Đừng bốc phét nữa…

Thoạt đầu tôi định chỉ viết một lời bình sau khi đọc “Thời Thanh Niên Sôi Nổi” của chị Đoan Trang trên ĐCV, nhưng e rằng sẽ không đủ ý, đành viết bài này vậy. Tôi là một gã Bắc kỳ. Từ lớp vỡ lòng đến đại học tôi được học dưới cái gọi là “mái trường XHCN”. Anh tôi là một bộ đội phục viên. Cháu ruột là đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh đang tại chức. Tôi đi nghĩa vụ quân sự 3 năm, mang quân hàm trung úy, chức đại đội phó, có tham gia một vài trận đánh ở chiến trường Campuchia (Trần Hồng Tâm…)

Dài dòng một chút để các bạn hiểu: tôi không liên hệ gì đến Việt Nam Cộng Hòa. Tôi không hận thù, không chống cộng. Tôi chỉ muốn được chia sẻ chút suy nghĩ của mình trước những thậm từ mà thiên hạ đang sử dụng để tung hô tướng Giáp: “mãi mãi là một biểu tượng sống động của trí tuệ”; “Thiên tài quân sự”; “Đại trí, đại nhân, đại dũng”; “Vị tướng huyền thoại”; “Nhà quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại”; “Một nhân cách lớn”…

Có thiệt vậy không?

Những Điều Tận Mắt

Khoảng đầu năm 1983, ông Giáp đến thăm một trường đại học. Khi đó ông đã thôi chức Bộ trưởng quốc phòng, đang là Trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch. Tôi thấy ông vẫn mặc quân phục, mang quân hàm đại tướng. Bọn sinh viên chúng tôi đang ở tuổi trên dưới 20, rất ngưỡng mộ ông, kéo đến nghe ông nói chuyện. Không ngờ những bài phát biểu của ông rất nhạt, chung chung, vô thưởng vô phạt, với những sáo ngữ mòn cũ, giáo điều thường thấy trong các nghị quyết của chi bộ, chi đoàn như là Đảng ta, nhân dân ta anh hùng, quân đội ta anh dũng, thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, quyết tâm, vượt mức, lập thành tích, quán triệt, phát huy,…

Không có gì sắc sảo, mới lạ. Màng nhĩ của tụi tôi bấy giờ đã khá quen với những ý tưởng và ngôn từ của các giáo sư đại học thời Tây còn lại, hoặc những vị cỡ như Bùi Tín nói về thời sự quốc tế, Trần Quốc Vượng nói về Hà nội học, hay Xuân Diệu bình thơ. Vì thế nghe tướng Giáp nói xong chúng tôi thất vọng quá. Sau này tôi lại thấy mỗi khi đi thăm các cơ sở, ông Giáp đều bắt đầu lời phát biểu kiểu như: 

Thay mặt đ/c Lê Duẩn uỷ viên BCT tổng bí thư…, đ/c Trường Chinh ủy viên BCT chủ tịch hội đồng nhà nước…, đ/c Phạm Văn Đồng ủy viên BCT, chủ tịch hội đồng chính phủ, và các đ/c khác trong trung ương… tôi xin gởi lời thăm đến các đồng chí…

Thì ra ở đâu ông cũng ăn nói na ná như nhau. 

Ngày 30-4-995, kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam. Năm chẵn, nên tổ chức rất hoành tráng ở t/p HCM. Truyền hình Mỹ chiếu trực tiếp lễ duyệt binh, có phần phỏng vấn tướng Giáp và tướng Westmoreland. Ý họ là để cho hai vị tướng đã từng đối đầu ở chiến trường có dịp trò chuyện với nhau. Sau lời phát biểu khá khiêm tốn của tướng Westmoreland, đến lượt tướng Giáp – ông nói đại ý rằng chúng tôi vô cùng tự hào vì Việt Nam là một thuộc địa nhỏ bé nhưng đã đánh thắng được hai đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Một thiên tài quân sự, một chính khách lỗi lạc, một nhà ngoại giao tài ba, mà lại phát biểu như vậy sao. Tôi tự hỏi.

Từ Cây Đa Tân Trào đến Cây Đa Nhà Bò

Ngày 22-11-1944, ông Giáp cùng với 34 chiến sĩ đã qua một cơn chuyển dạ đớn đau, rồi sinh hạ QĐNDVN dưới gốc đa Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Đến tháng 5-1948, tức 3 năm rưỡi sau, ông Giáp được ông Hồ Chí Minh phong cho chức Đại tướng. Khi ấy ông Giáp mới 37 tuổi. 

Riêng điều này thì “huyền thoại” thiệt. Cả thế giới đến nay mới xuất hiện hai đại tướng được phong vượt 17 cấp bậc như thế! Ông Giáp ở Bắc Việt Nam, và Kim Jong-un ở Bắc Triều Tiên! Từ đó người ta gọi ông Giáp là “tướng Giáp”. Ông giữ những chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh QĐNDVN cho đến năm 1982.

Vào cuối thâp kỷ 60, trước và sau khi ông Hồ chết, nội bộ ĐCSVN xảy ra “Vụ Án Xét Lại Chống Đảng” do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phát động. Ông Giáp trở thành đích ngắm của vụ án, nhưng ông lại không bị đánh trực tiếp, mà đòn hiểm lại nhằm vào những người đồng chí trung thành của ông ở chiến dịch Điện Biên Phủ: Thượng tướng Chu Văn Tấn tư lệnh Quân Khu Việt Bắc, Thiếu tướng Đặng Kim Giang chỉ huy hệ thống hậu cần, Tướng Lê Liêm một ủy viên đảng ủy, Trung tướng Trần Độ chỉ huy đại đoàn 312, mũi tấn công chính vào sở chỉ huy Pháp, và là người tiếp nhận sự đầu hàng của tướng de Castries, Đại tá Đỗ Đức Kiên cục trưởng tác chiến, Đại tá Phạm Quế Dương, ông Hoàng Minh Chính, và nhiều người khác nữa. Tất cả bị vu cáo cùng một tội “chống đảng, xét lại, làm gián điệp cho nước ngoài”.

Điều trớ trêu là tướng Giáp biết rõ là ngụy tạo, nhưng ông không bao giờ mở miệng, hoặc có một động thái nào để bảo vệ, hay giúp đỡ những người bạn cũ đang bị đối xử rất tàn ác.

Đại hội Đảng V – 1982, ông Giáp bị đưa ra khỏi bộ chính trị, mất chức bộ trưởng bộ quốc phòng, và được “phân công” về làm trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch. Thực chất đây là một vụ cách chức, hay nói trắng ra là ông Lê Đức Thọ đã hạ nhục ông Giáp một cách không thương tiếc. Ông Giáp vẫn không có một hành động gì dù nhỏ nhất như là từ chức, xin về hưu để tỏ thái độ, và giữ gìn khí tiết của một người làm tướng. Ông tỏ ra như một đứa con ngoan vâng lời cha mẹ. Dân Bắc kỳ phải ngán ngẩm mà than rằng:

Xưa làm bộ trưởng quốc phòng
Nay làm bộ trưởng đặt vòng tránh thai

Hay:

Bác Hồ nằm ở trong lăng,
Nhiều hôm bác bỗng nghiến răng, giật mình
Rằng giờ chúng nó linh tinh
Tuổi tên của mình chúng ném xuống ao
Ao nào thì có ra ao
Cái tròn cái méo, cái nào cũng sâu
Hỏi rằng tướng Giáp đi đâu
Dạ thưa tướng Giáp… lo khâu đặt vòng.”

Một bài vè khác thì chẳng còn úp mở gì:

Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em

Ngày xưa đại tướng công đồn
Ngày nay đại tướng công l… chị em.

Khi hai ông Duẩn – Thọ về thăm Bác, tưởng rằng vòng kim cô trên đầu tướng Giáp sẽ được gỡ ra. Nhưng không, nó còn bị siết chặt hơn bởi một cặp bài trùng mới: Đỗ Mười – Lê Đức Anh (được biết đến là MA, viết tắt từ Mười – Anh). MA đã giáng một đòn trực tiếp vào ông Giáp với một bản cáo trạng gồm 8 tội danh:

1. Ông Giáp từng là con nuôi của chánh sở mật thám Đông Dương, Louis Marty.

2. Ông Giáp cầm đầu vụ án Xét Lại Chống Đảng từ năm 1957-1958.

3. Ông Giáp bán bí mật quân sự cho Đại Sứ Liên Xô Serbakov. 

4. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Giáp hèn nhát, sợ chết quanh quẩn trong hầm, không dám ra ngoài. Nguyễn Chí Thanh mới chính là người chỉ huy chiến dịch. 

5. Ông Giáp nhận định tình hình kém, vội vàng giải tán 80.000 quân, để khi Pháp – Mỹ trở lại thì không có đủ quân chống đỡ.

6. Tết Mậu Thân 1968 ông Giáp nhận định rằng Mỹ sẽ dùng bom nguyên tử đánh Hà Nội, nên xin đi nghỉ ở Moscow để lánh nạn.

7. Ông Giáp hèn nhát, sợ B-52 của Mỹ rải thảm, nên không đi B (chưa bao giờ dám đặt chân vào chiến trường miền Nam trước 1975).

8. Ông Giáp đã có vợ, nhưng lại ăn nằm với một phụ nữ đã có chồng. Cô này đến nhà riêng ông Giáp dạy đàn piano.

Đỗ Mười kết luận phải khai trừ ông Giáp ra khỏi ĐCSVN. Lê Đức Anh nương tay hơn, chỉ gạt ông Giáp ra khỏi ghế “ủy viên trung ương” – một vị trí an ủi mà thời Lê Duẩn – Lê Đức Thọ vẫn còn bố thí cho ông.

Người ta ví von rằng trận đòn mà MA đánh ông Giáp cũng giống như trận đòn mà Đặng Trần Thường đánh Ngô Thì Nhậm ở Quốc Tử Giám cách đây 200 năm. MA đánh Giáp bằng những tội danh rất hiểm. Thường đánh Nhậm bằng roi tẩm thuốc độc. Nhậm đau lắm nhưng vẫn đối đáp khí khái, ăn miếng trả miếng, bảo vệ được thanh danh, để lại tiếng thơm cho đời sau. Còn tướng Giáp thì vẫn nhũn như con chi chi, nhịn nhục, không dám nói năng gì. Có phải lòng kiêu hãnh của một vị đại tướng đã thành gỗ đá, không bao giờ bị thương tổn?

Có người lại bảo ông Giáp phục kích, chờ cơ hội. Đúng, ông Giáp đã chờ cho đến khi cả hai ông MA đã vào tuổi 90, sức khỏe cạn, quyền lực hết, không còn ảnh hưởng nhiều đến phong cảnh chính trị Việt nam thì ông Giáp mới dám mở miệng để đòi lại danh dự. Tiếc thay, tướng Giáp chỉ đòi công lý cho cá nhân ông, còn những đồng đội trung thành của ông ở Điện Biên Phủ ông chẳng hề bận tâm. 

Dân Hà nội thì đàm tiếu rằng con đường tòng chính của tướng Giáp đầy gian nan vất vả, ông đã hành quân qua một chặng đường dài từ Cây Đa Tân Trào đến Cây Đa Nhà Bò. Cây Đa Nhà Bò là một trạm hộ sinh nằm trên phố Lò Đúc, Hà Nội, dành cho những phụ nữ thuộc giới bình dân, chuyên đỡ đẻ, nạo phá thai, khám phụ khoa, thông vòi trứng, hút điều hòa kinh nguyệt, điều trị rong kinh huyết trắng. (Ngẫm ra, dân Hà Thành thâm thiệt!)

Viết về tướng Giáp mà không phân tích một trận đánh do ông chỉ huy, thì rất là thiếu sót. Tôi quyết định chọn trận đánh cuối cùng trong cuộc đời cầm quân của ông. Đó là một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa hai người anh em cùng ý thức hệ cộng sản: 

Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐND) do tướng Giáp chỉ huy và Hồng Quân Trung Hoa (HQTH) do tướng Dương Đắc Chí là tư lệnh.

Cuộc chiến Việt – Trung tháng 2-1979.
QĐND hoàn toàn bị bất ngờ:

Để trừng phạt Việt nam, HQTH đã sử dụng 10 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, bao gồm 300.000 binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối, hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay phía sau.

Các nguồn tin phương Tây nhận định rằng HQTH đã mất từ 60 đến 90 ngày để đưa quân vào các vị trí tập kết sẵn sàng cho các mũi tấn công. Chỉ cần là nhân viên quân báo cấp trung đoàn, hay các tổ trinh sát đặc biệt cũng nhận ra được ý đồ, và ngày giờ khai hỏa của đối phương, nói gì đến tình báo chiến lược.

Mờ sáng ngày 17-2-1979, HQTH tấn công trên toàn tuyến biên giới dài 1.400 Km, trải rộng trong một khoảng không gian gồm 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Việt nam hoàn toàn không hay biết gì. Khi HQTH tràn qua biên giới, thì thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng, đang thăm viếng xứ Cao Miên. Dân chúng không được thông báo trước, trẻ em, người già, và phụ nữ có thai, không kịp di tản ra khỏi vùng chiến địa. HQTH đã tạo ra được một yếu tố bất ngờ đến ngọan mục. Không hiểu tướng Giáp biện minh thế nào cho việc không hay biết gì về giờ nổ súng của đối phương.

Thất bại về tình báo và nhận định tình hình:

Tháng 11-1978, Đặng Tiểu Bình công du Thái Lan, Malaysia và Singapore. Đặng nói với các vị chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực nếu Việt Nam tấn công Campuchia. Đặng đã gọi Việt Nam là những tên du côn của phương Đông, phải dạy cho chúng một bài học. Có lẽ vì lời của Đặng quá khiếm nhã, báo chí Trung Quốc chỉ dùng nửa sau của câu nói.

Ngày 28-1-1979, Đặng thăm Mỹ, và tuyên bố “Chúng tôi không thể cho phép Việt Nam gây rối loạn khắp nơi”, “Trung Quốc kiên định đứng về phía Campuchia phản đối bọn xâm lược Việt Nam”. Giọng điệu chiến tranh của Đặng rất rõ. Báo chí Mỹ loan tải sớm muộn gì thì một cuộc chiến giữa hai nước cộng sản sẽ nổ ra. 

Sau 3 ngày thăm Mỹ, Đặng đến Nhật. Tại đây, Đặng vẫn giọng điệu hung hăng “để trừng phạt Việt nam, dù có gặp những nguy hiểm cũng phải hành động”; “không trừng phạt kẻ xâm lược, sẽ tạo ra những nguy hiểm phản ứng dây chuyền”, “Đối phó với loại người vô ơn như thế, không có những bài học cần thiết thì e rằng các hình thức khác đều không có hiệu quả”. Các nhà ngoại giao Nhật ngạc nhiên vì lời lẽ và thái độ phi ngoại giao của Đặng.

Cũng khoảng thời gian này, TASS – hãng thông tấn của Liên Xô cũng đưa tin một lực lượng rất lớn quân đội Trung Quốc đang áp sát biên giới Việt–Trung. 

Từ Nhật về, Đặng chỉ thị tấn công Việt Nam vào ngày 17-2. Thời gian của chiến dịch không dài hơn cuộc chiến một tháng với Ấn Độ (1962); không gian của cuộc chiến sẽ tiến hành một cách hạn chế, trong phạm vi trên duới 50 cây số từ biên giới.

Bằng chứng Đặng sẽ trừng phạt Việt nam đã rõ như ban ngày, nhưng không hiểu vì sao phía Việt Nam tin rằng Trung Quốc là một nước XHCN anh em, và nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, sẽ không ủng hộ chiến tranh. Trung Quốc sẽ không tấn công, hoặc nếu có thì chỉ từ cấp sư đoàn đổ lại.

Thiếu tin tình báo, nhận định và phân tích tình hình sai, không nắm được thời điểm nổ súng, thời gian, không gian, và quy mô chiến dịch của đối phương, đã dẫn đến việc tướng Giáp không hề bố trí những quân đoàn chủ lực dọc biên giới. Tất cả phó thác cho dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, và một vài trung đoàn độc lập. 

Một thất bại về chiến thuật:

Kế hoạch hành quân của Trung Quốc chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: từ 17-2 đến 25-2, phá vỡ hàng phòng thủ đầu tiên của Việt Nam, làm chủ thị xã Cao Bằng, Lào Cai, và hai thị trấn Cam Đường và Đồng Đăng, để mở đường cho cuộc tấn công vào Lạng Sơn.

Giai đoạn 2: từ 26-2 đến 5-3, chiếm được thành phố Lạng Sơn, và hai thị trấn Sa Pa va Phong Thổ. 

Giai đoạn 3: từ 5-3 đến 16-3, bình định và phá hủy các căn cứ quân sự ở khu vực biên giới, trước khi rút về.
Ngày 21 tháng 2, khi chiến dịch đang diễn ra rất ác liệt, tuần dương hạm Sverdlov và khu trục hạm Krivak của Liên Xô đã tiến về bờ biển Việt nam. Cầu hàng không của Liên Xô giúp Việt Nam chở quân và vũ khí ra Bắc. Hai chuyến bay đặc biệt của Liên Xô và Bulgaria đã chở vũ khí tới Hà Nội.

Trước tình hình đó ngày 23-2-1979, Đặng sợ Liên Xô nhúng tay, nên lên tiếng về “cuộc chiến sẽ giới hạn trong vòng 50 km, và sẽ rút quân trong 10 ngày tới. Rõ ràng Trung Quốc không có ý định tấn công vào Hà nội. Họ chỉ ba hoa rằng “ăn sáng ở Lạng Sơn và ăn tối ở Hà Nội.”

Việt Nam lại tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, và Hà nội sẽ bị tấn công. Từ nhận định sai lầm này mà dẫn đến việc dồn hết công sức, và tâm trí vào việc xây dựng “Phòng Tuyến Sông Cầu”, để cố thủ Hà nội. 7 tỉnh biên giới gần như bị bỏ ngỏ, phải tự chiến đấu trong tuyệt vọng, tự gánh vác lấy sức nặng của cuộc chiến, không được chi viện. Trận chiến tại Đồng Đăng là một thí dụ: 

Đồng Đăng là một thị xã nằm sát biên giới Việt-Trung, cách thành phố Lạng Sơn 14 Km về phía Đông Nam. Trận đánh bắt đầu sáng 17-2 và là trận ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, thuộc sư đoàn Sao Vàng, QĐND.

Phía Trung Quốc dùng 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh, (Tương quan lực lượng là khoảng 10 đánh 1). Pháo đài Đồng Đăng tạo thế chân kiềng bảo vệ phía Tây Nam thị xã, (Pháo đài này được Pháp xây dựng rất kiên cố, vì ở đây đã diễn ra khá nhiều va chạm đẫm máu giữa Pháp và nhà Thanh trước đây)

Việt nam chỉ có 2 tiểu đoàn trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn. Lực lượng phòng thủ không hề được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được 22 ngày đêm. Cuối cùng HQTH cũng đã làm chủ được khu vực bên ngoài Pháo Đài, nhưng Trung Quốc không gọi được đối phương cố thủ bên trong ra đầu hàng. Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, phun chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn. Khi chiếm được Pháo đài Đồng Đăng, HQTH đã dùng 10 tấn thuốc nổ để phá hệ thống cố thủ này.

Việt Nam lúc đó đã có ít nhất 5 sư đoàn đang ở miền Bắc, trong đó có sư 308 – là một sư đoàn thiện chiến đã từng đánh ở Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Nếu 5 sư đoàn này được tham chiến vào buổi bình minh của cuộc chiến thì tình thế sẽ hoàn toàn có lợi cho phía QĐND. HQTH không thể tiến sâu vào lãnh thổ VN, không thể làm chủ được thời gian, không thể đạt được những những mục tiêu như họ muốn, và họ sẽ không có lý do gì để tuyên bố là “Chiến Thắng”. Đây là một sai lầm mang tính chiến thuật mà tướng Giáp và bộ tổng tham mưu của QĐND phải chịu trách nhiệm.

Một kết thúc mập mờ dẫn đến một sai lầm chiến lược:

Sau những ngày chiến đấu ngoan cường nhưng đơn độc của sư đoàn Sao Vàng trước một đối phương áp đảo về số lượng và hỏa lực, ngày 4-3-1979, Lạng Sơn thất thủ.

Sáng 5-3, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu của cuộc trừng phạt, chiến thắng vẻ vang, và quyết định rút quân.

Cùng ngày 5-3, Việt nam phát lệnh “Tổng Động Viên”. Những quân đoàn chủ lực của QĐND có xe tăng, pháo binh, và không quân từ chiến trường Campuchia trở về, cùng với một địa hình muôn vàn hiểm trở của núi rừng miền Bắc, Việt Nam đã vào vị trí vây hãm HQTH. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc phản kích, mà phần thắng sẽ thuộc về tay QĐND.

Nhưng tiếc thay, Việt Nam lại tuyên bố “Thiện Chí Hòa Bình”, rằng truyền thống ông cha ta… rằng lòng cao thượng… rằng lòng nhân đạo của dân tộc ta … , Việt Nam sẽ để cho HQTH rút quân an toàn.

Sự thực trên đường rút quân, HQTH vẫn chém giết, vơ vét, và phá hoại. Vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại Đổng Chú, huyện Hòa An, Cao Bằng là một thí dụ. HQTH đã dùng búa, dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, 20 trẻ em, và 2 người đàn ông, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc vứt hai bên bờ suối. HQTH có đủ thời gian và không gian để phá hoại hạ tầng cơ sở, chiếm giữ những điểm cao quan trọng, và gài lại hàng triệu trái mìn cá nhân trên đường rút lui. 

QĐND đã không tổ chức những trận đánh cấp tập, vu hồi, tạt sườn trên đường rút quân của HQTH. Kết thúc cuộc chiến một cách mập mờ, nửa vời, đánh rắn giữa khúc, nửa nạc nửa mỡ. HQTH coi thường ý chí và kinh nghiệm chiến đấu của QĐND, và còn mỉa mai rằng chưa được “vuốt râu cọp”. Họ không tôn trọng danh tiếng của một đạo quân thiện chiến.

Quyết định “Thiện Chí Hòa Bình” của Việt Nam hình như là một thái độ thủ hòa, nhưng hòa vào một thế vô cùng bất lợi. Từ đó, trong bất kỳ những cuộc thương thảo nào về biên giới, Trung Quốc luôn ở thế kẻ cả, áp đảo, và lấn lướt mà chúng ta thấy rất rõ. Đây là hệ luỵ từ sai lầm mang tính chiến lược do tướng Giáp và Bộ tổng tham mưu gây ra.

“Anh Đặng”

Đặng Tiểu Bình là người đã phát động cuộc chiến đẫm máu, man rợ, gây ra bao nhiêu đau thương và dẫn đến những hệ lụy cho đất nước Việt Nam nhiều năm sau đó. Đặng đã từng gọi lãnh đạo của Việt Nam là “những thằng du côn của phương Đông”, “lũ tiểu bá”, “đám vô ơn, bội bạc”.

Thế mà 10 năm sau, khi những vết thương trên thân mình Tổ Quốc vẫn còn đang chảy máu, ngày 3-9-1990, ba ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng bí mật đến Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hy vọng được yết kiến Đặng Tiểu Bình.

Đặng không gặp, để cho hai đàn em Giang Trạch Dân và Lý Bằng tiếp. Cả ba ông Linh, Mười, Đồng rất tiếc vì đã không gặp được “anh Đặng”. Ông Võ Văn Kiệt ở nhà cũng tiếc hùi hụi, phàn nàn rằng “nếu có anh Đặng, thì anh Tô (Đồng) mới nên đi.”

Kẻ tử thù của của nhân dân Việt nam, nay được các nhà lãnh đạo Việt Nam gọi bằng “ANH” thân thiết quá. 
Cũng khoảng thời gian đó, tướng Giáp đến thăm Trung Quốc, và xin được gặp tướng Dương Đắc Chí – tổng tư lệnh trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979. Nhưng Dương tướng quân từ chối, nói: 

“Đời nào tôi lại gặp ông ta. Mộ của các cán bộ chiến sĩ vẫn còn chưa xanh cỏ!”

Chỉ vài thông tin để các bạn thấy được cái gọi là “Đại trí, Đại nhân, Đại dũng” của những lãnh tụ cộng sản Việt Nam, trong đó có Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

(Trong bài này tôi có tham khảo tài liệu của các tác giả Bùi Tín, Trần Quang Cơ, Trần Vũ,

Trần Hồng Tâm

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt