Gương Sáng Lưu Lại Ngàn Sau Không Vì Hiềm Riêng Mà Quên Nghĩa Cả

Các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại hiện đang lâm vào tình trạng thiếu đoàn kết. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung thì chủ yếu vẫn là cái “tôi” và cái “chúng tôi” quá mạnh, nên lấn át cái “chúng ta”. Vậy các cộng đồng hải ngoại chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại quá khứ, và sẽ tìm thấy không ít những tấm gương sáng của người xưa để soi lại hình bóng của mình. 

     Lê Hữu Cảnh là người lãnh đạo Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học bị chính quyền thực dân Pháp bắt ở ấp Cổ Vịt, tỉnh Hải Dương vào ngày 20 tháng 2 năm 1930.

     Lê Hữu Cảnh là người xã Thịnh Quang, tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông, sinh năm 1895 trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo, thuộc giới trung lưu. Cha mẹ làm nghề buôn, có cửa hàng đồ gốm tại số nhà 51 phố Hàng Mắm, Hà Nội. Từ thuở ấu thơ, Lê Hữu Cảnh đã tỏ ra là người thông minh gan dạ. Theo học Trường Thầy Giòng Hà Nội đến gần tốt nghiệp, Lê Hữu Cảnh ứng mộ lính thợ đi Pháp. Đến khi trở về, Lê Hữu Cảnh làm việc tại công xưởng Hỏa Xa Gia Lâm.

     Giữa năm 1927, trước cao trào yêu nước lan tràn trong các giới trí thức, sinh viên, học sinh, Lê Hữu Cảnh đã gia nhập Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã ở số 6, đường 96, khu Nam Đồng, trước bờ hồ Trúc Bạch Hà Nội, do nhà giáo Phạm Tuấn Tài chủ trương, và do sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Nguyễn Thái Học làm Chi Bộ Trưởng.

     Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập, Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã được tôn vinh làm Đệ Nhất Chi Bộ, và Lê Hữu Cảnh được chính thức trở thành đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

     Ngay sau khi được thành lập, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ ở các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, khiến chính quyền thực dân Pháp vô cùng lo ngại, ra sức tìm phương sách đối phó. Sở Liêm Phóng Liên Bang cho nhân viên ngày đêm lùng sục bủa vây các đảng viên, lại đem tiền bạc danh vọng mua chuộc các cảm tình viên và các đảng viên thiếu lập trường, khiến cho một số lớn đảng viên bị bắt, nhiều kho vũ khí bị khám phá.

     Sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Bazin và việc thi hành kỷ luật đối với các tên phản đảng (như Bùi Tiến Mai, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Thành Dương), Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier ký nghị định thành lập Hội Đồng Đề Hình để xét xử các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt và ra lệnh cho sở Liêm Phóng Bắc Kỳ tiến hành kế hoạch khủng bố trắng.

     Trước tình hình bất lợi như vậy, Nguyễn Thái Học đã triệu tập Đại Hội Đại Biểu toàn quốc vào trung tuần tháng 5 năm 1930 tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, để thảo luận việc tổng khởi nghĩa. Tại Đại Hội, các Đại Biểu đã thảo luận vô cùng sôi nổi.

     Nguyễn Thái Học chủ trương cần phải gấp rút tiến hành tổng khởi nghĩa nội trong năm 1930, vì nếu để chậm lại theo đúng chương trình đã hoạch định thì chắc chắn lực lượng cách mạng sẽ bị tiêu hao, anh em đồng chí sẽ chết dần chết mòn trong nhà tù, Đảng sẽ tan vỡ.

     Lê Hữu Cảnh chủ trương ngược lại, cho rằng chưa thể khởi nghĩa vội được vì lực lượng Đảng còn non yếu, khởi nghĩa tất phải thất bại, Đảng sẽ tan vỡ mà nhuệ khí quốc dân cũng bị tắt ngấm khó mà thổi bùng trở lại.

     Cuối cùng các Đại Biểu phải đưa tay biểu quyết và phái tán thành chủ trương của Đảng Trưởng đã thắng phiếu. Theo đúng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, toàn thể đại biểu bắt tay vào việc thảo luận đề án tổng khởi nghĩa. Đề án tổng khởi nghĩa chỉ cách mấy ngày sau đã được Tổng Bộ duyệt y.

     Vào ngày 26 tháng 1 năm 1930, Nguyễn Thái Học cấp tốc triệu tập cuộc họp Đại Biểu Đảng tại làng Võng La, xã Hạ Bì, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ để phân công, phân nhiệm tiến hành tổng khởi nghĩa. Ước lượng những khó khăn sẽ gặp phải, Nguyễn Thái Học tại hội nghị này đã để lại đời sau câu nói nổi tiếng: “Không thành công thì thành nhân”.

     Vì hầu hết các Đại Biểu thuộc miền trung du Bắc Kỳ, nên sau đó, Nguyễn Thái Học lại triệu thêm một hội nghị khẩn cấp nữa tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương để phân công phân nhiệm cho các Đại Biểu vùng đồng bằng. Đêm mồng 10 rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930, đúng 1 giờ khuya, cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đi vào lịch sử vàng son của dân tộc.

     Điều đáng nói là tại hội nghị Đức Hiệp, trong số những người của phe chủ trương chưa nên vội tổng khởi nghĩa có hai người đã tranh luận hăng say nhất là Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Đôn Lâm. Nguyễn Thái Học nghi ngờ hai người này bất mãn với quyết định của đa số Đại Biểu nên có thể sinh nhị tâm, nhất là sau khi hai yếu nhân của Đảng là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu suýt bị bắt vì sự phản bội của Phạm Thành Dương. Cho nên liền sau hai hội nghị Võng La và Mỹ Xá, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đã bí mật ra lệnh thủ tiêu Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Đôn Lâm.

     Ký Con được lệnh giết Lê Hữu Cảnh và Cai Hồng được lệnh giết Nguyễn Đôn Lâm. Ký Con biết Lê Hữu Cảnh là người trung nghĩa nên lần nữa chưa nỡ hạ thủ. Còn Nguyễn Đôn Lâm thì bị Cai Hồng bắn ở Hải Phòng, nhưng rất may là đạn chỉ trúng vào bả vai. Nguyễn Đôn Lâm đã yên lặng nhờ người quen chữa trị. Cả hai người, Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Đôn Lâm, đã không vì hiềm riêng mà quên nghĩa cả, vẫn một lòng một dạ phụng sự Đảng.

     Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học lẩn trốn một thời gian rồi cũng bị bắt tại ấp Cổ Vịt tỉnh Hải Dương vào ngày 20 tháng 2 năm 1930. Lê Hữu Cảnh thay thế nắm quyền lãnh đạo Đảng. Lê Hữu Cảnh đã cùng Nguyễn Xuân Huân, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đôn Lâm, Phạm Văn Hể và Nghiêm Toản tiến hành hội nghị bầu Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng cải tổ.

     Lê Hữu Cảnh vẫn thường xuyên liên lạc với Nguyễn Thái Học đang ở trong ngục thất, trao đổi tin tức và tiếp nhận khuyến cáo, qua trung gian của Nguyễn Thị Giang. Thời gian này, Nguyễn Thị Giang làm cố vấn cho Ban Chấp Hành Trung Ương và đã cùng Lê Hữu Cảnh viết bản án xử tử hình Toàn Quyền Pasquier và Tổng Đốc Vi Văn Định. Lê Hữu Cảnh đã bỏ qua tất cả những mối bất hòa ngày trước và không hề có thái độ hiềm nghi đối với các người thân cận của Nguyễn Thái Học lúc trước.

     Ngày 10 tháng 7 năm 1930, Lê Hữu Cảnh bị bắt trong lúc đang ẩn náu tại một ngôi nhà ở Hải Phòng, cùng với người phụ tá là Nguyễn Văn Huân, và một nữ đồng chí là Lê Thị Thành. Nhân viên sở Liêm Phóng cũng tìm thấy trong ngôi nhà này các dụng cụ chế bom và công thức làm thuốc nổ.

     Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Huân bị tên mật thám Pujol tra tấn dã man. Trong lúc lấy cung, thừa lúc Pujol không cảnh giác, Lê Hữu Cảnh đã cầm bình mực bằng thủy tinh trên bàn giấy liệng vào mặt Pujol rồi lao mình qua cửa sổ tự tử, nhưng không chết. Ngày mồng 7 tháng 11 năm 1930, Lê Hữu Cảnh bị Hội Đồng Đề Hình nhóm phiên họp tại Hải Dương kết án tử hình. Sáng sớm ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành quyết trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.

     Nguyễn Đôn Lâm, Lê Tiến Sự và Phạm Văn Hể cùng bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 1930. Ít ngày sau, Nghiêm Toản cũng bị bắt. Trước năm 1975, Nguyễn Đôn Lâm và Nghiêm Toản còn sống ở Sài Gòn và là những nhân chứng bằng xương bằng thịt của câu chuyện trên đây.

     Nhà cách mạng lão thành Việt Dân Hoàng Văn Đào trong cuốn sách nói về lịch sử đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân Đảng xuất bản ở Sài Gòn năm 1964 cũng đã không tiếc lời ca tụng những tâm hồn cao cả như Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Đôn Lâm đã không vì hiềm riêng mà quên nghĩa cả, trước sau vẫn một lòng một dạ phụng sự Đảng, phụng sự Dân Tộc, phụng sự Tổ Quốc Việt Nam.

Minh Vũ Hồ Văn Châm MD
(Cựu Bộ Trưởng Bộ Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt