Giáo Sư Học Giả Vũ Ký, Đảng Viên Lão Thành VNQDĐ Qua Đời

Thành kính phân ưu lão đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng Bạch Vân, tức Giáo Sư, Học Giả Vũ Ký qua đời tại Vương Quốc Bỉ (Belgium), Châu Âu ngày 14 tháng 11, năm 2008.

c
Phân ưu
 
Việt Nam Quốc Dân Đảng
vừa nhận được tin buồn:
Lão đồng chí Vũ Ký, bí danh Bạch Vân,
Cố vấn Liên Khu Ủy, Liên Khu Năm.
 
Vừa tạ thế vào ngày 14 tháng 11 năm 2008,
tại Vương Quốc Bỉ (Belgium)
Hưởng thọ 88 tuổi
 
Việt Nam Quốc Dân Đảng thành kính chia buồn cùng bà quả phụ Vũ Ký, nhủ danh Nguyễn Thị Hạnh và tang quyến
 
Nguyện cầu hương linh đồng chí Bạch Vân sớm siêu danh về cõi vĩnh hằng.
 
Thay mặt
Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng
 
Hội Đồng Pháp Quy:
Hoàng Tích Thông – Nguyễn Hữu Thời
Hội Đồng Chấp Hành:
Lê Thành Nhân – Phan Thanh Châu
Hội Đồng Giám Sát:
Hồ Văn Ánh – Trần Sướng
 
Đồng Thành Kính Phân Ưu

 

Thân thế và sự nghiệp cách mạng và văn hoá của đồng chí Bạch Vân

(Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội Việt Nam tại Bruxelles
vinh danh Giáo Sư Học Giả Vũ Ký)

• Lê Hoàng Thanh

Khi còn ở quê nhà, tôi còn nhỏ và hơn nữa là học trò trường tỉnh nên hầu như không nghe biết nhiều về Giáo Sư (GS) Vũ Ký. Mãi đến đầu thập niên 90 tôi nói riêng mới hân hạnh biết tới GS Vũ Ký qua vài bài báo đọc được ở Âu Châu này. Từ đó, bà xã tôi mới nói cho biết thêm vài chi tiết về GS Vũ Ký vì GS là chỗ thân quen với nhạc phụ tôi. Rồi tình cờ đẩy đưa, tháng 6.2003 vợ chồng chúng tôi lặn lội hơn 600km về tham dự ngày công bố Giải Thưởng Viên Giác do Chùa và Báo Viên Giác tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Chùa tại Hannover và tại đây chúng tôi tình cờ hội ngộ với GS Vũ Ký và vài nhà văn đã nỗi danh thời VNCH như Nhà Văn Nguyễn hữu Nhật, nữ văn sĩ Nguyễn thị Vinh thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn đến từ Na Uy, gặp lại anh chị Ts B.H. Nghi….

Được biết Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội Việt Nam Bruxelles/Bỉ tổ chức vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của Bác, của GS Vũ Ký đã đóng góp trên phương diện phát huy, bảo tồn văn hoá Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua tại quốc nội cũng như ở hải ngoại, chúng tôi đã cố gắng đến tham dự. Sau đây xin được giới thiệu cùng quí đồng hương vài nét chính được ghi nhận trong buổi sinh họat vinh danh GS Vũ Ký hôm 03.12.2005 vừa qua tại Bruxelles.

