Hải quân Mỹ đẩy mạnh các hoạt động hướng về Việt Nam
Trong những ngày này, giới quan sát không thể không chú ý đến sự kiện hai quân hạm Mỹ USNS Mercy (T-AH-19) và USNS Millinocket (JHSV-3) neo đậu ở Đà Nẵng kể từ ngày 17/08/2015. Tàu Mỹ đã ghé Việt Nam trong khuôn khổ 10 ngày diễn tập chung với đối tác của mình về các bài tập trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa – thuật ngữ tiếng Anh gọi là HADR (Humanitarian Assistance and Disaster Relief).
Giới phân tích đặc biệt ghi nhận rằng đây không phải là lần đầu tiên có đợt diễn tập chung Mỹ-Việt như vây, Chương trình mang tên Đối tác Thái Bình Dương – Pacific Partnership – do Hải quân Mỹ đề xướng để giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực đã năm lần được tiến hành tại Việt Nam.
Thế nhưng trong lần thứ sáu này, lần đầu tiên, Hải quân Mỹ cử đến hai quân hạm tham gia tập huấn tại Việt Nam. Ngoài « soái hạm » của chương trình Đối tác Thái Bình Dương là tàu bệnh viện Mercy, lần này, còn có tàu vận tải đa năng Millinocket, thuộc loại tối tân nhất của Hải quân Mỹ hiện nay, cũng đến phô diễn năng lực ở Đà Nẵng. Gọi đây là tàu đa năng không sai, vì loại Millinocket này hoàn toàn có thể trở thành tàu vận tải quân sự, dùng trong các chiến dịch đổ bộ.
Phía Hải quân Mỹ đã nhấn mạnh đến tính chất “phi tác chiến” của hoạt động chung Mỹ-Việt trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương, nhưng khi lồng sự kiện này vào toàn cảnh chung của hợp tác giữa Hải quân Mỹ với Việt Nam, thì ta thấy rõ một xu hướng xích lại gần nhau ngày càng chặt chẽ hơn.
Trước lúc quân hạm hiện đại Millinocket ghé Đà Nẵng, thì vào tháng Tư vừa qua, Hải quân Mỹ đã không ngần ngại phái chiếc USS Fort Worth (LCS-3), loại chiến hạm mới nhất của mình, đến Việt Nam tham gia một đợt gọi là « giao lưu Hải quân », nhưng chẳng qua là một hình thức tập trận. Chiếc Fort Worth là loại tàu chiến ven bờ mà bốn chiếc sẽ được Hải quân Mỹ đặt căn cứ thường trực tại Singapore.
Việc cử những phương tiện thuộc loại tối tân nhất của mình tham gia vào các hoạt động chung với Việt Nam được cho là đã phản ánh chiều hướng củng cố quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước hiện đang chia sẻ một mối quan ngại chung về mặt chiến lược : ý đồ chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Riêng trong lãnh vực hợp tác hải quân Mỹ-Việt, giới phân tích đã đặc biệt ghi nhận một chi tiết quan trọng, nhưng lại ít được chú ý : Vào tháng Tư vừa qua, khi chiếc Fort Worth cùng với khu trục hạm USS Fitzgerald (DDG-62) có trang bị tên lửa dẫn đường đến Đà Nẵng thao diễn cùng Hải quân Việt Nam, lần đầu tiên từ ngày hai nước bình thường hóa bang giao, tàu của hai bên thực hiện giao lưu trên biển.
Theo một bài phân tích đăng vào hôm qua (18/08/2015) trên trang web của Học viện Hải quân Mỹ, trong những năm gần đây, Mỹ và Việt Nam đã thận trọng mở rộng quan hệ giữa hai quân đội trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng bành trướng ảnh hưởng tại Biển Đông.
Vào năm ngoái Mỹ cũng đã quyết định giảm nhẹ cấm vận vũ khí để Việt Nam có thể mua sắm phương tiện phòng thủ biển. Nhìn chung, Mỹ luôn luôn theo đuổi một lập trường cân bằng tinh tế giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á quanh Biển Đông, và luôn khẳng định là mình không thiên vị bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, Washington đã có thái độ gay gắt hẳn lên với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ xúc tiến việc bồi đắp đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa đang tranh chấp, bất chấp phản đối của khu vực và quốc tế.
Tin RFI