Giặc thì gần, chiến tranh thì xa
Như vậy là sứ thần Bắc Triều, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), đã kết thúc hai ngày thăm Việt Nam trong khuôn khổ làm việc của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
Dương Khiết Trì đã từng là Ngoại trưởng Trung Quốc, năm ngoái được bầu làm thành Ủy viên Quốc vụ viện, nên có quyền lực cao hơn Ngoại trưởng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhân vập cao cấp nhất củaTrung Quốc kể từ khi các tàu của hai bên đâm nhau trên vùng biển gần giàn khoan HD 981, bùng nổ các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam và sau đó Bắc Kinh cho di tản công dân.
Theo hãng AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng: “Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan”.
“Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam”, Dương Khiết Trì nói.
Trong cuộc hội đàm Dương Khiết Trì đã “nhấn mạnh rằng Tây Sa (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, và các khó khăn hiện nay trong quan hệ là do “các quấy nhiễu bất hợp pháp”của Việt Nam.
Thái độ của Dương Khiết Trì trong cuộc đối thoại khá cứng rắn và không có ý định nhân nhượng nào về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Duơng Khiết Trì cũng không quên nhắc lại rằng, Việt Nam phải tôn trọng công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc về hải phận, trong đó bao hàm cả Tây Sa và Nam Sa (Trường Sa).
Chắc chắn, con bài kinh tế được Dương Khiết Trì nói tới như một thứ con tin để mặc cả ở thế thượng phong. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng và những khoản béo bở từ hơn 90 phần trăm tổng thầu các dự án quan trọng nhất của Việt Nam là mối quan ngại nhất, nhạy cảm nhất của Hà Nội trong quan hệ Việt-Trung. Trước một tập đoàn tham lam, nhưng ngu xuẩn và hèn mạt, Dương Khiết Trì thừa hiểu phải làm gì.
Tờ nhật báo Hoàn Cầu hôm 19 tháng 6 năm 2014 đã mô tả chuyến đi của Dương Khiết Trì là một “món quà cho Việt Nam”; rằng, “Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (tạm dịch nôm na: Trung Quốc phải dùng tâm trạng đau khổ kêu gọi đứa con hoang ngỗ ngược Việt Nam sớm hối cải trở về).
Sự trịch thượng, cao ngạo không phải không có lý do. Trung Nam Hải xem mình như người cha, người thầy tới Việt Nam làm nhiệm vụ dạy dỗ con cái trong nhà. Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội là những đứa con hoang, đôi khi ngỗ ngược. Chuyện xích mích trong gia đình luôn có thể xảy ra. Người cha, người thầy phải xử lý nó đúng với trách nhiệm của mình! Còn những đứa con cũng phải biết thân phận mình đang ở vị thế nào!
Vì thế, tuy gọi là có sự phản kháng, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra nhã nhặn và lịch sự. Hãng tin Reuters mô tả “Việt Nam dùng giọng hoà nhã hơn” (Vietnam took a more conciliatory tone), còn Nguyễn Tấn Dũng nói “Việt Nam lúc nào cũng biết ơn sự hỗ trợ và giúp đỡ lớn từ Trung Quốc (Dung said Vietnam was always grateful for the support and great help from China).
Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị “hai bên cần kiểm soát tình hình, không để xẩy ra xung đột, tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp bất đồng hiện nay. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Xuất phát từ lợi ích chung của hai nước, Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiện có trên các lĩnh vự, sớm tổ chức phiên họp lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương để trao đổi những biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch”, theo vietnam.net…
“Sự biết ơn” Trung Quốc mà Nguyễn Tấn Dũng nói tới vốn thường xuyên được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sử dụng thực chất là gì? Trung Quốc đã viện trợ khổng lồ cho Bắc Việt Nam trong cuộc xâm chiếm, nhuộm đỏ miền Nam, cũng là bởi vì “Việt Nam đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”. Tiền bạc, vật chất nào trả nổi sinh mạng của khoảng 3-5 triệu người? Tiền bạc vật chất nào có thể đổi được máu xương của từng ấy triệu người? Như vậy, sòng phẳng mà nói, ai mang ơn ai?
Sự vuốt ve sứ thần của Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương, đã chứng tỏ những tuyên bố của ông ta trước đó chẳng hề có chút thực tâm nào mà chủ yếu chỉ để trình diễn trước sự nổi giận của dân chúng, che giấu dã tâm “cõng rắn cắn gà nhà”.
Tôi thực sự thất vọng trước những tình cảm dễ bị xúc động, quá lãng mạn, đã ngây ngô tung hô Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí nhiều người còn nói đây là cơ hội để ông Dũng trở thành tổng thống, nhưng không biết bằng cách nào (?). Mọi người quên rằng, chính ông ta là người đã có những quyết định quan trọng nhất đưa nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Xuất thân từ y tá miệt vườn, leo lên đến chức thủ tướng đã là bi kịch. Làm tổng thống thì sẽ ra sao? Suốt từ năm 2006 tới nay, khi ông ta bắt đầu làm thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam xuống giốc thê thảm với các vụ bê bối kinh tế PM U18, Vinashine, Vinalines, bauxite Tây Nguyên….
Những nụ cười của các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Phú Trọng và cái ôm chặt thắm tình hữu nghị của ông Nguyễn Tấn Dũng, là bức tranh tương phản với toàn bộ cuộc tranh luận, cãi cọ vô bổ suốt hơn một tháng nay trong dư luận xã hội.
Bloger Lê Diễn Đức