* * *

Sau khi giới thiệu sơ qua chương trình bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, Cha Lân đã nhường Mi-Cờ-Rô lại cho nhà văn Nguyễn Ngọc Diệp và buổi mạn đàm giữa nhà văn Nguyễn Ngọc Diệp (NND) với GS Vũ Ký bắt đầu. Điều làm cho tôi cảm động và kính phục là GS Vũ Ký với thái độ rất từ tốn rút từ cái cặp mang theo ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ, cờ nhỏ để bàn trịnh trọng đặt lên bàn chủ tọa, trước khi chính thức khai mạc cuộc mạn đàm. Một điểm son khác theo sự nhận xét của riêng tôi, Bác đã trân trọng trao tặng Cha Lân lá cờ Việt Nam Công Hoà, cờ vàng ba sọc đỏ khổ lớn mang về từ CaLi nhân chuyến ra mắt sách của Bác tại Mỹ và nhấn mạnh thêm rằng, món quà này quí lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ này là biểu tượng cho tự do, dân chủ và bác ái. Theo GS Vũ Ký, những ai thật sự muốn nói rằng mình đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam thì họ có bổn phận phải bảo vệ lá cờ VNCH và phải đứng dưới lá cờ này, không thể thoái thoát được vì lý do này hay vì lí do khác! Xa hơn nữa, GS Vũ Ký đã trang trọng dương đảng kỳ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) khổ khá lớn, nền đỏ, sao trắng với vòng tròn xanh giới thiệu đồng hương và thưa riêng với Cha Lân là GS không thể tặng Cha Lân đảng kỳ này được vì đó là kỷ vật do Hội Đồng Chỉ đạo VNQDĐ Hoa Kỳ tặng và GS sẽ đem giữ lại để (nếu mai này qua đời) đem theo vào lòng đất như là một kỷ vật yêu dấu cho chính bản thân Giáo Sư, hầu như suốt cả cuộc đời dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ, chống bạo quyền Cộng Sản Việt Nam kể từ khi GS vừa tròn 26 tuổi!

Trong suốt gần 2 giờ đồng hồ, nhà văn NND đã lần lược giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và quá trình hoạt động của GS Học Giả Vũ Ký, giới thiệu đến cử toạ (có khoảng 90 người tham dự, chật hội quán!) những tác phẩm, gần ba chục cuốn sách và nhiều án văn mà GS Vũ Ký đã viết và cho xuất bản trong thời gian qua, như Ấn Tượng Một Thời, Yêu Sống (cùng viết chung với nhà văn Chu Tử), Truyện và Ký …. Được biết là sẽ có người tường thuật tường tận lại buổi mạn đàm văn hoá nói trên nên tôi không dám đi sâu vào chi tiết trong bài lược thuật này. Vì thế trong khuôn khổ bài này người viết chỉ muốn giới thiệu GS Vũ Ký đến quí đồng hương, trân trọng giới thiệu “Tác Giả và Tác Phẩm” của GS Học Giả Vũ Ký, một nhà văn đã đạt được ước vọng cao nhất của một người viết văn, được đề cử làm ứng cử viên giải văn chương Nobel Quốc Tế 2003, một giải thưởng có giá trị cao nhất trên mọi lãnh vực, từ Văn Chương đến Hoà Bình, Y Khoa, Hoá Học, Vật Lý Học v.v…

Vậy Giáo Sư Học Giả Vũ Ký là người như thế nào?

Chúng tôi xin được giới thiệu đến quí đồng hương về cuộc đời và sự nghiệp, về sự đóng góp trên bình diện văn học của GS Vũ Ký, ứng cử viên giải Nobel Văn Chương Quốc Tế 2003.

• Tiểu sử của Giáo Sư Học Giả Vũ Ký (dựa theo bài phỏng vấn GS Vũ Ký của cô Thu Nga, đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại VRN tại Dallas/Texas, Hoa Kỳ):

Giáo Sư (GS) Vũ Ký sinh năm 1921 (nhưng ghi trong giấy khai sinh là 1920, tăng thêm 1 tuổi để khỏi xin miễn tuổi thi Tiểu Học (Primair)) tại Dương Bàn, Tam Kỳ, Quảng Nam. Lúc thiếu thời GS Vũ Ký đã từng theo học tại các trường Tam Kỳ, College de Qui Nhơn, Lycée Khải Định ở Huế và Đại Học Hà Nội (Université Indochinoise Hà Nội, 1942). GS Vũ Ký xuất thân từ một gia đình Nho Phong và cùng với người em út, Hoạ Sĩ Vũ Hối đã tham gia vào tổ chức cách mạng thời bấy giờ. Vốn là một chiến sĩ cách mạng nên GS Vũ Ký là nạn nhân của Cộng Sản Việt Nam.

Là một chiến sĩ cách mạng, GS Vũ Ký đã từng tham gia nhiều hoạt động chính trị tại Việt Nam trước 1975 cũng như ở hải ngoại, sau khi GS được định cư tại Bỉ quốc. Chúng tôi xin sơ lược hoạt động của GS Vũ Ký, xin được chia ra làm hai giai đoạn, trước 1975 tại Việt Nam và sau năm 1980 ở hải ngoại.

• Hoạt động trước 30.4.1975 tại quốc nội:

– Dạy học ở Lycéum Pasteur Hà Nội năm 1943.
– Sau đó GS về dạy tại trường Quốc Học Huế, Petrus Ký Sài Gòn và nhiều trường khác…
– Ngoài ra GS còn viết văn, viết báo và viết sách, gồm nhiều thể loại như sáng tác, biên khảo, dịch thuật và đã cho xuất bản gần ba mươi tác phẩm giá trị.
– Năm 1946, GS Vũ Ký tham gia Đảng Cách Mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) cùng thế hệ với các cụ Phan Khôi, Phan Khoang. Từng là cố vấn Mặt Trận Bài Cộng Liên Khu V (1948) nên bị Việt Minh sau khi bắt giữ đã kết án 20 năm tù khổ sai và ở tù tại trại giam Liên Khu V Tiên Lập, mãi đến khi Hiệp định Genève kí kết xong vào năm 1954 mới được trả tự do.
– Vì đã tham gia chống độc tài (vụ Liên Khu Chiến Việt Quốc) nên GS Vũ Ký bị chính quyền đương thời đày ra đảo Phú Quốc (từ 1955-1958): Sau đó GS lại bị bắt giam tại Catinat, nhà lao Gia Định và trại Võ Tánh Sài Gòn vào năm 1960 vì vụ Caravelle.
– Trước 1975, GS là biên tập viên Đài phát Thanh Sài Gòn và phụ trách mục Diễn Đàn Thi Văn.
– GS Vũ Ký còn là Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội Viên Hội Điển Chế Tự Điển Việt Nam.
– Sau 30.4.1975, GS bị Việt Cộng bắt giam tại Sài Gòn và ở tù tại trại Cải tạo Tiên Lãnh ở Quảng Nam (từ 1976-1980). Nhờ sự can thiệp của chính phủ Bỉ và Hoàng Hậu Fabiola nên từ trong nhà tù Việt Cộng, GS Vũ Ký được trả tự do, xuất ngoại và định cư tại Bruxelles/Bỉ từ năm 1980 cho đến nay. Theo lời của GS Vũ Ký thì mặc dầu có sự can thiệp của chính phủ Bỉ nhưng để hoàn tất thủ tục xuất ngoại, gia đình GS phải tốn đến 10 cây vàng, gọi là “tiền lo giấy tờ xuất ngoại trả cho các cơ quan nhà nước Việt Cộng“ đặc trách về phương diện này!

• Hoạt động của GS sau năm 1980 tại hải ngoại:

Sau khi định cư tại Bỉ vào năm 1980, GS Vũ Ký đã tích cực tham gia trên lãnh vực phát huy và duy trì nền văn hoá Việt Nam (VN) tại hải ngoại. Ngoài chuyện cho tái bản lại một số sách đã in trước 1975 tại VN, GS còn ấn hành thêm một số sách mới, có cả bằng ngoại ngữ. Đặc biệt, một số sách của GS Vũ Ký đã được dùng để giảng dạy tại nhiều viện Đại Học ở Pháp, Anh hay Hoa Kỳ …. Thêm vào đó, GS còn viết văn, viết các bài tham khảo và phê bình văn học cho nhiều tờ báo được ấn hành tại Âu, Úc và Mỹ Châu.
Ngoài ra, GS Vũ Ký còn cộng tác với nhiều tờ báo ngoại quốc như nhật báo Pháp Ngữ Le Soir ở Bruxelles, đã từng thuyết trình các vấn đề văn hoá ở Bỉ và Âu Châu.
■ GS Vũ Ký được mời làm Giám Khảo Viện Tú Tài Quốc Tế tại Genève (Thụy Sĩ) và Luân Đôn (Viện Đại Học Southamotom, Đại Học Bath ở Anh Quốc). Theo tôi được biết, chính GS Vũ Ký từ cương vị này đã tích cực vận động, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải xem Việt Ngữ ngang hàng với những ngoại ngữ khác.
■ GS là hội viên thực thụ của Hội Sabam (Bruxelles / Bỉ)
■ Hội viên Hội Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc viện Đại Học Yale (Mỹ) và
■ Đặc biệt, GS Vũ Ký đã được đề cử làm ứng cử viên tranh giải Văn Chương Nobel quốc Tế năm 2003.

Trong khuôn khổ buổi mạn đàm nói trên, nhà văn Nguyễn Ngọc Diệp đã lần lượt phân tích mạch lạc và giới thiệu những tác phẩm của GS Vũ Ký đã xuất bản trong thời gian qua. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Ngọc Diệp lưu ý cử tọa về tác phẩm “Văn Hoá Việt Nam“ đã được sử dụng để giảng dạy tại Đai Học Hawai (Mỹ) từ năm 1966 cũng như trân trọng nhắc đến hai tuyệt phẩm của GS Học Giả Vũ Ký, đó là các tác phẩm “Luận Cương về Văn Hóa Việt Nam“ đã được tái bản ba lần và tác phẩm “Nghệ Thuật Viết Văn và Đọc Văn “ (tái bản lần thứ năm) đã được Cộng đồng người Việt tại hải ngoại trân trọng đón nhận một cách nhiệt liệt. Đồng thời nhà văn Nguyễn Ngọc Diệp cũng không quên lưu ý rằng tuyệt phẩm “Nghệ Thuật Viết Văn và Đọc Văn“ của GS Vũ Ký, dày gần 800 trang được xem như là cuốn sách gối đầu cho những ai muốn đi vào nghiệp viết lách (nhưng rất tiếc là không có bán sách tại buổi sinh hoạt ở Bruxelles) và quan trọng, hãnh diện hơn, chẳng những cho chính GS Vũ ký mà cho người Việt chúng ta nói chung vì cuốn sách này được sử dụng để giảng dạy Việt Ngữ tại Đại Học Harward (Mỹ) và vài Đại Học ở Pháp, Anh. Ngoài ra, GS Vũ Ký còn giới thiệu đến quan khách tham dự cuốn sách mang đề tựa “Về Nguồn“ do Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội Phật Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức xuất bản vào năm 2002. Nội dung cuốn sách này, theo tác giả không ngoài mục đích nhắc nhở người Việt lưu vong đừng vì vọng ngoại, đừng vì sự cám dỗ về vật chất tại các nước văn minh chúng ta đang định cư mà quên đi cội nguồn của chính mình, nhất là giới trẻ hầu duy trì cho được truyền thống Việt Nam, cố gắng giữ gìn văn hóa Việt qua những phong tục cổ truyền rất hay của chúng ta vốn đã có từ ngàn xưa: từ tình nghĩa vợ chồng, kính trọng cha mẹ cho đến những Lễ lớn như Tết, Lễ cúng ông bà tổ tiên, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, v.v… Theo như GS cho biết, chính nhờ đọc được quyển Về Nguồn nói trên mà có đồng hương ở Na Uy viết thư thăm và thố lộ cho GS Vũ Ký biết là sau đó đã tìm về cội nguồn, bắt đầu thương kính cha mẹ mà từ lâu đồng hương này thờ ơ, thiếu bổn phận … Một điểm khác người viết cũng xin được đề cập đến là bài viết mang tên “Hội An“ tuy dài khoảng 10 trang thôi nhưng đã phản ảnh rõ nét thành phố Hội An của Quảng Nam được người Việt ở hải ngoại nhiệt liệt đón nhận, nhất là những đồng hương xứ Quảng và có người đã rơi lệ sau khi đọc xong. Bởi vậy, dân xứ Quảng Nam chúng tôi mới nói, ngày xưa cụ Phan Khôi nỗi tiếng với bài “Tình Già“ thì bây giờ Giáo Sư Học Giả, nhà văn Vũ Ký nỗi tiếng với bài “Hội An“ vậy. Điều mà tôi khâm phục GS Vũ Ký thêm là tuy nỗi tiếng như thế nhưng Bác tỏ ra rất khiêm nhường. Bác đã khẳng định, nhà văn Thái Tú Hạp (Mỹ) khi nói “Quảng Nam hãnh diện vì Vũ Ký“ là quá đáng, không đúng. Theo GS, phải nói như thế này mới chính xác “Vũ Ký hãnh diện vì Quảng Nam“, bởi vì Quảng Nam là đất địa linh anh kiệt, đã có những bậc hiền tài như Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Phan Khôi, Phan Khoang, Phan Chu Trinh … và đây là điều làm tôi suy nghĩ! Đức tính khiêm nhường không phải ai cũng có trong hoàn cảnh hiện tại và chính đây cũng là một điểm son khác của GS Vũ Ký vậy.

Sau phần mạn đàm nói trên, GS Vũ Ký đã được nhiều thân hữu lên tặng quà, tặng hoa vinh danh, chia vui và kính chúc GS nhiều sức khoẻ trong tương lai. Sau đó Ban Tổ Chức đã dành khoảng 30 phút để GS trả lời thắc mắc của thính giả. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liên quan đến sự nghiệp văn hoá cũng có và ngay cả về gia đình, đời tư cũng chẳng thiếu. GS Vũ Ký đã uyển chuyển theo đó mà trả lời. Điều mà người viết ghi nhận là chính GS đã thú nhận rằng tuy bị tù nhiều lần, nhất là tù do CSVN cai quản, nhưng rốt cuộc GS chẳng học hỏi thêm được kinh nghiệm nào cả. Cũng dễ hiểu thôi vì theo GS, Việt Cộng rất tinh vi trên phương diện này, luôn khoác lên người chúng lớp áo nhân đạo không để cho người ngoài biết được sự gian ác của chế độ CS qua mỹ từ “học tập cải tạo“!
Bên cạnh đó, qua câu hỏi: nếu bắt đầu lại sự nghiệp, GS có thay đổi con đường đã chọn không thì GS Vũ Ký khẳng định trả lời là sẽ không thay đổi, vẫn sẽ là 1 chiến sĩ cách mạng và vẫn chọn nghiệp làm nhà giáo, nhà văn và nhà báo.

Riêng về câu hỏi liên quan đến “Nghệ Thuật Viết Văn và Đọc Văn“ thì GS Vũ Ký (vì thời giờ hạn hẹp) đã cô đọng trong câu trả lời. Theo GS, viết văn hay đọc văn là chuyện rất thông thường đối với chúng ta nhưng vấn đề quan trọng là cách đọc và cách viết, phải làm sao đây để hấp dẫn người đọc, để cho người đọc hiểu mình muốn viết gì. GS nhấn mạnh, viết văn khó hơn đọc văn. Bởi vậy cần phải chú trọng từ hình thức đến nội dung khi viết văn. Và trước khi viết một bài văn, ta phải tự đặt cho mình 4 câu hỏi chính là viết cái gì?, Viết cho ai?, Viết làm sao đây và viết với mục đích gì? Đọc văn cũng tương tự: Đọc cái gì, đọc loại sách nào, đọc làm sao và đọc với chủ đích gì? GS giải thích: “Nghệ Thuật Viết Văn và Đọc Văn“ mục đích chính là “ĐỂ ĐÀO LUYỆN MÌNH“ cho con người trở nên hoàn hảo hơn: trở nên có nhân cách, phẩm giá, trở nên hạnh phúc hơn trong cuộc sống, trở nên sáng suốt hơn, minh mẫn hơn trong suy tư, ứng xử, trở nên phong phú hơn về kiến thức, trí tuệ và từ đó sẽ giúp để xây dựng cuộc sống cho chính mình và xã hội thêm tốt đẹp và nhân bản hơn. Xa hơn nữa, GS còn phân tích: “Văn“ gồm lời và chữ. “Viết Văn“ là dùng lời và chữ để diễn đạt ý của mình. Cho nên ngoài lời nói, Văn dù dưới thể loại hay hình thức nào vẫn chỉ là phương tiện giao lưu, là một phương tiện truyền thông mà thôi. Tóm lại, theo GS Vũ Ký, “Viết Văn, Đọc Văn“ là đối thoại với người, với mình, vì “Văn“ là một phương tiện truyền thông giao lưu hai chiều!

Qua câu hỏi khác liên quan đến tác phẩm “Về Nguồn“ xin GS định nghĩa rõ hơn vậy “Cội Nguồn là gì“?. GS Vũ Ký giải thích: Nói một cách giản dị, “Cội nguồn“ là điạ bàn thỗ nhưởng cùng cái thuở ban sơ ta lọt lòng sinh ra, đó là gia đình, thôn xóm, đất nước, dân tộc mà ta đã từng chia sẻ ngọt bùi, sướng khổ, đau thương. Theo nghĩa Triết học thì “Cội nguồn“ mang một ý nghĩa khác cao hơn. “Cội nguồn“ nguyên thủy chính là Đạo thế, cái tâm linh vô hình huyền diệu mà Tôn Giáo và Triết Học gọi qua nhiều danh xưng như: Thể Chân Như (Phật giáo), Mệnh Trời hay Thái Cực (Nho Giáo), cái Vô (Lão Giáo). Cái “Cội nguồn“, nôm na và gần gủi nhất là Cha Mẹ Ông Bà Tổ Tiên chúng ta. Cho nên, đạo Ông Bà hay việc thờ kính Tổ Tiên là mẫu số chung, là điểm đồng thuận về tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, ngoài khuynh hướng tôn giáo riêng của từng cá nhân mà có người thì tin theo Phật, kẻ thì tin theo Chúa hay theo Nho Giáo, Lão Giáo v.v…

Tóm lại đồng thuận trong việc thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà của mỗi một người VN chúng ta tức là biểu lộ ý niệm trọng kính “Cội nguồn“ vậy, theo GS Vũ Ký! Xa hơn nữa, GS Vũ Ký còn nhấn mạnh: tìm về “Cội nguồn“ là vấn đền sinh tử cấp thiết hiện tại đối với người Việt lưu vong chúng ta, nhất là đối với giới trẻ, nếu không chúng ta với thời gian sẽ bị đồng hoá vào nếp sống văn minh xứ người và sẽ không còn bản năng tự vệ để gìn giữ cái nguyên thủy chủng loại của mình, và rồi cuối cùng, chính ta mất tin tưởng, sẽ hồ nghi về lý lịch của chính mình.

Hết phần trao đổi thắc mắc là phần ẩm thực do ban tổ chức chuẩn bị trước và cuối cùng là phần văn nghệ giúp vui. Buổi sinh hoạt kết thúc vào lúc 23h30 cùng ngày.

Lần đầu tiên được đến sinh hoạt cùng với anh chị em văn nghệ sĩ ở Bruxelles tôi nói riêng hân hạnh được gặp lại một vài đồng môn cũ và may mắn có dịp quen biết thêm nhiều anh chị em đồng hương khác. Hân hạnh được biết anh Diệp và Cha Lân là vị Linh Mục năng động tại Bỉ trên bình diện sinh hoạt văn hoá tại địa phương mà tôi đã nhiều lần nghe nhắc đến. Nhất là được gặp lại Bác Vũ Ký, tuy Bác có phần yếu hơn so với lần gặp tại Hannover/Đức vào 2003 nhưng thấy Bác tâm trí vẫn còn rất minh mẫn vợ chồng chúng tôi mừng cho Bác. Cầu mong Bác/GS Vũ Ký luôn được sức khỏe để tiếp tục góp phần phát huy và duy trì nền Văn Hoá Việt Nam tại hải ngoại cũng như hy vọng là sẽ có dịp gặp lại Bác vào một sinh hoạt khác trong thời gian tới.

• Lê Hoàng Thanh (Thượng Tuần Tháng 12.2005).

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt