Gia đình các tù nhân lương tâm gửi thư cho TT Obama nhân việc TrươngTấn Sang thăm MỸ
Gia đình của 35 tù nhân lương tâm tại Việt Nam cùng ký tên vào một lá thư gửi đến tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhân dịp Trương Tấn Sang được mời sang nói chuyện tại Nhà Trắng. Lý do vì sao lại có bức thư như thế?
Kêu trong nước không ai nghe
Đại diện gia đình của 35 người đang bị giam tù về những hoạt động vì tự do- dân chủ, nhân quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trước họa xâm lăng từ phương bắc đồng ký tên vào lá thư gửi đến cho ông tổng thống Barack Obama.
Những người ký tên cho rằng người thân của họ là nạn nhân của sự đàn áp của chính quyền Hà Nội vì những hoạt động vừa nêu. Theo họ thân nhân của họ bị tù oan, và họ đã từng lên tiếng kêu cứu đến khắp các cơ quan chức năng trong nước mà không hề được lắng nghe, giải quyết. Do vậy, việc chủ tịch nước Việt Nam gặp tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, một đất nước từng công khai cổ xúy cho tự do- dân chủ- nhân quyền là cơ hội hiếm có để nói lên những vấn đề mà ngay tại Việt Nam không được các cấp thẩm quyền lắng nghe.
Anh Hồ Văn Lực, em trai của tù nhân Hồ Đức Hòa, người bị tuyên án 13 năm tù chỉ vì có những hoạt động xã hội ngay tại quê nhà như lên tiếng bảo vệ sự sống trước tệ nạn phá thai tràn lan ở Việt Nam như hiện nay, nói về lý do phải tiếp tục lên tiếng với tổng thống Mỹ kỳ này:
Tự do, nhân quyền của người dân chưa được tôn trọng buộc người dân phải kêu lên. Người ta kêu trong nước mà không được chấp nhận phải chạy đến nơi khác để có tiếng nói có thể có sự ràng buộc nào đó, để nhân quyền được quan tâm nhiều hơn.
Giá trị tự do của Hoa Kỳ
Bà Nguyễn thị Nhung, mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người bị kêu án 6 năm tù vì hoạt động rải truyền đơn lên án tình trạng tham nhũng của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt nam, cũng như chống sự bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam, cho biết bản án đối với con bà là bất công và đối với một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ thì đó là điều không thể chấp nhận được.
Bản án đối với Nguyễn Phương Uyên, con gái của tôi, quá oan ức và quá nặng nề đối với một đứa trẻ nói lên tiếng nói của tấm lòng yêu quê hương đất nước, cũng như nói lên sự thật bất công ở Việt Nam; như là ở Việt Nam hiện nay không có tiếng nói phản biện của người dân đối với những nhà lãnh đạo, nhà cầm quyền. Uyên nói lên sự thật nên đã lãnh một bản án rất phi nhân.
Tôi nghĩ đây là dịp để gia đình kêu cứu đến ngài tổng thống Hoa Kỳ với một suy nghĩ rất đơn giản ( không biết nghĩ như thế có đúng không): tổng thống Hoa Kỳ là người có tiếng nói ‘quyền uy’ trên thế giới, cũng như Hoa Kỳ là nước có nền tự do dân chủ khá độc đáo. Người dân ở Việt Nam, tất cả những con người không có tự do dân chủ, không được có tiếng nói tự do luôn luôn khao khát, ước muốn đất nước mình có điều tự do đó.
Anh Lê Quốc Quyết, em trai của luật sư Lê Quốc Quân, người đang bị giam giữ mà chưa được xét xử về tội danh trốn thuế nhưng thực chất vì chính quyền rất khó chịu về những hoạt động cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền của vị luật sư này, nói về những giá trị dân chủ- nhân quyền tại Hoa Kỳ:
Tôi thấy từng đời tổng thống, từng chính phủ một ở Mỹ có khác nhau; nhưng trong xuyên suốt nước Mỹ được vận hành trên một cơ chế rất dân chủ và họ đặt nền tảng quyền con người lên hàng đầu từ hiến pháp cho đến mọi thứ. Qua nhiều đời tổng thống cho dù làm được hay không được bao giờ họ cũng đề cao quyền con người trên hết.
Cơ sở hy vọng
Anh Lê Quốc Quyết nói đến sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với những trường hợp cụ thể tại Việt Nam:
Trên thực tế Hoa Kỳ, đặc biệt ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần tiếp xúc gia đình tôi, cũng đã có những động viên, can thiệp trực tiếp đến chính phủ Việt Nam về trường hợp gia đình tôi. Trước hết tôi ghi nhận điều đó, còn có hiệu quả hay không và việc làm của họ thế nào khi họ vẫn mời chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua, chuyện đó còn phải xét sau.
Nhưng trước tiên tôi rất vui và cảm kích về việc một nước lớn quá nhiều vấn đề trên toàn cầu, quá nhiều mối lo mà họ vẫn quan tâm đến một ông Quân bé nhỏ, hoặc một Phương Uyên bé nhỏ ở Việt Nam. Những con người đó có thể trước mắt chưa có lợi gì cho nước Mỹ, họ có thể không phải chịu trách nhiệm về những con người nhỏ bé đó; nhưng vì xuyên suốt những giá trị dân chủ của toàn cầu nên họ vẫn quan tâm, hỏi thăm; tôi thấy đó là một nguồn động viên lớn rồi.
Ngay trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này, ông chủ tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam cũng nhắc lại trong trả lời báo chí rằng mỗi nước đều có những hoàn cảnh riêng về tình hình dân chủ, nhân quyền.Đó là lập luận mà lâu nay những vị lãnh đạo tại Việt Nam đều nêu ra khi bị chất vấn đề tình hình nhân quyền trong nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lập luận rằng, nhân quyền là phổ quát chứ không thể có chuẩn mực riêng biệt cho một đất nước nào.
Anh Lê Quốc Quyết bày tỏ hy vọng:
Mặc dù nhiều người cho rằng việc mời ông Sang không xứng đáng vì như thế không khác gì Hoa Kỳ thân với một đất nước độc tài. Bản thân gia đình tôi vẫn có hy vọng về một sự thay đổi khi họ muốn gần một quốc gia văn minh, họ cũng cần có những cải thiện về nhân quyền, dân chủ trong chính quốc gia họ. Việc ông Sang đi Mỹ, gia đình tôi mong muốn nhân cơ hội này có những cuộc gặp gỡ đề cập đến vấn đề gia đình tôi thì sẽ tốt hơn.
Có ảnh hưởng ngay hay không thì chưa biết; nhưng việc đề cập đến cải thiện nhân quyền khi họ ngồi với nhau về mặt con người với con người thì sẽ có ghi nhận; còn về mặt quốc gia chưa biết sẽ như thế nào!
Trong số 35 gia đình của những tù nhân chính trị đang bị giam cầm tại Việt Nam/ ký tên vào thư gửi cho tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lần này có gia đình của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người hiện đang tuyệt thực trong tù qua ngày thứ 32 tính đến ngày 24 tháng 7, nhằm phản đối những hành xử không tôn trọng luật pháp của cán bộ trại giam nơi đang giam giữ ông.