Giải Nobel Hoà Bình và giá trị đích thực của nó (phần 1)
Lê Thành Nhân @ https://www.vietquoc.org
Hằng năm vào ngày 10/12 tại thủ đô Olso, Nauy có phát giải thưởng Nobel Hoà Bình cho những tổ chức, cá nhân nào đã đóng góp cho nền hoà bình của nhân loại. Nhân dịp phát giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 2013 chúng ta thử tìm giá trị đích thực của giải thưởng cao qúy này qua bài “Giải Nobel Hoà Bình và giá trị đích thực của nó” (phần 1)”
I) Tìm hiểu về giải các giải Nobel
Giải Nobel ra đời theo di chúc của Alfred Nobel (1833-1896), nhà bác học phát minh ra thuốc nỗ và là triệu phú người Thụy Điển. Trước khi ông mất năm 1896, ông đã để lại di chúc xử dụng 94% toàn bộ gia tài của ông là $31,225,000 Krone (tiền Thụy Điển), tương đương 1.8 tỷ Krone hay 250 triệu USD năm 2008 (1) để đầu tư lấy tiền lời hàng năm trao cho 5 giải thưởng Nobel: Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học hay Y Học,Văn Học và Hòa Bình. Năm giải Nobel đó sẽ trao tặng cho “những ai đã có quá trình đóng góp công sức hoặc phát minh đưa đến những lợi ích nhất nhằm phục vụ con người”. Trong 5 giải Nobel này, không có giải toán học, tin đồn rằng người tình hoặc vợ chưa cưới của nhà bác học Alfred Nobel đã bỏ ông đi theo nhà toán học nổi tiếng Gosta Mittag-Leffler, cho nên ông không thích tặng giải Nobel mang chữ “toán học”. Nhà bác học Nobel không lập gia đình cho đến khi qua đời năm ông 63 tuổi.
Năm giải Nobel trên được chia đều, giải Nobel Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học hay Y Học và Văn Chương được trao tặng tại Stockholm, thủ đô nước Thụy Điển. Tuy nhiên, giải Nobel Hoà Bình thì do Ủy Ban Giải Nobel Na Uy trao tặng tại Olso, thủ đô Na Uy. Không có bằng chứng nào cho biết tại sao nhà Bác Học Nobel lại muốn trao giải Nobel Hoà Bình tại Na Uy mà không là Thụy Điển? Nhiều tin đồn cho rằng vào thời điểm mà ông Nobel viết di chúc thì Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang, Quốc Hội Na Uy chịu trách nhiệm đối nội, chính phủ Thụy Điển lo về phần đối ngoại. Và ông không muốn giải Nobel Hoà Bình bị ảnh hưởng “đối ngoại” từ các nước ngoài, nên ông muốn giao cho Quốc Hội Na Uy lập ra Ủy Ban Giải Nobel Na Uy để việc trao giải thưởng được độc lập, vô tư và công bằng.
Ngoài 5 giải Nobel chính, vào năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng Sveriges Riksbank, thì ngân hàng này đã trao tặng một số tiền lớn cho quỹ Nobel để thành lập thêm giải Nobel Kinh Tế. Và giải Nobel Kinh Tế được trao từ năm 1968.
Cần nhắc đến để tránh sự nhầm lẫn, một giải thưởng mà người ta thường gọi là giải “Nobel Toán Học”, đây là cách gọi của nhiều người thích dùng để chỉ một nhân tài toán học thế giới, chứ giải này không phải là giải Nobel. Giải toán học thế giới được trao cho 2, 3 hay 4 nhà toán học vào ngày Đại Hội của Hiệp Hội Toán Học Quốc Tế (International Mathematic Union – IMU). Giải toán học có từ năm 1936, do công lao và tài sản của nhà toán học Canada, John Charle Fields. Chính vì thế mà tên ông được vinh hạnh đặt cho huy chương toán học Fields Medal. Giải thưởng Toán Học được trao 4 năm một lần cho những nhà toán học không quá 40 tuổi.
Trong 6 giải thưởng Nobel, người nhận giải về khoa học, y học, kinh tế và văn chương được đề cử bởi các bác học chuyên ngành. Còn giải Nobel Hoà Bình thì ứng viên được giới thiệu bởi những người đã từng nhận giải Nobel Hoà Bình, hoặc các chính phủ, hoặc các thành viên của tòa án quốc tế, hoặc các giáo sư và hiệu trưởng trường Đại Học, hoặc các thành viên cũ hay đang tại chức của Ủy Ban Giải Nobel Na Uy.
Hàng năm có vào khoảng 3000 người được giới thiệu vào giải Nobel. Ủy Ban Giải Thưởng Nobel sẽ chọn ra 300 ứng viên vào ngày 31 tháng Giêng của năm có giải thưởng. Tất cả danh sách ứng viên được giữ bí mật trong 50 năm.
Sau đó, Ủy Ban Giải Thưởng Nobel chọn một danh sách ứng viên rút ra từ những sự tham khảo đối với các chuyên gia trong cùng lãnh vực. Họ lập ra một danh sách sơ bộ để gửi đến cơ quan thẩm định giải thưởng. Cơ quan thẩm định giải thưởng sẽ tổ chức một buổi họp để bầu người trúng giải Nobel theo phương pháp bỏ phiếu. Kết quả trúng cử được công bố ngay sau khi bỏ phiếu và không được hồi tố. Tối đa là ba người được trúng cùng một giải về lãnh vực khoa học, y học, kinh tế và văn học. Còn giải Nobel Hoà Bình thì có thể trao cho cá nhân hoặc một tổ chức trong cùng mục đích. Nếu trong năm đó không ai được giải Nobel Hoà Bình, thì số tiền thưởng sẽ được chia đều cho các giải Nobel còn lại.
Giải Nobel được trao tặng đầu tiên vào năm 1901, theo quy luật không cần thiết phải trao giải Nobel hằng năm, nhưng ít nhất 5 năm phải có một lần, và không quá ba lần trong một năm.
Trong quá khứ, giải Nobel đã nhiều lần trao cho một cá nhân hay tổ chức, như bà Maria Sklodowska-Curie đã nhận giải Nobel Vật Lý năm 1903, và giải Nobel Hoá Học năm 1911. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế nhận ba giải Nobel Hoà Bình vào năm 1917, 1944 và 1964 v.v..
Những giải Nobel về khoa học, y học, kinh tế và văn chương thì do trí tuệ, tâm huyết, sự cố gắng và óc sáng tạo của từng cá nhân mà có. Do đó, khó mà trao giải thưởng không đúng đối tượng vì nó được định giá sự phát minh bằng chứng thực. Tuy nhiên, nhìn lại những giải Nobel Hoà Bình, chúng ta nên tìm hiểu vì có nhiều người trúng giải cần phải đánh giá đúng mức. Hơn thế nữa đây cũng là giải thưởng cao quý và giá trị nhất đối với nhân loại.
II) Nhận định về những giải Nobel Hoà Bình.
1) Những ai không xứng đáng đoạt giải Nobel Hoà Bình?
Không xứng đáng nhận giải Nobel Hoà Bình đầu tiên đó là Lê Đức Thọ, Ủy Viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, và là nhân vật số hai trong Đảng CSVN. Một tên đồ tể giết người không gớm tay, bàn tay Lê Đức Thọ vấy đầy máu không thể rửa sạch. Y cùng với Lê Duẩn luôn luôn chủ xướng dùng chiến tranh xâm lược miền Nam. Đáng lý phải đem y ra toà án tội phạm chiến tranh quốc tế để xử tội, nhưng sao y lại được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1973 về công trình đàm phán hiệp định Paris đem lại Hòa Bình cho Việt Nam?!. Đây là một việc làm sai lầm của Ủy Ban Giải Nobel Na Uy. Năm 1973, Lê Đức Thọ tức Phan Đình Khải từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình không phải y tử tế gì, mà đó là một toan tính xảo trá với ý đồ xâm lược bằng vũ lực của y. Sợ rằng, khi ngã tay ra nhận giải Nobel Hòa Bình, thì chẳng khác gì cái còng số 8 khóa tay y lại, không thể để cho y ngang nhiên xé Hiệp Định đình chiến Paris vừa ký chưa ráo mực tháng 1/1973, lại đem cả hàng chục sư đoàn Cộng Sản ồ ạt tấn công xâm lăng Miền Nam Việt Nam.
Người thứ hai cùng trúng giải với Lê Đức Thọ là Tiến Sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh Toà Bạch Ốc và Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Nixon, trưởng Phái Đoàn thương thuyết hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam. Ông nhận giải Nobel Hoà Bình cho cá nhân và sự nghiệp chính trị (political career) của ông; tuy nhiên về mặt đạo lý phục vụ cho hoà bình mà nhận giải thưởng thì bất xứng. Vì thứ hòa bình mà ông Kissinger đem lại tại Việt Nam còn giết người và gây đau khổ ngàn lần hơn lúc còn chiến tranh. Vì thứ hoà bình của Kissinger nên Cộng Sản nhuộm đỏ miền Nam vào ngày 30/04/1975. Từ đó bao nhiêu người chết trên đường vượt biên, vượt biển, trong các trại tù cải tạo CSVN dưới cái giải Nobel Hòa Bình mà Kissinger đã nhận! Quả như lời tiên đoán của Tổng Thống Ronal Reagan khi ông còn là thống đốc tiểu bang California rằng: “Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại Hòa Bình đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau”. Lời tiên đoán đó thật linh nghiệm, sau chiến tranh kết thúc, người dân Việt Nam chịu muôn vàn đau khổ dưới chế độ cai trị độc tài bạo hành của csVN, và tác hại của nó còn kéo dài cho đến bao đời sau. Viễn kiến này đã đưa ông Regan thành vị Tổng Thống Hoa Kỳ nỗi tiếng, có công rất lớn trong việc kết thúc các chế độ độc tài Cộng Sản Liên Sô và Đông Âu năm 1989.
2) Ai nhận giải Nobel Hoà Bình gây nhiều tranh cải?
Có những người nhận giải Nobel Hoà Bình khi đang thi hành nhiệm vụ, đề ra những đường lối và chính sách đem lại Hòa Bình cho thế giới hoặc giảm thiểu mức độ chiến tranh tàn phá (hạn chế vũ khí nguyên tử chẳng hạn). Trường hợp gần đây nhất, giải Nobel Hoà Bình năm 2009 trao cho Tổng Thống Barrack Obama. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông đã đề ra những kế sách và ông đã tích cực vận động ngoại giao để thực hiện kế sách đó…tôi cho rằng đó là trách nhiệm của một Tổng Thống, nhất là Tổng Thống siêu cường số một trên thế giới, ông có điều kiện để thực hiện những chuyển đổi trên thế giới. Trong buổi lễ trao giải Nobel Hoà Bình cho ông, báo chí đã ghi lại lời của Ban Tổ Chức như sau: “Ủy Ban Trao Giải Nobel Na Uy quyết định trao tặng giải thưởng Nobel Hoà Bình 2009 cho tổng thống Barrack Obama bởi vì ông đã bỏ nhiều nỗ lực vận động ngoại giao thế giới và hợp tác với mọi người. Ủy Ban đã đánh giá đặc biệt quan trọng về tầm nhìn xa để thực hiện một thế giới không còn vũ khí hạt nhân”(2). Truyền thông quốc tế cho rằng đây là giải thưởng của “sự hy vọng” vì những đề xướng của Tổng Thống Obama thực sự nó đã bắt đầu từ những đời tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, và còn thực hiện lâu dài về đời sau nữa. Trong khi các sử gia và những chính trị gia cho rằng “Nobel Hoà Bình cho Obmama là quá sớm và quá nhiều (premature and too much). Đây là một cuộc tấn phong non yếu (a premature canonization)”. Giáo sư danh dự môn chính trị học Đại Học Princeton, ông Fred Greenstein trả lời truyền hình Fox News rằng: “Ban tuyển chọn còn chưa nắm được những gì mà chức năng tổng thống của ông ta đang phải bổ sung vào. Đây là một sự lúng túng đối với tiến trình tuyển chọn giải Nobel Hoà Bình”. Và ngay cả Tổng Thống Obama khi nhận giải cũng vô cùng ngạc nhiên và phát biểu với thái độ khiêm tốn:“Tôi không cảm thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ nhiều nhân vật có tài năng chuyển hóa đã được vinh danh bởi giải thưởng này” (I do not feel that I deserve to be in the company of so many transformative figures that have been honored by this prize).
Thật ra sự tranh cải chỉ là “Ông Obama đã làm gi để thắng giải Nobel Hoà Bình?” (What did Obama do to in the Nobel Prize?), như tờ báo Financial Times tại Anh Quốc đã đặt vấn đề ngay từ đầu.
Trường hợp cựu Phó Tổng Thống Al Gore (Nobel HB 2007), của Yasser Arafat, Tổng Thống Palestine và Yitzhah Rabin, Thủ tướng Do Thái (đồng Nobel HB 1994), và một số nhận giải Nobel Hoà Bình nữa đã gây khá nhiều tranh cải.
3) Ai xứng đáng với nguyên khôi Nobel Hoà Bình ?
Có những giải thưởng Nobel Hoà Bình trao đúng cho những vĩ nhân, họ quên cả hạnh phúc riêng tư, quên cả mạng sống của mình để đánh đổi nhân quyền, công lý, tự do và lẻ phải cho đồng bào và đồng loại đang bị cường quyền áp bức, đày đọa, hiếp đáp và trấn lột. Một mình với hai bàn tay, với con tim quả cảm, với trí tuệ dũng lược đứng lên đương đầu với cả một thế lực cực kỳ hung ác. Bao năm chịu đọa đày trong lao tù vẫn không sờn, vẫn cất cao tiếng nói dõng dạc vào mặt kẻ thù về giá trị cao cả của tự do và nhân quyền…trùng trùng sự bạo hành liên tục đè lên cá nhân, vợ con, cha mẹ và anh em của họ, nhưng con tim và khối óc của họ vẫn một mực không lay chuyển, vẫn ngoan cường chiến đấu cho một ngày mai tự do hạnh phúc sẽ đến với đồng bào và đồng loại.
Hãy nhìn một Nelson Mandela đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1993. Khởi đầu sự nghiệp cách mạng năm 1952, chống lại sự phân biệt chủng tộc của người da trắng đối với người da đen ở Nam Phi còn gọi là “phân biệt chủng tộc aparthied”. Sau cuộc bầu cử năm 1948 của Đảng Quốc Gia ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc aparthied, ông Mandela đã thành công trong việc lãnh đạo tổ chức Umkhonto we Sizwe (Cây Giáo Quốc Gia) phe chủ trương bạo động của Đại Hội Toàn Quốc Phi Châu (Africa National Congress – ANC, còn gọi là Đảng Quốc Đại) chống lại sự phân biệt chủng tộc của giới cầm quyền, từ đó thông qua Hiến Chương Tự Do (Freedom Charter) làm nền tảng tranh đấu chống “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc aparthied”. Trong thời gian này, ông mở văn phòng luật sư bào chữa miễn phí cho những người da đen thấp cổ bé miệng, thiếu tiền thuê luật sư đại diện.
Thật ra, ban đầu Mandela chịu ảnh hưởng đấu tranh bất bạo động của nhà cách mạng Gandhi, Ấn Độ. Bốn năm sau, vào tháng 12/1956 ông Mandela cùng 150 thành viên ưu tú khác của ANC đều bị bắt vào tù, bị kết tội phản quốc. Sau 5 năm dài xét xử, tất cả người của ông Mandela được trắng án vào năm 1961.
Sau khi được thả tự do năm 1961, Mandela thay đổi đường lối đấu tranh từ bất bạo động chuyển sang bạo động. Ông sáng lập và lãnh đạo phái vũ trang của Đảng Quốc Đại (ANC), mở chiến tranh du kích chống lại chính quyền phân biệt chủng tộc aparthied. Quyên tiền ở nước ngoài để mở các căn cứ huấn luyện bán quân sự.
Sau 17 tháng ẩn náu đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc aparthied, tháng 8/1962 ông bị bắt và sau đó bị kết án 5 năm tù, vì tội kêu gọi công nhân đình công, và vượt biên bất hợp pháp. Trong thời gian ngồi tù, vào tháng 6/1964, ông Mandela phải ra toà một lần nữa vì hoạt động trong ANC với những tội danh phá hoại, phản quốc, âm mưu chính trị giúp ngoại bang xâm lược Nam Phi, và ông bị tuyên án tù khổ sai chung thân vào ngày 12/06/1964.
Ông bị đày đến đảo Robben, mặc dù trong chế độ tù chính trị tệ nhất về ẩm thực và điều kiện sống, và làm việc cực nhọc, ông vẫn không ngừng nâng cao ý thức tranh đấu cho những người tù chính trị, ở đó còn cho ông là “trường đại học Mandela”. Ngoài ra, ông còn ghi danh học hàm thụ trường đại học Luân Đôn và đã tốt nghiệp cử nhân Luật của trường này. Năm 1981, trong khi đang ở trong tù, ông được đề cử làm Hiệu Trưởng Danh Dự trường đại học Luân Đôn.
Sau 18 năm bị đày ở đảo Robben, ông được chuyển về các trại tù ở đất liền tháng 03/1982, trong nước ông trải qua nhiều nhà tù khác nhau để cách ly ông với những người tù chính trị.
Tháng 3/1985 ông được Tổng Thống Nam Phi là P.W. Botha đề nghị trả tự do cho ông với điều kiện “từ bỏ vô điều kiện phương cách đấu tranh chính trị bằng bạo lực”. Dĩ nhiên ông từ chối, và thẳng thừng trả lời với Botha rằng: “Thứ tự do đang được đề nghị cho tôi là cái gì! trong khi tổ chức của nhân dân vẫn bị cấm đoán? Chỉ có những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi. Một tù nhân không thể tham gia vào một thỏa hiệp nào hết”. Cũng như trước toà án Nam Phi của chế độ phân biệt chủng tộc, ông Mandela dõng dạc tuyên bố: “Tôi cống hiến cả đời tôi cho sự nghiệp đấu tranh của người dân Châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội tự do dân chủ,trong đó mọi người dân sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng, tôi sẽ sống vì nó, và sẽ đạt được nó. Nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.”
Ông Nelson Madela bước lên vũ đài nhân quyền và đã trở thành nhà lãnh đạo da đen sáng chói, được người dân Châu Phi và quốc tế quý mến và chú ý đặc biệt, cho nên trong suốt thời gian 27 năm tù khổ sai chung thân, có nhiều áp lực từ quốc tế cũng như trong nước đòi trả tự do cho Mandela với khẩu hiệu “Tự Do Nelson Mandela!” (Free Nelson Mandela!).
Tháng 2/1990 tổng thống F.W. Klerk tuyên bố trả tự do cho Mandela. Sau khi được trả tự do ông trở lại lãnh đạo đảng ANC, với nhiệm vụ trọng đại là thương thuyết với chính quyền của Tổng Thống Klerk để tiến tới một cuộc bầu cử tự do dân chủ đa sắc tộc đầu tiên cho Nam Phi. Lập trường thương thuyết của Mandela lúc này vẫn cương quyết: “phương sách đấu tranh vũ trang của những năm 1960 khi chúng tôi hình thành phái quân sự trong ANC chỉ đơn thuần là hành động tự vệ chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa aparthied. Các yếu tố đưa đến cuộc đấu tranh vũ trang đến nay vẫn hiện diện. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục nó. Chúng tôi bày tỏ sự hy vọng một không khí có lợi cho cuộc thương lượng sẽ sớm được tạo ra, để nhu cầu đấu tranh vũ trang không còn nữa”. Và mục đích chính của ông là mang lại hoà bình cho những người da đen đang chiếm đa số và họ có quyền tự do bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử từ cấp địa phương đến trung ương. Cuộc thương thuyết kéo dài ba năm, 1993 kết quả đã ngã hẳn về phía ông Mandela, hoà bình tự do dân chủ đã hiện rõ nét trong tầm tay. Cả hai ông Mandela và Klerk đều được Ủy Ban Nobel Na Uy treo giải thưởng Nobel Hoà Bình tháng 12/1993, đánh dấu một tiến trình đấu tranh 30 năm dài đầy gian khổ của một đời người.
Kết quả là một cuộc bầu cử tự do đầu tiên của người dân Nam Phi vào ngày 27/04/1994 và đảng ANC thắng 62% số phiếu, ông Nelson Mandela với vai trò lãnh đạo ANC được bầu làm Tổng Thống Nam Phi tự do dân chủ đầu tiên, chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc aparthied.
Nelson Mandela là Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất của Nam Phi, khi ông nhậm chức ở tuổi 75 vào năm 1994, ông đã quyết định không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai, rút lui nghỉ hưu vào tuổi 80, vào năm 1999.
Nelson Mandela là ngọn đuốc cho dân tộc Phi Châu, chiếc la bàn định hướng cho các dân tộc da màu đang bị chế độ phân biệt chủng tộc cai trị. Thế giới kính nể ông và dành cho ông nhiều cuộc đón rước rất long trọng, đồng thời trao tặng nhiều huy chương cao qúy như Nobel Hòa Bình (1993), Giải Thưởng Sakharov (Nghị Viện Âu Châu -1988), Huân Chương Công Lao của Nữ Hoàng Elizabeth II (Anh Quốc), Huy chương Tự Do Tổng Thống của George W. Bush (Hoa Kỳ), Huân Chương Canada (Canada), Giải thưởng Bharat Ratna của chính phủ Ấn Độ v.v…
Hình ảnh biểu tượng một khôi nguyên Nobel Hòa Bình như Nelson Mandela có thể thấy ở Bà Aung San Suu Kyi (Nobel Hoà Bình 1991) nhà dân chủ đấu tranh không biết mệt mỏi cho nền tự do dân chủ Miến Điện, bà đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, từ biệt chồng con ở Anh Quốc, trở về tổ quốc sát cánh với đồng bào Miến Điện đấu tranh cho mục tiêu tự do dân chủ mà dân tộc bà đang khao khát. Bà là biểu tượng và là niềm tin của nhân dân Miến chống lại tập đoàn quân phiệt độc tài tàn bạo đang cai trị Miến Điện. Ngày nay sự kiên trì đấu tranh của bà đưa Miến Điện đến một nước dân chủ ló dạng…
Những hình ảnh của Nelson Mandela, của bà Suu Kyi, chúng ta có thể tìm thấy ở các Khôi Nguyên Nobel Hoà Bình khác như Lech Walesa (Nobel HB1983) Tổng Thống Ba Lan, người từng lãnh đạo Công Đoàn Đàn Kết Ba Lan đấu tranh với cộng sản đến thắng lợi tự do dân chủ cuối cùng. Một đức Đạt Lai Lạt Ma (Nobel HB 1989) ngọn hải đăng cho cuộc đấu tranh dành độc lập và tự do của nhân dân Tây Tạng trước bạo quyền xâm lược Trung Cộng.
Lê Thành Nhân (còn tiếp phần hai)
(1) http://www.absoluteastronomy.com/topics/Alfred_Nobel
(2) http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/2009/press.html