Giá nào Putin phải trả trong cuộc xâm lăng Ukraine?
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Đánh giá Vladimir Putin
Sau Chiến Tranh Lạnh, trật tự mới thế giới do Mỹ chủ trương dường như bị phá vỡ. Nguy cơ Chiến Tranh Lạnh đang xuất hiện trở lại! Tại Châu Á, Trung Cộng một nước Cộng Sản đang dồn nỗ lực chế thêm đầu đạn nguyên tử và vũ khí huỷ diệt hàng loạt tối tân hơn để chuẩn bị cho những cuộc tắm máu ở Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông. Ở Châu Âu, Putin xâm lăng quân sự Ukraine điên cuồng phóng hỏa tiễn, dội bom vào người dân vô tội.
Trước những tình hình trật tự mới thế giới bị đảo lộn, hoà bình trên trái đất không còn bảo đảm. Nhân loại trông chờ vào những bộ óc lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới tỉnh táo để đưa thế giới thoát khỏi nạn huỷ diệt chiến tranh nguyên tử. Thế giới đang gửi gắm niềm tin hoà bình vào những người có quyền quyết định bấm nút đỏ vũ khí hạt nhân. Và cầu mong thượng đế sẽ giúp họ được sáng suốt để tránh đưa nhân loại đến diệt vong.
Vladimir Putin tổng thống nước Nga là một trong những người ấy, được nhiều người ca tụng là “bậc thầy của những chiến lược gia thế giới”. Những lời ca tụng này rất sai lầm! Ông ta được “phe độc tài” xưng tụng như họ đã từng tung hô những đồ tể Mao Trạch Đông và Stalin là vĩ đại! Trước những điều tai nghe, mắt thấy về việc Putin đưa quân xâm lược Ukraine thì: “Putin là hạng bét về chiến lược”. Tại sao dám kết luận như vậy?
Thực tế đã trả lời là Putin không là gì cả (he is nothing). Ông ta là con người máu lạnh với đầu óc đầy đầy ắp tham vọng quyền lực cá nhân, dùng thủ thuật độc ác của tình báo KGB để hạ chất độc với đối thủ chính trị trong nước, độc tài và ích kỷ… Cái yếu của Putin là đã nhận xét sai về dân Nga, đánh giá lầm lẫn về địch và bạn, lạc hậu tình hình trước một thế giới văn minh đang muốn hòa bình và hợp tác. Cái yếu hơn nữa là Putin không có khả năng hợp tác với thế giới, chỉ dựa vào vũ khí nguyên tử để làm thế mạnh để hù doạ thiên hạ. Dưới đây là những sai lầm tồi tệ về chiến lược mà Putin đang gặp khi đưa quân vào Ukraine:
Sai lần thứ nhất: Một tổng thống nước Nga mà không nắm vững quan điểm chính trị của dân Nga. Do đó, đến nay dân Nga ở 56 thành phố và thị trấn đang nổi lên chống chiến tranh Putin xâm lược Ukraine. Trong đó có hàng ngàn người bị bắt! Tình trạng này chẳng khác gì “cháy nhà từ trong bếp cháy ra” – loại cháy rất khó dập tắt!
Sai lầm thứ hai: đánh giá không đúng về khả năng tác chiến của quân đội Nga, và sức kháng cự của Ukraine. Chỉ nhìn vào huyền thoại Hồng Quân Liên Xô thời Đệ II Thế Chiến. Không chiến thắng nhanh chóng được đội quân của một nước nhỏ trang bị vũ khí thua sút quân Nga gấp bội phần!
Sai lầm thứ ba: Nhận định sai lầm về quyết tâm của đối phương Hoa Kỳ, NATO, EU và các quốc gia đồng minh từ Úc sang Á như Nhật, Úc, Canada, Nam Hàn… họ có tinh thần hợp tác nghiêm chỉnh và làm việc tập thể (teamwork) cao độ. Cao hơn rất nhiều so với người “bạn vàng” Tập Cận Bình và “chú em” Cộng Sản Hà Nội quay lưng bỏ phiếu trắng, không ủng hộ Putin trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Sai lầm thứ tư: Trong chiến tranh thì dư luận quần chúng được đưa lên hàng đầu. Trong thời đại truyền thông tin học, những đài truyền hình, truyền thanh và báo chí có sự “chỉ đạo” bị truyền thông xã hội đánh gục. Truyền thông xã hội đưa tin tức tự nhiên, nói lên khát vòng từ đáy lòng con người. Những dòng nước mắt chảy trên má, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng bom rơi, đạn nổ, nhà cháy… được ghi nhận một cách trung thực qua chiếc điện thoại cầm tay. “Truyền thông xã hội” đã chiến thắng trên tột đỉnh vinh quang. Các cơ quan truyền thông của Tây Phương thì được hưởng quy chế “tự do báo chí” nên đưa những tin tức tại hiện trường khá trung thực và thuyết phục, thu hút hàng triệu người xem trên thế giới.
Các cơ quan truyền thông của Nga đã thất bại lại bị “hoạ vô đơn chí” một cách nhục nhã, bị các phương tiện truyền thông xã hội loại khỏi sân chơi. Twitter, Facebook, Youtube, Telegram, Google, Netflix v.v. và v.v. lần lượt ra thông cáo không cho các hệ thống tuyên truyền của Nga tham gia với lý do: “thiếu thành thật, đưa tin sai lạc, không có đạo đức”.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và Tây Phương không nằm yên ở lãnh vực kinh tế, tài chánh, nó đã tự động lan tỏa đến những lãnh vực thể thao, âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh v.v. Thậm chí con mèo, một loài thú cưng nuôi trong nhà, cũng bị ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của Tây Phương!
Vì những sai lầm chiến lược trầm trọng trên, nên Putin “tính một đường, kết quả ra một nẻo”. Putin có kế hoạch cuộc xâm lăng Ukraine đánh nhanh thắng gấp, tiến quân vào Ukraine như chẻ tre không một lực lượng nào chống cự nổi. Qua đó, Putin buộc chính quyền Ukraine phải đầu hàng vô điều kiện trong vài ba ngày. Từ đó, Putin dựng lên một nhà nước trung lập trên danh nghĩa, nhưng sự thật đó là chư hầu của Nga như Belarus hay Kazakhstan… Nhưng trời không chìu lòng người! nhất là những người có lòng dạ độc ác như Putin.
Đã hơn 1 tuần qua, nhìn bản đồ chiến sự của Ukraine trên màn hình TV, thấy màu đỏ do quân Nga kiểm soát chỉ mới 10% diện tích Ukraine, gồm các tỉnh biên giới ở phía Đông vùng Donbass, vài vùng ở phía Nam gần Crimea, và một số cánh quân tiến chậm chạp và khó khăn vào thủ đô Kyiv. Ở điểm này không những Putin sai lầm chiến lược mà các tướng chỉ huy của Nga ngoài mặt trận cũng yếu kém về chiến thuật khi đưa một đoàn quân đông đảo ra chiến trường mà thiếu tiếp tế và không rõ ràng thông tin liên lạc. Điều tối kỵ trong quân sự!
Nga sa lầy
Putin có thể ra lệnh làm tất cả những gì để thắng trên mặt trận bằng mọi giá, nếu không sẽ chôn vùi tên tuổi nước Nga là cường quốc nguyên tử mà mang tiếng “đánh thua Ukraine”. Nhưng về lâu, về dài Nga sẽ thất bại trong cuộc chiến vì thế nước lòng dân.
Về phía Nga, Putin có thể đưa ra quyết định táo tợn hơn, ra lệnh cho các quân binh chủng mở cuộc tấn công với hoả lực tối đa bắn vào thành phố bằng hoả tiễn tối tân và oanh tạc bom nặng ký từ trên không, Putin cũng có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ để chiếm những nơi khó khăn ở Ukraine. Sau đó, Putin dựng nên một chế độ bù nhìn ở Ukraine với nhà nước công an trị có mũi súng của quân Nga tích cực hậu thuẫn.
Về phía Ukraine, được đại đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Mai đây, dù thủ đô Kyiv bị thất thủ, chính quyền Ukraine thất trận, thành phần nội các của chính phủ Ukraine sống lưu vong vẫn tiếp tục được sự yểm trợ mạnh mẽ từ thế giới Tây Phương, dân quân Ukraine sẽ được trang bị vũ khí thích hợp để chiến đấu hữu hiệu trong chiến tranh du kích trường kỳ kháng chiến. Lòng quyết tâm chiến đấu của người Ukraine với những chiến thuật đáng ngưỡng mộ trong những ngày qua khẳng định rằng họ không dễ dàng từ bỏ ý định đánh đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi mảnh đất thân yêu của họ.
Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tỏ ra hoàn hảo trong việc kêu gọi bảo vệ nền dân chủ và đề cao tinh thần dân tộc Ukraine. Hình ảnh của ông Zelensky giờ đây to lớn hơn nhiều trong tim óc người dân Ukraine và sự ngưỡng mộ của quốc tế. Putin muốn chiếm đóng Ukraine phải duy trì số quân lớn gấp đôi, gấp ba hiện nay mới đủ trải rộng chống lại một đội quân du kích thiện chiến, nhiều kinh nghiệm được trang vũ khí đầy đủ từ các nước Tây Phương và Hoa Kỳ.
Như vậy thì thành công đâu không thấy, mà Putin chỉ thấy càng ngày ngân sách trong ngân khố Nga càng cạn dần, còn dân Nga chứng kiến những chiếc hòm kẽm của lính Nga đưa về ngày càng đông hơn, bên cạnh đời sống kinh tế của họ càng ngày càng khó khăn chồng chất do lệnh trừng phạt của Phương Tây. Sự sa lầy của Nga đã thấy trước mắt!
Putin sẽ đối diện với những ngày kinh hoàng
Putin như cây nến bị đốt cháy hai đầu, một đầu do trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước châu Âu khiến Nga bị loại ra khỏi nền kinh tế thế giới. Vốn đầu tư sẽ bị tụt dốc rồi chạm đáy, huy động vốn không được do lệnh trừng phạt, các nhà tỉ phú Nga quay lưng với Putin vì bị Tây Phương truy lùng tài chánh, mất mát gia tài quá lớn và có thể tìm đường vượt biên xin tị nạn trốn thoát khỏi nước Nga. Chuyển giao kỹ thuật công nghệ sẽ cạn kiệt, quan trọng nhất là Nga không còn thị trường bán xăng dầu và khí đốt qua các nước Tây Phương, một nguồn tài chính cốt lõi để phát triển nền kinh tế Nga… Đó là những nỗi kinh hoàng đang ám ảnh Putin ngày càng mạnh hơn.
Mặt khác, đây không phải là nỗi ám ảnh mà là sự sợ hãi của Putin. Điều này lịch sử nước Nga đã từng xảy ra nhiều lần và gần đây nhất là sụp đổ chế độ Cộng Sản. Giờ đây Putin đang lo sợ nó tới phiên mình. Đó là là sự nổi loạn của dân tộc Nga.
Tại sao dân Nga không xuống đường để phản đối các vụ đánh bom để tiếp tay cho Bashar al-Assad duy trì nội chiến ở Syria? Mà tại Ukraine, chỉ mới mấy ngày có cả hàng trăm cuộc xuống đường chống chiến tranh của Putin nổi lên khắp nước. Putin cứ tưởng mình là ông trời con muốn gì cũng được, nhìn lại thì ông ta chỉ có hai bàn tay với đầu óc độc tài kiểu KGB không một chút nhân tính. Putin nên nhớ rằng có nhiều triệu gia đình Nga-Ukraine liên hệ nhau rất mật thiết, họ có ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá rất gần gũi nhau và qua nhiều thế hệ… Nỗi chết chóc, đau thương của người Ukraine sẽ đánh động con tim của người Nga. Những thông tin thả bom giết thường dân và trẻ em ở Ukraine sẽ tràn vào Nga rất nhanh qua ngã “truyền thông xã hội”.
Đây là nỗi sợ thật kinh hoàng mà Putin không thể giải quyết bằng đàn áp. Trớ trêu thay! Putin tính chuyện chiếm Ukraine để làm vùng trái độn cho Putin an toàn ngự trị ngôi vị đại đế ở Điện Kremlin, ngờ đâu tính toán này của Putin lại bị “ngựa về ngược” do dân Nga lật nhào chiếc ghế đại đế của ông đang ngồi!
Giá nào Putin phải trả?
Khi chiến tranh bạo lực không còn, dù Nga chiến thắng hay thất bại cũng đã gây ra cho Ukraine một vết thương lòng không nguôi trong nhiều thế hệ… Chắc chắn đây là điểm mà Hoa Kỳ và Châu Âu khai thác triệt để. Họ khai thác để củng cố liên minh NATO bền chặt hơn, khuyến khích các quốc gia Châu Âu tham gia NATO. Những chiến lược gia Hoa Kỳ dựa vào đây để tìm ra một trật tự mới thế giới có hiệu quả hơn v.v.
Hai mươi bảy nước Châu Âu đem chuyện Putin tấn công Ukraine là thí dụ điển hình để mặc cả với Tập Cận Bình. Dùng hình ảnh của nước Nga tụt dốc kinh tế vì lệnh trừng phạt của Tây Phương để nói cho Bắc Kinh biết về hậu quả cho những ai mang ý đồ xâm lăng láng giềng. Mở mắt cho Bắc Kinh thấy cần phải tôn trọng luật lệ quốc tế và nhận thức rằng chủ quyền quốc gia không phải nói bậy, làm càn mà có, nó sẽ được trả giá đắt trên thực tế và kể cả bị mất chiếc ghế quyền lực. Hành động phiêu lưu quân sự sẽ làm suy yếu nội lực của dân tộc chứ không bao giờ mang một lợi ích nào cho cá nhân hoặc quốc gia cả.
Hoa Kỳ ngày 7 tháng 3 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)