Hải quân Anh trở lại Biển Đông… gặp nhiều áp lực
Trong mấy tháng qua, quân đội Hoàng Gia Anh gửi Tàu Chiến và Chiến Đấu Cơ đến Biển Đông, với mục đích “tự do hàng hải Biển Đông” Trung Cộng là nước thấy đụng chạm, nên lên tiếng phản đối… mặc dù vậy nước Anh lạnh lùng “chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi” – Bộ quốc phòng Anh tuyên bố gửi tàu chiến và máy bay đến Biển Đông…Nước Anh thực hiện như vậy với mục đích gì?
Dưới đây là những tin tức liên quan:
Hải quân Anh sẽ tuần tra Biển Đông, bất chấp Trung Cộng
Ngày 13 tháng 2 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson thăm Úc Đại Lợi tuyên bố Luân Đôn sẽ gởi chiến hạm tuần tra Biển Đông vào tháng tới, để khẳng định quyền tự do hàng hải. Quyết định này có thể chọc giận Trung Cộng, hiện đang khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển chiến lược này.
Hãng tin AP dẫn lời ông Williamson khi trả lời báo Úc The Australian cho biết, chiến hạm chống tàu ngầm HMS Sutherland đang thăm Úc, trên đường về sẽ làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, khẳng định quyền của Hải quân Anh.
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh không nói rõ chiếc Sutherland có đi gần các đảo nhân tạo do Trung Cộng tự ý đào đắp ở Biển Đông hay không. Tuy nhiên ông tuyên bố Anh hoàn toàn ủng hộ việc các chiến hạm Mỹ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo này.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Cảnh Sảng ngày 13/02/2018 tuyên bố: “Nhờ các nỗ lực phối hợp giữa Trung Cộng và các quốc gia ven biển, không hề có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông”.
Dù đang có những căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước khác, ông Cảnh Sảng vẫn cho rằng “tình hình khu vực đang tiến triển” và Bắc Kinh “hy vọng các bên liên quan, đặc biệt là các nước bên ngoài vùng này tôn trọng các cố gắng của các quốc gia trong khu vực”.
Tuy bộ Ngoại Giao Trung Cộng tỏ ra hòa dịu, nhưng AP dẫn lời Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư về quan hệ quốc tế ở trường đại học Nhân Dân (Renmin) nhận định, việc Hải quân Anh tuần tra Biển Đông có nguy cơ gây rạn nứt mối quan hệ được gọi là “kỷ nguyên vàng” với Trung Cộng hiện nay.
Lầu Năm Góc: Trung Cộng đe dọa Ấn Độ – Thái Bình Dương
Trong dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2019 trình lên Quốc Hội hôm 12/02/2018, bộ Quốc Phòng Mỹ nhận định Trung Cộng đang tăng cường hiện đại hóa quân đội nhằm thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bản báo cáo nhận xét “Trung Cộng nay là một đối thủ cạnh tranh về chiến lược, sử dụng các biện pháp kinh tế thô bạo để đe dọa các nước láng giềng, đồng thời quân sự hóa các đảo tại Biển Đông”.
Cũng theo báo cáo này, Trung Cộng và Nga đang rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ về công nghệ quân sự, nên nước Mỹ cần phải có những phương cách mới và sáng tạo hơn.
Anh đưa chiến đấu cơ bay qua Biển Đông
Sau khi đại diện ngoại giao của Anh thông báo cho biết dự tính đưa chiến đấu cơ bay qua Biển Đông để xác quyết quyền tự do lưu thông quốc tế, mặc dù chưa có phản ứng chính thức nhưng Bắc Kinh thông qua hệ thống báo chí chính thống đã lên tiếng cảnh cáo kế hoạch của Anh, coi đó là một biểu hiện diễu võ giương oai điên rồ giống như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trang mạng Chinatopix.com hôm nay 06/12/2016 trích dẫn bài bình luận với giọng khá gay gắt của Tân Hoa Xã về sự kiện hôm 1/12 vừa , đại sứ Anh tại Hoa Kỳ Nigel Kim Darroch khi thông báo các chiến đấu cơ phản lực của Anh Quốc trên đường đến thăm Nhật Bản sẽ bay ngang qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do lưu thông quốc tế. Theo Tân Hoa Xã tuyên bố đó “chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng với Nhật Bản”.
Tuy nhiên, hãng tin chính thức Trung Cộng cho rằng tuyên bố của đại diện ngoại giao Anh là dấu hiệu tạo cảm giác là “Luân Đôn có thể sẽ rời bỏ lập trường đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông và bắt đầu muốn có một vai trò can thiệp tại khu vực này như Hoa Kỳ và Nhật Bản”.
Tân Hoa Xã cảnh báo, nếu Anh Quốc nhân danh “quyền tự do lưu thông” trên Biển Đông để đưa máy bay chiến đấu bay qua khu vực này, thì điều đó sẽ làm phức tạp thêm quan hệ giữa Bắc Kinh và Luân Đôn.
Bài bình luận của Tân Hoa Xã nhận định, vấn đề tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại Biển Đông giờ là cái cớ để gây sức ép với Trung Cộng mà trên thực tế không hề có vấn đề gì về quyền qua lại hợp pháp của tàu bè và máy bay tại khu vực này.
Trở lại với tuyên bố của đại sứ Anh Nigel Kim Darroch hôm 1/12, Tân Hoa Xã viết: Những người quyết định chính sách của Anh phải ý thức được rằng, “với việc sao chép lại những hành động khiêu khích của Washington và Tokyo trên Biển Đông, họ sẽ mất ít nhất hai điều: uy tín của một quốc gia có trách nhiệm trên thế giới và quan hệ với Trung Cộng” và những phát biểu của ông Darroch về Biển Đông vừa qua là một dấu hiệu đáng báo động.
Anh Quốc trong thế “trên đe dưới búa” tại Biển Đông
HMS Sutherland, khu trục hạm diệt tàu ngầm của hải quân Hoàng gia Anh sẽ tham gia tuần tra với các đồng minh trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nói cách khác, cựu siêu cường hàng hải của thế kỷ 19 sẽ góp phần vào chiến lược của Mỹ, Úc, Nhật, Ấn ngăn chận ý đồ thống trị Biển Đông của Trung Cộng. Nói dễ nhưng làm phải thận trọng, theo như nhận định của một nhà phân tích trên Asia Times.
Sự kiện khu trục hạm HMS Sutherland được đưa vào vùng Tây Thái Bình Dương là một trong những nỗ lực của Anh Quốc nhằm củng cố vai trò của một cường quốc và đánh tan những lập luận cho rằng thế lực đang yếu dần. Theo tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williams tại Úc hồi tuần trước, hải quân Anh sẽ yểm trợ cho chiến dịch “Tự do hàng hải” tại Biển Đông, con đường huyết mạch của thương mại quốc tế, một nỗ lực của Mỹ hầu ngăn chận Trung Cộng biến thành ao nhà.
Tuy đang vất vả tìm ngân sách để trang bị hàng không mẫu hạm mới nhưng chính phủ Anh Quốc không thiếu lý do chính đáng để tung lực lượng đến tận châu Á.
Bốn lý do chính yếu
Trước hết, Liên Hiệp Anh là thành viên của Hội Đồng Bảo An. Thứ hai, trong số 18 quốc gia trong Khối Thịnh Vượng Chung, đại đa số lại nằm ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Lý do thứ ba là Anh Quốc bị ràng buộc với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada trong một hiệp ước hợp tác tình báo. Và thứ tư là Anh Quốc có một thỏa thuận quốc phòng chung với Úc, New Zealand, và hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Luân Đôn có trách nhiệm bảo vệ đồng minh trước tham vọng của Trung Cộng lấy Biển Đông làm ao nhà. Do vậy, tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải” là biện pháp tốt nhất để bảo vệ “nguyên tắc giao thương quốc tế”.
Bảo vệ đồng minh và đối tác là bảo vệ chính mình sau Brexit
Trong diễn văn hồi tháng 02/2018, tướng Nicholas Carter, tham mưu trưởng liên quân nhận định là tình trạng căng thẳng do Trung Cộng tranh giành chủ quyền tại Biển Đông chứng minh Hoa Kỳ có lý. Như vậy, mục tiêu thật sự của Anh Quốc khi đưa chiến hạm vào Ấn Độ – Thái Bình Dương là vì lý do an ninh sinh tử.
Luân Đôn không che giấu thái độ bất bình Trung Cộng lấn chiếm, nâng cấp các đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự tiền phương. Một khi ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Cộng bao trùm khu vực thì Anh Quốc có nguy cơ mất hết đối tác thương mại truyền thống. Thế mà, trong bối cảnh Brexit, ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn trông cậy vào sinh lực năng động của Khối Thịnh Vượng Chung.
Thận trọng
Theo Emanuele Scimia, tác giả bài phân tích “trên đe dưới búa”, thì để cân bằng những hệ quả tiêu cực của Brexit, Anh Quốc có thể hướng đông, thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Cộng.
Khi chọn giải pháp đưa chiến hạm vào Biển Đông, Anh Quốc sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay của các nước láng giềng của Trung Cộng: một mặt phải lo bảo vệ chủ quyền, một mặt “phải chơi” với kẻ xâm lược nhưng mạnh về quân sự lẫn kinh tế.
Lúc sinh thời, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có đưa ra một đối sách được xem là khôn ngoan trong quan hệ tay ba với Trung Cộng và Hoa Kỳ. Có lẽ chiến hạm Anh không nên hải hành bên trong 12 hải lý bất cứ “một đảo nhân tạo nào ở biển Đông”.
Những bài báo trên của Thụy My, Tú Anh trên RFI