Đức Phật: Tâm điểm của sự đối đầu Trung Hoa – Ấn Độ

Không chỉ đối đầu trên các vấn đề biên giới, năng lượng và trên lãnh hải, cuộc cạnh tranh Trung – Ấn giờ còn lan sang cả lĩnh vực tinh thần: Tranh giành ảnh hưởng lên cộng đồng Phật giáo trong khu vực châu Á và bên ngoài. Chủ đề này được tờ phụ san địa chính trị của báo Le Monde ở Pháp đề cập đến qua bài phân tích hấp dẫn đề tựa “Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau xung quanh tượng Phật”.

Theo Le Monde, giờ đây “quyền lực mềm” đang là một mặt trận mới giữa hai cường quốc châu Á, mà Phật giáo chính là một tiềm lực không một lãnh đạo châu Á nào có thể bỏ qua. Ấn Độ có Liên đoàn Phật giáo Quốc tế IBC (viết tắt từ International Buddhist Confederation) mà đại hội vừa diễn ra từ ngày 09/09 cho đến 12/9 vừa qua tại New Dehli, quy tụ nhiều phái đoàn đến từ 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Học viện Phật giáo tại Sắc Đạt (Sêrtar), tỉnh Tứ Xuyên. RFI/Emmanuel Damien

Nhưng cách đây bảy năm (2006), Trung Quốc đã cho mở Diễn đàn Phật giáo Thế giới WBF (viết tắt từ World Buddhist Forum) tại Hàng Châu, phía nam Thượng Hải. Một công cụ giúp Bắc Kinh tìm cách tán tỉnh cộng đồng Phật giáo. Điển hình cách đây khoảng một chục năm, nhiều chương trình trưng bày « xá lợi » Phật đã được tổ chức tại Trung Quốc hay Hồng Kông.

Nhìn trên tổng thể, WBF của Trung Quốc thu được nhiều thành công hơn là IBC Ấn Độ mà nguyên nhân chính nằm ở vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc muốn thông qua WBF để tạo tính chính đáng cho vị Ban thiền Lạt Ma, người ủng hộ Bắc Kinh và khẳng định Tây Tạng là thuộc về Trung Quốc. Chỉ có điều, nhân vật do Bắc Kinh đưa lên lại bị cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, và những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma phản đối dữ dội.

Qua WBF, Trung Quốc muốn phô trương thanh thế là quốc gia có cộng đồng Phật giáo đông nhất hành tinh. Đổi lại, Ấn Độ tự hào là nguồn cội của đạo Phật. Tuy nhiên, niềm tự hào của Ấn Độ lại khiến cho quốc gia lân bang là Nepal cảm thấy phật lòng, vì Đức Phật vốn dĩ được sinh ra và lớn lên tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini), địa danh thuộc một quận biên giới Nepal.

Tuy nhiên, bài viết công nhận rằng tại Ấn Độ vẫn còn nhiều vết tích về các chuyến hành hương của Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Và Ấn Độ bắt đầu đổ tiền của vào để phát triển ngành du lịch hành hương tại nước mình.

Chính trên lãnh vực này diễn ra trận đấu tay đôi giữa Bắc Kinh và New Dehli. Năm 2011, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, thân chính quyền Bắc Kinh – Asia Pacific Exchange and Cooperation Foundation (APECF) – đã đề nghị với chính quyền Nepal cho đầu tư ba tỷ đô la nhằm phát triển khu vực Lâm Tỳ Ni.

Trong con mắt của chính quyền New Dehli, tham vọng đầu tư của Bắc Kinh vào Lâm Tỳ Ni, một thánh địa có uy tín nhất của Phật giáo, nằm cách biên giới Ấn chỉ có vài km, rõ ràng một thách thức lớn về địa chính trị.

Ấn Độ nghi ngờ là một khi dự án được hoàn tất, Bắc Kinh sẽ thu phục được ảnh hưởng cộng đồng tu sĩ tại Hy Mã Lạp Sơn. Đồng thời hậu quả có thể có là khả năng kiểm soát cả khối cộng đồng người Tây Tạng di tản một khi đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời.

Cuối cùng, bài viết trích dẫn nỗi lo lắng của vị quan chức cao cấp về hưu cho rằng  “Thông qua Lâm Tỳ Ni, Trung Quốc có nguy cơ gầy dựng cột thứ năm ngay trước cửa nhà Ấn Độ”. Giờ đây, “Lâm Tỳ Ni đã trở thành tâm điểm” của cuộc đấu lớn Trung – Ấn, theo như nhận xét của một vị chức sắc Phật giáo Nepal.

Chỉ có điều tâm điểm này lại quá nóng bỏng, báo Le Monde kết luận.

Minh Anh

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt