Hà Tĩnh đối mặt với quá nhiều khó khăn !!!
Nắng hạn, gió Lào và những đám ruộng khô cháy luôn cho cảm giác ở một thế giới nào đó không phải là hành tinh xanh, dọc theo bờ biển, những công trình bề bộn sắt thép hiện ra lổ chổ càng khiến cho cảm giác này tăng cao khi đi qua đất Hà Tĩnh.
Nhưng đó chỉ mới là cảm giác khi ngang qua đây, nếu chịu khó dừng chân, bước xuống xe và quan sát những cánh đồng khô cháy cùng với con người hốc hác, mệt mỏi, sẽ khó mà nói được thành lời về những trải nghiệm nắng nóng, khô khốc nơi đây.
Khói bụi Trung Quốc
Ông Dần, cư dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ: “Thì phải đợi có mưa rồi mới cấy được. Vụ chính là vụ tháng năm, mùa xuân, còn vụ này, giờ mà không có mưa thì phải chấp nhận bỏ hoang. Mùa Xuân là mùa chính, mùa này khô khốc thì coi như bỏ!”
Theo ông Dần, nắng nóng ở Hà Tĩnh năm nay khác thường so với mọi năm trước là do ba nguyên nhân rất rõ mà với kinh nghiệm hơn sáu mươi năm sống, làm việc và quan sát đất quê, ông đã đúc kết, đó là do con người trở nên khô cằn; Đất đai bị công nghiệp hóa vô tội và; Người Trung Quốc đã chắn biển.
Dẫn chứng cho ba nguyên nhân tương đối khác thường của mình, ông dần nói rằng chính bởi tốc độ phát triển một cách quá vội vã trong ngành công nghiệp ở Hà Tĩnh đã làm cho môi trường tự nhiên bị biến động đột ngột. Nếu như trước đây, người nông dân chăm chú vào ruộng lúa, ngành thủy lợi cũng thường xuyên tìm nguồn nước, mở và đóng đập ngăn mặn để chống hạn cho lúa thì hiện tại, mọi việc đã khác hoàn toàn.
Về phía người nông dân, một số ít không chấp nhận bán đất, vẫn duy trì ruộng lúa và chấp nhận mọi khó khăn, rủi ro vế thời tiết, nguồn thủy lợi cũng như chính sách về thu hồi đến bù đất khá bất ngờ của chính quyền địa phương. Một số khác lại hy vọng sẽ có giải tỏa đền bù để nhận tiền vì đám ruộng không cho lợi nhuận. Về phía ngành thủy lợi, do nhiều đám ruộng đã bỏ hoang nên số đám ruộng đang còn canh tác không thể bù được khoản tiền điện để chạy máy bơm, chính vì vậy, họ bỏ luôn những đám ruộng này.
Và đây là nguyên nhân của vấn đề con người trở nên khô cằn, không còn yêu cây cỏ, người ta thay vì nhìn ra vườn cây xanh mát, nhìn ra đồng ruộng vi vu gió, xanh mát một màu lúa, người ta lại nghĩ đến những khoản đền bù hoặc người ta cảm thấy bất an khi đứng trên đám ruộng của mình bởi không biết bao giờ nhà nước sẽ thu hồi đất, sẽ biến thành một khu gì đó để cho người Trung Quốc thuê.
Ở khía cạnh đất đai công nghiệp hóa vô tội vạ, hầu hết bờ biển và những cánh đồng có địa hình bằng phẵng, đẹp đã bị chuyển thành đất công công nghiệp và cho thuê. Nếu như nơi đây trước đây là cái máy điều hòa tự nhiên của một vùng đất bằng cây xanh và đồng ruộng thì bây giờ nó là cái máy phát nhiệt bởi các ống khói, mái tôn của khu công nghiệp.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là yếu tố Trung Quốc, ông Dần nói rằng không hiểu người Trung Quốc nghĩ gì, có ý đồ gì và nhà cầm quyền nghĩ như thế nào mà lại cho người Trung Quốc thuê hầu hết đất bờ biển. Việc này hết sức nguy hiểm không chỉ riêng về mặt quân sự.
Vì Hà Tĩnh là một trong những tỉnh hứng gió Lào nặng nhất hằng năm. Nhưng nhờ vào bờ biển trống trải đã tạo ra dòng gió mát từ hơi nước biển, thổi ngược vào đồng bằng, đẩy lớp gió hơi nóng từ hướng Lào lên cao, tạo ra dòng không khí điều hòa, dễ chịu. Nhưng hơn ba năm nay, kể từ khi người Trung Quốc xây hệ thống công trình có nơi cao lên đến vài chục mét, hứng toàn bộ nguồn gió mát từ biển và đẩy gió biển lên cao, lúc này, gió Lào bị đè bởi gió biển, đổ bộ xuống đồng bằng, nóng như thiêu như đốt bởi nó không có đường khí lưu với biển như trước đây.
Đó là chưa kể đến hàng loạt ống khói từ các khu công nghiệp Trung Quốc thải ra. Điểm đáng nói là tất cả công nghệ mà Trung Quốc đưa sang Việt Nam đều là công nghệ lạc hậu, không đảm bảo xử lý chất thải cũng như khói bụi. Và tất cả những công nghệ lạc hậu này đều được bố trí ở những vị trí hoặc là bờ biển, hoặc gần khu dân cư hoặc trên các điểm cao. Những vị trí này đều là vị trí phủ khói bụi xuống đồng bằng và con người nhiều nhất. Hà Tĩnh cũng không nằm ngoại lệ.
Những cánh đồng chết
Một người nông dân khác tên Viện, cư dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, cho biết thêm: “Năm nay nắng hạn dữ quá, cây cối chết hết, giờ vẫn quá nắng…”
Theo ông Dần, với đà nắng nóng như hiện tại, nông dân Hà Tĩnh cũng như nông dân miền Trung sẽ rơi vào đói kém. Bởi vì kinh nghiệm làm nông lâu năm của ông cho ông biết rằng năm nào thời tiết khắc nghiệt thì hạn hán vào mùa nắng và mưa bão quăng quật vào mùa mưa. Và nắng càng to thì mưa gió, bão bùng càng khủng khiếp. Với người nông dân, không có gì đáng sợ bằng chuyện này.
Hơn nữa, khi cánh đồng trở thành đám cỏ cháy, người nông dân không còn hạt gạo, hệ quả của việc này sẽ là tìm vào các thành phố để làm thuê hoặc cố bám quê để bữa thiếu bữa đủ, trông chờ hạt gạo cứu tế của nhà nước. Nhưng nguy cơ bám quê chờ hạt gạo cứu tế có vẻ như cao hơn bởi ở các thành phố, người làm thuê đã quá đông, công việc thì ít mà người đi tìm việc thì ngày càng đông bởi ở các góc thôn quê, ai cũng hy vọng vào thành phố sẽ đổi đời, sẽ hết phải cực khổ bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà đói vẫn cứ đói nữa.
Nhưng khi vào thành phố, mọi chuyện hoàn toàn khác. Và cái sự khác này sẽ còn đáng sợ hơn khi hầu hết những mảnh đất yên bình, hiền hòa dần rơi vào tay người Trung Quốc, các dịch vụ trá hình mọc lên và các khối bê tông, sắt thép cùng những ống khói thở phì phò đen ngòm suốt ngày đêm mọc lên. Người nông dân bị xua dần vào một góc xó mà ở đó không còn đồng ruộng xanh mướt. Người nông dân phải đối mặt với cơn khủng hoảng nước sạch và bầu gió mát. Thay vì thở mùi hương đồng nội, người ta phải hít thở hằng ngày mùi khói bụi của các nhà máy Trung Quốc.
Đời sống trở nên đảo lộn theo chiều hướng xấu đi. Và còn rất nhiều thứ tai ương đang chờ đón người nông dân cũng như tương lai, con cái của họ. Bởi những gì thuộc về tâm hồn, thuộc về kế sinh nhai hằng ngày đã bị biến đổi: những cánh đồng chết và những khu phố lộn xộn, đầy tội phạm ở Hà Tĩnh là một bằng chứng của vấn đề này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.