Đồng minh Châu Á của Mỹ hy vọng TPP kềm hãm được Trung Quốc

Bộ trưởng thương mại Nhật Akira Amari họp báo trong lúc nghỉ giải lao tại cuộc đàm phán TPP tại Atlanta hôm 3/10/2015

Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã được chào đón như là một chiến thắng của Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại châu Á. Theo nhận định của nhật báo Mỹ The New York Times vào hôm 06/10/2015, các đồng minh và thân hữu của Mỹ tại Châu Á đang hy vọng rằng TPP có thể biến thành đối trọng với những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không chỉ trên mặt thương mại mà cả trong những lãnh vực khác, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo các nhà phân tích, TPP hiển nhiên không thể làm xoay chuyển thực tế là Trung Quốc vẫn là nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn hầu hết tất cả các quốc gia công nghiệp phát triển. Thế nhưng nó lại là một biểu tượng quan trọng của việc Mỹ duy trì được quyền lực ở châu Á.

Ông Eswar S. Prasad, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Cornell, nguyên lãnh đạo bộ phận phụ trách Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định là việc TPP được thông qua “ít ra là đã tạm thời ngăn chặn được đà sút giảm dường như không gì cưỡng lại được của ảnh hưởng của Mỹ, và sự gia tăng tương ứng của ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á”.

Kể từ năm 2011, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại Úc rằng Hoa Kỳ sẽ đóng một “vai trò lớn hơn và lâu dài” trong việc định hình khu vực châu Á, các đồng minh của Mỹ đã nôn nóng chờ đợi kết quả. Trong một thời gian dài, chính sách “xoay trục” qua Châu Á của Mỹ dường như chỉ là nằm dưới dạng lời nói, với mục tiêu là chống lại Trung Quốc.

Ngay cả sau khi Washington đã khẳng định rằng trọng tâm mới của họ là Châu Á, bạn bè của Mỹ trong khu vực vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thậm chí một số nước còn ký hiệp định thương mại với Trung Quốc sau khi Mỹ loan báo chủ trương xoay trục, và xem Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Một ví dụ là Úc, tháng Sáu vừa qua đã ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, cho dù chưa đưa văn kiện này qua Quốc hội để phê chuẩn.

TPP là một vấn đề “an ninh quốc gia”

Theo The New York Times, có lẽ chính vì nghịch lý như vừa kể mà cả Hoa Kỳ lẫn một số nước châu Á đã cố trình bày thỏa thuận TPP như là một vấn đề thuộc phạm trù “an ninh quốc gia”, để chống lại Trung Quốc, chứ không đơn thuần là một vấn đề kinh tế.

Hãng tin Bloomberg vào hôm qua đã nhấn mạnh ý nghĩa này khi cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có tác dụng củng cố thêm vai trò của Mỹ trong chiến lược xoay trục qua châu Á và tăng cường sức ép trên Trung Quốc để nước này chấp nhận các quy tắc mà Hoa Kỳ đề ra trong vấn đề kinh doanh.

Lý do rất đơn giản : Một khi có hiệu lực, TPP sẽ mang lại cho Mỹ những đối tác thương mại gần gũi hơn, nghĩa là những người bạn thân thiết hơn, tại vùng châu Á Thái Bình Dương, có nền kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Trung Quốc có thể sẽ bị buộc phải đi theo các chuẩn mực do Mỹ quy định nếu không muốn bị thua thiệt.

Trong phát biểu đầu tiên của mình sau khi TPP được thông qua, Tổng thống Mỹ không hề che giấu : “Khi có đến hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các nước như Trung Quốc viết ra các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu”.

Tóm lại, với TPP được thông qua, chính sách xoay trục qua Châu Á của chính quyền Obama coi như đã được hoàn chỉnh bằng thành tố kinh tế, cho đến nay vẫn còn thiếu. Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng đối với ông, TPP cũng quan trọng như một chiếc hàng không mẫu hạm khác trên Thái Bình Dương.

Trọng Nghĩa (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt