Gương Thành Công – Charles Dickens
Một người thành công trên đời đều mang một đức tính lạ thường. Những đức tính đó xem ra thật kỳ lạ nhưng đó cũng là đặc điểm của con người thành công. Tựu trung, danh ngôn “thiên tài là do sự cố gắng lâu dài” hiện hữu ở trong hầu hết những vĩ nhân trên thế giới. Cuốn sách “40 Gương Thành Công” của tác giả Dale Carnegie sẽ gửi đến từng câu chuyện để các bạn thưởng thức và chiêm nghiệm…Đây là gương thành công của Charles Dickens (1812-1870) nhà văn, nhà xã hội học nỗi tiếng thế kỷ thứ 19, với danh nghĩa “Charles Dickens viết cuốn sách nhỏ có giá trị nhất thế giới”…
Cách nay gần đúng hơn trăm năm, và gần đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, một cuốn sách nhỏ được xuất bản ở Luân Đôn, một tiểu thuyết sau này thành bất hủ. Nhiều người cho cuốn đó là “cuốn sách nhỏ có giá trị nhất thế giới”. Khi cuốn đó phát hành, những người Anh quen nhau mà gặp nhau trên đường Strand hoặc Pall Mall đều hỏi nhau: “Ông đã đọc cuốn đó chưa?”. Và ai cũng đáp:”Có, tôi đọc rồi, cầu Trời phù hộ cho ông ấy”.
Nội ngày đầu, sách đã bán được một ngàn cuốn. Trong nữa tháng, sách bán được mười lăm ngàn cuốn. Rồi từ đó sách tái bản không biết bao nhiêu lần, được dịch ra gần đủ các thứ tiếng. Ít năm sau, J.P. Morgan mua bản thảo bằng một giá không tưởng tượng được; và hiện nay bản thảo ấy nằm chung với những bảo vật vô giá khác, trong phòng triển lãm mỹ thuật của ông ở Nữu Ước mà ông gọi là thư viện của ông.
Cuốn sách nổi danh khắp thế giới đó là cuốn gì? Là cuốn Christmas Carol (Bài hát lễ Giáng Sinh) của Charles Dickens.
Charles Dickens thành nhà văn viết nhiều nhất và được độc giả thích nhất trong văn học sử Anh; vậy mà khi ông bắt đầu viết, ông sợ bị người ta chế nhạo tới nỗi phải lén lút đi bỏ bản thảo đầu tiên của mình vào thùng thư trong đêm tối để không ai thấy sự cả gan của mình.
Khi truyện ông viết được xuất bản, ông hai mươi hai tuổi, ông vui sướng quá đỗi, đi lanh thang không mục đích trong phố phường, nước mắt chảy ướt đầm mặt.
Người ta không trả cho ông một xu nhỏ nào về truyện đó. Và tám truyện sau đem cho ông được bao nhiêu tiền, bạn thử đoán xem? Không có một đồng xu nào hết. Hoàn toàn không. Nhưng ông vẫn cố gắng viết, lấy sự sáng tác làm lẽ sống cho đời. Sau cùng khi người ta chịu trả tiền, thì ông cũng chỉ được lãnh một ngân phiếu là một Anh kim cho mỗi truyện. Vâng, ông chỉ được lãnh một Anh kim về truyện đầu; nhưng truyện cuối của ông đã đem lại cho người thừa kế ông ba Anh kim một chữ tức cái giá cao nhất từ hồi khai thiên lập địa đến nay, chưa tác giả nào được lãnh! Ba Anh kim mỗi chữ!
Phần đông nhà văn, chết rồi thì chỉ trong vòng năm năm là không ai biết tới, nhớ tới tên tuổi của mình nữa.
Còn Dickens mất đã sáu mươi ba năm mà các nhà xuất bản vẫn trả cho người kế thừa ông trên bốn vạn Anh kim về truyện Đức Chúa Jesus, một cuốn sách nhỏ ông viết riêng cho các con ông đọc.
Trong khoảng trăm năm nay, tiểu thuyết của Charles Dickens bán mạnh một cách kỳ dị. Chỉ thua tác phẩm của Shakespeare và Thánh Kinh. Cả trên sân khấu lẫn trên màn ảnh, những tiểu thuyết đó luôn luôn được hoan nghênh.
Trong suốt đời ông, ông chỉ đi học không đầy bốn năm, vậy mà ông viết mười bảy tiểu thuyết có danh nhất bằng tiếng Anh. Song thân ông điều khiển một trường học, nhưng ông không hề tới trường đó, vì trường mở cho thiếu nữ, và treo một bảng đồng có hàng chữ: “Trường của bà Dickens” nhưng sự thực thì trong cả thành Luân Đôn chẳng có lấy được một thiếu nữ nào lại đó học.
Mà số nợ thì mỗi ngày một cao, một tăng lên. Chủ nợ kiện, rủa, đập bàn. Rốt cuộc, bất bình quá, họ làm cho thân phụ Dickens phải vào khám.
Tuổi thơ của Dickens thực là nghèo khổ và thương tâm, thương tâm cũng chưa đúng, phải nói là bi thảm. Mới mười một tuổi đầu thì cha bị nhốt khám, gia đình túng quẫn quá, không có gì ăn; cho nên mỗi buổi sáng, chàng phải lại tiệm cầm đồ cầm vài đồ lặt vặt còn lại trong nhà. Chàng phải bán cả những cuốn sách chàng nâng niu, bán mười cuốn mà chỉ có những cuốn đó là làm bạn với chàng thôi, ngoài ra không ai chơi với chàng hết. Sau này chàng nói:”Khi tôi bán những cuốn đó, tôi thấy muốn đứt ruột”.
Sau cùng bà thân của Dickens dắt theo bốn người con vào khám ở với chồng. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời mọc chàng vào khám ở với gia đình suốt ngày. Đến tối chàng về căn phòng ảm đạm ở gác thượng, sát nóc nhà, ngủ với hai đứa nhỏ khác. Cảnh của chàng lúc đó như cảnh địa ngục. Sau chàng xin được việc dán nhãn lên những ve thuốc nhuộm đen trong một kho đầy những chuột. Tháng đầu lãnh được ít đồng, chàng mướn một phòng khác, một cái hang nhỏ tối tăm cũng ở gác thượng sát nóc với một đống màn gối dơ ở trong một góc; vậy mà Dickens bảo rằng cái hang đó đối với chàng”không khác gì cảnh thiên đàng”.
Dickens tả nhiều cảnh linh động về đời sống hoàn toàn hạnh phúc trong gia đình. Nhưng hôn nhân của ông là một sự thất bại, một sự thất bại buồn rầu, bi thảm.
Ông sống hai mươi ba năm với một người vợ mà ông không thương. Bà vợ sanh được mười người con. Cảnh nghèo khổ cứ mỗi năm một tăng. Khắp thế giới ngưỡng mộ ông mà trong nhà ông, toàn là cảnh đứt ruột. Sau cùng, đau khổ quá lắm, không chịu nỗi nữa, ông phải làm một việc mà hồi đó coi là động trời: Ông đăng ngay trên mặt báo của ông một tờ bố cáo nói rằng hai vợ chồng ông không sống với nhau nữa (…)
Dickens là người được nhiều người yêu, ngưỡng mộ nhất thời đó. Lần thứ nhì ông qua thăm Mỹ, dân chúng sắp hàng, đứng run rẩy mấy giờ trong gió buốt để đợi mua giấy vô nghe ông diễn thuyết.
Ở Brooklyn, dân chúng đốt pháo mừng, và trải đệm trên đường ngồi suốt đêm, không sợ bị cảm phong, cảm hàn, không sợ bị sưng phổi, để đợi mua vé. Và khi vé bán hết, hàng trăm người phải về không, bất bình lắm, làm náo động cả lên.
Văn học sử đầy những danh nhân tính tình trái ngược nhau, nhưng xét kỹ thì Charles Dickens có lẽ là người lạ lùng nhất trong giới nhà văn.