Hết thời của các chế độ độc tài khi quốc tế được phép bảo vệ dân

Sau ba ngày thương lượng gay go, tối Thứ Năm, ngày 17/03/2011, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với số phiếu 10 trên 15 tổng số thành viên của Hội Đồng đã thông qua Nghị Quyết số 1973, cho phép sử dụng vũ lực quân sự tấn công quân đội  của nhà độc tài Moummar Gadhafi lãnh đạo nước Libya. 5 nước vắng mặt không bỏ phiếu, gồm Nga, Tầu, Đức, Ấn, Brasil, trong đó có 2 phiếu phủ quyết của Nga và Tầu. Nghị quyết này (1973) cho phép quốc tế “dùng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân, và để áp đặt lệnh ngưng bắn đối với quân đội Libya. Bao gồm cả việc không kích. Nhưng không được phép chiếm đóng. Nghị quyết này bày tỏ quan tâm sâu xa trước tình hình ngày một xấu đi tại Libya, nơi những người nổi dậy đang tìm cách lật đổ lãnh tụ Gadhafi. Nghị quyết cũng tăng cường lệnh cấm vận vũ khí và mở rộng lệnh phong toả các tài khoản của Ngân hàng Trung ương Libya và đồng thời của công ty dầu mỏ quốc gia Libya.

Mở màn cho chiến dịch Quốc tế ‘bảo vệ thường dân’ Libya, một phi cơ chiến đấu của Pháp đã nã đạn xuống một xe quân sự của phe Gadhafi vào lúc 16 giờ 45 theo giờ quốc tế ngày Thứ Bảy 19/03/11, tiếp theo 112 tên lửa Tomahawk đã được phóng đi từ các  chiến hạm và tầu ngầm của Mỹ và Anh trong biển Địa Trung Hải.  Hơn 20 mục tiêu được coi như mối đe dọa trực tiếp đối với các lực lượng liên minh và thường dân Libya đã bị đánh trúng. Sáng Chủ Nhật, phi cơ của quốc tế thả bom xuống các khu ngoại ô của thủ đô Tripoli. Lên tiếng trên đài truyền hình Mỹ, ngày 20/03/11, Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Hoakỳ nói: “Giai đoạn đầu của chiến dịch nhằm thi hành lệnh cấm bay, khởi sự từ hôm qua, đã tiến hành tốt đẹp”.

Phản ứng với cuộc không kích, Gadhafi đe dọa sẽ lôi kéo các lực lượng Tây phương vào cuộc ‘chiến tranh trường kỳ’. Gadhafi đang tận dụng lực lượng lính đánh thuê để đánh trả phe nổi dậy, và dùng những kẻ trung thành, kể cả đàn bà, trẻ con ‘làm lá chắn sống’ để ngăn các cuộc tấn công của đối phương. Trong khi đó thì tình hình thủ đô Tripoli rối loạn. Báo Allvoices dẫn nguồn tin cho là đệ nhất phu nhân Safia Farkash Gadhafi có thể đã tích trữ được hơn 20 tấn vàng phòng khi ông Gadhafi ngã ngựa. Theo giới truyền thông ở đây thì  tài sản của gia đình Gadhafi ước tính lên đến 80 tỷ Mỹ kim, trong đó bà Safia có là 30 tỷ. Bà Safia là vợ thứ hai của Gadhafi, người đàn bà đã mưu toan hành thích Gadhafi vào năm 1971. Nhưng lại đã tạo ra ‘tiếng sét ái tình’ đối với Gadhafi, rồi sinh ra 1 gái, 7 trai  cho Gadhafi. Safia làm chủ công ty hàng không Air Burap đối thủ cạnh tranh với hàng không quốc gia Libya là Libyan Arab Airlines. Xem vậy, lực lượng quân đội của Gadhafi, khi đã bị đẩy vào thế co cụm lại để bảo vệ thủ đô, mà còn bị phong tỏa toàn diện thì chế độ độc tài, gia đình trị Gadhafi chẳng còn tồn tại được là bao nữa.

Ngay sau ngày Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị Quyết 1973 ‘cho phép quốc tế dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân’, ngày 18/03/2011, một cuộc biểu tình lớn bùng phát tại một số thành phố của nước Syria ở Trungđông. “Kêu gọi thả tù chính trị và đòi có nhiều tự do hơn dưới sự cai trị của tổng thống Bashar al-Assad”. Công an, quân đội đã dùng võ lực để giải tán các cuộc biểu tình. Đã có ít nhất 4 người thiệt mạng tại thành phố Deraa. Chính phủ đã bắt giữ 32 nhà đấu tranh. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoakỳ, Tommy Vietor nói: “Hoakỳ lên án mạnh mẽ những vụ bạo động”. Tổ chức Human Rights Watch tố cáo rằng: “Chính quyền Syria đã không ngần ngại bắn vào chính nhân dân của họ”.

Cùng ngày này tại Yemen, 52 người biểu tình chống chính phủ đã bị thành phần trung thành với tổng thống Ali Abdullah Saleh bắn chết gần trường Đại Học Sanaa. Ngày 19/03/11, tổng tthống Ali Saleh tuyên bố sa thải toàn thể nội các, giữa lúc hàng chục ngàn người để tang tuần hành tại thủ Yemen tiễn đưa những người tử nạn. Chính phủ rút hết các lực lượng võ trang đi.  Nhưng thủ lãnh Hiệp Hội Bộ Tộc Hasid của tổng thống Saleh, ông Sheik Sadiq al-Ahmar đã đưa ra một thông cáo chung với các giáo sĩ có tiếng tăm, quy trách nhiệm cho tổng thống Yemen trong vụ giết người biểu tình. Họ đòi  tổng thống Saleh phải từ bỏ chức vụ, mà ông đã nắm giữ trong 32 năm qua. Trung tướng Ali Mohsen al-Ahmar, tổng tham mưu trưởng quân đội Yemen loan báo: “Ủng hộ cuộc cách mạng ôn hòa” “lên án việc đàn áp người biểu tình”. Hai tư lệnh là thiếu tướng Ali Mohsen và Hameed al-Qusaibi và nhiều sĩ quan cao cấp khác dứng về phía đối lập. Xe tăng của phe đối lập đã được bố trí trên đường phố thủ đô. Vệ Binh Cộng Hòa ủng hộ ông Saleh bảo vệ dinh tổng thống. Tình thế này, buộc Mỹ phải lựa chọn thoả đáng, vì Yemen vốn là điểm chiến lược chống khủng bố al-Qaeda. Dù muốn thế nào thì Mỹ cũng không giữ ‘ông bạn’ Saleh lâu hơn được nữa.

Tuy Mỹ là nước từ lâu đề cao nhân quyền, và được xem như nhà đạo diễn cho Nghị Quyết 1973, nhưng vẫn không thoát khỏi phiền toái với các nước bạn như Yemen và Bahrain đang chống lại dân chúng của họ. Phiền nhất là giữa 2 ông tổng thống  và thủ tướng Nga. Hôm 21/03/11, thủ tướng Nga, Putin, người còn đầu óc độc tài, muốn trở lại nắm chức vụ tổng thống Nga lần nữa, đã tố giác: “Nghị quyết LHQ cho lập vùng cấm bay ở Libya là cuộc thập tự chinh”. Rõ ràng là Putin bất bình về việc Nga không xử dụng quyền phủ quyết. Để trả lời Putin, ông Medvedev đã khoác áo da của phi công oanh tạc, chủ trì cuộc họp báo, phản biện lại lời lẽ của Putin. Ông nói; “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể chấp nhận được khi đưa ra những phát biểu có thể dẫn đến xung đột giữa các nền văn minh, chẳng hạn như thập tự chinh”. Ông bênh vực quyết định của Nga khi bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của LHQ.

Trước khi LHQ bỏ phiếu cho Nghị Quyết 1973, phó tổng thống Mỹ, Joe Biden đã đến Moscow gặp tổng thống Medvedev, trong bài diễn văn quan trọng tại đây, phó tổng thống Mỹ đã ca ngợi tổng thống Nga tới 7 lần. Ngày 21/03/11, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates đã đến Nga nhằm phát triển mối quan hệ Nga-Mỹ có nhiều tiến bộ trong năm vừa qua, và ca ngợi Nga đã không chặn nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, áp dụng biện pháp quân sự ở Libya. Đề tài về Libya sẽ được ông Gates trực tiếp thảo luận với TT Dmitry Medvedev. Có vẻ như chính giới Mỹ muốn vị tổng thống dân chủ Nga có khuynh hướng đi gần với Tây phương này đắc cử thêm một nhiệm kỳ vào năm tới. Đau nhất vẫn là Trung Cộng không được phủ quyết về Nghị Quyết “cho phép quốc tế dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân”, một khi xuống đường biểu tình ôn hoà mà bị chính quyền cuả nước mình bắn giết, như đã xẩy ra ở vụ Thiên An Môn. Rõ ràng là Trungcộng đang tự buộc tội và tự trói tay mình. Thế mà chỉ dám ngỏ ý “tiếc về hoạt động quân sự của liên quân Tâyphương tại Libya”. Việtcộng cũng phụ họa theo: “Việtnam kêu gọi các bên kềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự”. Báo đảng Cộngsản Việtnam mạnh miệng, khẳng định: “Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Libya là xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây là điều không thể chấp nhận được vì tạo ra tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế”. Quan niệm này đã lỗi thời rồi. Bắn giết dân mình mới là tội lớn không thể tha.

Litte Saigon ngày 22/03/2011.

Lý Đại Nguyên

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt