Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng 15-30/06/2023
Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan đến thăm Đà Nẵng từ 25-30/6/2023. Lần gần nhất Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ ghé hải cảng Việt Nam là tháng 3/2020. Một chuyến thăm khác được cho là đã có hẹn trước vào tháng 7/2022 nhưng bị Việt Nam hủy sau đó.
Theo nguồn tin của BBC, chuyến thăm của đội tàu Hải Quân Hoa Kỳ dự kiến gồm Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan (CVN-76), soái hạm hộ vệ Hàng Không Mẫu Hạm số 5 (CSG 5), cùng tàu tuần dương USS Antietam (CG 54) và tàu tuần dương USS Robert Smalls (CG 62) sẽ cập hải cảng thành phố Đà Nẵng từ ngày 25-30/6/2023.
Ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác nhận Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan sẽ đến thăm Đà Nẵng trong khoảng thời gian trên.
Năm 2018 đánh dấu sự hiện diện trở lại Việt Nam của Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ sau hơn 40 năm, với chuyến thăm của Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson (CVN 70) đến hải cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).
Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói với BBC hôm 22/6 rằng, quyết định đón Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan của Việt Nam diễn ra vào thời điểm Trung Cộng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận định với BBC ngày 22/6 rằng, các chuyến thăm đến Việt Nam của Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan của Mỹ trong vài ngày tới hay khu trục hạm trực thăng JS Izumo của Nhật Bản vừa qua đã nổi lên như một phương cách thích hợp, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia, đối phó hiệu quả với các chiến thuật vùng xám của Trung Cộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tín hiệu cho Trung Cộng
Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ thăm Việt Nam trong tình hình có nhiều diễn biến quan trọng về quốc phòng, an ninh hàng hải trong tháng 6.
Từ ngày 7/5 đến ngày 4/6, Trung Cộng cử tàu khảo sát Hướng Dương 10 (HD10) được hộ tống bởi 12 tàu Cảnh Sát Biển Trung Cộng và tàu Dân Quân Biển vào vùng biển gần Bãi Tư Chính trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các tàu này tuần tra gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác, nhằm để khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng.
Hôm 8/6, Tàu hải cảnh Trung Cộng CCG 5901 được thấy xuất hiện tại vùng biển thuộc vùng EEZ của Việt Nam ở phía tây bãi Tư Chính, theo Tướng Raymond M. Powell từ Đại học Stanford.
Từ 17-20/6, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng [CSVN] Phạm Văn Giang, Giáo sư Carl Thayer dự đoán, Việt Nam có khả năng sẽ ký kết thỏa thuận mua từ 3 đến 5 đơn vị hoả tiễn BrahMos từ Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thông báo rằng Ấn Độ đang chuyển giao tàu hộ vệ hoả tiễn dẫn đường INS Kirpan cho Hải quân Việt Nam. Tin này được đăng trên tờ báo Tuổi Trẻ nhưng sau đó bị gỡ xuống.
Từ ngày 20-23/6, Đài NHK của Nhật đưa tin khu trục hạm trực thăng JS Izumo – là chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, cùng tàu khu trục Samidare đã cập hải cảng Cam Ranh. Trước khi ghé Việt Nam, cả hai tàu này đã tập trận chung ở Biển Đông với các tàu Hải Quân Mỹ, trong đó có siêu hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.
Giáo sư Carl Thayer bình luận, dù không chắc các sự kiện trên là những diễn biến rời rạc hay không nhưng nó cho thấy, trước việc Trung Cộng gia tăng phô trương sức mạnh ở vùng biển của mình, Việt Nam đang theo đuổi chính sách quốc phòng Bốn Không (4-0) được nêu trong Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam gần đây nhất – vào năm 2019.
Việt Nam xem xét phát triển quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết và phù hợp với các nước cũng như ủng hộ công khai sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ ở Biển Đông miễn là nó đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực, theo GS Carl Thayer.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm, mối quan tâm chung về các hành động quyết đoán của Trung Cộng, đã khiến Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng đối với những nước đang tìm cách tăng cường an ninh khu vực và duy trì trật tự dựa trên luật lệ.
“Thông qua các chuyến thăm hải cảng đến Việt Nam, các nước có thể thúc đẩy hợp tác quốc phòng, xây dựng lòng tin lẫn nhau và phát triển các chiến lược chung để chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Cộng, góp phần vào một môi trường hàng hải ổn định và an ninh”.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp của ISEAS cũng phân tích rằng, các chuyến thăm hải cảng Việt Nam là một nền tảng cho ngoại giao và tương tác cá nhân. Đây cũng là cơ hội cho các cuộc thảo luận thẳng thắn về các thách thức an ninh khu vực, bao gồm cả những lo ngại về sự quyết đoán của Trung Cộng:
TS Hợp ý kiến: “Sự hiện diện của các lực lượng hải quân đa quốc gia trong các chuyến thăm hải cảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định khu vực, ngăn chặn sự leo thang căng thẳng và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng trong các vùng lãnh hải tranh chấp”.
Tiến sỹ Hợp cũng nhấn mạnh thêm việc tăng cường các hoạt động hiện diện là cách các nước tham gia gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết và răn đe, chống lại các hành động đơn phương của Trung Cộng.
Đối với việc các tàu Trung Cộng liên tục xuất hiện trong vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã lên tiếng phản đối công khai và yêu cầu các tàu Trung Cộng rời đi.
Tại Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN hôm 14/6, Đại sứ Vũ Hồ cũng đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp tiếp diễn tại Biển Đông, đề nghị các đối tác khi hoạt động tại Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Việt Nam giữa quan hệ Mỹ – Trung
Theo trang Navy.mil, Ronald Reagan được đưa vào hoạt động vào tháng 7 năm 2003, là một trong những chiến hạm tối tân nhất thế giới, thuộc lớp Hàng Không Mẫu Hạm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Đây là chiến hạm thứ 9 trong số 10 chiếc của lớp Nimitz được đóng.
Con tàu được đặt theo tên của tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ và mang phương châm “Hòa bình qua sức mạnh”, một tuyên ngôn chủ đạo trong nhiệm kỳ tổng thống của Reagan. Với khả năng mang tới 90 máy bay các loại, USS Ronald Reagan được coi là một lực lượng hùng hậu vượt qua sức mạnh của không quân các nước vừa và nhỏ.
Hồi tháng 7/2022, Hàng Không Mẫu Hạm Ronald Reagan dự kiến ghé hải cảng Tiên Sa, Đà Nẵng nhưng chuyến thăm này đã bị hủy bỏ trong thời gian ngắn mà không có lời giải thích.
Giáo sư Carl Thayer nói các nguồn tin riêng của ông tại Việt Nam báo rằng, việc hủy bỏ được thực hiện theo yêu cầu của Việt Nam.
“Thời điểm đó, tôi đã suy đoán Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với phản ứng của Bắc Kinh trước những căng thẳng về hải quân và không quân quanh Đài Loan, nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc.
Ông Thayer nói: “Tháng 7/2022, Trung Cộng công khai chỉ trích Mỹ là nguồn cơn của căng thẳng và bất ổn. Việt Nam có thể cảm thấy chuyến thăm của Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan vào thời điểm đó là không phù hợp”.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp thì nói với BBC rằng, chuyến thăm của Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tháng 7/2022 là do Mỹ quyết định hủy, sau khi tham vấn với Bộ Quốc phòng Việt Nam, không phải phía Việt Nam đơn phương hủy.
Thời điểm đó, ông Hợp cũng cũng nói quan hệ Việt – Mỹ vẫn đang tốt đẹp.
Việt Nam được cho là tích cực hợp tác với các cường quốc như Mỹ, Trung Cộng, Nga, EU và khối ASEAN để đạt được trạng thái cân bằng an ninh.
Tới khoảng cuối tháng 3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với Tổng Bí thư Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng, hứa hẹn “thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương’.
Sau cuộc điện đàm trên, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam và Mỹ có khả năng nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược trong năm nay.
Tuy nhiên, yếu tố Trung Cộng và hồ sơ nhân quyền của Việt Nam được cho là những điều nằm trong cân nhắc của cả hai phía trong việc “xích lại gần nhau hơn”.
Tiến sỹ, nhà nghiên cứu Bích Trần của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC chia sẻ với BBC hồi 7/6 rằng, Việt Nam cũng như nhiều nước khác muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Cộng lẫn Mỹ do họ đã quen hợp tác và hưởng lợi từ cả hai.
Trước đó, cuối tháng 3, bà Bích nói nỗ lực tăng cường quân sự có thể giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi và chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khoảng cách giữa sức mạnh quân sự của Việt Nam và Trung Cộng ngày càng tăng. Do vậy, trong những năm gần đây Việt Nam đã cởi mở hơn trong hợp tác quốc phòng và tiếp nhận viện trợ an ninh từ các nước phương Tây.
Theo quan sát của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đang đứng trên nhiều “chân kiềng” quan hệ với các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ. Nga, Trung Cộng… để duy trì hòa bình, ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, chứ không bó hẹp ở sự cạnh tranh Mỹ – Trung.
Vị thế của Việt Nam cũng được coi trọng hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bằng chứng là xuyên suốt Đối thoại Shangri-la 2023, Việt Nam được Bộ trưởng Quốc phòng của các nước như Mỹ, Anh, Canada,,.. nhắc tên trong các diễn văn công khai tại sự kiện.
Từ khi nổ ra cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, IISS đánh giá Việt Nam cùng với một số nước như Ấn Độ, Trung Cộng đã lựa chọn “đi dây” quan điểm của mình và “thận trọng khi chỉ trích Moscow”. Việt Nam cũng đang đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí do số lượng vũ khí mà Hà Nội mua từ Nga đã giảm do cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Bùi Thư BBC