được bảo toàn, chỉ mất 6 khẩu pháo (gồm 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly) không câu về được và một số binh sĩ tử thương phải để lại. Về tổn thất của địch, tất nhiên phải nặng nề qua các trận đụng độ cũng như pháo binh và không quân oanh kích, nhưng vì ta không làm chủ được chiến trường nên không kiểm nhận được. Khi rút khỏi căn cứ, một vài binh sĩ đã đề nghị Lữ đoàn thủ tiêu những cán binh Việt cộng mà ta đã bắt được, nhưng tôi không tán thành và để nguyên họ trong hầm trú ẩn. Không hiểu họ có tìm cách thoát ra ngoài được hay không, vì sau đó căn cứ đã bị pháo bắn phá và không quân dội bom tan nát.

Tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, tôi mới hay Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến là đơn vị cuối cùng rời khỏi Hạ Lào, sau Bộ chỉ huy Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Phú Lộc (ranh giới Lào Việt) ở phía Bắc quốc lộ 9. Những ngày sau, thỉnh thoảng pháo 130 ly của địch ở trên phần đất Hạ Lào đã bắn vào chung quanh căn cứ Hàm Nghi của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I nhưng không gây thiệt hại mấy. Sau đó thì từng đơn vị được di chuyển bằng quân xa về thị trấn Đông Hà, chấm dứt cuộc hành quân Lam Sơn 719.

Xem cuốn phim chiến trường Hành Quân Lam Sơn 719:

VII. Nhận định 

Sau hơn một tháng tham dự cuộc Hành quân Lam Sơn 719, vào đầu tháng 2 năm 1971, từ nhiệm vụ trừ bị của Quân đoàn trong giai đoạn 1, đến trực tiếp tham gia trận chiến ở trên đất Lào trong giai đoạn 2, tôi với tư cách Lữ đoàn trưởng có nhận xét như sau:

1. Về địa thế khu vực hành quân: Rất khác biệt với địa hình, địa vật ở trong lãnh thổ Việt Nam, có chăng thì chỉ có vùng cao nguyên Pleiku, Kontum là tương tự phần nào. Tại Hạ Lào, chỉ có một con đường duy nhất là quốc lộ 9 chạy xuyên qua trung tâm khu vực hành quân mà 2 bên thì đồi núi chập chùng, khó bề điều động thiết giáp và dễ làm mồi cho các cuộc phục kích của đối phương. Việc di chuyển ở rừng núi lại khó khăn vì cây cối rậm rạm, nhất là ở phía Nam, khu vực hoạt động của Trung đoàn 1 Bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến, đầy tre gai. Đây là một địa thế hoàn toàn bất lợi cho các lực lượng tấn công, không điều quân được rộng, phải lệ thuộc ít nhiều vào các đường mòn, khó quan sát đôi khi mất hướng, có thể đưa tới ngộ nhận bắn lầm nhau. Không xử dụng hữu hiệu được pháo binh và không quân nên không đúng với mục tiêu mong muốn, đôi khi còn bị tác xạ và oanh kích lầm. Địa thế cũng ảnh hưởng đến vấn đề tiếp vận, tải thương vì hoàn toàn trông cậy vào trực thăng, ngoại trừ các đơn vị hoạt động kế cận quốc lộ 9. Do khó khăn di chuyển vì địa thế, lại phải trang bị nặng để có thể chiến đấu lâu dài, vô hình chung đã hạn chế sự mau lẹ và làm binh sĩ mau mất sức. Nói chung tất cả đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân sĩ khá nhiều. Trong khi đó, thì địa thế lại ít ảnh hưởng đến địch, vì chúng đã sống và hoạt động thường xuyên trong khu vực này, biết rõ tường tận đường đi nước bước, nên tiến lui dễ dàng mau lẹ. Địch quân lại trang bị nhẹ nhàng, không cồng kềnh phức tạp như ta. Kết luận địa thế là một yếu tố quan trọng không kém trong sự thắng bại, chứng minh là trong cuộc hành quân vượt biên giới sang Cambodia năm 1970, địa thế trống trải ở đó đã giúp cho các đơn vị chiến đấu rất hữu hiệu, đã đạt được nhiều thắng lợi.

2. Về tin tức tình báo: Nói về tình báo có nghĩa là mọi tin tức thâu lượm được về địch trước khi mở một cuộc hành quân. Từ đó Phòng 3 sẽ thảo ra kế hoạch hành quân để Bộ tham mưu bàn thảo và chỉ huy trưởng quyết định. Tin tức chính xác và hành quân đúng lúc đúng chỗ thì dễ mang lại kết quả mà không hao tổn đến vật chất cũng như sinh mạng binh sĩ. Trong quá khứ, không nói đến các đơn vị địa phương, mà chỉ riêng lực lượng Tổng trừ bị như Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, mỗi khi tăng phái cho các Quân đoàn và Sư đoàn đã không được xử dụng đúng đắn lắm. Các Quân đoàn và Sư đoàn lẽ ra phải dọ tin tức, tình hình nắm thật kỹ rồi mới xử dụng các đơn vị tăng phái, thì lại điều động họ một cách bừa bãi, miễn sao có hành quân là được, rốt cuộc chỉ làm cho binh sĩ tăng phái bị mỏi mệt vô ích hay bị thương tích vì mìn bẫy một cách lãng xẹt. Tôi còn nhớ lúc đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tăng phái cho quân đoàn 4, Sư đoàn 21 hoạt động tại tỉnh Chương Thiện, có khi cả một hai tháng trời không gặp một bóng địch, nhưng hàng ngày vẫn phải tản thương vì dẫm phải mìn của địch rải khắp khu vực hành quân. Trước Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, tôi phải nửa đùa nửa thật là Sư đoàn định xử dụng Thủy Quân Lục Chiến như xe cán mìn chăng? Sự thật là như vậy, phần lớn các tin tức tình báo đều sai lạc, hoặc không kịp thời nên hành quân thì nhiều mà kết quả thâu lượm chẳng được bao nhiêu. Có khi tin tức chính xác và kịp thời thì kế hoạch hành quân lại thiếu sót… 

Trở lại cuộc hành quân Lam Sơn 719, trước cũng như khi đang hành quân, tin tức của Phòng 2 Quân Đoàn I thuyết trình một cách tổng quát, không nắm vững tình hình nên các quyết định từ cấp Quân đoàn xuống tới các Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn tham chiến không đúng lúc và chính xác nên các đơn vị phải tự tìm hiểu và đối phó. Trước khi cuộc hành quân mở màn, tin tức đánh giá chỉ có sự hiện diện của 1 hay 2 Sư đoàn địch hoạt động trong vùng mà không đề cập tới khả năng tăng cường của các đơn vị từ biên giới Lào-Bắc Việt tiến vào can thiệp. Tới khi trận chiến bùng nổ thì thực tế lực lượng địch có mặt khắp vùng đã lên tới 4, 5 Sư đoàn tác chiến , không kể hệ thống phòng không dày dặc và chiến xa địch mà tin tức tình báo đánh giá quá thấp. Đặc biệt là tại mục tiêu Tchépone , tin tức cũng không được ghi nhận một cách đứng đắn, chính xác mà chỉ dựa vào những tin tức mà địch đã loan ra trên đài phát thanh Hà Nội mà phác họa kế hoạch tấn công. Kết quả là ta đã bị uy hiếp, bao vây phản kích suốt thời gian lui quân từ Tchépone về tới ranh giới Lào Việt.

3. Kế hoạch hành quân: Dựa vào tin tức tình báo, kế hoạch hành quân được thảo ra và như trên đã trình bày, từ tin tức cho đến địa thế đều không nắm vững, thì dĩ nhiên kế hoạch phải sai chệch không đáp ứng được mục tiêu đòi hỏi. Dù đánh giá có từ 1 đến 2 Sư đoàn tác chiến địch trong khu vực hành quân, thì lực lượng tham chiến đích thực của Quân đoàn so với địch vẫn không ngang bằng. Đó là chưa kể đến lực lượng tấn công luôn luôn đòi hỏi phải gấp đôi hay ba thì mới mong thắng được. Theo kế hoạch thì lực lượng tấn công của ta trong giai đoạn đầu gồm có:

a. Cánh quân phía Bắc quốc lộ 9: có 2 Lữ đoàn Dù trong đó một Tiểu đoàn đã không đổ quân được khi căn cứ hỏa lực 31 bị tấn công. Lữ đoàn 1 Thiết Giáp gồm 2 Chi đoàn Thiết vận xa và 1 Chi đoàn Chiến xa. Hai Tiểu đoàn Biệt Động quân.

b. Cánh quân phía Nam: có Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 Bộ Binh, nhưng thực tế hoạt động xa và rộng chỉ có 4 hay 5 Tiểu đoàn thôi. Số còn lại có nhiệm vụ thiết lập căn cứ hỏa lực, bố phòng và hoạt động chung quanh mà thôi. Sự áp dụng chiến thuật căn cứ hỏa lực hổ trợ cuộc tấn công đã vô hình chung hạn chế sức tiến quân và biến từ chủ động sang bị động, làm mục tiêu cho đối phương nhắm tới, uy hiếp, cô lập rồi tấn chiếm. Đành rằng xử dụng căn cứ hỏa lực để bố trí pháo binh yểm trợ cho các đơn vị hoạt động bên ngoài, cũng như tạo nên một mạng lưới hỏa lực hổ tương yểm trợ giữa các căn cứ là cần thiết nhưng vấn đề đạn dược đã không đáp ứng được vì địa thế không cho phép xử dụng quân xa còn bằng không vận thì không đủ và quá tốn kém, hơn nữa còn bị phòng không địch gây trở ngại, sự tiếp tế hầu như không thực hiện nổi, nếu có thì cũng quá ít ỏi. Một điểm nữa là các căn cứ hỏa lực đã thiết lập ở trên các cao địa, nên không đủ rộng để bố trí đầy đủ pháo cho hợp với số lượng đơn vị hoạt động. Chẳng hạn một Lữ đoàn Dù hay Thủy Quân Lục Chiến khi tham chiến thì được một Tiểu đoàn Pháo binh yểm trợ. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, Lữ đoàn 147 chỉ được 4 khẩu 105 và 2 khẩu 155 ly yểm trợ mà còn phải tiết kiệm đạn dược dù đang đụng địch. Như vậy đủ thấy rõ sự yếu kém về hỏa lực yểm trợ tiếp cận cũng như quấy rối phá hủy ngày và đêm bất kể địa thế thới tiết, ánh sáng. Do đó các đơn vị chỉ còn trông cậy vào sự yểm trợ của Không quân, nhưng lại không được liên tục, chính xác mấy vì lệ thuộc vào thời tiết, ngày và đêm. Một điểm nữa là từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ là từ ngày có quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam yểm trợ, đều có quan niệm hành quân là phải xử dụng tối đa hỏa lực trước khi tấn công mục tiêu đã trở thành thói quen, nếu thiếu yểm trợ là chùn bước ngay. Như vậy các căn cứ hỏa lực đã không làm trọn được nhiệm vụ giao phó vì những lý do trên, từ đó nó đã trở thành mục tiêu cố định cho đối phương nhắm tới, tìm cách cô lập rồi tấn công tiêu diệt. Cũng vì liên hệ đến căn cứ nên các Bộ chỉ huy đâm ra lúng túng không điều động các đơn vị linh hoạt để địch không thể nắm vững được tình hình của ta. Vì vậy từ thế chủ động tiến công, ta đã bị rơi vào thế bị động, chỉ còn phòng ngự thôi. Lực lượng tấn công có tính lưu động nhanh, hỏa lực mạnh là Thiết Giáp thì lại bị địa thế ngăn trở nên không sao hỗ trợ cho Bộ binh hữu hiệu được. Từ đó Thiết Giáp biến thành đơn vị phòng thủ căn cứ và cũng là mục tiêu cho pháo địch tiêu hủy.

Ở giai đoạn 1, khi địch tung ra cuộc tấn công và đánh chiếm căn cứ hỏa lực 31, Bộ Tham mưu Quân đoàn có vẽ lúng túng trong kế hoạch phản ứng, rồi cứ để cho tình hình diễn tiến có lợi cho địch. Nói cách khác, Bộ Tham mưu Quân đoàn đã trông đội quá nhiều vào sự yểm trợ của Không quân để đối phó với tình hình. Rồi đến giai đoạn 2 thì thời gian ngừng đợi quá lâu, tạo điều kiện cho địch có đủ thì giờ cũng cố và điều động các đơn vị từ xa tới để sẵn sàng tiếp chiến. Trong buổi họp chuẩn bị cho cuộc hành quân giai đoạn 2 đã có nhiều ý kiến khác biệt nhau, nếu không nói là thiếu sự thống nhất trong hành động chung. Việc thay đổi kế hoạch cũng đã nói lên chủ trương chiến lược, chiến thuật không được ổn lắm của cuộc Hành quân Lam Sơn 719. Từ những sự việc trên, phải chăng Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Việt Nam Cộng Hoà nói chung và Quân Đoàn I nói riêng đã không đạt được mục tiêu trông đợi, và gây cho các đơn vị tham chiến một sự thiệt hại đáng kể, những đơn vị thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mà sau đó đã ảnh hưởng một phần nào tới các cuộc tấn công vào mùa hè 72 và sau đó là 75.

Trong giai đoạn 2, Bộ Tư lệnh Quân đoàn cũng như Sư đoàn 1 Bộ binh, đã xữ dụng Trung đoàn 2 để đánh chiếm mục tiêu Tchépone trong cái thế không làm không được. Vì dư luận truyền thông báo chí quốc tế đã loan tin là ta đã vào Tchépone nên không thể ngừng được. Do đó đã có lệnh ngầm là khi đã đáp xuống được mục tiêu, thì trong một thời gian ngắn phải rút ngay. Kết quả thì mọi sự đã diễn ra nhưng không được như ý muốn hoàn toàn. Cuộc rút quân để chấm dứt Hành Quân Lam Sơn 719 đã diễn ra một cách vô trật tự, gần như mạnh ai nấy rút, không kiểm soát được. Riêng tại khu căn cứ hỏa lực Delta (Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến), việc rút quân đã diễn ra tương đối trật tự, có kế hoạch và kịp thời yểm trợ liên tục và hữu hiệu. Nếu chậm một ngày nữa thì tình hình có thể cũng đã diễn ra như các cánh quân khác, vì địch sẽ dồn hết lực lượng để tiêu diệt Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.

Để kết luận, kế hoạch Hành Quân Lam Sơn 719 đã không được thi hành đến nơi đến chốn. Nhiệm vụ giao phó coi như không hoàn thành, nghĩa là chấm dứt mọi hoạt động của địch trên con đường mòn Hồ Chí Minh. Sự thể này, nếu coi như thất bại, đã dẫn đến cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa năm 72 và sau đó là cuộc Tổng tấn công vào toàn miền Nam của đầu năm 1975, đã làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

4. Bảo mật: Vấn đề bảo mật cũng là một yếu tố cần thiết để bất cứ một cuộc hành quân nào muốn đạt được thắng lợi. Trong quá khứ, từ thời đệ nhất Cộng hòa, trên 4 vùng chiến thuật đã có biết bao nhiêu cuộc hành quân lớn nhỏ được diễn ra. Nhưng kết quả không mấy khả quan, đôi khi lại được thổi phồng một cách quá đáng với mục đích tuyên tryền, cổ võ tinh thần binh sĩ. Trong khi đó thì Mặt trận Giải phóng miền Nam càng ngày càng lớn mạnh, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh dần dần rơi vào vòng kiểm soát của địch. Đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng để Cộng sản Bắc Việt đưa quân, tiếp vận lương thực, vũ khí đạn dược và tăng cường yểm trợ cho lực lượng ở miền Nam. Từ chỗ đó, ta mới thấy rõ cái cốt lõi thất bại của các cuộc hành quân tảo thanh diệt địch của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù phương tiện yểm trợ đầy đủ, tinh thần binh sĩ cao, kế hoạch tương đối toàn hảo. Đó là tính cách bảo mật không được duy trì chặt chẽ. Vì vậy khi cuộc hành quân khai diễn thì địch đã rời khỏi mục tiêu một, hai ngày trước, dù tin tức tình báo thu lượm khá chính xác. Kết quả là tấn công vào chỗ trống, khiến chỉ thiệt hại về người và của, do địch biết trước nên tổ chức đặt mìn bẫy gây thiệt hại cho ta khá nhiều về nhân mạng cũng như vật chất vì phải xữ dụng quá nhiều phương tiện yểm trợ. Đó là chỉ nói đến trường hợp địch rút khỏi khu vực hành quân của ta, còn ngược lại thì địch sẽ chuẩn bị để tấn công phục kích vào các điểm yếu của ta.

Sự tiết lộ bí mật hành quân này là do chính những người tham dự buổi họp, vì hai nguyên nhân: bép xép và ngay trong hàng ngũ đã có địch nằm vùng hoặc mua chuộc bằng tiền bạc. Sau này, rút kinh nghiệm các buổi họp tổ chức hành quân đã thu hẹp, chỉ bao gồm các chỉ huy đơn vị tham chiến, trong một thời gian rất ngắn trước khi hành quân. Tính cách bảo mật được duy trì, nhưng thiếu chuẩn bị đầy đủ, kế hoạch không được mọi cấp thông suốt, nên khi vào trận mọi việc đều lúng túng, lệch lạc, thiếu phối hợp… Rút cuộc cũng không mang lại kết quả bao nhiêu.

Trở lại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 thì sao? Phải nói rằng công cuộc tổ chức hành quân đã được chuẩn bị từ hai, ba tháng trước. Từ việc họp hành, di chuyển Bộ Tham Mưu Quân Đoàn I Tiền phương từ Đà Nẵng ra căn cứ Đông Hà, các kho tiếp vận được thiết lập ở Đông Hà cũng như Khe Sanh, xây dựng căn cứ chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I Hành quân. Sau cùng là các đơn vị tăng cường từ Sài Gòn ra. Với những dữ kiện trên, người thường cũng nhận thấy có sự khác lạ sắp xảy ra. Còn với địch thì khỏi phải nói, với tổ chức tình báo tinh vi, chúng thừa hiểu là mục tiêu của cuộc hành quân ở đâu và sẽ diễn ra khi nào. Bộ Tham Mưu Quân Đoàn I cũng đã thấu hiểu vấn đề đó, nên đã chỉ thị cho Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến tạo ra các cuộc hành quân thực tập đổ bộ, ngõ hầu đánh lạc hướng địch, rằng ta sẽ tấn công Bắc vĩ tuyến bằng một cuộc hành quân phối hợp đường bộ và thủy bộ. Dĩ nhiên đó chỉ là trò lừa bịp quá bình thường, nếu không nói là ngây thơ, không tưởng. Bởi vậy, không lẽ địch thản nhiên trước sự chuẩn bị rộng lớn của Quân Đoàn I. Biết rõ được mục tiêu cuộc hành quân nên Cộng sản Bắc Việt cũng đã chuẩn bị chiến trường và sẵn sàng đưa các đại đơn vị từ miền Bắc tới các khu vực kế cận khu vực hành quân của Quân Đoàn I mà chúng suy đoán để tăng cường cho các lực lượng sẵn có tại đó.

Dĩ nhiên là tổ chức một cuộc hành quân quy mô cấp Quân đoàn thì không sao bảo mật hết được. Dù muốn hay không, địch cũng đã biết, vì thời gian chuẩn bị lâu dài, sự tấp nập chuyển quân tới vùng tập trung, đã nói lên hướng hành quân là ở đâu rồi. Vấn đề chỉ còn là kế hoạch tấn công mới mong đánh lạc hướng phản ứng của địch mà thôi. Những buổi họp khai diễn, dù vào thời điểm chót trước ngày hành quân mở màn, ở cấp Quân đoàn thì không thể nào thu hẹp được. Do đó tin tức không nhiều thì ít sẽ lọt ra ngoài và đến tai địch. Trong kế hoạch tấn công, với chiến thuật áp dụng căn cứ hỏa lực làm bàn đạp cho cuộc tiến quân cũng là một điểm làm lộ rõ cách thức hoạt động và hướng mục tiêu, khiến địch tìm hiểu rồi điều quân phản kích lại.

Để kềm chế yếu tố Bảo Mật đó, thay vì áp dụng chiến thuật xử dụng căn cứ hỏa lực, tiến quân từng bước, làm trì trệ mức độ tiến quân, làm tăng thời gian để địch chuẩn bị kỹ càng hơn… thì Quân Đoàn I nên áp dụng một đội hình lưu động, hẹp hơn, ào ạt tiến quân bằng đường bộ trên quốc lộ 9 cũng như trực thăng vận trên các điểm cao để rồi từ đó tiến tới mục tiêu ấn định. Kế hoạch phải diễn ra liên tục cho tới khi hoàn toàn làm chủ trên quốc lộ 9 từ núi Koroc (ranh giới Lào Việt) đến thị trấn Tchépone (Hạ Lào). Sau đó mới là giai đoạn cũng cố và lùng địch. Quốc lộ 9 vẫn là trung tâm để tiếp vận cho các đơn vị tham chiến. Căn cứ hỏa lực pháo binh chỉ nên thiết lập dọc theo quốc lộ, và các đơn vị chỉ hoạt động trong tầm yểm trợ của pháo binh. Không quân chiến thuật yểm trợ gần và xa có tăng cường của B.52. Như vậy sự hỗ tương yểm trợ sẽ chặt chẽ hơn, không rời rạc như đã thực hiện. Một điểm nữa là đơn vị tham chiến phải có một quân số tương đối áp đảo, hoặc ít ra cũng ngang bằng với tình hình địch theo tin tức tình báo lúc ban đầu. Nghĩa là toàn bộ 2 Sư đoàn Bộ binh, Nhảy Dù, Liên đoàn 1 Thiết Giáp, Liên đoàn Biệt Động Quân, cùng lực lượng pháo binh hùng hậu. Một lực lượng trừ bị sẵn sàng điều động vào trận địa khi tình đòi hỏi. Như vậy thì mọi sự tiến lui, phòng ngự sẽ thuận lợi dễ dàng hơn, địch khó mà có thể bao vây, chia cắt được, như trong kế hoạch hoạt động đã được thực hiện, khiến địch thu được nhiều thắng lợi.

5. Tiếp vận, Tải thương: Tiếp vận và tải thương là mạch máu của cuộc hành quân. Cuộc hành quân nào được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ, thì kết quả thu lượm sẽ khả quan. Các cuộc hành quân lớn lại càng đòi hỏi nhiều. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, sự chuẩn bị tương đối chặt chẽ hơn, nhưng trên thực tế đã không đáp ứng được nhu cầu của chiến trường. Trong kế hoạch hành quân Bộ Tham mưu Quân đoàn có thể nói là rất trông chờ, hay nói cách khác là ỷ lại vào không vận. Đó là phương tiện trực thăng, đa số do Không quân Hoa Kỳ yểm trợ, tiếp tế, tải thương cho các đơn vị tham chiến, ngoại trừ xử dụng quốc lộ 9 lúc ban đầu cho lực lượng đặc nhiệm (Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Liên đoàn 1 Thiết Giáp). Một cuộc hành quân lớn như vậy, sự tiếp tế, tải thương bằng trực thăng không thể cung ứng đầy đủ và kịp thời. Trong trường hợp có phòng không địch thì vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều, và thực tế đã trả lời.

Do đó một khi phương tiện tiếp vận bị trở ngại, thì đương nhiên phải ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Không có đạn dược, súng ống thì hỏa lực yếu kém đi, không có thức ăn uống thì đói khát, lấy sức đâu mà tiếp tục chiến đấu, không có phương tiện di tản thì thương bệnh binh sẽ chết. Bởi vậy khi tổ chức một cuộc hành quân, vấn đề tiếp vận vẫn là mối ưu tư hàng đầu của các cấp chỉ huy, nếu muốn đạt kết quả tốt đẹp.

6. Chỉ huy và Tham mưu: Vấn đề chỉ huy là phải thống nhất hành động giữa các cấp, một khi đã thông suốt toàn bộ kế hoạch, chứ không thể thi hành mỗi đơn vị một hướng, một cách khác nhau, khiến đường lối, kế hoạch chung bị sai lạc, thất bại. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, có sự lủng củng trong vấn đề chỉ huy cấp cao, chẳng hạn như Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân Đoàn I kiêm Tư lệnh Chiến trường, kém thâm niên hơn Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Theo tôi thì vấn đề không quan trọng lắm, dù sao Tướng Lãm cũng là Tư lệnh một Quân khu, một Quân đoàn, đồng thời được Tổng thống phủ và Bộ Tổng Tham Mưu chỉ định làm Tư lệnh cuộc Hành quân Lam Sơn 719. Nhưng Tướng Khang đã ở lại Sài Gòn và cho Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng giữ nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn tăng phái cho Quân Đoàn I. Do đó trong suốt thời gian của giai đoạn 2, Bộ Tham Mưu Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Tham mưu Quân Đoàn I đã có nhiều trục trặc xảy ra. Còn giữa Bộ Tham mưu Quân đoàn và các bộ Tham mưu của Sư đoàn 1, Nhảy Dù cũng vậy, có vẻ không ăn ý lắm.

Phải nói rằng cuộc hành quân Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân quy mô nhất từ trước đến nay, dù rằng trước đó, trong năm 1970 đã có các cuộc hành quân sang Cambodia do các Quân đoàn 3 và 4 đảm trách. Cuộc hành quân này đã ảnh hưởng đến dư luận quốc tế rất nhiều, vì đối đầu trực diện với quân đội Cộng sản Việt Nam, nên đòi hỏi một vị chỉ huy có khả năng, nhiều kinh nghiệm chiến trường ở cấp độ cao. Nhìn lại thì trong hàng Tướng lãnh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã có mấy ai đủ điều kiện ở vai trò đó, thật ra ở cấp Sư đoàn chứ đừng nói tới cấp Quân đoàn. Phần lớn đã được giao phó nhiệm vụ ngang xương, chưa từng chỉ huy một đơn vị tác chiến thấp hơn, hay qua các lớp chỉ huy Tham mưu, chỉ vì xu hướng chính trị kéo bè, kết nhóm củng cố quyền lực và quyền lợi mà thôi.

Trong trường hợp của vị Tư lệnh Hành quân Lam Sơn 719 cũng gần như vậy. Tướng Lãm, xét ra chưa bao giờ có kinh nghiệm chỉ huy các trận đánh lớn nên dĩ nhiên phải gặp những vấn đề không tránh khỏi khi được giao trọng trách điều khiển một cuộc hành quân cấp Quân đoàn. Do đó việc thành bại không cần phải bàn cãi nhiều. Một vị Tư lệnh như vậy, thì bộ Tham Mưu cũng phải ở trong tình trạng tương tự. Suốt thời gian hành quân, nhất là khi Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến ở vai trò trừ bị, tôi thường có mặt bên cạnh Bộ Tham Mưu Hành quân Quân đoàn để theo dõi tình hình cũng như chờ lệnh. Tôi thấy Bộ Tham mưu tỏ ra rất lúng túng, nhất là về mặt tin tức địch diễn ra trên chiến trường đang sôi động. Bên cạnh bộ Tham mưu, chỉ có Đại tá Nguyễn Đình Vinh, nguyên Đổng lý Bộ Quốc phòng trong thời Tướng Có làm Bộ trưởng, vì lý do chính trị đã bị đẩy ra Quân Đoàn I làm phụ tá hành quân cho Tướng Lãm. Như vậy nhìn vào ta đã thấy như thế nào rồi. Nghe nói có ngày đêm Tướng Lãm đã không có mặt tại Bộ Chỉ huy Hành quân mà trở về Đông Hà. Một ghi nhận khác là Quân Đoàn I khi đó không có Tư lệnh phó Hành quân. Để kết luận: một vị Tư lệnh cùng một Bộ Tham mưu như vậy, chưa đủ khả năng điều động ở cấp Quân đoàn, cuộc hành quân lẽ dĩ nhiên không thể gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 kết thúc trong vội vã, sau hơn một tháng trời giao tranh, để lại trên chiến trường bao nhiêu tổn hại cả về nhân mạng lẫn vật chất của đôi bên. Sau đó tình hình tại Hạ Lào đâu lại vào đó, không có gì thay đổi. Phải chăng vì mục tiêu chính trị, và quyền lực nước ngoài mong muốn đã biến chiến trường thành nơi tử địa cho cả hai phía Quốc Gia và Cộng Sản, giống như để cho đàn kiến bu quanh cục đường rồi sau đó đập tan nát tất cả một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, vì chưa đạt được kết quả mong muốn hoàn toàn, nên đến mùa hè 1972 lại tiếp diễn trận tấn công vượt tuyến của quân Cộng sản Bắc Việt vào tỉnh Quảng Trị, rồi từ đó dẫn tới Hòa Đàm Paris để kết thúc vai trò tiếp chiến của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam.

Hoàng Tích Thông

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt