Giới trẻ Việt Nam biết gì về thảm sát Thiên An Môn ?
Ngày hôm qua, 04 tháng 06, đánh dấu thời điểm 25 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra. Vào đêm 4/6/1989 Quân đội và xe tăng Trung Quốc tràn vào Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm thủ đô Bắc Kinh nghiến nát hàng trăm, và có thể là hàng ngàn người dân của chính Trung Quốc, mà đa phần là sinh viên trẻ tuổi biểu tình trong hàng tháng trước đó để đòi tự do dân chủ.
Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay biết gì về sự kiện này? Đó là chủ đề của Diễn đàn bạn trẻ hôm nay. Bài do Kính Hoà (RFA) thực hiện.
Biết rất mơ hồ
Kính Hòa: Chủ đề hôm nay của chúng ta là nói về vụ thảm sát Thiên An Môn cách đây 25 năm. Đến với diễn đàn có các bạn Thế, Tường, Nhật, và đặc biệt có hai bạn khá hiểu biết về Trung Quốc là Liên đang vừa học vừa làm tại Maryland, bạn Như Ý hiện sống ở Malaysia nhưng từng học và sống ở Bắc Kinh. Câu hỏi đầu tiên xin đặt ra là lần đầu tiên các bạn nghe nói về sự kiện đó là vào lúc nào? Và các bạn cảm thấy thế nào vào lúc đó?
Thế: Lần đầu tiên em nghe nói về sự kiện Thiên An Môn là vào năm 2005, lúc em đang học đại học tại Việt Nam, trong một bữa ăn gia đình rất tình cờ một người cậu của em là sĩ quan cấp trung trong quân đội nhân dân Việt Nam, nói về sự kiện đó, đặc biệt là cái hành động đàn áp dã man những sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn.
Tường: Lúc nhỏ em có đọc một quyển sách mỏng có nói về Thiên An Môn do mẹ em đề cập. Nhưng lúc đó em còn nhỏ lắm nên không biết rành về chính trị, chỉ biết có một vụ thảm sát ở Thiên An Môn có chết mấy ngàn người đó thôi. Sau này em tìm hiểu thêm, cách đây độ hai năm, khi em tìm hiểu về phong trào dân chủ ở Việt Nam thì em mới tìm hiểu rõ hơn.
Kính Hòa: Bạn Liên đi Trung Quốc rất nhiều lần. Lần đầu tiên Liên biết về chuyện này như thế nào?
Liên: Thực ra em cũng không biết về Thiên An Môn cho đến những năm em đi tour qua Bắc Kinh, thì khi mà đến Thiên An Môn thì có nhiều khách hỏi em là cái vụ Thiên An Môn nó như thế nào. Em cũng nghe hướng dẫn viên người ta nói về cái vụ đó là giết người dã man, nhưng hình như là bên Trung Quốc những người hướng dẫn viên nói tiếng Việt cũng không dám nói nhiều về cái điều này. Cho nên em nghĩ chắc cái điều đó nghiêm trọng.
Kính Hòa: Bạn Như Ý đã từng sống ở Bắc Kinh rồi, lần đầu tiên bạn nghe chuyện đó như thế nào?
Như Ý: Mình biết vụ Thiên An Môn cũng lâu rồi, hồi còn ở Việt Nam qua internet, mạng Wiki, rồi các trang như là BBC. Sau đó mình sang Bắc Kinh thì có hỏi về vụ Thiên An Môn, nhưng đa phần những người sinh sau năm 1989 thì không biết gì. Nhưng các ông thầy mình có tham gia vào vụ ấy thì có biết, và có những người nghe những trí thức Trung Quốc đã trải qua cách mạng văn hóa lẫn Thiên An Môn kể lại. Và nghe thì đúng là rất sợ. Rồi sau này mình cũng có đọc những quyển sách như của Lưu Hiểu Ba viết về Thiên An Môn hay là hồi ký của Triệu Tử Dương.
Nhật: Em biết việc này lâu rồi và không nhớ chính xác là lúc nào, chỉ nhớ là lúc biết thì rất mơ hồ, chỉ biết là có một vụ đàn áp sinh viên bên Trung Quốc. Chỉ có hai ba năm gần đây thì em mới tìm hiểu kỹ diễn biến của sự kiện, nhưng cái nguyên nhân, hậu quả cũng như những đánh giá về vấn đề này.
Kính Hòa: Xin đặt câu hỏi cho hai bạn Liên và Ý, là hai người có vẻ rành Trung Quốc nhất trong nhóm của chúng ta. Các bạn thấy người Trung Quốc hiện nay nhất là giới trẻ nhìn sự kiện này như thế nào?
Liên: Nếu nói Liên rành Trung Quốc thì cũng không biết có đúng không, nhưng mà khi Liên tới Trung Quốc thì Liên thấy những người dân Trung Quốc hay là giới trẻ thì họ đều không muốn nói. Liên hỏi cả những người lái xe cũng thế. Cho nên Liên nghĩ có một sự gì đó không dám nói ra.
Như Ý: Sau khi Thiên An Môn xảy ra đã có một cuộc thanh trừng của chính quyền Bắc Kinh đối với những lãnh đạo địa phương mà đã không có phản ứng gì đối với việc sinh viên tụ tập biểu tình. Sau đó chính quyền Trung Quốc phát động phong trào (gọi là) yêu nước để xóa bỏ những gì có liên quan đến Thiên An Môn. Có một luật bất thành văn ở Trung Quốc là cấm mọi người, bất kể là chính quyền hay nhà báo nhắc đến sự kiện Thiên An Môn này. Mà ngay cả tiểu sử ông Hồ Diệu Bang, một lãnh đạo cải cách của Trung Quốc mà cái chết của ông ấy là nguồn cơn cho cuộc biểu tình, cũng bị xóa bỏ khỏi sách giáo khoa. Cho nên những người sinh sau 1989 không biết gì về chuyện này. Hơn nữa phụ Huynh của họ trong gia đình cũng không nhắc về sự kiện này trước mặt con cái tại vì họ nghĩ là trẻ con bất cẩn sẽ làm hại cho cả gia đình. Thành ra chỉ những người trung niên, những người kinh qua giai đoạn ấy thì mới biết chứ chẳng ai biết cả.
Không thể kiểm duyệt thông tin
Kính Hòa: Nhưng mà trong những năm gần đây khi Như Ý sống ở Bắc Kinh thì thấy những người trẻ Trung Quốc có biết và bàn về chuyện này không?
Như Ý: Những người cùng tuổi biết rất ít. Những người biết được là những người có ra nước ngoài, đi du lịch một thời gian dài, có tiếp xúc với các nguồn thông tin nằm ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc.
Kính Hòa: Chuyển sang hai bạn ở Đài Bắc, thì hình như có những người tham gia Thiên An Môn có trốn sang Đài Loan phải không?
Thế: Đúng ạ. Vào thời điểm đó thì cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đài Loan và Hồng Kong, có những hành động hiệp thông với những thanh niên thành thị bên Trung Quốc. Chính quyền Đài Loan sẵn sàng cấp hộ chiếu Trung hoa dân quốc cho những người tham gia Thiên An Môn. Một hai lãnh tụ Thiên An Môn cũng trốn qua đây và hiện vẫn sống ở Đài Bắc.
Tường: Đài Bắc cũng có tổ chức lễ tưởng niệm 25 năm tổ chức gần trung tâm hành chính. Họ tập trung rồi đốt nến tưởng niệm.
Kính Hòa: Xin đặt câu hỏi cho Nhật, là tư khi bước vào trường đại học đến giờ thì Nhật thấy sinh viên Việt Nam biết gì và nghĩ gì về sự kiện Thiên An Môn?
Nhật: Các bạn mà em tiếp xúc thì rất là năng động. Cái hiểu biết nhiều về sự kiện này thì không có nhưng hầu như ai cũng biết là có một sự kiện xảy ra ở Trung Quốc, một bi kịch xảy ra bên Trung Quốc nhưng không chú tâm tìm hiểu sự kiện này như thế nào.
Kính Hòa: Xin đặt câu hỏi cho Liên. Xin nói luôn với các bạn là Liên là người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn mới rồi Việt Nam trong thời gian gần đây thôi. Thì Liên nhận thấy là trong cộng đồng người Hoa, hay giới sinh viên người Hoa thì người ta biết gì về Thiên An Môn?
Liên: Liên nghĩ là cộng đồng người Hoa ở Việt Nam không biết nhiều về chuyện này. Thường thì cộng đồng người Hoa ở Việt Nam cũng hay theo dõi tin tức hay đời sống ở Trung Quốc hay Hồng Kong, nhưng mà vụ này thì Liên nghĩ là họ không biết nhiều. Ngay cả Liên, nếu không đi Trung Quốc thì cũng không biết, cho nên Liên nghĩ là giới trẻ người Hoa ở Việt Nam cũng không biết nhiều.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng xin đặt ra cho các bạn là các bạn nghĩ liệu một chuyện như Thiên An Môn có thể xảy ra ở Việt Nam trong tương lai hay không?
Thế: Có thể xảy ra nhưng trong tương lai xa, còn bây giờ thì chưa chín muồi. Dù sao thì em nghĩ rằng chuyện kiểm duyệt thông tin bên Việt Nam cũng đỡ hơn bên Bắc Kinh.
Tường: Chuyện đàn áp phong trào dân chủ ở Việt Nam khó xảy ra do tính mở về thông tin và do bài học Thiên An Môn mang lại cho chính quyền. Không chỉ cho chính quyền Trung Quốc mà còn cho chính quyền Việt Nam nữa, họ sẽ không dám làm như vậy. Tuy nhiên còn một chuyện nữa là chuyện bưng bít thông tin, định hướng thông tin sẽ làm cho phong trào biểu tình lan rộng trong trí thức Việt Nam còn khá là xa.
Nhật: Thực sự nếu nói rằng Trung Quốc bưng bít thông tin thì em thấy khó nói vì em thấy trong vài chuyện thì Trung Quốc cũng rất cởi mở. Vì thế mới dẫn đến Thiên An Môn chứ không hoàn toàn bưng bít.
Còn chuyện như thế có xảy ra ở Việt Nam hay không thì em thấy rất là khó. Thứ nhất là xã hội phát triển dẫn đến ôn hòa hơn chứ không bồng bột như sinh viên Thiên An Môn. Thứ hai là bài học Thiên An Môn để lại cho chính quyền và giới lãnh đạo phong trào, các bên sẽ học cách tránh chuyện đối đầu trực tiếp như rứa.
Liên: Em nghĩ là sinh viên Việt Nam không có quyết liệt như bên Trung Quốc. Em cũng mong là chuyện này không xảy ra, gần đây em thấy biểu tình em cũng sợ.
Như Ý: Đầu tiên xin cải chính với các bạn là trong cái đêm cuối cùng, đêm 4/6 thì những lãnh đạo sinh viên đã nhượng bộ, đã rút bớt sinh viên ra. Trong hồi ký của Lưu Hiểu Ba thì nếu sinh viên không nhượng bộ thì người chết còn nhiều gấp mấy lần nữa.
Ý kiến của mình là một chuyện như Thiên An Môn ở Việt Nam là hoàn toàn không có vì đại đa số sinh viên Việt Nam hiện nay không quan tâm gì đến chính trị của đất nước cả.
Kính Hòa: Xin cảm ơn các bạn đã tham gia diễn đàn bạn trẻ.
Trong phần âm thanh cuối bài này các bạn nghe lời ca sau đây từ bài hát Máu trên quảng trường của Phillip Morgan viết về sự kiện Thiên An Môn:
“Một bài hát cất lên trên thành Bắc Kinh vào mùa xuân năm 1989. Và đó là bài hát về tự do vang lên trên quảng trường cho thê giới này biết họ yêu tự do. Ôi những tâm hồn trai trẻ đầy máu trên quảng trường.”